Nam Định: Những nông dân đam mê sáng tạo
Vốn là những nông dân thuần túy nhưng trong quá trình lao động luôn nung nấu suy nghĩ sáng tạo cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất để công việc bớt nhọc nhằn hơn, hiệu quả lao động tốt hơn. Nhiều sản phẩm sáng tạo của những “kỹ sư” không bằng cấp này đã mang lại hiệu quả ứng dụng rất thiết thực, được bà con nhân dân quanh vùng học tập, truyền nhau để áp dụng vào thực tế sản xuất. Đây là vốn quý của người lao động rất cần được khuyến khích bởi tinh thần đam mê sáng tạo đã giúp cho họ thêm yêu lao động, khẳng định khả năng làm chủ lao động tiếp cận tri thức công nghệ hiện đại.
Bác Vũ Văn Thịnh, xóm Tân Thịnh, xã Hải Triều ( Hải Hậu) vận hành chiếc máy xới đất do mình cải tiến kỹ thuật.
Về xã Hải Triều (Hải Hậu), tôi mới chỉ hỏi thăm nhà của bác Vũ Văn Thịnh và anh Trần Văn Tuyến ở xóm Tân Thịnh, bà con nhân dân đã hồ hởi nói ngay: Cô hỏi hai ông làm máy xới đất phải không? Rồi tận tình chỉ nhà, chỉ khu vườn mà các ông hay làm để nhỡ không gặp ở chỗ này thì tìm chỗ khác “thế nào cũng gặp”. Những sáng tạo cải tiến kỹ thuật của hai bác nông dân này tạo ra đã được bà con địa phương ghi nhận, tôn vinh và ưu ái tặng cho cái tên “nhà nông sáng tạo”. Xã Hải Triều trước có 120ha làm muối, sau khi chuyển đổi, toàn bộ diện tích này được chuyển sang trồng màu để nâng cao hiệu quả kinh tế. Những công việc lớn trong chuyển đổi sản xuất như quy hoạch lại hệ thống thủy nông, san đất, lấp nền, rồi giống, vốn, kỹ thuật canh tác… thì đã được Đảng bộ, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện. Tuy nhiên thực tế bắt tay vào sản xuất mới phát sinh rất nhiều khó khăn mà người dân phải tự khắc phục, trong đó khâu làm đất để chuyển đổi mùa vụ khiến người dân rất vất vả. Mặc dù là nông dân nhưng bao năm chỉ quen nghề làm muối thì việc cuốc đất làm vườn ban đầu với họ cũng khó khăn. Hơn nữa để cuốc hàng ha đất vườn màu chỉ bằng sức người làm thủ công thì vừa không đủ sức, vừa không đảm bảo tiến độ cho kịp thời vụ cây trồng. “Cái khó ló cái khôn”, sau bao ngày đêm trăn trở, trằn trọc, bác Thịnh ước có chiếc máy thay đôi tay của mình, nhưng tiền mua máy tốn quá. Rồi bác nhớ đến những “kỹ sư hai lúa” ở các nơi tự nghiên cứu chế ra các loại máy móc nông cụ từng được giới thiệu trên báo, đài. “Tại sao mình không thử làm như họ?”. Nghĩ vậy rồi bác quyết tâm phải chế ra một chiếc máy xới vườn vừa hiệu quả, vừa gọn nhẹ phù hợp với đồng đất quê hương, tận dụng các loại vật tư nguyên liệu sẵn có để hạn chế đầu tư. Nghĩ là làm, bác mày mò tìm hiểu trên internet để xem các mẫu máy chuẩn như thế nào rồi thử nghiệm với các nguyên liệu sẵn có trên thị trường. Bác tận dụng động cơ cũ của xe máy và thêm các chi tiết khác như thép ống, thép hình, lưỡi cày, vòng bi để làm các chi tiết. Nghĩ là vậy nhưng kỹ thuật cơ khí bác lại hoàn toàn không hề biết. Để khắc phục điểm yếu đó, bác Thịnh tìm đến người thợ cơ khí gần nhà, trao đổi ý tưởng, hỗ trợ về kỹ thuật, tính toán cấu trúc, tỷ lệ, nguyên lý hoạt động của máy… Sau một thời gian mày mò thiết kế thử nghiệm, chiếc máy xới vườn mi ni của bác Thịnh đã ra đời với những ưu điểm: nhỏ gọn, dễ sử dụng, động cơ chạy bằng nhiên liệu xăng, điều khiển bằng tay cầm. Điều khá thú vị là bộ phận răng cày của máy xới đất có thể tháo rời và thay thế kích cỡ tùy theo yêu cầu sử dụng. Máy có năng suất xới 1 sào/giờ, tương đương với 10 lao động, chi phí nhiên liệu hết 0,6 lít xăng. Với chiếc máy này, bác Thịnh không chỉ hoàn thành việc làm đất ở khu vườn của gia đình mình mà còn hỗ trợ bà con trong xóm khâu làm đất. Do đó tiến độ làm đất trồng màu của bà con được triển khai nhanh, tạo điều kiện để đa dạng hóa các loại cây trồng. Nhờ có máy nên đỡ hẳn công và chi phí làm đất đã góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Từ mô hình chiếc máy này, nhiều hộ làm nghề cơ khí trong xã đã nghiên cứu sản xuất máy theo hướng hoàn thiện hơn để đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất của người dân. Anh Trịnh Văn Diện, thôn An Trạch xã Trực Chính (Trực Ninh) lại có khả năng chế tạo ra nhiều loại máy móc sản xuất nông nghiệp để phục vụ cho sản xuất tại trang trại của gia