Sẽ công bố cơ sở bán phân bón giả trên phương tiện thông tin đại chúng
Đó là khẳng định của ông Phạm Tứ Phương- Giám đốc Sở Công thương trong phiên trả lời chất vấn những vấn đề liên quan đến ngành.
Đại biểu chất vấn Giám đốc Sở Công thương Phạm Tứ Phương về vấn nạn phân bón giả, kém chất lượng
* Chất vấn ngành công thương, mở đầu, đại biểu Nguyễn Văn Hiểu (đơn vị huyện Trà Ôn) chất vấn:
Thời gian gần đây, trên thị trường đã xuất hiện nhiều loại phân bón kém chất lượng như hàm lượng trong phân bón không đúng trên bao bì đăng ký; cơ sở sản xuất không giấy phép...
Đề nghị cho biết công tác xử lý và phòng ngừa vấn đề này trong thời gian tới như thế nào? Vấn đề thứ hai, trên địa bàn tỉnh, hiện nay xuất hiện nhiều mặt hàng tươi sống có chứa phẩm màu đang được bán trên thị trường. Điều này đã gây dư luận xấu và quan trọng hơn là ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng. Đề nghị cho biết công tác phòng ngừa và xử lý tình trạng này như thế nào?
Đại biểu Lê Ngọc Thúy (đơn vị huyện Tam Bình) chất vấn: Qua tiếp xúc cử tri, nhiều nông dân có ý kiến là hiện nay phân bón, thuốc trừ sâu kém chất lượng, thậm chí là phân bón giả trên thị trường có rất nhiều, khiến nông dân mua nhầm mà không biết, làm ảnh hưởng đến công sức, vốn đầu tư để mua phân, thuốc.
Ngoài ra lại khiến năng suất cây trồng bị thất thu, thậm chí làm ảnh hưởng đến những mùa vụ sau, gây thiệt hại lâu dài. Đề nghị ngành chức năng cho biết có giải pháp gì để ngăn chặn, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho nông dân?
- Ông Phạm Tứ Phương cho biết, đối với phân bón hiện nay, Chính phủ giao 2 bộ quản lý, Bộ Nông nghiệp- PTNT quản lý phân hữu cơ, Bộ Công thương quản lý phân vô cơ. Hiện, phân bón nằm trong lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và khi thẩm định đủ điều kiện mới được cấp phép hoạt động.
Theo quy định, việc thẩm định do Bộ Công thương phối hợp với địa phương thực hiện, tuy nhiên trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh việc thẩm định đều do Bộ Công thương trực tiếp làm.
Cả nước hiện có trên 400 doanh nghiệp sản xuất lĩnh vực phân bón, riêng tỉnh Vĩnh Long có 11 doanh nghiệp, trong đó có 7 doanh nghiệp được cấp phép, 4 doanh nghiệp chưa được cấp phép (hiện đã ngừng hoạt động).
Trên địa bàn tỉnh hiện có 532 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh phân bón với trên 100 nhãn hiệu. Năm 2015, trong quá trình kiểm tra, 2 ngành nông nghiệp và công thương, dù rằng không thẩm định cấp phép nhưng về quản lý chất lượng giữa 2 bên đã phối hợp tốt để kiểm tra phân bón vô cơ và hữu cơ.
Cũng trong năm 2015, riêng phân bón vô cơ qua kiểm tra có 23% tỷ lệ không đảm bảo yêu cầu, ngành tiến hành xử phạt 2,2 tỷ đồng; trong năm 2016 có khoảng 30% (tính đến tháng 11/2016) chất lượng không đảm bảo và xử lý 2,6 tỷ đồng, trong đó có 12 mẫu giả (hàm lượng dưới 70%).
