Ông chủ cơ khí thu tiền tỷ nhờ trồng rau công nghệ cao
Bỏ ra 4 năm theo học ngành cơ khí nhưng sau khi làm được một năm, anh Tô Quang Dũng (Đà Lạt, Lâm Đồng) lại chuyển sang trồng nông sản công nghệ cao, thu về 5 tỷ mỗi năm.
Sinh ra ở miền Trung, anh Dũng theo gia đình chuyển đến sống tại Đà Lạt từ năm 1992. Ban đầu anh làm công nhân tại một nông trường rau. Tuy nhiên, công việc tại nông trường ngày càng ít và thu nhập không đủ cho cuộc sống gia đình, anh phải nghỉ việc tại đây để theo học cơ khí.
Sau 4 năm, Dũng ra trường và trở thành ông chủ tiệm cơ khí lớn thứ 2 Đà Lạt. Nhưng làm cơ khí sau một năm anh lại thấy không còn hướng phát triển, những chiếc xe cần gia công, sửa chữa ngày càng ít lại.
“Vào những ngày đầu tôi làm cơ khí, người dân đa phần đi xe cũ, ngày nào cũng có người mang xe tới sửa. Nhưng sau một năm, khi được cho phép nhập về nhiều dòng xe mới, việc gia công cứ thế giảm đi và thu nhập không đủ trang trải chi phí”, anh Dũng chia sẻ.
Tổng diện tích rau công nghệ cao của anh Dũng hiện trên 3 ha. Ảnh: Phạm Oanh.
Quyết định đi con đường kinh doanh khác, anh bắt đầu tìm hiểu thị trường rau an toàn. Sau vài lần được tham quan Malaysia, đất nước trồng rau theo mô hình thủy canh rất phát triển, cộng thêm những điều đã quan sát, anh bắt tay đầu tư trồng rau công nghệ cao.
Trở lại trồng rau như cái duyên gắn bó với vùng đất Đà Lạt, nhưng xuất phát điểm từ hai bàn tay trắng cộng thêm việc không có hiểu biết về rau công nghệ cao là một trở ngại lớn. Đất ngay trong thành phố dường như quá sức đầu tư của anh, phải tìm đến những nơi xa thành phố để giá thuê rẻ hơn. Kết hợp với đó, anh học hỏi kinh nghiệm hộ nông dân trồng rau xung quanh, đặc biệt là các chuyên gia trồng rau công nghệ cao.
Đến nay, anh Dũng đã sở hữu trang trại rau công nghệ cao, bao gồm thủy canh và bán thủy canh với diện tích trên 3 ha. Chi phí đầu tư ban đầu cho toàn bộ diện tích bao gồm hệ thống tưới, giống, dinh dưỡng,… chưa kể đất và nhà kính là 5 tỷ đồng.
Một ha cà chua beef cho năng suất 150 tấn với giá bán 15.000-19.000 đồng/kg. Ảnh:Phạm Oanh.
Trong đó, 2000 m2 diện tích trồng hoàn toàn theo phương pháp thủy canh với 8 loại xà lách nguồn gốc từ Hà Lan được thị trường ưa chuộng, như: xà lách mỡ, xà lách xoong, xanh, tím, batavia, salanova,… Bên cạnh đó, anh dành 1 ha đầu tư trồng cà chua beef, có trọng lượng lên tới nửa kg một quả, cây trưởng thành cao từ 15-20 m. Cà này cho năng suất 150 tấn/ha, gấp 3-5 lần so với phương pháp trồng truyền thống. Các loại rau công nghệ cao tại trang trại đều bán đồng giá 35.000-40.000 đồng/kg.
Cùng với cà chua và xà lách là 2 nông sản chính, anh Dũng trồng thêm giống ớt sừng bò, nhập giống từ Hà Lan, với giá bán dao động 15.000-19.000 đồng/kg đang rất được thị trường ưa chuộng.
Các sản phẩm sau khi thu hoạch anh cho sơ chế và đóng gói ngay tại vườn, sau đó chuyển thẳng đến các hệ thống siêu thị tại TP.HCM tiêu thụ.
Hiện trang trại rau của anh cho thu nhập đều đặn khoảng 5 tỷ mỗi năm. Anh vẫn nuôi ước mơ mở rộng thêm mô hình rau quả công nghệ cao, đặc biệt là tăng diện tích rau thủy canh, áp dụng công nghệ cao vào khâu sau thu hoạch để đạt hiệu quả tốt hơn.
- Áp thuế VAT 5% cho phân bón: Lợi ích và thách thức cho nông dân và ngành phân bón trong nước
- Việt Nam xuất khẩu gạo có nhiều triển vọng trong năm 2020
- Cơn sốt hồ tiêu trong ngắn hạn
- Tình hình sản xuất cây đậu xanh ở Việt Nam
- Giải pháp thị trường tiêu thụ trong sản xuất rau màu
- Thực trạng sử dụng phân bón, thuốc BVTV và giải pháp cho vùng rau