"Nỗi buồn" hạt gạo Việt

Cây trồng liên quan: Cây lúa

Thống kê mới đây nhất của Bộ NN&PTNT cho thấy xuất khẩu gạo năm 2016 không đạt nổi 5 triệu tấn, thấp hơn mức dự báo đưa ra từ đầu năm 1,6 triệu tấn. Đáng nói hơn, nhiều lô hàng bị trả về do không đảm bảo chất lượng.

Gạo Việt Nam đang giảm sút cả về sản lượng và chất lượng hàng xuất khẩu

Gạo Việt Nam đang giảm sút cả về sản lượng và chất lượng hàng xuất khẩu. (Ảnh: Internet)

Sản lượng, chất lượng “tụt dốc”

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), khối lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2016 đạt gần 4,9 triệu tấn với trị giá 2,2 tỉ USD, giảm 26% về khối lượng và giảm 21% về giá trị so với năm 2015.

Năm 2016, trong các thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam, Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam với 36% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này đã giảm 21% về khối lượng và giảm 12% về giá trị so với năm ngoái.

Nhiều thị trường khác cũng có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh trong năm qua như: Philippines (giảm 65%), Malaysia (giảm 48%), Mỹ (giảm 33%), Singapore, Indonesia, Bờ Biển Ngà và Hong Kong đều đồng loạt giảm tiêu thụ gạo Việt trong năm 2016.

Đặc biệt, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), từ đầu năm đến nay, đã có hàng trăm công-ten-nơ gạo thơm của Việt Nam bị đối tác trả về do không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Tính riêng Mỹ- thị trường gạo tiềm năng của Việt Nam và cũng là thị trường yêu cầu chất lượng cao, có nhiều rào cản kỹ thuật, đã có nhiều lô hàng gạo xuất khẩu sang Mỹ bị trả về.

Nguyên nhân do gạo nhiễm các dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và vi phạm các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm vượt mức giới hạn cho phép theo quy định của Mỹ. Trong đó, chủ yếu là gạo thơm jasmine, gạo tấm jasmine, gạo lứt và gạo trắng chất lượng cao.

Như vậy, sản lượng xuất khẩu gạo cả năm thấp hơn tới 1,6 triệu tấn so với dự báo 6,5 triệu tấn mà Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đưa ra từ đầu năm. Cùng với đó là sự giảm sút cả về chất lượng hạt gạo. Nếu không tìm ra nguyên nhân của tình trạng này cũng như hướng giải quyết thời gian tới, hạt gạo Việt khó lòng đáp ứng được yêu cầu của những thị trường khó tính trong bối cảnh cạnh tranh ngày thêm gay gắt.

Loay hoay xây thương hiệu

Nhận định về nguyên nhân của sự “tụt dốc” trên, các chuyên gia cho rằng, xuất khẩu gạo giảm sút về số lượng, cũng như giá trị và bị trả lại, là do tình trạng sản xuất nhỏ, manh mún của các hộ nông dân cho nên sản phẩm không đồng đều về phẩm cấp, chất lượng và bảo đảm độ an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, để tăng sản lượng, nhiều diện tích đất trồng cây lúa phải quay vòng hai đến ba vụ/năm, buộc nông dân phải sử dụng nhiều phân bón để bổ sung dinh dưỡng cây trồng cho đất. Cộng thêm tác động của thời tiết dẫn đến dịch bệnh trên cây trồng gia tăng, khiến nhà nông lại phải dùng nhiều thuốc trừ sâu để trị bệnh.

Tuy nhiên, họ lại không được hướng dẫn quản lý, sử dụng thuốc trừ sâu đúng cách, dẫn đến dùng quá mức cho phép, không chỉ gây tổn hại môi trường, mà còn khiến cho chi phí sản xuất tăng, đẩy giá thành nông sản lên, trong khi năng suất lại không cao.

Trong khi đó, nhiều năm nay gạo Việt Nam xuất khẩu chủ yếu vào các thị trường dễ tính về chất lượng như Trung Quốc, châu Phi… với số lượng lớn, khiến nông dân, doanh nghiệp chạy theo lượng nhiều hơn là chú ý đến chất.

Nên khi xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, nơi đòi hỏi rất cao về chất lượng gạo dẫn đến việc tuy là một trong những nước xuất khẩu lúa gạo đứng hàng đầu thế giới, nhưng gạo Việt Nam chưa có thương hiệu, chưa thuộc loại chất lượng cao trên thị trường thế giới.

Nhiều năm liền, ngành nông nghiệp loay hoay trong việc xây dựng thương hiệu cho lúa gạo, để đưa gạo Việt vào chuỗi cung ứng trên toàn cầu, nhưng lại thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công thương trong việc xây dựng, quảng bá hình ảnh, khiến người tiêu dùng trên thế giới chưa biết nhiều “hạt ngọc Việt”, hoặc nghi ngờ và lo ngại về rủi ro an toàn. Vì vậy, giá trị của gạo Việt Nam bị giảm dần.

Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status