Thanh tra đội ngũ công vụ ngành nông nghiệp

Bộ NN&PTNT xác định 2017 tiếp tục là năm điểm về an toàn thực phẩm (ATTP). Ngoài tập trung thanh tra đột xuất các lĩnh vực “nóng” như thuốc trừ sâu, kháng sinh, chất cấm, phân bón…, người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng yêu cầu thanh tra ngay đội ngũ công vụ của ngành để siết chặt kỷ cương.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu ráo riết thanh kiểm tra, xử lý việc sử dụng kháng sinh, bơm tạp chất vào tôm. Ảnh: Bình Phương.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu ráo riết thanh kiểm tra, xử lý việc sử dụng kháng sinh, bơm tạp chất vào tôm. Ảnh: Bình Phương.

Chuyển biến, nhưng còn lắm vấn đề

Ngày 10/2, tại hội nghị trực tuyến triển khai năm cao điểm về ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản - Nafiqad (Bộ NN&PTNT), cho biết, vấn đề ATTP năm qua có chuyển biến rõ nét. Qua chương trình giám sát diện rộng, tỷ lệ mẫu thịt vi phạm chất cấm Salbutamol chỉ còn 6/1.345 mẫu (chiếm 0,44%), giảm so với năm 2015 (1,07%); đặc biệt trong 6 tháng cuối năm không phát hiện Salbutamol trong các mẫu thịt.

Mặt khác, tỷ lệ mẫu thịt chứa tồn dư kháng sinh vượt ngưỡng; mẫu rau củ quả chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cũng giảm so với năm 2015... Các trường hợp vi phạm đã được cảnh báo, làm cơ sở để thanh, kiểm tra truy xuất, xử lý nhằm ngăn chặn tái phạm.

Theo ông Tiệp, năm qua, Bộ cũng hướng dẫn, đôn đốc các địa phương triển khai đề án “Xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn”; phối hợp Hà Nội và TPHCM triển khai chương trình phát triển chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn. “Ðến nay, cả nước đã có 50 tỉnh xây dựng thành công 444 mô hình điểm chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn, truy xuất được nguồn gốc”- ông Tiệp nói.

Tuy nhiên, vấn đề quản lý ATTP vẫn bộc lộ nhiều bất cập: Chưa ngăn chặn, giảm rõ nét tồn dư thuốc trừ sâu trên sản phẩm trồng trọt; tồn dư hóa chất, kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; ô nhiễm vi sinh vật trong thịt gia súc, gia cầm…

Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT, cho biết, việc sử dụng hóa chất công nghiệp, nguyên liệu kháng sinh… vào nông nghiệp vẫn đáng lo ngại. “Nhiều doanh nghiệp nhập kháng sinh về bán không đúng mục đích, họ bán cho đại lý, đại lý bán cho hộ nuôi, hộ nuôi không dùng theo hướng dẫn mà sẵn sàng dùng cả kháng sinh nguyên liệu, nên tồn dư cao. Qua điều tra, phát hiện 15-20% số DN bán trái phép”- ông Việt nói.

Về phân bón, vị Chánh thanh tra cho biết, việc quản lý phân vô cơ (chiếm khoảng 90% về phân bón) do Bộ Công Thương quản lý, nên việc thanh tra nông nghiệp “lọt” vào khu vực này rất khó khăn. Trong khi, đó chỉ riêng phần phân bón hữu cơ và phân bón khác do Bộ NN&PTNT quản lý, qua thanh tra khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam bộ đã phát hiện tới 20,7% vi phạm về chất lượng.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp, nói “Việc kinh doanh phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc thú y… rất dễ dàng. Vậy có cần thiết để hệ thống cửa hàng mọc nhiều thế không? Tôi nghĩ không cần thiết quá nhiều đến thế. Trong khi, vẫn còn tình trạng nhập thuốc cấm, bộ này cho nhập, bộ kia cấm. Khi kiểm tra, kiểm soát được, thì hậu quả đã rồi”.

Xử lý cán bộ làm “không đến nơi đến chốn”

Về vấn đề ATTP, ông Phùng Đức Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho rằng, lãnh đạo, chỉ đạo trên thì tốt, nhưng làm sao truyền tải được tinh thần đó xuống đội ngũ ở xã, phường.

Theo ông Tiến, nhiều tỉnh chưa làm được giết mổ tập trung. “Cứ mổ ở khu dân cư, ở chợ cóc như này thì khó đảm bảo ATTP, hay trong các chợ, vẫn chưa phân khu vực bán thực phẩm rõ ràng… Trong khi đó, quản lý về kháng sinh, chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản, chất cấm còn rất ngổn ngang”- ông Tiến nói.

Đặt vấn đề trách nhiệm của người đứng đầu địa phương phải chăm lo ATTP, ông Nguyễn Ngọc Thế, Cục trưởng Cục An ninh Nông nghiệp nông thôn (Bộ Công an), nói: “Cái gì cũng nói người đứng đầu, nhưng đã xử lý được ai đứng đầu chưa, đó là vấn đề. Ngay cả việc giám sát, chúng ta bảo cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhưng ai làm việc của người đó”.


“Các đơn vị của bộ, ở nơi nào, cán bộ, tổ chức nào, làm không đến nơi đến chốn, kiên quyết xử lý. Tinh thần này chúng tôi yêu cầu đến các giám đốc sở NN&PTNT ở 63 tỉnh thành”. 

Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường


Theo Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Bộ xác định 2017 tiếp tục là năm điểm về ATTP, vì đây vẫn là vấn đề nóng bỏng của xã hội. Bộ sẽ tập trung truyền thông làm chuyển biến nhận thức xã hội, cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng; rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý ngành, đặc biệt là vật tư đầu vào như thuốc trừ sâu, phân bón, thuốc kháng sinh…

“Thuốc trừ sâu là khu vực khả năng gây ra ô nhiễm cao, nên cần tập trung cao độ vào nhóm này. Năm 2016, Bộ đã rà soát loại bỏ 300 loại sản phẩm, và năm nay sẽ tiếp tục để loại những chất có tính độc hại sức khỏe, môi trường”- ông Cường nói.

Theo ông Cường, Bộ sẽ huy động hệ thống thanh tra ngành, làm ráo riết trong năm 2017, trong đó tập trung thanh tra đột xuất, kể cả các công ty, hợp tác xã, hộ nuôi, ngăn chặn, xử lý hình thức sản xuất gian dối, trái quy định pháp luật, nhất là trong vấn đề ATTP.

Ông Cường đề nghị, chính quyền địa phương phải quản lý tại địa bàn, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu vì “địa phương nào làm tốt thì ngăn chặn được các yếu tố gây mất ATTP”.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu, thanh tra công vụ ngay tại các cơ quan quản lý của Bộ - các cục, vụ, trung tâm được giao nhiệm vụ giám sát, cấp phép… cho vật tư đầu vào. Từ đó, ngăn chặn tình trạng buông lỏng quản lý, lơ là trách nhiệm, để siết chặt kỷ cương ngay từ cấp Trung ương cơ quan quản chuyên ngành, lan tỏa xuống địa phương cũng như toàn xã hội.

Phạm Anh

Nguồn: tienphong.vn
DMCA.com Protection Status