Bị 'sờ gáy', hàng chục cơ sở sản xuất phân bón lộ sai phạm
Thiết bị máy móc sản xuất phân bón của Công ty Ba Miền- một công ty sản xuất phân bón không có giấy phép
Qua nguồn tin tố giác tội phạm về hoạt động sản xuất phân bón không phép nằm dọc kênh Xáng, đường Mai Bá Hương, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã lên kế hoạch phối hợp các lực lượng kiểm tra, xử lý vi phạm.
Đầu tháng 10-2016, Ban Chỉ đạo 389 TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng Phòng PC46, Phòng PC49, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Đoàn liên ngành Trung ương tiến hành kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón của Chi nhánh Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Thuận Nông Phát (tại địa chỉ B14/284, Thế Lữ, ấp 2, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh). Qua kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận tại đây có hoạt động sản xuất phân bón nhưng không có giấy phép sản xuất; chưa xuất trình được sổ đăng ký chứa nguồn thải, chất thải nguy hại. Ngoài ra, hàng hóa thành phẩm gồm 5 danh mục hàng hóa các loại như DAP Rocket, DAP Green, Lân Canxi hạ phèn, DAP Plant, phân hữu cơ, với tổng trọng lượng 235 tấn. Tiếp đó, Đoàn kiểm tra đã lấy 5 mẫu phân bón để thử nghiệm, giám định chất lượng.
Tiếp tục kiểm tra tại Chi nhánh Công ty TNHH MTV Phân bón Phú Định (có địa chỉ G8/2, Trần Văn Quá, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh), Đoàn công tác nhận thấy hàng hóa có nguồn gốc nước ngoài không có hóa đơn chứng từ 1.286 bao (36.032kg) phân bón các loại; hàng hóa không thực hiện ghi nhãn theo quy định có 4 danh mục phân bón nhãn hiệu UMAT 83 bao (2.075kg). Tiếp đó, Đoàn kiểm tra đã lấy 4 mẫu phân bón để thử nghiệm, giám định chất lượng.
Từ kết quả kiểm tra ban đầu đối với 2 cơ sở sản xuất phân bón, Đoàn liên ngành Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và địa phương mở rộng kiểm tra trên toàn huyện Bình Chánh để đánh giá quy mô, mức độ vi phạm đối với các cơ sở sản xuất phân bón. Đồng thời, Ban Chỉ đạo 389 TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo lực lượng chức năng tổng kiểm tra toàn bộ hoạt động sản xuất phân bón trên địa bàn huyện Bình Chánh từ 5-10-2016 đến 31-10-2016.
Kết quả, Đoàn kiểm tra liên ngành Ban Chỉ đạo 389 TP. Hồ Chí Minh đã tiến hành kiểm tra đối với 34 cơ sở. Trong đó, có 33/34 cơ sở có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, 1 không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và phát hiện nhiều sai phạm. Trong đó, có 9 trường hợp sản xuất phân bón không có giấy phép (gồm: Công ty CP Hóa chất và Phân bón Ba Miền; Công ty CP Quốc tế nông nghiệp Nhật Đức; Chi nhánh Công ty Cổ phần phân bón Nam Việt; Công ty TNHH SX TM DV Bốn Mùa và Chi nhánh; Công ty Cổ phần phân bón Thiên Phước; Công ty TNHH hóa sinh nông nghiệp Lạc Hồng; Chi nhánh Công ty TNHH phân bón Kiến Vàng; Công ty CP XNK Osaka Nhật Bản; Chi nhánh Công ty TNHH SX TM Thuận Nông Phát) đoàn công tác xử phạt 5 trường hợp, đình chỉ hoạt động kinh doanh theo quy định; 4 trường hợp đang tiếp tục xác minh, làm rõ.
Đối với 12 trường hợp sản xuất phân bón có giấy phép qua kiểm tra vẫn còn nhiều sai phạm nghiêm trọng về môi trường như: Công ty Sumo, Công ty Thuận Phát Long An, Công ty Thiên Ngưu, Công ty An Phú Thịnh, Công ty Đại Nam… Trong số này có 5 trường hợp vi phạm về hợp quy, xếp, để sản phẩm phân bón tiếp xúc trực tiếp với nền nhà xưởng, mặt đất mà không kê lên kệ, không có quy trình vận hành tại vị trí các dây chuyền sản xuất trong nhà xưởng sản xuất.
