Kỹ thuật nhân giống cây cảnh, hoa cảnh từ hạt
1. Đặc điểm của cây cảnh gieo trồng bằng hạt
1.1. Đặc điểm
- Những ưu điểm của phương pháp nhân giống bằng hạt.
- Kỹ thuật đơn giản, dễ làm.
- Chi phí lao động thấp, do đó giá thành cây con thấp.
- Hệ số nhân giống cao.
- Tuổi thọ của cây trồng bằng hạt thường cao.
- Cây trồng bằng hạt thường có khả năng thích ứng rộng với điều kiện ngoại cảnh.
- Những nhược điểm của phương pháp nhân giống bằng hạt
- Cây giống trồng từ hạt thường khó giữ được những đặc tính của cây mẹ.
- Cây giống trồng từ hạt thường ra hoa kết quả muộn.
- Cây giống trồng từ hạt thường có thân tán cao, gặp khó khăn trong việc chăm sóc cũng như thu hái sản phẩm.
Do những nhược điểm như vậy nên phương pháp nhân giống bằng hạt chỉ được sử dụng trong một số trường hợp:
- Gieo hạt lấy cây làm gốc ghép
- Sử dụng gieo hạt đối với những cây ăn quả chưa có phương pháp khác tốt hơn.
- Dùng trong công tác lai tạo chọn lọc giống.
1.2. Những điểm cần lưu ý khi gieo hạt.
- Phải nắm được các đặc tính, sinh lý của hạt: một số hạt chín sinh lý sớm, nảy mầm ngay trong hạt; một số hạt có vỏ cứng cần xử lý hoá chất, bóc bỏ vỏ cứng trước khi gieo và một số hạt khi để lâu sẽ mất sức nảy mầm
- Phải đảm bảo các điều kiện ngoại cảnh cho hạt nảy mầm tốt: nhiệt độ, không quá thấp hoặc quá cao, độ ẩm đất đảm bảo 70 - 80% độ ẩm bão hoà và đất gieo hạt phải tơi xốp, thoáng khí.
- Phải tuân thủ nghiêm ngặt các bước chọn lọc: chọn giống có khả năng sinh trưởng khoẻ, năng suất cao và phẩm chất tốt; chọn những cây mang đầy đủ các đặc điểm của giống muốn nhân; chọn những quả có hình dạng đặc trưng của giống; chọn những hạt to, mẩy, cân đối và chọn cây con to, khoẻ, sinh trưởng cân đối.
2. Thu thập và bảo quản hạt giống cây cảnh, hoa cảnh
2.1. Thu thập hạt giống.
Thu tập hạt giống của những cây mẹ tốt vào thời điểm quả - hạt chín sinh lý.
2.2. Bảo quản hạt giống.
Có các hình thức bảo quản hạt như sau:
+ Bảo quản khô tự nhiên: Cho hạt vào bao tải, để nơi khô ráo và thoáng mát
+ Bảo quản bằng cát ẩm: Trộn đều hạt với cát, độ ẩm của cát khoảng 25-30%.
+ Bảo quản lạnh ở nhiệt độ từ 8-12oC với hàm lượng nước trong hạt từ 6-8%
nhưng cách này khó áp dụng với người dân địa phương.
3. Gieo hạt cây cảnh (Bonsai from seed)
3.1. Thời vụ gieo.
Hạt cần gieo vào những tháng có nhiệt độ thích hợp đối với từng loại hạt giống cây
3.2. Xử lý hạt trước khi gieo.
- Một số giống cây cảnh chín sinh lý sớm, hạt có thể nẩy mầm ngay khi quả chín.
- Một số giống sau khi thu hoạch cần gieo.
- Một số giống trước khi gieo cần phải xử lý như ngâm nước nóng, gọt bớt vỏ hoặc đập nhẹ để tách lớp vỏ cứngtrước khi gieo.
3.3. Làm nền gieo hạt.
Hạt giống có thể được gieo trên nền đất, hoặc gieo trong bầu
Hạt gieo trong bầu đất
- Đất gieo phù hợp nhất là đất cát pha, chọn nơi đất bằng phẳng, độ ẩm lớn nhưng không bị ngập úng, không bị xói trôi vào mùa mưa.
- Làm đất: Dọn sạch cỏ, cày ải đất lần 1 trước khi gieo hạt khoảng 1 tháng, cày lần 2 kết hợp bừa làm cho đất tơi xốp, làm sạch cỏ rồi đánh thành luống.
- Lên luống: Mặt luống rộng từ 0.8-1m, chiều dài khoảng 10-15m, luống cao khoảng 30cm, rãnh rộng 40-50cm.
- Sau khi lên luống san phẳng bề mặt luống và tạo gờ xung quanh luống.
- Phân bón: Cứ 1m2 mặt luống cần bón từ 3 - 4kg phân chuồng hoai đập nhỏ; 1kg phân lân Lâm Thao hoặc phân vi sinh Sông Gianh; 0.1kg vôi bột trắng. Tất cả hỗn hợp này trộn đều sau khi bừa đất.
- Phun thuốc phòng sâu bệnh: Dùng thuốc Benlate (Viben C) phun phòng nấm rễ, lượng thuốc phun là 1/3 nắp hộp thuốc pha với 1 thùng tưới nước sạch và tưới đều 30m2 diện tích đất, tưới cả trên rãnh. Kết hợp sử dụng thuốc kích thích ra rễ nhanh.
