Một số tiến bộ kỹ thuật ứng dụng trong sản xuất cây ăn quả có múi (Kỳ 2)
Dưới đây là một số các tiến bộ kỹ thuật ứng dụng trong sản xuất cây ăn quả có múi.
Để nâng cao năng suất, chất lượng quả và hiệu quả sản xuất cây có múi, cần áp dụng một số biện pháp kỹ thuật. Tiếp theo kỳ 1, Ban biên tập xin giới thiệu đến độc giả các tiến bộ kỹ thuật ứng dụng trong sản xuất cây ăn quả có múi:
4. Ứng dụng biện pháp phun GA3 để giảm hạt:
GA3 (Gibberellin) là một hợp chất vòng có hoạt tính sinh lý rất mạnh. Chất này được biết đến từ những năm đầu của thập kỷ 20, nhưng đến năm 1956, Vest, Phiney và Padley mới tách được Gibberellin từ thực vật thượng đẳng và kể từ đó nó được xem như một phytohoocmon tồn tại trong cây. Hiện tại người ta đã phát hiện được trên 60 GA khác nhau, trong đó GA3 là hoocmon có hoạt tính mạnh nhất và được sử dụng rộng rãi nhất. Vai trò sinh lý quan trọng của GA3 đối với cây trồng là kích thích sự giãn tế bào theo chiều dọc, kích thích sự nảy mầm của hạt và củ, ảnh hưởng đến phân hoá giới tính của các cơ quan sinh sản (ức chế sự phát triển hoa cái, kích thích sự phát triển hoa đực), kích thích sự sinh trưởng của quả, tạo quả không hạt. Một số nghiên cứu đã khẳng định vai trò của GA3 trong việc tạo quả không hạt trên cây quýt (Talon et al, 1992), trên cây bưởi (Nakajima et al, 1992). Vì vậy việc sử dụng GA3 phun trong thời gian ra hoa trên cây có múi có ý nghĩa lớn trong việc làm giảm số hạt trên quả.
Sử dụng chế phẩm kích phát tố GA3 Thiên Nông nồng độ 90 - 110 ppm phun cho giống bưởi Hồng Quang Tiến phun vào thời điểm ra hoa có tác dụng làm giảm 47,18 - 55,13 % số hạt và 50,52 - 58,01 % khối lượng hạt trong quả so với không phun.
5. Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phòng trừ sâu đục thân, cành
Hiện nay vườn cây bị sâu đục thân, đục cành gây hại (5 – 10 %) làm ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng và phát triển cũng như năng suất của cây trồng.
Biện pháp phòng trừ sâu đục thân: Quét thuốc Boóc- đô 10% lên thân cây vừa hạn chế nấm bệnh xâm nhập vừa tạo môi trường không thuận lợi, tránh sâu đẻ trứng. Bơm thuốc trừ sâu nội hấp Padan 0,2% vào các lỗ đục và bịt kín bằng đất sét.
6. Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật bẫy ngài chích hút quả:
Giai đoạn quả già đến chín thường bị một số côn trùng, sâu, bệnh phá hại, đặc biệt là ngài chích hút hại quả. Việc sử dụng thuốc hóa học để phun phòng trừ ngài chích hút ít có hiệu quả. Do đó làm lồng để bẫy ngài chích hút là một biện pháp mang lại hiệu quả kinh tế, an toàn cho sản phẩm, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, nâng cao phẩm chất quả.
Bẫy ngài chích hút quả: Dùng 25 bẫy lồng treo trên 1 ha, treo xung quanh bờ vườn. Chất liệu: Vải màn 2,5m2, thanh tre, nứa hoặc thép, dây dù, ni-lon để lên đĩa mồi. Cách làm: Đường kính vòng lớn 40 cm; Chiều cao lồng 60cm; Đường kính vòng nhỏ 15 cm; Chiều cao hình nón 35 cm; Đĩa ni-lon chứa mồi. Mồi dẫn dụ bằng mít dai, dứa chín, cam chín, xoài chín, ổi chín…. Thu bắt ngài: Sau một đêm, sáng hôm sau cho tiến hành bắt ngài bằng cách lật ngược bẫy rồi giết ngài. Những nơi gần rừng, có đêm thu được từ 50 – 100 con/lồng.
7. Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phòng trừ nhện trắng gây nám quả, hiện tượng muội đen
Các loại cây ăn quả có múi, giai đoạn đậu quả non thường bị nhện trắng gây hại làm cho mẫu mã quả xấu, quả bị nám (10 –20 %), quả muội đen, vẹo quả dẫn đến giảm năng suất, phẩm chất và hiệu quả kinh tế.
