Rệp kim hại bưởi da xanh
1. Đặc điểm hình thái rệp kim
Rệp kim hay còn gọi là rệp tuyết, là loài dịch hại phổ biến trên các loại cây có múi như cam, quýt, chanh, bưởi. Chúng có kích thước nhỏ, cơ thể màu trắng, thường bám chặt vào thân cây, cành nhỏ, lá, trái hoặc vùng gốc thân (cách mặt đất khoảng 6-10 cm khi mật độ cao). Khi cây bị rệp kim gây hại, có thể quan sát thấy các đốm trắng bám trên bề mặt thân và cành. Nếu vuốt tay vào sẽ thấy hiện tượng chảy nước. Rệp kim có xu hướng bám thành từng lớp chồng lên nhau, đặc biệt trên thân cây.
2. Khả năng gây hại của rệp kim
Rệp kim chích hút nhựa cây, đặc biệt trên thân và cành già, làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây. Khi mật độ cao và kéo dài, vỏ cây không thể phát triển bình thường, có thể bị nứt nẻ, già cỗi, xì mủ, thậm chí dẫn đến chết cây. Ngoài ra, các vết nứt trên thân còn tạo điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh và côn trùng xâm nhập, gây tổn thương nghiêm trọng hơn.
3. Điều kiện phát triển
Rệp kim thường phát triển mạnh vào cuối mùa mưa và đầu mùa khô nhưng có thể tồn tại quanh năm trên cây qua nhiều thế hệ. Trong điều kiện khô hanh, rệp kim sinh trưởng với mật độ cao và gây hại nặng hơn. Loài này có khả năng di chuyển liên tục trong suốt chu kỳ sống và phát tán nhanh chóng nhờ gió, công cụ làm vườn hoặc qua sự tiếp xúc giữa các cây trồng. Những vườn trồng quá dày, không được tỉa tán hợp lý, có nhiều cành tăm là môi trường thuận lợi để rệp kim phát triển mạnh.
4. Biện pháp phòng trừ rệp kim
4.1 Biện pháp canh tác
Trồng cây với mật độ hợp lý để đảm bảo sự thông thoáng, hạn chế sự lây lan của rệp kim.
Cung cấp đủ nước, đặc biệt vào mùa khô để cây phát triển khỏe mạnh, tăng sức chống chịu.
Sau mùa thu hoạch, cần vệ sinh vườn kỹ lưỡng, tẩy rong rêu trên thân cây để hạn chế nơi trú ẩn của rệp.
Cắt tỉa cành tăm, tạo tán thông thoáng để giảm nơi sinh sống của rệp.
Thu gom và tiêu hủy tàn dư cây trồng, lá bị sâu bệnh nhằm ngăn chặn sự phát sinh của rệp kim và các dịch hại khác.
Tăng cường bón phân hữu cơ để giúp cây phát triển khỏe mạnh, tăng sức đề kháng với sâu bệnh.
4.2 Biện pháp hóa học
Khi mật độ rệp cao, có thể sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật chứa các hoạt chất như: Dimethoate, Pymetrozine, Dinotefuran.
Lưu ý: Cần tuân thủ nguyên tắc 4 đúng khi sử dụng thuốc:Đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ và liều lượng, đúng cách.
4.3 Biện pháp sinh học
Sử dụng các loại thiên địch tự nhiên của rệp kim như bọ rùa, ong ký sinh để hạn chế sự phát triển của loài gây hại này.
Áp dụng chế phẩm sinh học có chứa nấm xanh, nấm trắng để kiểm soát mật độ rệp kim trong vườn.
Kết luận: Rệp kim là một trong những dịch hại phổ biến trên cây có múi, đặc biệt là bưởi da xanh. Việc áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp bao gồm canh tác hợp lý, vệ sinh vườn thường xuyên và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách sẽ giúp kiểm soát hiệu quả rệp kim, bảo vệ cây trồng phát triển khỏe mạnh và cho năng suất cao