Ngài chích hút trái
Họ: Noctuidae
Bộ: Lepidoptera
Đối tượng cây trồng bị hại: cam, bưởi, quýt, ổi, xoài, chuối, nho...
Các loại ngài chích hút khác: Eudocima salaminia, Ophiusa coronata, Rhytia hypermnestra...
Triệu chứng gây hại của ngài chích hút:
Ngài hút trái và triệu chứng sau khi ngài chích trái gây hại
Trái bị hại lúc mới rất khó phát hiện, vài ngày sau vết chích thâm lại, tạo vầng thâm đen xung quanh. Ngài rất thích những trái lớn, mỏng vỏ, nhiều nước. Khi hiếm thức ăn, ngài có thể chích cả trái non.
Vết chích tạo những đốm vàng trên trái, trái bị hại thường khô cứng, không có nước, bị hại nặng có thể thối và rụng.
Đặc điểm hình thái ngài chích hút:
- Ngài các loại trên đều có đặc điểm chung là cơ thể thường lớn, bay khoẻ, ngực, bụng đều to và phủ nhiều lông dài. Ngài trưởng thành có chiều dài thân 35-37 mm, sải cánh dài 85-95 mm. Mầu sắc sậm, tối, trên cánh có nhiều đốm lớn có hình dạng khác nhau, mầu sắc khác nhau. Cánh sau thường có mầu vàng cam, viền cánh sau thường có mầu nâu đen, giữa cánh sau thường có một đốm hình chử C, độ lớn của đốm này thay đổi tùy loại. Vòi chích hút phát triển thành những kim chích hút dài, mạnh, thích ứng cho việc đâm thủng qua những lớp vỏ cứng và dầy. Khi không ăn, vòi thường được cuộn tròn dưới đầu, khi ăn, vòi có thể vươn thẳng, dài hơn 2 cm.
- Ấu trùng mới nở có màu xanh nhạt, sau lớn có màu nâu tối, có 2 chấm màu trắng trên lưng.
- Nhộng có màu đen.
Đặc điểm sinh học và gây hại của ngài chích hút:
* Vòng đời:
- Trứng: 2-3 ngày
- Sâu non: 18-22 ngày
- Nhộng: 16-18 ngày
- Trưởng thành: có thể sống trên 10 tuần.
Một con cái đẻ khoảng 30 - 32 trứng, rải rác trên lá cây leo hoang dại.
Thành trùng hoạt động và để trứng vào ban đêm. Chúng gây hại bằng cách châm vòi hút trực tiếp vào trái để hút dịch.
Tác hại của ngài chích hút trái là còn làm cho các vi sinh vật, nấm gây bệnh tấn công.
Thiên địch của ngài chích hút:
Giai đoạn trứng thường bị ký sinh bởi ong Trichogramma chilonis, giai đoạn ấu trùng bị ký sinh bởi Winthemia caledonia...
Biện pháp quản lý ngài chích hút:
- Vệ sinh vườn, diệt dây leo (ký chủ phụ).
- Dùng vợt bắt và giết thành trùng vào ban đêm, trong khoảng từ 18-22 giờ.
- Mùa trái chín có thể dùng vợt hay đèn bắt ngài.
- Dùng trái chín và có mùi thơm như chuối, khóm có tẩm thêm nước mật và thuốc trừ sâu để làm bẫy mồi bắt ngài.
- Sử dụng bã có tẩm các loại thuốc trừ sâu không hoặc ít mùi để không ảnh hưởng đến mùi thơm của bẩy mồi. Nên chú ý đặt bẩy ở những cây ở bìa vườn.
- Phun sản phẩm có hoạt chất Emamectin hay Lufenuron để diệt ấu trùng (sâu non).
- Dùng biện pháp bao trái.