Rệp phấn trắng, rệp sáp

Tên khoa học: Planococcus sp.

Đặc điểm hình thái của rệp phấn trắng

Con trưởng thành cái của loài rệp này dài khoảng 2,5 - 4 mm, chiều ngang cơ thể khoảng 0,7 - 3 mm. Rìa mỗi bên cơ thể có 18 sợi tua trắng. Cơ thể phủ đầy chất sáp trắng như bông nên có người gọi là rệp sáp, rầy bông hay rệp bông. Chân phát triển, đốt chuyển và đốt đùi chân sau dài 2,10-3,15mm. Trên đốt chậu và đốt chầy chân sau có nhiều lỗ trong.

Rầy phấn trắng hại chôm chôm

Rệp phấn trắng hại chôm chôm

Rệp phấn trắng hại cây táo

Rệp phấn trắng hại cây táo

Rệp sáp hại ổi

Rệp sáp hại ổi và nấm bồ hóng trên cây ổi

Rệp sáp phấn trắng hại sầu riêng

Rệp sáp phấn trắng hại sầu riêng

Rệp sáp gây hại bằng cách bám vào cuống trái non hoặc rãnh giữa các gai trên trái để hút dịch vỏ trái sầu riêng. Ở   giai đoạn trái non, nếu mật số rệp cao, trái sẽ bị biến dạng và rụng. Ở  giai đoạn lớn, trái phát triển kém và bị sượng. Rầy tiết chất mật đường tạo thu hút nấm bồ hóng phát triển, làm vỏ trái bị đen.

Đặc điểm phát sinh gây hại của rệp phấn trắng

Rệp phấn trắng gây hại khi trái còn non, chích hút trên cuống trái và trái. Thường tập trung với mật số cao trên các chùm trái dầy chặt, trong suốt giai đoạn phát triển của trái.

- Trên lá: Rệp phấn trắng chích hút làm lá bị quăn queo.

- Trên trái non: Trên trái non nếu mật số của rệp cao sẽ làm cho trái không phát triển được và có thể bị rụng sớm. Nếu mật số rệp thấp hoặc tấn công khi trái đã lớn thì trái vẫn tiếp tục phát triển nhưng ăn không ngon, ăn nhạt, chua.

- Trên trái đã lớn: Rệp tiết ra mật ngọt tạo môi trường thích hợp cho mấm bồ hóng (Capnodium sp.) phát triển, làm trái bị phủ một lớp bồ hóng, mầu đen bẩn, bán không được giá cao, gây thiệt hại cho nhà vườn. 

Loài rệp này ít di chuyển, chúng sống cộng sinh với kiến đen. Bằng cách kiến đen tha rệp từ nơi này sang nơi khác, từ cây này sang cây khác mỗi khi chỗ rệp đang chích hút đã cạn kiệt nhựa. Ngược lại, trong chất bài tiết của rệp có chứa nhiều chất đường mật làm thức ăn cho kiến.

Biện pháp phòng trị rệp phấn trắng

Đây là một loài đa kí chủ, vì thế việc phòng trị chúng không phải lúc nào cũng thu được kết quả mong muốn, do chúng thường xuyên có mặt trên những loại cây khác nhau trong vườn. Để phòng trị rệp bạn nên áp dụng kết hợp nhiều biện pháp sau đây:

  • Biện pháp canh tác, cơ học:

- Không nên trồng với mật độ quá dầy để vườn luôn được thông thoáng.

- Vệ sinh vườn tược thường xuyên, cắt tỉa bỏ những cành bị sâu bệnh, cành nằm khuất trong tán lá... để vườn luôn thông thoáng. Chăm sóc chu đáo để cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, có sức chống đỡ với rệp.

- Dọn sạch cỏ rác, lá cây mục tủ ở xung quanh gốc để phá vỡ nơi trú ngụ của kiến.

- Cắt tỉa cành thông thoáng sau khi thu hoạch. Phun nước bằng vòi phun có áp lực cao.

  • Biện pháp hóa học: 

- Nếu thấy xung quanh gốc có nhiều kiến có thể dùng thuốc Basudin 10H hoặc Regent 800 WG rải xung quanh gốc hoặc xịt thuốc trừ sâu để diệt kiến, hạn chế không cho kiến tha rệp từ cây này sang cây khác.

- Thường xuyên kiểm tra vườn để phát hiện và phun thuốc diệt trừ rệp kịp thời nhất là ở giai đoạn cây đang có bông, trái non, trái đang phát triển. Để diệt trừ rệp bạn có thể sử dụng một trong các loại thuốc như: Applaud 10WP; Pyrinex 20EC 30-35ml/ 8 lít, Fenbis 25 EC 30-35ml/8 lít, dầu D-C Tron plus 98,8 EC;

Bitox 40EC/50EC; Butyl 10WP... phun trực tiếp vào chỗ có rệp bu bám. Ở giai đoạn trái già sắp chín nếu có xịt thuốc phải chú ý bảo đảm thời gian cách ly của thuốc để giữ an tòan cho người ăn. Trước khi sử dụng nên đọc kỹ hướng dẫn cách xử dụng của nhà sản xuất có in sẵn trên vỏ bao bì . Nếu trong vườn ngoài cây chôm chôm bạn còn trồng những loại cây ăn trái khác thì khi phun thuốc diệt rệp bạn cũng nên xịt thuốc diệt rệp trên những loại cây này, tránh để chúng lây lan sang cây chôm chôm, mỗi khi cây chôm chôm đã được xịt thuốc.

Nguồn: Admin tổng hợp
DMCA.com Protection Status