Tp. HCM: Phân bón giả vẫn hoành hành
Quản lý chồng chéo, phối hợp xử lý không đồng bộ, đặc biệt kiểm soát địa bàn không chặt chẽ,… tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón không phép hoạt động ngang nhiên. Đó là nhận định của nhiều cơ quan chức năng tại hội nghị kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón trên địa bàn huyện Bình Chánh, ngày 13/1 do UBND TP HCM phối hợp cùng Ban chỉ đạo 389 quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia) tổ chức.
Lực lượng quản lý thị trường TP HCM phát hiện và xử lý cơ sở sản xuất phân bón giả trên địa bàn.
Ngang nhiên hoạt động
Nổi tiếng là “điểm nóng” sản xuất kinh doanh phân bón giả của cả nước, thời gian qua nhiều bộ ngành và thành phố cố gắng ngăn chặn song tình trạng sản xuất phân bón giả ở huyện Bình Chánh không thuyên giảm. Bằng chứng, đến thời điểm hiện nay các cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón giả vẫn ngang nhiên hoạt động, thậm chí còn có nguy cơ phát triển trên diện rộng.
Ông Nguyễn Văn Bách - Phó Chi cục Quản lý thị trường TP HCM cho biết, năm 2016 Chi cục quản lý thị trường thành phố kiểm tra 103 trường hợp, xử phạt vi phạm hành chính với gần 2,5 tỷ đồng. Lực lượng cơ quan chức năng 24 quận - huyện cũng thực hiện kiểm tra 56 cơ sở sản xuất phân bón, trong đó có 20 cơ sở không được cấp phép. Riêng địa bàn huyện Bình Chánh có đến 10 cơ sở sản xuất phân bón không phép.
Theo Chi cục Quản lý thị trường TP HCM trong quá trình kiểm tra, xử lý nổi cộm lên một số vụ đáng chú ý. Đơn cử, chi nhánh Công ty TNHH sản xuất thương mại Thuận Nông Phát tại địa chỉ ấp 2, xã Tân Nhựt và chi nhánh công ty TNHH MTV phân bón Phú Định tại xã Lê Minh Xuân đều thuộc huyện Bình Chánh. Qua kiểm tra lực lượng quản lý thị trường thành phố ghi nhận, hai cơ sở này có một số dấu hiệu vi phạm như: hoạt động sản xuất phân bón nhưng không có giấy phép, chưa xuất trình được số đăng ký chứa nguồn thải, hàng hóa ngoại nhập không có hóa đơn chứng từ với số lượng lớn.
Hành vi vi phạm chủ yếu trong sản xuất, gia công phân bón đa phần là không có giấy phép, hàng hóa giả mạo nhãn hàng, giả mạo nhãn hiệu, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, sản xuất phân bón không công bố hợp quy, chất lượng phân bón không phù hợp với tiêu chuẩn công bố. Các cơ sở sản xuất không phép thường dùng “chiêu bài” như: tăng trưởng nhanh, quả to, chắc hạt, chống được các bệnh vàng lùn xoắn lá,…
Chất lượng thì quảng cáo trên bao bì sản phẩm sản xuất theo công nghệ EU, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Đông hoặc đặt tên sản phẩm hàng hóa gần giống với các thương hiệu nổi tiếng của sản phẩm trong nước.
Buông lỏng quản lý
Ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Chủ tịch huyện Bình Chánh cho biết, có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan tạo điều kiện cho các cơ sở phân bón giả. Lý do khách quan, quá trình thực hiện công tác này gặp không ít khó khăn vì thẩm quyền bị giới hạn, bất cập trong thực thi pháp luật về phối hợp.
“Chỉ mỗi giấy phép hoạt động của cơ sở sản xuất kinh doanh mà có đến hai bộ có thể cấp là Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Việc quản lý chồng chéo trong cấp phép làm khó cho công tác kiểm tra”, ông Nguyễn Văn Hồng phân trần. Nói về cách quản lý, nắm bắt của cơ quan chức năng không đạt vừa chống lấn, vừa không hoàn chỉnh, ông Phan Anh Minh - Phó Giám đốc Công An TP HCM cho rằng: “Giao một bộ thôi chứ đừng để hai bộ thực hiện như hiện nay. Bên cạnh đó, công tác quản lý phải dựa trên thực tế.
Nghĩa là, tất cả sản phẩm phân bón sản xuất thủ công thì không đồng nhất về chất lượng, trong khi đó Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại yêu cầu xét nghiệm 2 - 3 lần cho kỹ là không đúng”.
Để tồn tại tình trạng sản xuất kinh doanh phân bón giả phải kể đến nguyên nhân chủ quan. Theo đó, công tác kiểm tra kiểm soát hoạt động sản xuất phân bón giả trên địa bàn chưa thật chặt chẽ, thiếu tính phối hợp trong kiểm tra và xử lý. Huyện Bình Chánh đã tiến hành kiểm điểm 4 đơn vị cùng 9 xã về việc buông lỏng quản lý hoạt động sản xuất phân bón không phép trên địa bàn.
Trước thực trạng hoạt động của phân bón giả trên địa bàn huyện Bình Chánh, ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND TP HCM thừa nhận, công tác kiểm soát địa bàn không chặt, các đơn vị còn buông lỏng quản lý.
Chưa hết, sự phối hợp giữa TP. HCM với Trung ương, giữa TP HCM với các Bộ ngành còn hạn chế. Chia sẻ với những khó khăn của UBND TP. HCM, ông Đàm Thanh Thế - Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho rằng, thời gian qua chính quyền địa phương coi nhẹ công tác quản lý. Đặc biệt, quá tùy tiện trong việc cấp phép sản xuất kinh doanh, cấp phép quá nhiều vi quy hoạch của thành phố.
Thành phố quy hoạch khoảng 10 cơ sở nhưng hiện có đến mấy chục cơ sở đang hoạt động. Chánh văn phòng 398 quốc gia cho rằng: “Những sai sót làm không đúng từ Trung ương đến địa phương thì cần phải làm lại. Trường hợp lơ là thì toàn bộ cơ sở đang hoạt động trên địa bàn huyện Bình Chánh sẽ chuyển sang các địa bàn khác. Khi đó, công tác quản lý sẽ khó khăn hơn nhiều”.
-
Đăk Lăk: Phân bón kém chất lượng vẫn tràn lan
Mặc dù các lực lượng chức năng đã không ngừng kiểm tra, kiểm soát nhưng tình trạng phân bón giả, kém chất lượng vẫn “tuồn” ra thị trường và diễn biến phức tạp.
-
Lâm Đồng: Xử phạt doanh nghiệp làm phân bón không phép
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, ông Phạm S vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính Doanh nghiệp Yên Tâm với tổng số tiền...
- Áp thuế VAT 5% cho phân bón: Lợi ích và thách thức cho nông dân và ngành phân bón trong nước
- Việt Nam xuất khẩu gạo có nhiều triển vọng trong năm 2020
- Cơn sốt hồ tiêu trong ngắn hạn
- Tình hình sản xuất cây đậu xanh ở Việt Nam
- Giải pháp thị trường tiêu thụ trong sản xuất rau màu
- Thực trạng sử dụng phân bón, thuốc BVTV và giải pháp cho vùng rau