Loạt dấu hiệu oan sai trong vụ án phân bón 'rởm' tại Sóc Trăng (Bài 2)

Loạt dấu hiệu oan sai trong vụ án phân bón 'rởm' tại Sóc Trăng: Bài 2 - Không thủ phạm, không nạn nhân, vẫn xuất hiện 'vụ án hàng giả'

(PLO) - Một nghịch lý khác trong vụ án ông Châu Hoài Phương (SN 1978, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) thuộc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng) và ông Ung Văn Thanh (Kiểm soát viên Đội QLTT số 7) bị truy tố, đó là giám định viên nói phân bón giả làm giảm năng suất lúa đến 75%, nhưng nông dân nói chưa hề có mất mùa do phân bón. Chính quyền địa phương cũng xác nhận chưa nông dân nào phản ánh mua phải phân bón giả.

 vụ án phân bón 'rởm' tại Sóc Trăng: Bài 2

Ông Phương (hàng đầu, bên trái) và ông Thanh trong một phiên xử

Giám định nói có, dân nói không

Trong phiên tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung vào tháng 8/2018, doanh nghiệp Hồ Mỹ Nhiên đã nộp thêm chứng cứ mới. Đó là 13 đơn xác nhận của nông dân về việc chưa từng mua phải phân bón giả ở doanh nghiệp này. Ngoài ra còn có xác nhận của chính quyền địa phương về việc chưa nhận được phản ánh của người dân về chất lượng phân bón.

Giấy xác nhận của UBND phường 1, TX Ngã Năm (Sóc Trăng) nêu: “DNTN Hồ Mỹ Nhiên tại khóm 1, phường 1, hiện là đơn vị đang kinh doanh ổn định tại địa phương. Trong thời gian hoạt động, thực hiện tốt về đảm bảo an ninh trật tự tại nơi kinh doanh. Tính đến thời điểm hiện tại (30/7/2018) phường chưa nhận được đơn hoặc ý kiến trực tiếp nào của người dân đối với doanh nghiệp về thái độ phục vụ và chất lượng sản phẩm. DN cũng tạo được mối quan hệ tốt với địa phương, tham gia đóng góp nhiều hoạt động”.

Còn nông dân Võ Văn Đậm (phường 3, TX Ngã Năm) xác nhận: “Tôi mua phân bón của Hồ Mỹ Nhiên từ năm 2011 đến nay, không bị thất thu, năng suất tốt. Mỗi vụ tôi mua khoảng 45 bao phân bón tại đây”. Các nông dân khác cũng trình bày tương tự, nói rằng chưa từng mất mùa khi sử dụng phân bón từ Hồ Mỹ Nhiên.

Hai nông dân mà cáo trạng nói bị thiệt hại do sử dụng phân bón giả nói rằng khi công an đến làm việc thì… mới biết bị thiệt hại do phân bón giả và mới yêu cầu bồi thường.

Điều này cho thấy, trước khi vụ án bị khởi tố, không hề có chuyện năng suất lúa bị giảm sút đến 75% như giám định viên cáo buộc. Nếu không có việc lúa bị giảm năng suất thì thiệt hại có phải là 1,8 tỷ đồng hay là bao nhiêu? Thực tế, chưa ai chứng minh hoặc có chứng cứ cho việc lúa bị giảm năng suất.

Cáo buộc “tiền hậu bất nhất”

Một điều rất lạ lùng mà đến nay cả ông Phương, ông Thanh và các luật sư bào chữa đều chưa lý giải được. Đó là cáo buộc của cơ quan tố tụng về số lượng phân bón giả mà ông Phương, ông Thanh bị cho là “giải cứu”.

Văn bản ban đầu của Sở Công Thương và cáo trạng đều nói, ông Phương ông Thanh phát hiện số phân bón giả là 200 bao gồm 3 loại. Do DN chưa xuất trình được hồ sơ nên bị niêm phong 150 bao, còn lại 50 bao không bị niêm phong. Sau khi có kết quả lần 3, ông Phương cho tháo niêm phong và bị cho là đã “giải cứu” phân bón giả.

Cáo trạng có lúc nói ông Phương, ông Thanh “lợi dụng chức vụ” giải phóng niêm phong khiến 198 bao (bán nhưng còn lại 2 bao) bị bán ra thị trường gây thiệt hại 1,8 tỷ đồng. Có lúc lại nói ông Phương ông Thanh “giải cứu” 148 bao phân giả gây thiệt hại 1,2 tỷ đồng. 50 bao phân bón bị cho là giả biến mất và không hề có quy buộc trách nhiệm cho ai. Đến lúc này, chưa rõ hành vi của ông Phương ông Thanh cuối cùng khiến bao nhiêu phân bón bị cho là giả bán ra thị trường. Cơ quan ANĐT cũng chưa nói gì đến việc 50 bao phân không bị niêm phong được bán ra thị trường lúc nào? Việc không niêm phong có vi phạm pháp luật hay không?

