Sản xuất phân bón hữu cơ: Lo nở rộ sang... chết yểu

Nắm bắt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về phát triển nền nông nghiệp hữu cơ (NNHC), cùng với xu thế tất yếu của nền nông nghiệp thế giới, hàng loạt “ông lớn” về phân bón vô cơ, tập đoàn nông nghiệp đã và đang triển khai xây dựng mô hình sản xuất phân bón hữu cơ (PBHC) để hướng tới đáp ứng nhu cầu của nền nông nghiệp sạch. Tuy nhiên, thách thức từ việc này là không hề nhỏ...

Nhiều “ông lớn” vào cuộc

Theo ông Lê Quốc Phong - Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền, sản xuất NNHC hiện nay tuy đang có cơ hội nhưng khó khăn, thách thức thì rất nhiều. Chẳng hạn như quy trình sản xuất còn khắt khe, phải có thời gian khá dài để cải tạo đất; phải có không gian đủ để ngăn sự ô nhiễm nguồn nước, khói bụi, chất hóa học… Trong khi đó chi phí chứng nhận cao, phức tạp mà thị trường tiêu thụ chưa ổn định.

“Là DN lớn đầu ngành, Bình Điền quyết tâm xâm nhập mảng PBHC để góp phần giúp nông dân giảm chi phí đầu vào trong sản xuất NNHC, đồng thời cũng hướng dẫn kỹ thuật giúp người nông dân tận dụng những nguyên liệu đầu vào từ nguồn phế phẩm nông nghiệp để sản xuất PBHC quy mô gia đình để phục vụ sản xuất...” - ông Phong nói.

 Mỗi năm người Việt Nam chi hơn 3.000 tỷ đồng cho sản phẩm hữu cơ. ảnh: Quốc Hải

Mỗi năm người Việt Nam chi hơn 3.000 tỷ đồng cho sản phẩm hữu cơ. ảnh: Quốc Hải

Ông Phong cho biết, hiện Bình Điền đang đẩy mạnh sản xuất PBHC với số lượng từ 40.000 - 50.000 tấn/năm. Sắp tới Bình Điền sẽ xây dựng nhà máy sản xuất PBHC tại Kiên Giang với công suất 200.000 tấn/năm, nâng tỷ trọng doanh số phân bón hữu cơ trong tổng doanh thu của DN.

Không chỉ Bình Điền, một loạt “ông lớn” vô cơ khác như Đạm Phú Mỹ, Con Cò Vàng... cũng tiến hành nghiên cứu, sản xuất các loại PBHC từ nguồn than bùn nguyên liệu hoặc đẩy mạnh phân phối các sản phẩm PBHC ngoại nhập. Chẳng hạn, Công ty TNHH Con Cò Vàng đã và đang phát triển nhiều loại PBHC có nguốn gốc vi sinh, phân hữu cơ khoáng và rất nhiều PBHC có nguồn gốc thiên nhiên...

Đặc biệt, tại nhiều tỉnh thành phía Nam, thời gian gần đây có khá nhiều DN triển khai xây nhà máy sản xuất PBHC với quy mô từ vài chục nghìn đến hàng trăm nghìn tấn. Chẳng hạn, cuối tháng 10 vừa qua, tại xã Đồng Tiến (huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước), Công ty TNHH Sản xuất PBHC vi sinh Tân Đồng Tiến tổ chức lễ khánh thành nhà máy sản xuất với tổng kinh phí đầu tư hơn 17 tỷ đồng. Dự kiến, nhà máy sẽ sản xuất với công suất 10.000 tấn phân bón/năm.

Trước đó, tại Đồng Tháp, Công ty CP Sản xuất Thương mại xuất nhập khẩu Gạo Việt cũng triển khai dự án nhà máy sản xuất PBHC vi sinh với tổng vốn đầu tư dự án gần 150 tỷ đồng, dự kiến sẽ đi vào xây dựng từ quý I.2018 đến quý III.2018.

Chật vật...

Hiện nay, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ ở Việt Nam đã được 33/63 tỉnh, thành phố trên cả nước triển khai, với diện tích canh tác hữu cơ năm 2016 đã tăng gấp 3,6 lần so với năm 2010 và đạt khoảng 77.000ha. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là một con số quá nhỏ so với 50,9 triệu ha canh tác hữu cơ của thế giới và 11,53 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. 

Dù dư địa cho việc sử dụng sản phẩm PBHC là rất lớn nhưng trên thực tế, do người nông dân có thói quen sử dụng các loại phân bón vô cơ như NPK khiến thị phần của các sản phẩm PBHC khá chật vật. Theo ghi nhận của NTNN, trên thị trường hiện chỉ có một vài cái tên quen thuộc như Humix, Ong Vàng... được phân phối khá phổ biến, còn lại đều rất... “khó kiếm” tại các đại lý dù được quảng cáo rầm rộ. Theo chị Nguyễn Thị Thu Hương (đại lý phân bón Thu Hương, TP.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng), đa số bà con lựa chọn các sản phẩm NPK của Bình Điền, Phú Mỹ hay Phân bón Miền Nam chứ ít lựa chọn sản phẩm PBHC. Nguyên nhân là vì hiệu quả sử dụng các sản phẩm này rất khó thấy trong thời gian ngắn sử dụng. “Ở vùng Bảo Lộc này, cây cà phê là chủ lực nên bà con rất ngại các sản phẩm hiệu quả chậm vì có thể làm cho cây cà phê bị đuối sức” - chị Hương nói.

Về vấn đề này, ông Hà Phúc Mịch - Chủ tịch Hiệp hội NNHC Việt Nam cũng thừa nhận, nếu sử dụng PBHC thì năm đó có thể mất 50% sản lượng, năm sau đó thì chắc chắn sẽ lấy lại sản lượng, thậm chí tăng hơn, nhưng để thuyết phục điều này với bà con nông dân là không dễ.

Có thể đó cũng là nguyên nhân khiến các DN sản xuất PBHC khá chật vật ở khâu phát triển thị phần, kể cả những “ông lớn”. Còn nhớ, cách nay vài năm, Tập đoàn Lộc Trời (trước đây là Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang) đã khởi công xây dựng Nhà máy Phân hữu cơ sinh học Ân Thịnh Điền (ấp Phú Mỹ, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) với mức đầu tư 15 tỷ đồng. Nguyên liệu chính để sản xuất phân hữu cơ sinh học là than bùn và mùn mía. Trong 2 năm đầu, dự kiến công suất mỗi năm khoảng 6.500 tấn, sau đó nâng lên 50.000 tấn/năm. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mảng phân bón của Lộc Trời vẫn khá mờ nhạt và đóng góp của mảng phân bón chỉ chiếm vài phần trăm trong cơ cấu doanh thu của tập đoàn.

Trong khi đó, nhiều nhà máy PBHC khác tại nhiều địa phương trên cả nước được xây dựng với mục tiêu “biến rác thải thành phân bón” như: Nhà máy Chế biến phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt Hải Dương; Nhà máy xử lý rác làm phân tại Cầu Diễn (Hà Nội)... với quy mô hàng chục, hàng trăm tỷ đồng. Thế nhưng, đến nay nhiều nhà máy lại lâm cảnh sản phẩm làm ra không bán được, nhà máy nằm “đắp chiếu”, trong khi tiền đi vay thì không thể không trả./.

Quốc Hải

Nguồn: Dân Việt
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status