Biện pháp giảm sự rụng hoa, quả và quả lép trên cây đậu tương (đậu nành)

Cây trồng liên quan: Cây đậu tương (đậu nành)

Đậu tương có đặc điểm ra hoa rất nhiều, nhưng tỷ lệ rụng hoa rất lớn có khi tới 80%, tỉ lệ đậu quả chỉ 20%. Theo Weder: "Đậu tương rụng hoa khoảng 67% nếu cả 4 loại: hoa, quả nụ và quả lép đến tới 80%". Tỉ lệ này được phân bổ cụ thể: nụ 13%, hoa 56%, quả 24,8% và quả lép là 10%.

Đặc điểm của sự rụng hoa và quả trên cây đậu tương (đậu nành):  

- Hoa rụng chủ yếu là những hoa ra trước hoặc sau đợt hoa rộ. 

- Giống sinh trưởng về sau mạnh thì rụng nhiều, giống sinh trưởng vô hạn thì tỉ lệ rụng hoa nhiều hơn giống sinh trưởng hữu hạn. 

- Hoa quả ở đỉnh và ở gốc rụng nhiều hơn ở giữa, quả ở cành rụng hơn nhiều ở thân.  - Hoa thường rụng từ ngày thứ nhất đến ngày thứ 7 sau khi hoa nở.

Nguyên nhân của rụng hoa và quả trên cây đậu tương (đậu nành):

Do đặc tính di truyền của giống: Các giống khác nhau thì tỉ lệ rụng hoa quả lép khác nhau, tức là rụng hoa quả là một đặc tính di truyền của các giống đậu tương. 

Do các nguyên nhân sinh lý: Tỉ lệ rụng hoa quả ở đậu tương cao do thiếu dinh dưỡng.  

- Những hoa sau đợt hoa rộ bị rụng nhiều vì hoa ra vào thời kỳ rộ là đợt hoa chính nên dinh dưỡng được tập trung vào đó còn những hoa ra sau đợt hoa rô do thiếu dinh dưỡng cho nên rụng nhiều. 

- Giống sinh trưởng hữu hạn ít rụng hoa hơn giống sinh trưởng vô hạn là vì giống sinh trưởng vô hạn thân lá phát triển nhiều, nên dinh dưỡng tập trung cho thân lá làm cho hoa thiếu dinh dưỡng, do vậy hoa sẽ bị rụng nhiều. 

- Hoa ở đỉnh và những hoa ở phía gốc rụng nhiều hơn ở phần giữa là do lá ở phía dưới bị che phủ, còn lá ở phía trên phát triển chưa hoàn chỉnh, mặt khác diện tích các lá gốc và ngọn thấp hơn tầng lá giữa cho nên quang hợp kém hơn các lá ở giữa, cho nên rụng hoa quả nhiều hơn tầng lá giữa. 

* Do điều kiện đất đai: Các loại đất khác nhau thì tỉ lệ rụng hoa khác nhau, ta thấy đất tốt tỷ lệ rụng hoa thấp hơn đất xấu, do đất xấu không cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây nên hoa bị rụng nhiều. Dinh dưỡng không cân đối hoa quả cũng bị rụng nhiều.  

* Do điều kiện khí hậu: Đậu tương ra hoa cần nhiệt độ cao 25-28oC, khi chín cần nhiệt độ 21-23oC, và ẩm độ khoảng 80% nếu cả nhiệt độ và ẩm độ đều quá cao hoặc quá thấp, quá trình thụ phấn và thụ tinh sẽ không được xẩy ra bình thường hoa quả sẽ rụng nhiều và quả lép tăng lên.  * Các nguyên nhân khác:  Các biện pháp kỹ thuật: các biện pháp kỹ thuật như mật độ và thời vụ gieo trồng không thích hợp hoặc bón phân không cân đối đầy đủ thì tỉ lệ rụng hoa và rụng quả trên cây đậu tương sẽ cao. 

- Sâu bệnh: Sâu chủ yếu hại bộ lá rồi phá trực tiếp đến quả non. Bệnh chủ yếu phá hại bộ lá và các mạch dẫn ở lá cũng như thân. Cho nên khả năng tạo thành và vận chuyển chất hữu cơ từ thân lá về cơ quan sinh sản kém làm tăng tỷ lệ rụng hoa quả. 

Nguyên nhân quả lép:

- Dinh dưỡng: Chủ yếu là do chất dinh dưỡng vì trở ngại nào đó không vận chuyển liên tục đến hạt. Có thể do dinh dưỡng không đủ như thiếu lân và kali thì đạm vận chuyển về hạt kém nên bị quả lép. 

- Do giống: Giống thấp cây, thưa cành, thời gian sinh trưởng ngắn thì tỷ lệ quả lép ít. 

Những giống ra hoa hữu hạn thì những chùm quả ở gốc cây hay bị lép. Những giống vô hạn thì những chùm quả ở phía ngọn hay bị lép. 

- Sâu bệnh phá hoại cũng là một nguyên nhân dẫn đến quả lép.

Những biện pháp khắc phục sự rụng hoa, quả và quả lép trên cây đậu tương (đậu nành):

Căn cứ vào những nguyên nhân ta có thể dùng các biện pháp sau đây để hạn chế:  

- Chọn giống có tập tính ra hoa hữu hạn và sinh trưởng cân đối có góc độ phân cành, góc độ lá với thân nhỏ. 

- Bón phân đầy đủ cân đối 3 nguyên tố chính: NPK và chú trọng bón lót, trường hợp thiếu có thể bón thúc hoặc phun bổ sung lên lá trước khi cây ra hoa. 

- Gieo trồng với mật độ hợp lý.

- Với những giống sinh trưởng vô hạn có thể bấm ngọn kịp thời để phân cành sớm tập trung dinh dưỡng để nuôi hoa quả. 

- Gieo trồng đúng thời vụ làm sao khi ra hoa không gặp mưa và gặp gió nóng, nếu gặp hạn cần phải tưới kịp thời. 

- Kịp thời phòng trừ sâu bệnh, phòng là chính phun theo dự tính dự báo. 

Nguồn: Trần Văn Điền - Đại học Nông Lâm Thái Nguyên
Xem thêm chủ đề: đậu tương, đậu nành
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status