Kỹ thuật trồng cây lê mang lại hiệu quả kinh tế cao

1. Thời vụ trồng cây lê

1.1. Cơ sở để xác định thời vụ trồng cây lê

Để đưa ra quyết định thời vụ trồng thích hợp, người làm vườn cần phải dựa vào những căn cứ sau:

- Căn cứ vào điều kiện khí hậu, thời tiết.

- Căn cứ vào nguồn cây giống để trồng.

- Căn cứ vào khả năng chăm sóc của chủ vườn.

1.2. Xác định thời vụ trồng cây lê

Ở miền Bắc nước ta có 2 mùa thích hợp cho trồng lê là mùa xuân và mùa thu.

- Vụ xuân: Tháng 2 - 4.

- Vụ thu: Tháng 8 - 10.

2. Làm đất, đào hố trồng cây lê

2.1. Chuẩn bị dụng cụ

Tùy tính chất của đất mà sử dụng dụng cụ cho phù hợp như cày, bừa, cuốc bàn, xảo, cuốc trim (nếu cần), xẻng, thước dây.

2.2. Cày, bừa

- Cày sâu toàn bộ diện tích đất 15÷20cm.

- Bừa đất cho nhỏ: Bừa đi bừa lại vài lần, lần sau vuông góc với lần trước.

- Cày lại lần 2 với độ sâu 25 - 30cm.

- Bón vôi bột nếu cần thiết (căn cứ vào độ chua của đất).

- Bừa lại, nhặt sạch cỏ dại và các vật chất hữu cơ khác.

2.3. Đào hố

- Xác định và đo kích thước hố phù hợp: Tùy độ dốc của địa hình và độ phì của đất để quyết định kích thước hố trồng cho phù hợp.

+ Đối với đất có độ phì thấp, nghèo dinh dưỡng thì nên đào hố to và sâu hơn để tăng khả năng giữ nước và dinh dưỡng. Có thể đào với kích thước 80 x 80 x 80cm. Đào hố hoặc 100 x 100 x 100cm. Còn đối với đất giàu dinh dưỡng hơn có thể đào hố có kích thước nhỏ hơn, kích thước có thể là 40 x 40 x 40cm hoặc 60 x 60 x 60cm.

+ Địa hình càng dốc thì càng phải đào hố sâu để tăng khả năng giữ nước, có thể sâu khoảng 100cm, chiều rộng tùy ý. Ở những nơi địa hình bằng phẳng, mực nước ngầm cao thì nên đào hố rộng thay vì đào hố sâu, kích thước có thể là 60 x 60 x 40cm hoặc 80 x 80 x 60cm hoặc 40 x 40 x40cm.

+ Sau khi đã xác định xong kích thước hố, dùng thước dây để đo và dùng cuốc để vạch hình dạng hố trên thực địa.

- Chọn dụng cụ đào hố: Tùy thuộc vào độ cứng của đất để lựa chọn dụng cụ đào hố. Thông thường dùng cuốc bàn, búa trim, thuổng để đào.

- Đào hố: Đào hố theo vạch đo kích thước

* Lưu ý: Khi đào hố đổ lớp đất mặt sang một bên, lớp đất đất ở phía dưới sang một bên.

3. Bón phân cho cây lê

3.1. Chuẩn bị

* Dụng cụ: Thúng, bộ quang gánh, cuốc, xẻng đảm bảo yêu cầu sử dụng

* Vật tư:

- Phân vô cơ gồm có kaly, lân.

Kỹ thuật trồng cây lê mang lại hiệu quả kinh tế cao

Kỹ thuật trồng cây lê mang lại hiệu quả kinh tế cao

- Phân hữu cơ: Phân chuồng, phân xanh. Nếu không có điều kiện thì có thể sử dụng rơm rác, cỏ mục để thay thế cho phân hữu cơ.

- Vôi bột.

* Căn cứ vào số hố cần bón lót mà chuẩn bị lượng phân cho mỗi loại cho phù hợp. Để bón cho 01 hố cần chuẩn bị lượng phân như sau:

- Phân hữu cơ: 20 - 30kg

- Vôi bột: 0,2kg

- Kali sunfat: 0,5 - 1,0Kg

- Lân super: 1 - 1,5 Kg

3.2. Các bước tiến hành 

- Cân lượng phân bón cần dùng cho mỗi hố. Thông thường, bà con nông dân thường cân lượng phân cho vài hố đầu tiên, sau đó ước lượng lượng phân cho những hố tiếp theo để giảm bớt công khi bón phân.

- Rắc vôi bột xuống đáy hố và thành hố.

