Quản lý cỏ dại trong vườn ca cao xen dừa
1. Phân loại cỏ dại
- Cỏ dại là những loài thực vật mọc ở nơi mà con người không mong muốn, làm cản trở quá trình sản xuất nông nghiệp và ảnh hưởng xấu đến lợi ích của con người.
1.1. Phân nhóm theo chu kỳ sống
- Theo cách phân loại này ta thấy có hai nhóm cỏ: cỏ hằng niên và cỏ đa niên.
+ Cỏ hằng niên: Là các loại cỏ hoàn thành vòng đời (từ hạt đến nảy mầm ra hoa tạo hạt) trong một hoặc hai mùa canh tác trong một năm. Các loại cỏ này thường chết vào mùa khô sau khi hoàn thành vòng đời của chúng.
+ Cỏ đa niên: Là những loại cỏ sống lâu hơn một năm. Loại cỏ này rất khó diệt vì có thân ngầm hoặc thân bò trên mặt đất, có bộ rễ, củ phát triển sâu, khả năng sinh sản vô tính mạnh.
a. Cỏ mực (cỏ hằng niên) - b. Cỏ cú (cỏ đa niên)
1.2. Phân nhóm theo hình thái
- Theo kiểu phân loại hình thái, ta có cỏ lá hẹp (còn gọi là cỏ một lá mầm) và cỏ lá rộng (còn gọi là cỏ hai lá mầm)
- Cỏ một lá mầm có những đặc tính chung như: lá hẹp, dày, mọc xiên, mặt lá có lông, rễ thường là rễ chùm, ăn nông, đỉnh sinh trưởng được bọc kín trong bẹ lá. Tuy nhiên, trong nhóm này cũng có một số loại cỏ có đặc tính hơi khác như cỏ cói lác lá hẹp nhưng mềm, mỏng và trơn.
- Cỏ hai lá mầm thường có lá rộng, nằm ngang, mỏng và mềm; rễ thường là rễ cọc, ăn sâu, đỉnh sinh trưởng để lộ ra ngoài.
1.3. Phân loại theo đặc điểm hệ thực vật
* Cỏ được chia thành 3 nhóm:
- Nhóm cỏ hoà bản: Cỏ có bản lá hẹp, dài, gân phụ song song với gân chính chạy dài từ đầu lá tới cổ lá. Thân: Thường tròn và bọng ruột, lá mọc cách, đính trên thân theo hai hàng. Rễ: thường là rễ chùm, ăn nông.
Cỏ chỉ (cỏ lá hẹp)
- Nhóm cỏ chác lác: Lá hẹp nhưng ngắn hơn cỏ hoà bản, thân thường đặc ruột có góc cạnh tam giác, lá đính trên thân theo ba hàng kiểu xoắn óc.
- Nhóm cỏ lá rộng: Lá rộng, nằm ngang, mọc đối, mặt lá ít lông, gân lá sắp xếp theo nhiều kiểu hình khác nhau
Cỏ chác (nhóm chác lác) - Rau mác bao (nhóm lá rộng)
1.4. Các loại cỏ dại trong vườn ca cao xen dừa
- Thường xuyên thăm vườn ca cao, khi phát hiện có cỏ dại trên ruộng phải quan sát kỹ xem đó là loại cỏ gì, một loại hay nhiều loại, mật số bao nhiêu... để chọn biện pháp phòng trừ cho phù hợp
* Cỏ gà (Cynodon dactylon (L) Pers)
- Loại cỏ lưu niên, thân rễ bò dài ở gốc, thẳng đứng ở ngọn, cứng. Lá phẳng, hẹp, nhọn đầu, màu lục vàng, mềm, nhẵn, mép hơi ráp, cụm hoa gồm 2-5 bông xếp hình ngọn, đơn, mảnh.
Cỏ gà
* Cỏ mần trầu (Euleusine indica L.)
- Cỏ hàng năm, thân bò, dài ở gốc, phân nhánh, mọc thẳng đứng thành bụi. Rễ mọc khỏe. Lá mọc cách xa nhau, hẹp, mềm, cụm hoa hình bông có 5-7 nhánh dài, qủa thuôn, có 3 cạnh, ráp.
Cỏ mần trầu
* Cây cỏ nghể (Polygonum Spp.)
- Cây thảo hàng năm, mọc hoang, cao 70-80 cm, nhiều cành. Lá hình mác, cuống ngắn. Hoa đỏ, mọc thành bông ở đầu cành hay kẽ lá. Khi còn tươi, toàn thân có vị cay nóng, thơm.
Cỏ nghể
* Cây trinh nữ (Mimosa Sp.)
