Vì sao thêm 4 hoạt chất bị loại khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam?

Trước đó, trong năm 2017, Cục BVTV đã tham mưu cho Bộ NN&PTNT loại bỏ 6 hoạt chất. Thông tin trên được ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cho biết và khẳng định, việc loại bỏ này được thực hiện theo đúng quy định của Luật Bảo vệ và kiểm định thực vật, đó là loại thuốc độc nhóm 2, ảnh hưởng sức khoẻ con người, ảnh hưởng môi trường, có những loại thuốc có hiệu lực sinh học thấp.

Bộ NN&PTNT có quyết định tiếp tục loại bỏ 4 hoạt chất ra khỏi Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam gồm Acephate, Diazinon, Malathion, Zinc phosphide.

"Hiện nay đang có nhiều ý kiến khác nhau đối với tác động của hoạt chất Glyphosate. 36 nước trên thế giới và EU đã có những động thái khác nhau nhưng đều có xu thế cấm sử dụng. Trước đây đã có những bằng chứng chứng minh chất Glyphosate gây ung thư. Cục BVTV xác định, việc loại bỏ các hoạt chất không đảm bảo chất lượng là để bảo vệ môi trường cũng như sức khỏe cho nhân dân. Dù có nhiều tranh cãi, Cục sẽ tham mưu cho Bộ NN&PTNT cấm sử dụng hoạt chất Glyphosate", ông Trung nhấn mạnh.

Bên cạnh Glyphosate, hoạt chất thứ hai Chlorpyrifos là hoạt chất được dùng khá lâu ở Việt Nam. Hoạt chất này cũng rất độc và hiện người dân có xu hướng tăng liều lượng sử dụng vì sâu bệnh thể hiện tính kháng bệnh. Một số nước trên thế giới đã đưa Chlorpyrifosn vào danh sách cấm sử dụng. Việt Nam cũng sẽ loại bỏ trong thời gian tới. Hoạt chất thức ba Fipronil là hoạt chất thuốc trừ sâu độc hại, cũng sẽ loại bỏ.

Về sử dụng các hoạt chất này thời gian qua, ông Trung thông tin thêm: Riêng đối với Glyphosate, lượng sử dụng là 30.000 tấn/năm, chiếm 30% trong tổng lượng thuốc trừ cỏ sử dụng ở Việt Nam. Hai loại thuốc fipronil, Chlorpyrifos được sử dụng từ 3.500-4.000 tấn/năm. "Việc loại bỏ các hoạt chất không đảm bảo chất lượng sẽ được làm qua các năm. Cục sẽ rà soát tổng thể và loại bỏ dần dần các hoạt chất độc hại", ông Trung nói.

Về mặt số lượng tổng thể các hoạt chất BVTV, theo ông Trung: Việt Nam hiện có 385 hoạt chất đơn và hơn 1.000 hỗn hợp các hoạt chất. Với mục tiêu quản lý chặt chẽ, chỉ để lại trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam những loại thuốc thực sự hiệu quả, phục vụ nhu cầu sản xuất an toàn, bền vững, công tác khảo nghiệm, đăng ký thuốc BVTV đã được kiểm soát chặt chẽ ngay đầu vào, bao gồm xem xét kỹ lưỡng các căn cứ thực hiện khảo nghiệm, trình tự thực hiện khảo nghiệm.

Việc cấp phép khảo nghiệm được dựa trên cơ sở khoa học theo nguyên tắc loại bỏ dần những thuốc BVTV có độc tính cao, ảnh hưởng đến môi trường, đồng thời khuyến khích những loại thuốc BVTV hiệu quả, an toàn trong sử dụng, đặc biệt là các loại thuốc sinh học.

Ngoài câu chuyện loại bỏ các hoạt chất độc hại, ông Trung cũng thông tin rõ hơn về vấn đề thực tế lượng thuốc BVTV sử dụng ở Việt Nam. Có nhiều thông tin cho rằng, mỗi năm Việt Nam đổ xuống ruộng đồng 100.000 tấn thuốc BVTV. Tuy nhiên, ông Trung khẳng định, điều này không chính xác.

"Trung bình hàng năm Việt Nam nhập khẩu, kinh doanh, buôn bán, sử dụng khoảng 100.000 tấn. Tuy nhiên, khoảng 32-40% số thuốc được nhập khẩu, sau đó gia công và xuất đi các nước khác, không sử dụng trong nước. 10% là các loại thuốc xông hơi khử trùng dùng để xử lý hàng nông sản trước khi xuất khẩu nhằm diệt các loại bệnh trên nông sản. Đây là quy trình bắt buộc phải làm trước khi đưa hàng đi xuất khẩu. Vì vậy thực tế, mỗi năm chúng ta chỉ sử dụng khoảng 30.000 tấn thuốc trừ sâu trừ bệnh", ông Trung nói.

Đối với 4 hoạt chất vừa mới loại bỏ, theo Cục trưởng Cục BVTV, mỗi năm tại Việt Nam sử dụng từ 3.000 – 5.000 tấn mỗi loại. Còn đối với hoạt chất Glyphosate (đang được coi là thủ phạm gây ung thư), mỗi năm Việt Nam sử dụng tới 30.000 tấn, chiếm 30% trong tổng lượng thuốc bảo vệ thực vật ở nước ta. Hai loại thuốc Fipronil và Chlorpyrifos được sử dụng từ 3.500 – 4.000 tấn, cũng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số thuốc bảo vệ thực vật sử dụng ở Việt Nam.

                                                                         Bảo Anh

Nguồn: VietQ.vn
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status