Lĩnh vực phân bón: sẽ giao cho một Bộ quản lý?
Dự kiến cuối tháng 12/2016, Chính phủ sẽ có cuộc họp thống nhất giao trách nhiệm quản lý mặt hàng phân bón cho một cơ quan duy nhất quản lý thay vì phân cấp cho 2 Bộ quản lý như hiện nay.
Việc Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng quản lý mặt hàng phân bón đã khiến cho thị trường phân bón thời gian qua trở nên phức tạp. Do đó, việc Chính phủ xem xét và nghiên cứu giao trách nhiệm quản lý thị trường phân bón và mặt hàng này về một cơ quan đầu mối duy nhất là hết sức quan trọng,
Xung quanh vấn đề này, phóng viên BNEWS/TTXVN có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hạc Thúy, Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam.
BNEWS: Thị trường phân bón phức tạp như hiện nay xuất phát từ nhiều nguyên nhân; trong đó, có sự quản lý chồng chéo giữa Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào ?
Ông Nguyễn Hạc Thúy: Trước đây, chỉ có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý phân bón, tình hình phân bón giả, phân bón kém chất lượng có xảy ra nhưng không phức tạp như hiện nay
Tuy nhiên, kể từ khi Nghị định 202/2013/NĐ-CP được Thủ tướng Chính phủ ban hành và giao cho Bộ Công Thương chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về phân bón vô cơ, còn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý phân bón hữu cơ và phân bón khác thì tình hình đã trở nên phức tạp hơn nhiều.
Ông Nguyễn Hạc Thúy, Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam. Ảnh:Hiệp hội phân bón
Sau gần ba năm thực hiện đã bộc lộ những vấn đề như: hệ thống tổ chức sản xuất phân bón tự phát ; tình hình phân bón giả, phân bón kém chất lượng chưa được cải thiện; hệ thống các tổ chức chứng nhận, phòng thử nghiệm có nhiều đơn vị vi phạm pháp luật; tình trạng bao che, bảo kê, nhóm lợi ích đang tiềm ẩn; việc xây dựng quy chuẩn quốc gia còn bất cập...
BNEWS: Những nội dung mà Nghị định 202/2013/NĐ-CP chồng lấn, không phù hợp với những Luật và Nghị định đã ban hành trước đó cụ thể là gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Hạc Thúy: Cụ thể, về Luật, trách nhiệm quản lý nhà nước của các Bộ, quản lý lĩnh vực tại mục 2, điểm b, Điều 70 của Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa quyết định số 51/2001/QH-10 ghi rõ: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm đối với cây trồng, vật nuôi, phân bón, chế phẩm sinh học dùng trong nông nghiệp
Tại điểm 5, Điều 64 của Luật Hóa chất số 6/2007/QH12 được Quốc hội ban hành ngày 21/11/2007 về trách nhiệm quản lý của Bộ, cơ quan ngang Bộ liên quan trực tiếp đến hoạt động hóa chất cũng quy định rõ: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý hóa chất sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, môi trường…phối hợp với Bộ Công Thương, với các Bộ ngành có liên quan xây dựng danh mục hóa chất cấm, danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh;
Ban hành danh mục hóa chất không được sử dụng, hạn chế sử dụng và được sử dụng trong lĩnh vực nông nghiệp; hướng dẫn phân loại, ghi nhãn và xây dựng phiếu an toàn hóa chất đối với các loại thuốc bảo vệ thực vật.
Về Nghị định, tại điểm b, Điều 23 quy định phân công trách nhiệm xây dựng ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Nghị định số 127 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật số 68/2006/QH11 ngày 29/6/2006 quy định rõ: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phụ trách vật tư nông nghiệp, phân bón, thức ăn chăn nuôi...
Tại Điều 3, phụ lục II, danh mục III của Nghị định 187 quy định chi tiết thi hành Luật thương mại số 36/2005/QH11 ngày 14/6/2005 về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và cac hoạt động đại lý mua bán gia công và quá cảnh hàng hóa nước ngoài quy định: Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…
Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ban hành ngày 26/11/2013 quy định chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại điểm d, khoản 9, điều 2 cũng quy định Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý nhà nước về phân bón...
Theo tôi được biết, hiện nay, trên thế giới không có nước nào giao cho Bộ Công Thương quản lý phân bón mà đều giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý mặt hàng này .
BNEWS: Vậy theo ông, nhiệm vụ quản lý thị trường phân bón và mặt hàng phân bón trong thời gian tới nên giao cho đơn vị nào là hợp lý?
Ông Nguyễn Hạc Thúy: Hiện nay, Quốc hội và Chính phủ đã thống nhất giao nhiệm vụ quản lý thị trường phân bón và mặt hàng phân bón cho một Bộ quản lý rồi, nhưng cụ thể là Bộ nào thì còn phải chờ kết quả của cuộc họp vào cuối tháng 12 tới đây.
Quan điểm của tôi là Bộ, cơ quan nào quản lý nhà nước về phân bón cũng phải gắn với đất đai, với cây trồng và tăng năng suất cây trồng, với thâm canh, chuyên canh, với mùa màng và với nông dân...Còn nếu Bộ, cơ quan quản lý phân bón mà không gắn trực tiếp hoặc gián tiếp với điều kiện trên thì không khác nào “cưỡi ngựa xem hoa”.
Theo tôi, nếu giao cho Bộ Công Thương thì đề nghị Quốc hội, Chính phủ sửa 2 Luật là Luật Hóa chất và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa; sửa 3 Nghị định là Nghị định 127, Nghị định 187 và Nghị định 199. Còn nếu giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý nhà nước về phân bón thì không phải sửa Luật và Nghị định nào.
Bởi, nếu phải sửa Luật, sửa Nghị định thì mất rất nhiều thời gian vì chỉ sửa một Luật thôi cũng phải cần tới gần 2 năm mới có thể hoàn thiện được.
Đối với Nghị định 202/2013/NĐ-CP, tôi cũng đề nghị, dù giao cho Bộ nào quản lý mặt hàng phân bón, thị trường phân bón thì cũng cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế, không thể để tồn tại những bất cập, chồng chéo như hiện nay được.
BNEWS: Xin cảm ơn ông !
Văn Xuyên (Thực hiện)
Tiêu đề tin đã được camnangcaytrong.com sửa đổi
- Áp thuế VAT 5% cho phân bón: Lợi ích và thách thức cho nông dân và ngành phân bón trong nước
- Việt Nam xuất khẩu gạo có nhiều triển vọng trong năm 2020
- Cơn sốt hồ tiêu trong ngắn hạn
- Tình hình sản xuất cây đậu xanh ở Việt Nam
- Giải pháp thị trường tiêu thụ trong sản xuất rau màu
- Thực trạng sử dụng phân bón, thuốc BVTV và giải pháp cho vùng rau