- Trộn phân với đất màu đưa xuống chiếm dưới đáy hố. Độ dày lớp đất này tùy thuộc vào độ cao của địa hình. Địa hình càng cao, lấp càng ít đất để đảm bảo khả năng giữ nước tốt.

- Lấp đất đầy hố cao hơn miệng hố 10 - 20cm.

4. Trồng cây lê

4.1. Công tác chuẩn bị

- Nếu trồng bằng cây ghép: Cây có chiều cao 40 - 50cm, đường kính gốc khoảng 0,6 - 1,0cm, phần cành ghép cao khoảng 20 - 25cm, cây không bị sâu bệnh, bộ lá xanh tốt, không bị gẫy, không bị hiện tượng chân voi hoặc chân hương, bầu không bị dập vỡ.

- Nếu trồng bằng cây chiết: Yêu cầu cây phải có đường kính gốc từ 1,0 - 1,5cm, cao 40 - 50cm, có hệ rễ cấp 2 - 3 (rễ đã chuyển từ màu trắng sang hơi vàng), không bị sâu bệnh, không bị dập vỡ bầu.

- Nếu trồng bằng cây gieo hạt: Yêu cầu đường kính gốc cây từ 0,6 - 1,0cm, cây cao 30 - 40cm. Nếu là cây gieo ngoài luống đất thì tránh lúc cây ra lộc non và nên hồ rễ trước khi đem trồng.

- Cách xử lý cây rễ trần: Tưới đẫm nước cho vườn ươm, dùng thuổng hoặc mai nhẹ nhàng đẩy cây lên khỏi mặt đất, nhẹ nhàng rũ đất để cây ít bị đứt rễ, dùng kéo cắt bớt lá, rễ, sau đó nhúng rễ cây vào hỗn hợp bùn loãng với phân chuồng hoai, bó thành bó, quấn rễ bằng bao tải để giữ ẩm rồi nhanh chóng vận chuyển đến nơi trồng.

4.2. Cách trồng

- Cuốc hố nhỏ ở chính giữa hố trồng. Hố có kích thước vừa bằng bầu cây (đối với hình thức chiết và ghép), hoặc bằng chiều dài của bộ rễ cây (đối với hình thức trồng bằng rễ trần).

- Nếu trồng bằng hình thức ghép hoặc chiết cành, cần phải xé vỏ bầu trước khi đặt vào hố trồng.

- Kỹ thuật xé vỏ túi bầu:

+ Đặt bầu cây đứng thẳng trên mặt đất.

+ Dùng ngón tay cái và tay trỏ của hai bàn tay cầm tại hai vị trí sát nhau trên cùng một cạnh của mép bầu.

+ Nhẹ nhàng xé rách túi bầu từ trên xuống đến đáy bầu.

- Đặt cây giữa hố ngắm thẳng hàng, các cây trên hàng trồng cùng 1 lần.

- Độ sâu lấp đất chỉ qua cổ rễ 2÷5 cm hoặc ngang bằng với cây đã trồng ở vườn ươm.

- Ấn chặt xung quanh bầu cây.

- Tưới đẫm nước, tủ gốc bằng rơm rạ hoặc cỏ khô cách gốc 10 cm.

5. Chống đổ cho cây lê

5.1. Mục đích

- Sau khi trồng, cây lê có thể bị đổ ngã hoặc long gốc cây do một số nguyên nhân sau:

+ Gió bão (đây là nguyên nhân phổ biến nhất).

+ Gia súc, gia cầm phá hại đây là nguyên nhân mang tính cá biệt của địa phương).

+ Trong quá trình chăm sóc (tưới nước, bón phân, phòng trừ sâu bệnh…) có thể con người vô tình chạm phải làm long gốc cây.

- Cây con mới trồng có đặc điểm là bộ rễ mới chưa mọc hoặc mới mọc, vẫn còn rất non yếu. Nếu gặp phải một trong các tác nhân gây hại trên có thể làm cho bộ rễ yếu ớt bị đứt, cây đổ, do đó dẫn tới cây sinh trưởng phát triển kém ở giai đoạn đầu, thậm chí gây chết cây hàng loạt.

5.2. Chuẩn bị

Để chống đổ cho cây, mỗi hố cần phải chuẩn bị lượng vật liệu như sau:

- Cọc

+ Số lượng: 01 - 03 cái. Nếu có đủ nguồn cung về cọc, có thể sử dụng 03 cọc để chống sẽ đảm bảo khả năng chống đổ tốt hơn.

+ Kích thước cọc: Chiều cao của cọc khoảng 80 - 100cm, đường kính cọc 2cm, cọc phải thẳng, cứng chắc.