Qua kiểm tra, thường trực Ban Chỉ đạo 389 TP. Hồ Chí Minh nhận thấy, về ghi nhãn hàng hóa đối với phân bón hiện nay của một số DN làm ngộ nhận người tiêu dùng như: Tăng trưởng nhanh, quả to, chắt hạt, chống được các bệnh vàng lùn xoắn lá, đạo ôn, bọ xít... hoặc quảng cáo trên bao bì sản phẩm sản xuất theo công nghệ EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông... Tinh vi hơn việc xử lý phân bón đối với hành vi thay thế, đánh tráo, thêm, bớt thành phần hoặc chất phụ gia, pha trộn làm giả chất lượng sản phẩm, hàng hóa so với tiêu chuẩn công bố. Một số DN sản xuất, kinh doanh phân bón chỉ đăng ký trụ sở hoạt động một nơi nhưng lại hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa điểm khác không đăng ký kinh doanh gây khó khăn cho công tác quản lý, cũng như kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm. Hiện có tình trạng một số DN vừa thực hiện sản xuất phân bón vừa NK phân bón. Tuy nhiên trong quá trình sản xuất, các DN này lại sản xuất sản phẩm phân bón lấy nhãn hiệu và thông tin của phân bón NK nhằm đánh lừa người tiêu dùng, những sản phẩm sau khi sản xuất được chuyển tiêu thụ nội địa nhằm trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.
Để ngăn chặn tình tranh sản xuất, kinh doanh phân bón trái phép, phân bón giả, phân bón kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, mới đây Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đề xuất Ban Chỉ đạo 389 quốc gia có văn bản chỉ đạo Ban Chỉ đạo 389 TP. Hồ Chí Minh lập kế hoạch cao điểm kiểm tra toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón trên địa bàn. Đồng thời, rà soát công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra trong việc cấp phép hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón; siết chặt công tác quản lý trên địa bàn và xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu địa phương để xảy ra tình trạng sản xuất phân bón trái phép, phân bón giả, kém chất lượng...
Qua đợt kiểm tra, lực lượng chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt gần 440 triệu đồng; tịch thu 1 tấn phân bón vô cơ; buộc tái chế 12,5 tấn phân bón các loại, buộc tiêu hủy 2,85 tấn phân bón NPK.
Đoàn kiểm tra liên ngành Ban Chỉ đạo 389 TP. Hồ Chí Minh đã lấy 45 mẫu qua kiểm nghiệm lần 1, lần 2 kết quả cho thấy: 32 mẫu đạt, 3 mẫu đề nghị kiểm nghiệm lại chưa có kết quả, 10 mẫu không đạt là do có hàm lượng Kali, Nitơ, Sulfua K2O, MgO thấp hơn so với tiêu chuẩn cơ sở công bố.
-
Nhiều hệ lụy từ phân bón giả, kém chất lượng
Thời gian qua, phân bón giả, phân bón kém chất lượng xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường, khiến bà con nông dân hết sức bức xúc...
-
Canh cánh nỗi lo phân bón giả
Sử dụng phải phân bón giả, kém chất lượng, bên cạnh việc người nông dân phải gánh chịu thiệt hại do sụt giảm năng suất, hậu quả còn nghiêm trọng...
- Áp thuế VAT 5% cho phân bón: Lợi ích và thách thức cho nông dân và ngành phân bón trong nước
- Việt Nam xuất khẩu gạo có nhiều triển vọng trong năm 2020
- Cơn sốt hồ tiêu trong ngắn hạn
- Tình hình sản xuất cây đậu xanh ở Việt Nam
- Giải pháp thị trường tiêu thụ trong sản xuất rau màu
- Thực trạng sử dụng phân bón, thuốc BVTV và giải pháp cho vùng rau