Cây mồng tơi

Cẩm nang cây mồng tơi (Basella alba L.), các loại giống rau mồng tơi, hướng dẫn cách trồng và chăm sóc, diệt trừ sâu bệnh hại, tác dụng của rau tầm tơi với sức khỏe và các bài viết liên quan...
Tên tiếng anh/Tên khoa học: Basella alba L.

Tên tiếng Anh: Red vine spinach, Creeping spinach, Climbing spinach, Indian spinach, Asian Spinach.

1. Nguồn gốc, phân bố

Mồng tơi hay mùng tơi (Basella alba L.) là loài thực vật có kiểu quang hợp theo chu trình C4, có số nhiễm sắc thể 2 n = 44 hoặc 48, thuộc họ Mồng tơi (Basellaceae). Loài cây này có nguồn gốc ở các nước Nam Á, lan tỏa và mọc hoang ở nhiều nước Châu Á nhiệt đới và được trồng ở Châu Á, Châu Phi, Nam Mỹ và còn phát triển đến vùng ôn đới thuộc Châu Á và Châu Âu.

Phân bố phổ biến ở Châu Phi, quần đảo Ăngti, Braxin và Châu Á (Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam). Ở Việt Nam, cây mọc hoang và được trồng khắp nơi.

Thường gặp ở ven rừng, trên đất ẩm, trong các đất trồng trọt từ vùng thấp tới vùng cao.

Cây được trồng ở phần lớn các vùng nhiệt đới để lấy lá và ngọn làm rau ăn và quả mọng có khi được dùng để nhuộm màu thực phẩm.

Tại Châu Phi nhiệt đới, nó phổ biến nhất trong khu vực ấm áp, ẩm ướt và trở thành quý hiếm đối với các bộ phận khô hoặc lạnh lẽo của châu lục này.

2. Mô tả sơ bộ về cây Mồng tơi (mùng tơi, tầm tơi)

Đây là loại dây leo quấn, mập và nhớt, sống hàng năm hay hai năm, thân nhẳn bóng có màu xanh hay tím.

Thân và lá mồng tơi

Thân và lá mồng tơi

Rễ chùm mọc sâu trong đất, thích hợp trên đất tơi xốp.

Lá dày hình tim, mọc xen, đơn, nguyên, có cuống.

Hoa mồng tơi

Hoa mồng tơi

Cụm hoa hình bông mọc ở kẽ lá, màu trắng hay tím đỏ nhạt.

Quả mồng tơi

Quả mọng, nhỏ, hình cầu hoặc trứng, dài khoảng 5–6 mm, màu xanh, khi chín chuyển màu tím đen.

Cây mồng tơi mọc nhanh, dây có thể dài đến 10 m.

3. Các giống mồng tơi

  • Mồng tơi trắng

Phiến lá nhỏ, thân mảnh, thân và lá có màu xanh nhạt

Cây mồng tơi trắng

Cây mồng tơi trắng

  • Mồng tơi tía

Phiến lá nhỏ, thân và gân lá có màu tím đỏ

Mồng tơi tía

Cây mồng tơi tía

  • Mồng tơi lá to

Phiến lá to, là dày, màu xanh đậm, thân mập

Mồng tơi lá to

Mồng tơi lá to

3. Thời vụ trồng (dương lịch) cây mồng tơi

Miền Bắc mồng tơi trồng chủ yếu trong vụ xuân và thu hoạch suất vụ hè. Gieo trồng từ đầu tháng 3 đến tháng 5, thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 9

Miền nam cây mồng tới có thể trồng được quanh năm, tốt nhất đầu mùa mưa

4. Thành phần hóa học trong cây rau mồng tơi

Theo tài liệu của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA, 2002) trong 100 g phần tươi ăn được của rau mồng tơi có chứa: nước 93 g; năng lượng 79 kJ (19 kcal ); 1,4% glucid; 2,5% xơ; 0,9% tro; protein 1,8 g; chất béo 0,3 g; Ca 109 mg; P 52 mg; Fe 1,2 mg;vitamin A 8000 IU; thiamin 0,05 mg, riboflavin 0,16 mg; niacin 0,50 mg; folate 140 mg; acid ascorbic 102 mg. 

So sánh với các loại rau ăn lá khác thì rau mồng tơi có độ ẩm cao hơn.

Ngoài ra trong lá rau mồng tơi còn có chứa các chất oligoglycosides, một số triterpene loại oleanane, bao gồm basellasaponins, betavulgaroside I, spinacoside C và momordins. 

Trong hạt rau mồng tơi có chứa 2 peptide kháng nấm và ribosome-khử hoạt tính các protein, có hoạt tính kháng virus đã được phân lập từ hạt giống. 

5. Công dụng, tác dụng của cây mồng tơi

Lá và đọt thân non của mồng tơi thường được dùng để nấu canh ăn mát và có tính nhuận trường. Nước ép từ quả dùng trị đau mắt. Tại Trung Quốc có nơi người ta dùng rau mồng tơi giã nát đắp chữa vú sưng, nứt, giải độc.

  • Lá và đọt non của rau mồng tơi dùng làm rau

Do co giá trị dinh dưỡng cao, không độc, dể trồng nên Tổ chức FAO khuyên trồng rau mồng tơi trong các ô rau dinh dưỡng gia đình ở các nước đang phát triển.

Ở Việt nam và nhiều nước Châu Á, Châu Phi dùng rau mồng tơi mọc hoang hoặc trồng trong các món canh để ăn với cơm.