- Cây nhỏ, thân có gai hình mọc. Lá xẻ lông chim 2 lần. Hoa tím đỏ, tụ thành hình đầu. Quả giáp dài tụ thành hình ngôi sao. Quả hẹp lại ở phần giữa các hạt, có lông cứng ở mép.
Cây trinh nữ
* Cây cứt heo (Ageratum conyzoides L.)
- Cây thân thảo, sống hàng năm, lá mọc đối, hoa hình đầu, nhỏ, tím hay trắng.
Cây cứt heo
* Cây cỏ tranh (Imperata cylindrica L.)
- Cỏ lưu niên, có thân ngầm cứng ăn sâu xuống đất. Rễ mọc khỏe, cứng, dai. Thân khí sinh cao 0,6-1,2m thẳng đứng, nhẵn, đốt thân có lông mềm. Lá mọc thẳng đứng, dài, có lông ở mặt dưới lá, thường ráp ở mặt trên. Lá non màu lục nhạt, bóng, cuộn lại. Cụm hóa hình dày đặc, màu trắng, phần giữa hình trụ, đầu tù, dài 5-20 cm. Hạt nhỏ có nhiều lông nhỏ và dài, cỏ tranh sinh bằng thân ngầm và hạt.
Cây cỏ tranh
* Cỏ gấu (củ gấu, cỏ củ) - Cyperus rotundus L.
- Cỏ lưu niên có thân rễ phát triển thành củ. Cao 20- 60 cm. Lá nhỏ, hẹp, sống lá có gân cứng và bóng, phần dưới lá ôm lấy thân cây.
Cỏ ấu
* Vừng dại (Borreria latifolia)
- Loại cỏ dại thấp khoảng 50 cm, thân mềm, 4 cạnh, lá hình trứng, màu xanh nhạt, mọc đối.
Vừng dại
* Cỏ thảm lá rộng (Axonopus comApressus)
- Cỏ lưu niên, thân dẹt, bò lan trên mặt đất, chia thành các đốt dài 2-3 cm, phần nhiều nhánh tạo thành thảm cỏ dày đặc. Lá phẳng nhọn đầu, mềm. Cụm hoa hình bông giả, thẳng, hơi ra ngoài bẹ mo, màu lục đậm.
Cỏ thảm lá rộng
2. Tác hại của cỏ dại
- Làm giảm năng suất và phẩm chất của của cây ca cao: do có bộ rễ phát triển rất mạnh, phần lớn được phân bố ở lớp đất mặt nên dễ dàng cạnh tranh với ca cao về dinh dưỡng, ánh sáng và nước làm cho ca cao không đủ điều kiện sinh sống nên sinh trưởng và phát triển kém, cho năng suất thấp, phẩm chất nông sản giảm.
- Là ký chủ của sâu bệnh: Các cây cỏ dại cùng họ có những đặc điểm giống cây ca cao là những ký chủ phụ rất tốt cho sâu bệnh.
- Làm tăng chi phí sản xuất: như tốn công làm cỏ, diệt cỏ bằng hoá chất..
3. Các biện pháp quản lý cỏ dại
* Tránh nhiễm hạt cỏ trong hầm ủ phân:
- Tập quán nông dân là độn nhiều xác bã thực vật kể cả cỏ có hạt vào hầm ủ phân để hy vọng đạt được lượng phân chuồng nhiều. Đây là biện pháp kỹ thuật không đúng đắn. Nhiệt độ ủ phân trong khoảng từ 65-90oC trong vòng 4-5 tháng là cần thiết để giết chết hạt cỏ. Các hóa chất dùng để giết chết hạt cỏ trong phân là aerocyan amide (70% hydrated lime + 20,6% N2), metham, ammonium thiocuanate hoặc uramon. Các chất này sẽ tiêu diệt mầm cỏ dại và biến mất trong phân ủ trong vòng 6-8 tuần.
* Ngăn cản cỏ lây lan qua nông cụ, gia súc:
- Ngăn không cho gia súc di chuyển từ vùng ruộng nhiều cỏ sang ruộng sạch cỏ bởi vì chúng có thể làm rơi hạt cỏ dại và và các loại quả nhiễm cỏ hoặc các loại được chúng tiêu hóa. Máy móc trên nông trại nên vệ sinh sạch sẽ trước khi đưa sang hoạt động trên mảnh ruộng mới. Cũng tương tự đối với chuồng nuôi gia súc, sỏi, cát và đất từ vùng nhiễm cỏ đến vùng mới. Các vườn ươm nên được kiểm tra chặt chẻ sự hiện diện của mầm cỏ dại, đặc biệt là các loại cỏ lâu năm. Những thân rễ cỏ và những thân củ thường được chuyển vào vườn ươm từ những cánh đồng canh tác. Thậm chí những cây giống của những cỏ dại như Echinoc oa colonum và Oryza sativa var. fatua, được chuyển vào cùng với mạ, trừ phi những vườn ươm được giữ sạch cỏ và những cây giống được kiểm tra liên tục.
