Bón phân cho cây ăn quả (phần 2)

3. Bón bùn mương cho cây ăn quả

Về mặt dinh dưỡng cây trồng mà nói thì lợi thế trong canh tác cây ăn quả trên đất liếp ở ĐBSCL là mương vườn có chứa một lượng bùn rất đáng kể. Bùn đáy mương chứa nhiều xác bã hữu cơ và phù sa có nhiều dưỡng chất có thể sử dụng để bón cho đất liếp. Xác bã thực vật là cành lá của cây trái và cỏ dại trên liếp rửa trôi xuống mương do mưa hay tưới nước. Còn phù sa từ sông rạch theo nước tưới đi vào mương vườn; Hàm lượng dưỡng chất có trong phù sa khá nhiều như: 0,1% N; 0,1% P2O5; 3,9% K2O; 0,57% CaO; 1, 72% MgO; 63,5% SiO2, 13,53% Al2O3; 5,64% Fe2O3; 0,09% MnO. Lượng phù sa có nhiều nhất là vào đầu mùa nước nổi. Để phù sa vào mương vườn được nhiều phải thiết kế vườn có 2 cống bọng đặt ở 2 đầu vườn, một đặt ở đầu nguồn nước để lấy nước vào và một ở cuối nguồn để thoát nước ra.

Bón bùn đáy mương cho liếp cây ăn quả được thực hiện trong mùa nắng, một đến 2 năm/lần tùy thuộc vào lượng bùn có ở đáy mương. Sau khi rút nước cạn mương vườn, bùn đáy mương được đưa lên liếp bằng gàu hay máy bơm bùn làm thành một lớp mỏng khoảng 2-3 phân đều trên mặt liếp (Hình 2). Không bồi quá dầy hay bồi trong mùa mưa dễ làm cho đất thiếu oxy. Chỉ lấy phần đất bùn nhão ở đáy mương đưa lên liếp mà thôi, không chạm đến tầng đất cứng ở đáy mương, vì thường tầng đất nầy có chứa vật liệu sinh phèn, khi đưa lớp đất này lên liếp gặp không khí sẽ oxy hóa thành phèn hoạt động hại rễ.

Bón phân cho cây ăn quả 2

Hình 2. Sử dụng bùn đáy mương bón cho liếp vườn cây ăn quả: (a) Dùng gàu đưa bùn đáy mương lên liếp và (b) Mặt liếp sau khi bón bùn đáy mương

4. Bón phân hóa học cho cây ăn quả

Trong điều kiện trồng cây thâm canh, để có năng suất và chất lượng cao, cây ăn quả cần phải được bón phân hóa học mới đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho cây. Bón phân hóa học cho cây ăn quả tùy thuộc vào các yếu tố sau đây:

K, N, Ca; Đất nhiều cát cần bón nhiều K, Ca, Mg; Đất phù sa cổ cần bổ sung tất cả các chất dinh dưỡng; Đất nhiều hữu cơ cần bón nhiều Cu, Zn.

4.1. Bón phân hóa học cho cây còn tơ (cây ăn quả giai đoạn cây con)

Cây tơ cần được bón phân thường xuyên để ra đọt non liên tục, tạo khung tán lớn, mau thuần thục, cho quả sớm. Mỗi năm có thể bón từ 4-6 lần phân. Dưỡng chất N, P, và K được bón theo tỷ lệ 3:2:1 bằng cách trộn 3 phần urê + 3 phần DAP + 1 phần KCl, hoặc sử dụng phân “Đầu Trâu TE+Agrotain” hay NPK Đầu Trâu 20-20-15+TE với liều lượng từ 50-200 g/cây/lần bón tùy theo loại cây và tuổi cây.

4.2. Bón phân hóa học cho cây trưởng thành

* Bón phân hóa học cho cây ăn quả ở giai đoạn sau khi thu hoạch quả.

Bón phân ở giai đoạn này là để cây phục sức, nuôi cành lá mới chuẩn bị cho vụ tiếp theo. Ngay sau khi thu hoạch, cần cắt tỉa để kích thích cây ra chồi mới mập, khỏe, tập trung, tán cây thông thoáng nhận đầy đủ ánh sáng và gió, cây ít sâu bệnh. Do đó, sau mỗi kỳ thu hoạch quả để giúp cây ra đọt mới chuẩn bị cho vụ sau, cần phải cắt tỉa những cành đã ra quả, cành không ra hoa vụ trước, cành ốm yếu, cành vượt trong tán, cành bị sâu bệnh. Đồng thời tỉa cành kết hợp với sửa tán khi cành quá dài và tán cây quá lớn. Khoảng vài năm nên cắt sửa tán một lần, cắt bỏ tối đa 25% số cành trong tán. Dùng kéo cắt tỉa những cành nhỏ, dùng cưa cắt những cành lớn.

Sau khi cắt tỉa, xới đất thành băng xung quanh gốc theo hình chiếu của tán, rộng khoảng 50 cm và sâu khoảng 10 cm. Nếu liếp trồng hai hàng cây và cây đã giáp tán thì xới một băng dài ngay giữa liếp và những băng xương cá giữa 2 cây trên hàng. Tiến hành bón phân vào những băng đã xới. Ba dưỡng chất đa lượng N, P và K bón cho cây giai đoạn này có tỷ lệ N cao nhất (2:1,5:1) bằng cách trộn 2 phần urê + 2 phần DAP + 1 phần KCl, hoặc bón phân “Đầu Trâu AT1” với liều lượng từ 2-3 kg/cây tùy theo tuổi và loại cây. Sau khi bón phân phải tưới nước thường xuyên để cây ra đọt non.

* Bón phân hóa học cho cây ăn quả ở giai đoạn trước khi ra hoa

Khoảng 1-2 tháng trước khi cây ra hoa tiến hành bón phân lần thứ 2, nhằm mục đích để những lá đang phát triển mau trưởng thành, không cho chồi mới mọc gây cạnh tranh dinh dưỡng và cũng để kích thích sự phân hóa mầm hoa. Dưỡng chất N, P và K bón cho cây giai đoạn này có tỷ lệ P cao nhất (có tỷ lệ 1:3:2) bằng cách trộn 2 phần DAP + 1 phần KCl; hoặc bón phân “Đầu Trâu AT2” với liều lượng từ 1-2 kg/cây tùy theo tuổi và loại cây. Sau khi bón phân phải tưới đẩm để kích thích cho cây phân hóa mầm hoa.

* Bón phân hóa học cho cây ăn quả giai đoạn đậu quả và quả phát triển

Bón phân ở giai đoạn đậu quả là nhằm hạn chế rụng quả non, còn bón phân lúc quả phát triển là để gia tăng kích thước và chất lượng quả, vì đây là giai đoạn quả tích lũy chất dinh dưỡng. Dưỡng chất N, P và K bón cho cây ở giai đoạn nầy có tỷ lệ K cao nhất (tỷ lệ 1:1:1,5) bằng cách trộn 1 phần urê + 2 phần DAP + 2 phần KCl, hoặc bón phân “Đầu Trâu AT3” với liều lượng từ 2-3 kg/cây. Kali là chất của chất lượng, bón nhiều kali là để tăng cường sự chuyển vận sản phẩm quang hợp từ lá vào quả.

Nguồn: GS.TS Nguyễn Bảo Vệ
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status