đình. Bắt đầu thuê đất làm trang trại chuyên trồng các loại rau màu như khoai tây, khoai lang, lạc, ngô nếp và ngưu tất, anh Diện gặp phải nhiều khó khăn, đặc biệt tiền vốn để đầu tư mua các loại máy móc đáp ứng yêu cầu sản xuất nhưng điều kiện kinh tế eo hẹp. Hơn nữa nhiều loại máy móc trên thị trường không hẳn phù hợp với thực tế sản xuất ở địa phương… Vậy là với cuốn Cẩm nang Cơ khí nông nghiệp được một người quen tặng, anh Diện quyết tâm tự chế tạo máy để làm chủ kỹ thuật, không phải mời kỹ sư hay thợ kỹ thuật về sửa chữa mỗi khi máy gặp trục trặc trong quá trình sử dụng. Với chiếc máy cày MTZ cũ của Liên Xô sẵn có, anh Diện đã chế thêm các loại công cụ chi tiết khác gắn vào phần động cơ máy cày để phục vụ các nhu cầu sản xuất khác nhau như: làm đất, xẻ rãnh, tra hạt, làm cỏ, phun thuốc trừ sâu, tưới nước và thu hoạch... Anh Diện cho biết: Việc đưa máy móc vào phục vụ sản xuất đã mang lại lợi ích lớn không chỉ để cho kịp thời vụ, giảm lao động thủ công và tăng năng suất cây trồng, tiết kiệm nguyên liệu mà còn đảm bảo an toàn cho người lao động trong quá trình sản xuất. Trong rất nhiều tính năng của máy nông nghiệp, tôi đặc biệt tâm đắc với việc chế tạo thành công bộ phận phun thuốc trừ sâu bởi thực tế cách phun truyền thống bằng thủ công ở công đoạn này vừa chậm lại rất hại sức khỏe cho nông dân. Tôi đã sử dụng hệ thống vòi phun thuốc, bình bơm gắn vào máy cày và cài đặt tốc độ phun. Ước tính cứ 1 giờ dùng máy phun thuốc trừ sâu sẽ thay thế cho 2 công lao động mà lại giảm thiểu tối đa nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe. Nhờ thiết bị cải tiến hiệu quả này đã giúp việc sản xuất của trang trại được cơ giới hóa tối đa, đảm bảo thời vụ, giảm chi phí sản xuất. Mỗi năm anh thu hoạch hàng trăm tấn rau màu các loại. “Tiếng lành đồn xa”, trang trại của gia đình anh đã trở thành địa chỉ tin cậy để các tổ chức, doanh nghiệp đề nghị hợp tác sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nhân dân trong xã.
Không giỏi chế tạo máy nông nghiệp nhưng chị Phạm Thị Liên, khu phố 2 Thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng) đã có nhiều sáng tạo hoàn thiện quy trình trồng hoa cây cảnh và nhân giống những loài hoa quý mà trước đây chị phải nhập từ nước ngoài hoặc vốn chỉ quen với khí hậu xứ lạnh như Đà Lạt, Sa Pa. Hay như sáng kiến thuần hóa, đưa cá vược sinh sống ở vùng nước mặn, lợ vào nuôi trong ao nước ngọt của ông Nguyễn Văn Yêu, xóm 16, xã Xuân Vinh (Xuân Trường). Qua nghiên cứu, tính toán ngay khi thả giống, ông đã hạ độ mặn của nước trong ao nuôi xuống từ từ để cho cá thích nghi với môi trường nước mới trước khi nuôi thả chăm sóc trong ao nước ngọt toàn phần. Thành công từ cách làm này đã bổ sung một đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, dễ tiêu thụ cho nuôi thủy sản nước ngọt hiệu quả cao đối với nghề “canh trì” của địa phương.
Những nhà nông đam mê sáng tạo trên là điển hình tiêu biểu cho hàng trăm nghìn nông dân trong tỉnh yêu lao động, say mê sáng tạo nghiên cứu cải tiến kỹ thuật giải quyết những khó khăn trong quá trình sản xuất, đóng góp hiệu quả vào quá trình hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Họ đã cho thấy khả năng sáng tạo vô cùng mạnh mẽ khi có tình yêu lao động. Nếu được quan tâm đúng mức đầu tư để hoàn thiện phát triển các ý tưởng, sản phẩm sáng chế giúp thương mại hóa sản phẩm vừa mang lại thu nhập cho người nông dân, khích lệ họ phát triển “tài nguyên” trí tuệ, giải quyết tức thời, hiệu quả những vấn đề bất cập đặt ra trong quá trình sản xuất./.
-
Đồng Tháp: Thử nghiệm phun thuốc BVTV bằng phương tiện bay siêu nhẹ
Theo nhà sản xuất, máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật có trọng lượng 4,5kg, bình chứa thuốc bảo vệ thực vật 5 lít, trọng lượng cất cánh tối đa 14kg, tốc độ bay từ 10-20km/h...
- Áp thuế VAT 5% cho phân bón: Lợi ích và thách thức cho nông dân và ngành phân bón trong nước
- Việt Nam xuất khẩu gạo có nhiều triển vọng trong năm 2020
- Cơn sốt hồ tiêu trong ngắn hạn
- Tình hình sản xuất cây đậu xanh ở Việt Nam
- Giải pháp thị trường tiêu thụ trong sản xuất rau màu
- Thực trạng sử dụng phân bón, thuốc BVTV và giải pháp cho vùng rau