* Giữ sạch cỏ ở vùng đất trống không gieo trồng:
Các rãnh tưới và tháo nước, các hàng rào chắn xung quanh vườn, các mảnh đất không trồng trọt quanh vườn thường bị nông dân quên lãng. Đây là nơi thuận lợi cho cỏ dại tạo hạt và phát tán. Cần làm sạch các bờ, đất trồng không canh tác bằng mọi biện pháp kể cả hóa chất.
* Thường xuyên cảnh giác:
- Nông dân cần để ý theo dõi định kì các loài cỏ con lạ xuất hiện trên đồng ruộng. khi phát hiện cỏ lạ cần đào gốc lên và tiêu diệt triệt để. vị trí cỏ lạ mọc cần được xử lý bằng thuốc khử trùng đất với liều cao để diệt tận gốc.
* Sử dụng màng phủ:
- Việc che phủ làm hạn chế hoặc diệt cỏ bằng việc che ánh sáng. Rơm, cỏ khô, lá mía khô, sân phân chuồng, trấu, mạc cưa và vỏ cây thuộc những loại vật liệu phủ tự nhiên mà chúng làm hạn chế sự phát triển của cỏ.
* Làm đất tối thiểu:
- Làm đất sâu và thường xuyên chôn vùi hạt giống cỏ dại và giảm sự tồn lưu cỏ hàng năm.
* Biện pháp trừ:
- Có thể nhổ cỏ bằng tay, làm đất, sử dụng nước thích hợp và dùng thuốc hoá học. Hiện nay, việc sử dụng thuốc hoá học để diệt trừ cỏ được coi là biện pháp hữu hiệu nhất vì nó tiết kiệm được công lao động, có thể sử dụng nhanh chóng trên diện rộng và được sử dụng ở nhiều thời điểm khác nhau, không cực nhọc, vất vả như các biệp pháp làm cỏ khác.
Lưu ý: Phải sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng
- Tùy theo phổ tác động mà người ta chia ra thuốc trừ cỏ có tác động chọn lọc (chỉ diệt được một số loài cỏ) và thuốc trừ cỏ có tác động không chọn lọc (tiêu diệt mọi loài cỏ).
- Tùy theo thời điểm dùng mà có thể chia ra thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm (có tác dụng tiêu diệt cỏ trước khi nảy mầm) và thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm (tiêu diệt cỏ sau nảy mầm đang sinh trưởng tốt). Tùy mức độ chọn lọc có thể phân ra thuốc trừ cỏ một lá mầm (chỉ tiêu diệt nhóm cỏ thuộc thực vật một lá mầm) và thuốc trừ cỏ 2 lá mầm (chỉ tiêu diệt nhóm cỏ thuộc thực vật 2 lá mầm). Tùy thuộc cơ chế tác động mà người ta chia ra thuốc trừ cỏ nội hấp và thuốc trừ cỏ tiếp xúc, thuốc trừ cỏ lá rộng và thuốc trừ cỏ lá kim, thuốc trừ cỏ hằng niên và thuốc trừ cỏ đa niên…
- Xuất phát từ đặc điểm trên của thuốc trừ cỏ, đặc điểm của cỏ dại, vị trí cần diệt cỏ mà ta dùng thuốc cho hợp lý, đạt hiệu quả cao. Ví dụ trên đường giao thông, nhà xưởng… ta có thể dùng thuốc trừ cỏ có phổ tác động rộng (tiêu diệt được mọi loài cỏ) và thuốc có hiệu lực dài (có thể sau 2-3 tháng mới cần phun lại). Tuy vậy thuốc trừ cỏ là một hóa chất bảo vệ thực vật có độ độc khác nhau đối với con người và môi trường cũng như hệ sinh thái nói chung, nên khi sử dụng phải tuân thủ nguyên tắc 4 đúng:
+ Dùng đúng thuốc: Nên sử dụng thuốc trừ cỏ có hiệu quả cao với loài cỏ dại cần phòng trừ nhưng ít độc hại với con người và môi trường. Không sử dụng thuốc cấm, thuốc không nằm trong danh mục được phép sử dụng. Ví dụ khi dùng thuốc trừ cỏ cho lúa nước phải dùng thuốc trừ cỏ chọn lọc được khuyến cáo sử dụng cho lúa nước (Sofit 300EC, Ferim 18,5WP…), không được dùng thuốc trừ cỏ có phổ tác động rộng và thuốc trừ cỏ một lá mầm để phun trừ cỏ trên ruộng lúa (lúa là thực vật một lá mầm), nếu không tuân thủ điều này thì cả lúa và cỏ dại đều bị tiêu diệt.