Do rau mồng tơi có độ nhớt cao nên không được dùng để ăn sống mà chỉ được dùng chín.

Các món ăn từ rau mồng tơi ở Việt nam gồm có:

- Rau mồng tơi luộc: Đơn giản cho rau mồng tơi vào nước sôi, đun vừa chín sẽ có món rau mồng tơi luộc. Có thể luộc riêng hoặc chung với nhiều loài rau khác.

- Rau mồng tơi nấu canh: Rau mồng tơi có thể nấu riêng hoặc với nhiều loại rau khác. Có thể là canh chay (với đậu hủ, nấm…) hay nấu với thịt, cá…

Canh mồng tơi nấu tôm

Canh mồng tơi nấu tôm

- Rau mồng tơi dùng để nhúng lẫu: Rau mồng tơi được dùng để nhúng các món lẩu ngọt, thịt hầm…

Ở Việt Nam và các nước vùng Đông Nam Á ăn cơm là chính nên rau mồng tơi rất thích hợp để nấu các món canh ăn với cơm. Lá và thân non của cây mồng tơi thường được dùng để nấu canh ăn mát và có tính nhuận trường.

Ở Châu Phi món súp rau mồng tơi là món ăn truyền thống bản địa. Người Châu Âu đến sống ở Châu Phi chọn rau mồng tơi thay thế cho rau bina và họ đặt tên cho rau mồng tơi là rau bina Tích Lan. Đọt non của rau mồng tơi dùng trong các món súp được dùng để thay thế cho rau xà lách bắp (Valerianella locusta (L.) Laterr). 

  • Công dụng của quả mồng tơi

Ở một số nước Châu Phi và Nam Á quả chín của cây mồng tơi đã được sử dụng để nhuộm, nước ép quả màu đỏ có thể được sử dụng như mực in, mỹ phẩm và chất màu thực phẩm. 

  • Các bộ phận của cây mồng tơi được dùng làm thuốc.

+ Theo Đông y 

Mồng tơi có tính hàn, vị chua, tán nhiệt, mát máu, lợi tiểu, giải độc, làm nhuận da, hoạt trường, không độc. Dùng mồng tơi có tác dụng giải độc, thanh nhiệt, hoạt tràng, chữa đại tiện bí kết, đại tiện xuất huyết, tiểu tiện khó, đái nhỏ giọt, đái dắt, chữa kiết lỵ hiệu quả. (theo Lương y Huyên Thảo -Hà Nội).

Theo Nam dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh còn có tác dụng hoạt thai làm dễ đẻ.

Cả Đông và Tây y đều khẳng định loại rau này có tác dụng nhuận tràng.

- Ở các nước vùng Đông Nam Á: Mồng tơi thường được dùng làm thức ăn như rau cho người bị táo bón, người đi đái ít và đỏ, phụ nữ đẻ xong ít sữa. Dùng tươi giã đắp vú sưng đau. Hạt dùng sắc lấy nước rửa chữa đau mắt. Còn dùng tán bột hòa với mật ong bôi lên mặt cho da được mịn màng, hoặc dùng thoa trị rôm sẩy.

Ở Thái Lan, lá được dùng trị bệnh nấm đốm tròn; hoa dùng trị bệnh nấm lang ben; rễ nhuận tràng và dùng ngoài trị sự biến màu của da tay, chân và dùng trị gàu; quả dùng làm thuốc nhuộm màu thức ăn.

- Ở Trung Quốc, toàn cây được dùng làm thuốc trị lỵ, đại tiện bí kết, viêm bàng quang, viêm ruột thừa; dùng ngoài trị gãy xương, đòn ngã tổn thương, ngoại thương xuất huyết, bỏng lửa. Có nơi người ta dùng rau mồng tơi giã nát đắp chữa vú sưng, nứt, giải độc.

- Ở Ấn Độ, người ta dùng lá trong điều trị bệnh lậu và viêm quy đầu. Dịch lá dùng trị mề đay và trong trường hợp táo bón, bệnh lỵ, nhuận tràng, nhất là ở trẻ em và phụ nữ có thai. Dùng rể cây mồng tơi đun lấy nước trị tiêu chảy. Hoa mồng tơi đun làm thuốc giải độc, lợi tiểu, giải nhiệt.

- Ở Nepal dùng lá mồng tơi giả nát để trị bỏng.

- Ở Kenya, các lá được sử dụng để chữa bệnh đau dạ dày và táo bón sau khi sinh con, lá giả nhuyễn được dùng đắp thuốc lên chổ sưng để trị vết loét. 

- Ở Đông Phi, thân, lá mồng tơi được làm thức ăn cho vật nuôi để tăng sản xuất sữa.

+ Theo Tây Y

Các nghiên cứu còn cho thấy nó giúp thải chất béo, tốt cho người có mỡ và đường máu cao.

Trong mồng tơi chứa chất nhầy pectin rất quý để phòng chữa nhiều bệnh, làm cho rau mồng tơi có tác dụng nhuận tràng, thải chất béo chống béo phì, thích hợp cho người có mỡ và đường cao trong máu. Tác dụng trừ thấp nhiệt, làm cho người lao động ngoài trời nắng nóng duy trì được sức khỏe, phòng chống bệnh tật như mỏi mệt háo khát, bứt rứt. (Theo BS. Phó Thuần Hương-SK&ĐS).

Nguồn: Admin tổng hợp
DMCA.com Protection Status