Những vấn đề nêu trên, tòa án từng trả hồ sơ để điều tra nhưng Cơ quan ANĐT và VKS không đồng ý. VKS bảo lưu toàn bộ cáo buộc. Một lần nữa, tòa không chấp nhận cáo buộc đó và lại ra quyết định trả hồ sơ.

Quyết định của tòa nói: Thứ nhất, các văn bản trả lời của Bộ Công Thương cho thấy phân bón đưa đi kiểm nghiệm đạt chất lượng, đề nghị VKS, CQĐT cung cấp bản chính lưu vào hồ sơ, đồng thời chứng minh hậu quả thiệt hại do hành vi của các bị cáo gây ra. Thứ hai, với hành vi tháo niêm phong các lô phân bón thì theo giám định viên đã gây thiệt hại vật chất và phi vật chất. Nhưng các văn bản của Bộ Công thương khẳng định mẫu phân bón đạt chất lượng. Đề nghị VKS và CQĐT yêu cầu giám định viên cho ý kiến và kết luận giám định bổ sung với kết luận giám định trước đây. Thứ ba, theo quy định pháp luật, Hồ Mỹ Nhiên được phép liên hệ với nhà sản xuất (Tập đoàn Con Cò Vàng) để thực hiện các biện pháp xử lý. Sau đó, Con Cò Vàng có công văn yêu cầu thì cơ quan nào giải quyết, căn cứ pháp lý nào? Ai là người chịu trách nhiệm về chất lượng của các lô phân bón trên?

Những khuất tất tiếp theo trong vụ án, mời bạn đọc xem tiếp trên số báo ra ngày thứ Hai (24/9/2018). 


Kết luận “phân bón giả”, nhưng ai là thủ phạm?

Một điểm đáng chú ý khác, nếu cơ quan chức năng vẫn khăng khăng 200 bao phân bón nói trên là giả để buộc tội ông Phương, ông Thanh, vậy tại sao đến nay gần 2 năm cơ quan chức năng vẫn chưa xử lý nhà sản xuất?

Theo VKS, Tập đoàn Con Cò Vàng, đơn vị sản xuất lô phân bón không đạt chất lượng, có dấu hiệu là hàng giả tại Hồ Mỹ Nhiên, do nơi sản xuất thuộc địa bàn TP HCM nên đã được đề xuất làm rõ theo thẩm quyền.

Nếu cáo buộc phân bón giả của cơ quan tố tụng là chính xác thì tùy theo mức độ mà Con Cò Vàng có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự. Nhưng đến nay vụ án xảy ra gần 2 năm, vẫn chưa thấy Con Cò Vàng bị xử lý. Và cho đến nay, trong các văn bản gửi tòa án, Con Cò Vàng vẫn khẳng định phân bón của họ là thật và đạt chất lượng.

Đối với Hồ Mỹ Nhiên, cáo trạng cho rằng doanh nghiệp này kinh doanh phân bón giả và có dấu hiệu phạm tội nhưng do không biết số phân bón nói trên là hàng giả vì tin tưởng cam kết của nhà sản xuất. Vì thế không xử lý hình sự mà đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hành chính.

Bị khởi tố, tạm giam vẫn được hưởng 50% lương

Từ khi bị khởi tố, bị bắt tạm giam và được tại ngoại ông Phương, ông Thanh chưa hề bị Sở Công Thương kỷ luật và chưa hề bị đình chỉ sinh hoạt Đảng. Hiện nay, ông Phương vẫn là Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT, ông Thanh vẫn là Kiểm soát viên Đội QLTT số 7.

Sau khi được tại ngoại, ông Phương làm đơn xin đi làm lại. Nội dung đơn ông nêu: “Trong quá trình bị bắt tạm giam cho đến khi được tại ngoại, tôi không hề nhận quyết định tạm đình chỉ công tác hoặc quyết định đình chỉ công tác của cơ quan có thẩm quyền nên đương nhiên vẫn có nghĩa vụ thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật Cán bộ công chức”.

Tuy nhiên Sở Công Thương không chấp nhận việc trở lại làm việc của ông Phương và trả lời rằng theo Luật Cán bộ công chức nhà nước thì công chức trong thời gian bị khởi tố, bắt tạm giam không bị đình chỉ công tác là đúng. Việc ông Phương bị khởi tố, bắt tạm giam để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử được xem là nghỉ việc có lý do. Ông Phương và ông Thanh vẫn nhận được 50% lương ngạch, bậc và các phụ cấp khác.

Bùi Yên

Nguồn: baophapluat.vn
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status