+ Dùng đúng lúc: Dùng đúng lúc với thuốc trừ cỏ là phải biết kết hợp cơ chế tác động của thuốc với giai đoạn sinh trưởng của cỏ dại. Không phun thuốc khi trời sắp mưa, có gió lớn, khi cây trồng đang thời kỳ xung yếu (dễ mẫn cảm với thuốc). Ví dụ muốn diệt cỏ cho ruộng trước khi trồng lạc, đậu tương… ta phải dùng thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm như Acotab 330EC, Butan 60EC… Trong vườn cây ăn quả (cam ,xoài, vải, nhãn…) nếu muốn diệt cỏ đang sinh trưởng tốt phải dùng thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm như Basta 6SL, Vilapon 80BTN…
+ Dùng đúng nồng độ và liều lượng: Liều lượng là lượng thuốc tối thiểu trên đơn vị diện tích để đảm bảo tiêu diệt hết cỏ dại nhưng không gây hại tới cây trồng (thường tính bằng lít, kg thuốc thành phẩm hoặc nguyên chất cho 1 ha). Nồng độ là độ pha loãng của thuốc để trừ dịch hại nói chung và cỏ dại nói riêng thường được tính bằng %, gam, ml. Riêng nguyên tắc này với thuốc trừ cỏ cần căn cứ vào loài cỏ dại, mật độ cỏ và nơi cần trừ cỏ. Ví dụ nơi cần diệt cỏ mà không gieo trồng (đường giao thông, nhà xưởng…) có thể pha thuốc tăng nồng độ và liều lượng so với qui định (tối đa không vượt quá 25% so với khuyến cáo). Nhưng khi phun thuốc có cả cây trồng và cỏ dại thì chúng ta bắt buộc phải tuân thủ nguyên tắc này, nếu không cả cây trồng và cỏ dại đều bị tiêu diệt.
+ Dùng đúng cách: Cần phun rải đều để thuốc tiếp xúc tốt với cỏ dại sẽ làm tăng hiệu quả của thuốc. Phun thuốc đúng cách còn được hiểu là dùng phương pháp phun, cách phun làm tăng hiệu quả tiêu diệt cỏ dại của thuốc trừ cỏ và hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của thuốc đối với cây trồng. Ví dụ muốn trừ cỏ trong vườn cây ăn quả ta có thể dùng thuốc trừ cỏ có phổ tác động rộng như Round 480EC, Gramoxone 20SL... Khi muốn tiêu diệt cỏ cho vườn cà chua, dưa hấu… phải hạ thấp vòi phun không để thuốc tiếp xúc với phần xanh của cây trồng. Có làm như vậy chúng ta mới đảm bảo được yêu cầu vừa tiêu diệt được cỏ dại vừa bảo vệ được cây trồng.
* Ngoài 4 nguyên tắc trên cần chú ý:
- Chỉ được dùng nước sạch để pha chế thuốc trừ cỏ.
- Trên vườn cây ca cao để tiêu diệt cỏ dại nhanh và tăng hiệu quả của thuốc ta có thể pha thêm phân đạm vào thuốc trừ cỏ nhằm làm tăng hiệu quả hấp phụ thuốc của cỏ dại.
4. Các biện pháp phòng trừ cỏ dại
4.1. Các biện pháp hạn chế cỏ dại
- Trước khi trồng, đất cần được khai hoang cày bừa kỹ, sau đó tiến hành xử lý, thu gom dọn sạch cỏ dại cũng như các cơ quan sinh sản của cỏ như thân ngầm, cành, thân phơi khô rồi đốt.
- Dùng rơm rạ, thân lá thực vật che phủ mặt đất.
- Trồng xen, trồng cây phủ đất để hạn chế cỏ dại
- Hạn chế sự xâm nhập cơ giới của cỏ dại vào vườn ca cao: Không dùng các loại cỏ có khả năng sinh sản vô tính để làm vật liệu tủ gốc; Không sử dụng các loại cỏ sinh sản vô tính, các loại cỏ đã ra hoa làm chất độn chuồng và bón cho vườn tiêu.