Biện phòng trừ nhện trắng gây nám quả cho cây có múi: Sử dụng thuốc Zinep (0,3%) kết hợp thuốc trừ nhện (Comail 0,1%, Phumai 3,6EC (0,02 – 0,05%). Phun 3 đợt, đợt 1: sau khi rụng cánh hoa >75%, đợt 2: sau đợt 1 là 20 ngày, đợt 3: sau đợt 2 là 30 ngày.
8. Biện pháp khắc phục hiện tượng rụng quả
Thường xuyên tạo hình, tỉa cành thông thoáng. Tưới, tiêu nước hợp lý. Không để vườn cây bị quá ẩm. Nếu vườn cây bị trũng, úng nước thì phải bổ sung thêm đất, lên luống, làm rãnh để thoát nước.
Phòng trừ tốt các bệnh do nấm gây ra. Sau các đợt mưa to, mưa kéo dài tiến hành phun thuốc có chứa gốc đồng (Cu) lên toàn bộ tán cây và đất xung quanh gốc cây hoặc vào mùa mưa định kỳ phun thuốc phòng bệnh 15 – 20 ngày/lần. Rải vôi bột sau mùa mưa.
Vào tháng 11 - 12 hàng năm, quét thuốc Boóc-đô 10% hoặc vôi dưới gốc. Sử dụng chế phẩm vi sinh Trichoderma trừ bệnh cây (Trico - DHCT - 108 bào tử/gam) để phòng trừ nấm bệnh, tuyến trùng hại rễ cây, vừa tạo điều kiện tốt cho vi sinh vật có ích trong đất phát triển, kích thích sự tăng trưởng và phục hồi bộ rễ, phân giải các chất xơ, kết hợp với phân hữu cơ có tác dụng cải tạo đất xốp hơn, chất mùn nhiều hơn, tăng mật độ côn trùng có ích và giữ được độ phì của đất.
Bón phân vô cơ, hữu cơ cân đối hợp lý. Bổ sung dinh dưỡng qua lá để cung cấp dinh dưỡng kịp thời cho cây vào những thời kỳ nhạy cảm như phát triển lộc, ra hoa đậu quả, điều kiện thời tiết bất thuận.
Trên đây là các tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng tiên tiến nhất hiện nay nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất cây có múi góp phần làm giàu, nâng cao đời sống cho người lao động. Sản phẩm quả đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không gây ô nhiễm môi trường, nâng cao sức khỏe cho người lao động và người tiêu dùng.
-
Thiết kế vườn trồng cây có múi (Bưởi, cam, chanh...)
Thiết kế vườn trồng phù hợp cho từng vùng, từng loại cây trồng, Đảm bảo an toàn, hiệu quả trong sản xuất cây có múi, hạn chế nguy cơ tái nhiễm những bệnh nguy hiểm...
-
Kỹ thuật phòng trừ bệnh vàng lá, thối rễ cây có múi
Bệnh vàng lá thối rễ gây hại cho nhiều loại cây trồng như: Cam, bưởi, chanh...làm cho rễ của cây bị thối, dẫn đến ảnh hưởng hút nước dinh dưỡng, lá vàng ...
-
Có nên tiêm thuốc trị bệnh cây có múi?
Bệnh vàng lá gân xanh (VLGX), bệnh vàng lá – thối rễ và bệnh “vàng đầu” là 3 loại bệnh phổ biến gây ra triệu chứng vàng lá trên cây có múi ở ĐBSCL. Cây bị nhiễm các bệnh kể trên cùng lúc coi như bị bệnh “nan y”, vô phương cứu chữa.
-
Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất cây ăn quả có múi (Kỳ 1)
Trong sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất cây ăn quả có múi nói riêng, để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả vườn cây, ngoài yếu tố giống, các biện pháp kỹ thuật đóng vai trò quan trọng.
- Hiện tượng trinh sinh quả trên cây có múi là gì?
- Kết hợp phân bón hữu cơ và phân vi sinh để quá trình canh tác đạt hiệu quả cao nhất
- Độ phì nhiêu là gì? đặc điểm độ phì nhiêu của đất
- Các nguyên tố vi lượng trong nông nghiệp (phần 2)
- Các nguyên tố vi lượng trong nông nghiệp (phần 1)
- Đất là gì? khái niệm về đất, bản chất và thành phần của đất