Hiện nay có một thực trạng khó khăn về xử lý vi phạm hành chính ở lĩnh vực phân bón là thẩm quyền địa phương không giải quyết được, bởi tất cả các nhà sản xuất đều không nằm trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, chúng tôi vận dụng nhiều văn bản, theo đó không xử lý về hành vi sản xuất nhưng xử lý hành vi vi phạm hành chính. Theo đánh giá, hiện nay việc quản lý trên địa bàn tỉnh rất tốt so với các tỉnh khu vực ĐBSCL, nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, triển khai, ký cam kết với các doanh nghiệp, cơ sở…
Do đó, nhiều doanh nghiệp khi đưa sản phẩm vào tỉnh đã rất e dè, vì khi sản phẩm không đạt chất lượng sẽ gặp khó khăn. Hiện nay, nếu có phân bón kém chất lượng là do lẫn lộn của các tỉnh trong khu vực, thường đi vào số lượng nhỏ, đưa xuống trực tiếp đại lý cấp 3 và giải phóng trong một thời gian ngắn nên rất khó kiểm tra và xử lý.
Đối với việc quản lý trên địa bàn tỉnh, thời gian qua chúng tôi mời tất cả các doanh nghiệp, cơ sở lên ký cam kết không bán phân bón kém chất lượng, phân bón giả, nhờ đó ý thức kinh doanh của họ được nâng lên.
Đối với ý kiến cử tri thực trạng phân bón giả vẫn xuất hiện trên địa bàn tỉnh, qua kiểm tra năm sau cao hơn năm trước… thì vấn đề này như thế nào? Theo đó, sở phân công cán bộ “đi đêm” với nhà sản xuất và người kinh doanh qua đó phát hiện lỗi là do người kinh doanh.
Bởi vì, có trường hợp người kinh doanh trực tiếp yêu cầu doanh nghiệp sản xuất phân bón kém chất lượng (phân chỉ đạt 80- 85%) để thu lợi nhuận cao hơn. Trong năm 2016, chúng tôi tập trung kiểm tra và chủ yếu xử lý người kinh doanh, qua đánh giá thực trạng này giảm rất nhiều.
Về giải pháp, hiện nay người sản xuất kinh doanh rất ngại khi vi phạm bị công bố lên thông tin đại chúng, nhưng cái khó là một đại lý kinh doanh có rất nhiều mặt hàng, khi một mặt hàng không đạt chất lượng chúng ta công khai thì vô hình trung triệt tiêu doanh nghiệp.
Vì vậy, thời gian qua chúng tôi rất nhân nhượng, nhưng đã đến thời điểm chín mùi, có tuyên truyền nhiều mà vẫn còn tái diễn thì buộc trong năm 2017 sẽ phối hợp với Hội Nông dân và UBND xã xử lý bằng cách những hộ kinh doanh nào vi phạm sẽ công bố trên thông tin đại chúng và cung cấp thông tin về xã.
Về an toàn vệ sinh thực phẩm là một chuỗi, trong đó nguyên liệu do ngành nông nghiệp chủ trì, quản lý, kiểm tra; sản xuất do ngành y tế; khi hàng hóa lưu thông ra ngoài là do ngành công thương.
Hiện nay, vệ sinh an toàn thực phẩm là một vấn nạn, và trong một thời gian ngắn chúng ta có thể lập lại trật tự ở lĩnh vực này.
Trong năm 2016, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, ngành đã triển khai 1 cửa hàng bán thực phẩm sạch và đang triển khai một cửa hàng thứ 2 tại huyện Mang Thít. Ngoài ra, ngành xây dựng kế hoạch và trình UBND tỉnh phê duyệt cho phép ngành trong năm 2016 xây dựng một chợ vệ sinh an toàn thực phẩm- đó là chợ Phước Thọ (TP Vĩnh Long).
Việc xây dựng thí điểm này để xây dựng một điểm chuẩn, qua đó để nhân rộng các chợ trên địa bàn tỉnh. Trong kế hoạch từ năm 2017- 2020, từng chợ loại I và loại II trên địa bàn tỉnh phải có từ 5- 10 điểm bán hàng an toàn vệ sinh thực phẩm để tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Trong quá trình triển khai, chúng tôi sẽ tập huấn 100% hộ kinh doanh như thế nào là thực phẩm sạch, an toàn.