+ Vật liệu làm cọc: Tùy ý (có thể bằng tre, gỗ hoặc các loại cây rừng khác).

- Dây buộc: Mỗi hố cần 01 dây buộc có chiều dài khoảng 30cm, dây phải dai, có thể là dây nilong hoặc dây cây rừng.

- Dụng cụ đóng cọc: Có thể dùng búa đinh, vồ hoặc các vật liệu sẵn có khác.

5.3. Cách chống đổ

- Nếu chống bằng 01 cọc cho mỗi hố:

+ Hướng của cọc phải ngược với hướng gió chính của vùng.

+ Độ sâu của cọc khoảng 10 - 15cm tùy thuộc vào độ cứng của đất.

+ Cọc tạo với thân chính của cây một góc 450.

6. Tủ gốc

6.1. Mục đích

Tủ gốc cho cây sau khi trồng nhằm các mục đích sau:

- Giữ ẩm cho gốc cây.

- Hạn chế cỏ dại mọc.

- Cung cấp mùn cho đất, giúp đất tơi xốp hơn.

6.2. Nguyên liệu

Nguyên liệu tủ có thể là rơm, rác, cỏ khô hoặc các phế phụ phẩm của nông nghiệp sẵn có tại gia đình như cây ngô, cây đậu tương, cây lạc,..... Nếu có nhiều nguyên liệu tủ, có thể tủ toàn bộ diện tích đất trồng. Nếu không, chỉ tủ quanh gốc cây với đường kính khoảng 1m.

6.3. Cách tủ gốc

Tủ cách gốc cây 10 - 15cm để sâu bệnh không tấn công gốc cây.

7. Tưới nước cho vườn lê

7.1. Mục đích

Tưới nước sau khi trồng nhằm:

- Tạo điều kiện cho rễ tiếp xúc với đất dễ dàng, rễ dễ bám và phát triển thuận lợi.

- Cung cấp nước cho cây lê.

7.2. Thời điểm

Sau khi trồng xong, dù đất ẩm hay đất khô vẫn cần phải tưới nước cho cây ngay.

7.3. Lượng nước tưới

Lượng nước tưới tùy thuộc vào độ ẩm đất. Nếu đất khô, cần tưới nước nhiều hơn.

7.4. Dụng cụ tưới

Có thể tưới bằng máy bơm hoặc tưới bằng thùng ôzoa.

7.5. Cách tưới.

Tưới đều xung quanh gốc để cho đất lún đều. Chú ý, không được xả nước quá mạnh vào gốc vì có thể làm xối đất ra khỏi gốc.

8. Trồng xen trong vườn trồng lê

8.1. Mục đích

- Nâng cao hệ số sử dụng đất. Không để khoảng đất trống trên vườn trồng lê, tận dụng mọi khoảng đất cho trồng xen.

- Nâng cao hiệu quả kinh tế. Tăng thu nhập trên cùng một diện tích đất.

- Lấy ngắn nuôi dài. Số tiền thu được từ sản phẩm cây trồng xen có thể được dùng để đầu tư chăm sóc cho cây lê trong thời gian đầu khi lê chưa được thu hoạch. Điều này rất có ý nghĩa với bà con nông dân vùng cao.

- Cải tạo đất, tăng độ màu mỡ của đất.

- Tăng năng suất cây trồng chính.

8.2. Xác định loài cây để trồng xen

Căn cứ vào mục đích của chủ vườn và đặc điểm hình thái của cây để quyết định phương thức trồng xen và loài cây trồng xen.

- Phối hợp với cây ăn quả ngắn ngày như dứa, các loại dưa, ...

- Phối hợp với cây công nghiệp ngắn ngày như các loài cây họ Đậu như lạc, đậu tương, đậu đen, đậu xanh, ngô, ...

- Phối hợp với cây cải tạo đất như vỏ vectiver, lạc, đậu, cây chó đẻ,... như vỏ vectiver, lạc, đậu, cây chó đẻ,...

8.3. Xác định mật độ, khoảng cách trồng.

Tùy thuộc loài cây trồng xen mà xác định mật độ, khoảng cách trồng cho phù hợp. Mật độ, khoảng cách giống như khi trồng thuần loài.

Lưu ý: Trồng cây trồng xen cách gốc cây lê ít nhất 1m.

8.4. Cách trồng và chăm sóc

Quy trình trồng và chăm sóc cây giống như trồng cây thuần loài.
Lưu ý: Khi trồng cây trồng xen, các thao tác cần chú ý để không gây ảnh hưởng đến cây lê.

Nguồn: Giáo trình Mô - đun 04: Nghề trồng đào, lê, mận (Bộ NN và PTNT)
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status