4.2. Các biện pháp diệt trừ cỏ dại
a. Diệt trừ bằng biện pháp thủ công, cơ giới:
- Dùng cuốc xới xáo, số lần xới nhiều hay ít tùy thuộc vào lượng cỏ dại nhiều hay ít và mức độ sinh trưởng của cỏ dại mạnh hay yếu.
- Nhổ cỏ bằng tay.
- Dùng máy cắt cỏ hoặc phát cỏ: vào mùa mưa, tiến hành cắt hoặc phát cỏ thấp trên hàng, cách mặt đất 5 – 7 cm để tạo thành thảm phủ, hạn chế xói mòn rửa trôi. Cỏ gần gốc ca cao phải nhổ bằng tay.
Lưu ý: Khi xới xáo, làm cỏ cho vườn ca cao không được làm ảnh hưởng đến bộ rễ của cây ca cao.
Làm cỏ và xới xáo cho ca cao
b. Diệt cỏ dại bằng phương pháp hóa học
- Có thể dùng một số loại thuốc có gốc Glyphosat như Glyphosan, Helosat, Roundup, clean-up, Viphosat… để diệt trừ một số loài cỏ khó diệt, sinh sản vô tính như cỏ tranh, cỏ gấu…
- Đây là những loại thuốc có tác động lưu dẫn, do vậy sau khi phun thuốc sẽ xâm nhập vào bên trong thân qua bộ lá rồi di chuyển đến tất cả các bộ phận của cây kể cả hệ thống thân ngầm dưới đất nên hiệu quả diệt trừ rất cao.
- Loại thuốc trừ cỏ có thể diệt trừ được rất nhiều loại cỏ, kể cả các loại cây trồng nếu trong quá trình phun để dung dịch thuốc bám dính vào các bộ phận xanh của cây.
- Nên phun thuốc vào thời điểm cỏ sinh trưởng mạnh, có nhiều lá xanh, chồi non (cỏ tranh cao 25 – 30 cm, cỏ gấu cao 10 – 15 cm).
- Không nên phun thuốc trong điều kiện khô hạn, đất ngập nước.
- Trong thực tế người trồng ca cao thường chỉ sử dụng thuốc trừ cỏ để phun trước khi trồng, nếu khu đất có quá nhiều cỏ khó diệt.
- Sau khi đã trồng ca cao thì việc sử dụng thuốc diệt cỏ cần hết sức cẩn thận, tuyệt đối không được để dung dịch thuốc bám dính gây hại cho cây ca cao, nên:
- Che chắn cây ca cao khi phun thuốc
- Sử dụng áp lực phun thấp
- Không phun khi có gió lớn
-
Hướng dẫn sử dụng chất điều hòa sinh trưởng cho cây nho đạt tỷ lệ cao
Các chất điều hòa sinh trưởng đang được sử dụng rộng rãi ở các vùng trồng nho hiện nay với nhiều mục đích khác nhau như làm tăng đậu quả, tăng kích thước quả và kích thích quả không hạt...
-
Kỹ thuật tưới nước và tủ gốc cho cây ca cao
Nước là yếu tố rất quan trọng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây ca cao và có ảnh hưởng nhiều đến sự phát sinh gây hại của dịch hại.
-
Kỹ thuật bón phân cho cây ca cao (Phần 1)
Các chất dinh dưỡng có vai trò hết sức quan trọng giúp ổn định và tăng năng suất cho cây. Cây ca cao cần được cung cấp đầy đủ các nguyên tố đa, trung và vi lượng.
-
Kỹ thuật bón phân cho cây ca cao (Phần 2)
Cây ca cao là cây hấp thụ nhiều chất dinh dưỡng, trong đó kali là cao nhất. Nhu cầu dinh dưỡng tăng theo tuổi và năng suất. Năng suất càng cao, càng cần phải bón nhiều phân.
-
Kỹ thuật tỉa cành, tạo tán cho cây ca cao
Ca cao là cây ưa bóng, tuy nhiên để đảm bảo năng suất cao và ổn định thì việc cắt tỉa tạo hình góp phần duy trì được năng suất, phẩm chất và hạn chế được tác hại của dịch hại.
- Sử dụng phân bón và chất dưỡng trái cho cây hồ tiêu giai đoạn nuôi trái
- Bí quyết giữ hoa không rụng trong điều kiện nắng nóng
- Hướng dẫn xử lý tuyến trùng trên cây ổi bằng phương pháp sinh học
- Kỹ thuật chăm sóc cây sầu riêng ra hoa đậu trái đạt hiệu quả cao
- Biện pháp khắc phục, hồi sinh cây cà phê bị ngộ độc phân bón
- Hướng dẫn ủ rác thải nhà bếp làm phân bón đơn giản tại nhà