* Vẫn chưa hài lòng với giải trình của ông Phạm Tứ Phương, nhiều đại biểu tiếp tục truy vấn.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiểu cho rằng, nếu nói tỉnh làm tốt, còn phân bón giả chủ yếu là ở tỉnh khác đưa vào thì giải pháp của chúng ta xử lý như thế nào? Đối với việc xử lý an toàn thực phẩm, khi xử phạt chúng ta có truy nguồn gốc hay không?
Đại biểu Nguyễn Bá Tòng (đơn vị Tam Bình) truy vấn, qua kiểm tra phân bón giả năm sau cao hơn năm trước (năm 2015 có 16 mẫu không đạt chất lượng, 4 mẫu giả; năm 2016 có 118 mẫu không đạt chất lượng, 7 mẫu giả), điều tôi quan tâm là ngành không thấy đó là vấn nạn mà cho là ngành quản lý tốt, theo như tài liệu mà ngành cung cấp cho đại biểu.
Xin hỏi ngành lấy cơ sở nào để đánh giá như thế? Xin cho biết thời gian tới, thực trạng phân bón giả có chấm dứt được hay không, có giải pháp gì để làm giảm thiểu thiệt hại cho nông dân?
- Ông Phạm Tứ Phương giải trình, về phân bón giả, nếu kiểm định chất lượng dưới 70%, giá trị trên 30 triệu đồng thì sẽ bị truy tố.
Còn đối với phân bón chất lượng trên 70% đến dưới 93% gọi là phân bón kém chất lượng thì khi có kết quả, lúc đó mình mới cử cán bộ xuống xem số lượng còn bao nhiêu để niêm phong và yêu cầu cơ sở chuyển trả về nhà máy rồi sau đó tiếp tục giám sát.
Tình trạng phân bón giả, kém chất lượng năm sau cao hơn năm trước theo đại biểu phản ánh là đúng. Năm 2015 là 23%, 11 tháng của năm 2016 là 30%. Không riêng ở Vĩnh Long mà các tỉnh trong khu vực đều bị trường hợp như thế này.
Ngành đã ký với trên 500 cơ sở hồi đầu tháng 4/2016, nếu trong các sản phẩm họ bán có vấn đề gì không an toàn thì đề nghị chuyển trả và phải cung ứng sản phẩm phân bón chất lượng.
Qua 4 tháng kiểm tra, tuy có giảm nhưng vẫn còn hiện trạng phân bón kém chất lượng song những tháng cuối năm thì đảm bảo phân bón chất lượng rất nhiều, còn chăng một số hộ ở tỉnh lân cận sản xuất nhỏ lẻ, theo công nghệ “cuốc xẻng” sản xuất xong tiêu thụ liền nên khó mà truy lùng nguồn gốc xuất xứ của một số loại phân bón này.
Hiện tình trạng này ở Vĩnh Long không còn. Về giải pháp, tôi xin hứa sẽ công bố các hộ kinh doanh vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.
Bài, ảnh: THANH TÂM
-
Truyền hình Quốc hội Việt Nam | Thị trường phân bón nhập nhèm chất lượng
Video Clip cực hay về tình hình phân bón giả, làm giả phân bón tại Việt Nam...
- Áp thuế VAT 5% cho phân bón: Lợi ích và thách thức cho nông dân và ngành phân bón trong nước
- Việt Nam xuất khẩu gạo có nhiều triển vọng trong năm 2020
- Cơn sốt hồ tiêu trong ngắn hạn
- Tình hình sản xuất cây đậu xanh ở Việt Nam
- Giải pháp thị trường tiêu thụ trong sản xuất rau màu
- Thực trạng sử dụng phân bón, thuốc BVTV và giải pháp cho vùng rau