3.4. Gieo hạt.
- Hạt sau khi ủ xong gieo vãi đều trên mặt luống, không để hạt chồng lên nhau, mật độ tùy theo loại hạt cụ thể .
- Sau khi gieo hạt sàng một lớp đất bột mỏng phủ lên bề mặt
- Trộn đều thuốc bột chống kiến với cát ẩm rắc đều lên mặt luống
- Rải rơm khô hoặc phên nứa để giữ ẩm và tránh mưa xói trôi hạt
3.5. Chăm sóc hạt sau gieo.
- Làm dàn che: Để chống nắng và giữ ẩm, dàn che cao từ 1.5-1.7m cho tiện chăm sóc, dùng cọc tre, cây gỗ làm dàn. Che phủ bằng phên nứa, lá cây guột hoặc lưới tản nhiệt, độ che phủ từ 70-80%.
- Tưới nước: Hàng ngày tưới 2 lần vào buổi sáng và buổi chiều tối để đảm bảo đủ độ ẩm cho hạt giống nẩy mầm.
- Phun thuốc phòng bệnh: Phun thuốc Benlate (Viben C) định kỳ 15 ngày/lần phòng nấm rễ (cách pha và liều lượng tương tự như phun trước khi gieo hạt), phun dung dịch Boocđô (Boocdo) phòng nấm lá định kỳ 10 ngày/lần.
Thường xuyên kiểm tra kiến và côn trùng phá hoại, nếu thấy xuất hiện phải phun ngay thuốc xịt.
- Khi thấy có lá thì dỡ bỏ bớt rơm rạ phủ trên bề mặt.
- Bón phân bổ sung: Tưới nước phân vi sinh Hà Nội hoặc vi sinh Sông Gianh
hoặc tưới nước phân chuồng pha loãng đảm bảo cây
4. Ra ngôi
4.1. Ra ngôi là gì?
Ra ngôi là nhổ cây đang ươm đã phát triển đến một mức nhất định để đem ra trồng lại ở một nơi khác.
4.2. Tiêu chuẩn cây ra ngôi.
Tùy thuộc vào từng loại cây cụ thể mà tiêu chuẩn cây ra ngôi khác nhau .
Thông thường khi cây xuất hiện lá thật là có thể ra ngôi được.
4.3. Kỹ thuật ra ngôi.
Có 2 phương pháp cấy cây: Cấy trực tiếp trên luống và cấy vào bầu ni lông, phù hợp với người dân là kỹ thuật cấy cây vào bầu nilông.
Túi bầu: Kích thước phù hợp, màu đen, có đục lỗ xung quanh thành bầu
Thành phần hỗn hợp trong ruột bầu: 89% đất thịt nhẹ, đất thịt pha cát + 10% phân chuồng hoai đập nhỏ + 1% phân lân.
Cấy cây khi đang còn phôi hạt và tránh thời tiết giá rét hoặc có sương muối.
Cách cấy cây: Nên cấy cây lúc trời có mưa nhỏ hoặc trời râm mát. Tưới đẫm nước lạnh lên mặt bầu, dùng que nhọn tròn chọc lỗ chính giữa bầu, đặt cây thẳng đứng và dấn chặt đất. Tránh làm gãy, cong rễ và không được cấy cây sâu quá. Tưới lại nước lạnh sạch sau khi cấy cho đất phủ kín gốc cây.
4.4. Chăm sóc sau ra ngôi.
Tương tự các bước chăm sóc như sau khi gieo hạt: Tưới nước, phun thuốc, nhỏ cỏ, bón bổ sung phân.
- Đảo bầu: Sau khi cấy cây 7-8 tháng, tiến hành đảo bầu cây kết hợp với phân loại cây và cắt rễ mọc ngoài bầu. Nên đảo bầu vào lúc trời râm mát hoặc có mưa nhỏ. Đảo bầu xong phải tưới đẫm nước cho cây phát triển bình thường.
- Dỡ dàn che: Trước khi trồng 1 tháng nên dỡ bỏ dàn che để cây thích nghi với ánh sang bên ngoài.
-
Kỹ thuật tạo dáng, thế cho cây quất (tắc) cảnh
Để phân loại dáng thế, trước hết chúng ta cùng nhau phân biệt và làm rõ dáng, thế là gì?Dáng cây: là phương của cây (chiều dọc của thân cây) so với...
-
Kỹ thuật tạo dáng, thế cho cây đào cảnh
Người trồng đào có thể tạo dáng cho cây đào cảnh ngay sau khi trồng, củng cố tán cây cũ hoặc phát triển tạo thế cây mới đẹp hơn trên cơ sở hiểu biết...
-
Đặc điểm các loại cây cảnh phổ biến tại Việt Nam
Giới thiệu một số cây cảnh (bonsai) phổ biến tại Việt Nam, đặc điểm cơ bản về ngoại hình một số loại cây cảnh. Một số chú ý khi chăm sóc và tạo dáng cho từng loại cây cụ thể...
- Sử dụng phân bón và chất dưỡng trái cho cây hồ tiêu giai đoạn nuôi trái
- Hướng dẫn chi tiết cách ủ phân chuồng bằng humic hiệu quả
- Bí quyết giữ hoa không rụng trong điều kiện nắng nóng
- Hướng dẫn xử lý tuyến trùng trên cây ổi bằng phương pháp sinh học
- Kỹ thuật chăm sóc cây sầu riêng ra hoa đậu trái đạt hiệu quả cao
- Biện pháp khắc phục, hồi sinh cây cà phê bị ngộ độc phân bón