Cách chăm sóc cây nho trên sân thượng: Cắt cành, xử lý ra hoa, bón phân đúng cách

Cây trồng liên quan: Cây nho

Trồng nho trên sân thượng đang là xu hướng được nhiều gia đình lựa chọn nhờ vừa tạo không gian xanh, vừa có trái ngon sạch để thưởng thức. Tuy nhiên, để cây nho ra trái đều, ngọt và năng suất cao, việc cắt cành – bón phân – xử lý sau thu hoạch cần thực hiện đúng kỹ thuật.

Cách chăm sóc cây nho trên sân thượng: Cắt cành, xử lý ra hoa, bón phân đúng cách

Trong bài viết này, mình chia sẻ chi tiết cách mình đã chăm sóc cây nho trồng chậu trên sân thượng, từ sau thu hoạch đến khi cắt cành xử lý ra hoa trái vụ, giúp bạn có thể dễ dàng áp dụng tại nhà.

1. Cây nho sau cắt cành bao lâu thì ra hoa?

  • Sau khi cắt cành sạch hoàn toàn, khoảng 10 ngày cây sẽ bắt đầu nhú mầm mới.

  • Đến ngày thứ 20, cây sẽ bắt đầu trổ bông. Lúc này tuyệt đối không phun thuốc hay phân gì lên bông, nếu có mưa nên che bông bằng túi nilon.

  • Từ ngày 25–30, cây sẽ bắt đầu đậu trái nhỏ.

  • Từ ngày 30–60, trái phát triển nhanh. Đến khoảng ngày 65 trở đi, có thể bắt đầu bón kali để tăng độ ngọt cho trái.

  • Mình thường bón kali đỏ 3 lần vào các mốc: ngày 65, ngày 72 và ngày 80.

  • Từ 3 tháng đến 3,5 tháng sau cắt cành, bạn có thể thu hoạch.

👉 Lưu ý: Giống nào cũng có thể ngọt, miễn là bạn bón đủ kali ở giai đoạn cuối trái.

2. Một tháng trước khi cắt cành nho cần làm gì?

Chuẩn bị kỹ càng trước khi cắt cành là bước quan trọng giúp cây ra mầm mạnh, nhiều chồi mang hoa, hạn chế ra đọt vô ích.

Tuần 1:

  • Xới gốc, bổ sung đất mới (thay 1/3 đất mặt nếu trồng chậu).

  • Trộn thêm phân trùn quế, phân bò để cải tạo giá thể.

  • Bón phân lân để dưỡng rễ.

Tuần 2:

  • Tưới kích rễ bằng sản phẩm như Humate.

  • Bón thêm NPK xanh hoặc phân dơi để dưỡng cây.

Tuần 3:

  • Bón DAP kết hợp trùn quế để làm mập thân – rất quan trọng để cây đủ sức nuôi hoa, trái sau này.

Tuần 4:

  • Bón NPK tím 15-5-20 kết hợp phân gà viên để chuẩn bị bước vào xử lý cắt cành.

👉 Tuần thứ 5: Tiến hành cắt cành, sau đó có thể phun bộ phá miên trạng (Brassinolide, Triacontanol, Nitrophenolate, Kali Fulvate, Amino Acid) để kích mầm hoa tự nhiên, không cần dùng thuốc ức chế mạnh.

3. Cắt cành đến cấp mấy là hợp lý?

  • Trên sân thượng, chỉ nên để đến cành cấp 3 là đủ.

  • Nếu để lên cành cấp 4–5, cây sẽ nhiều cành nhưng không nuôi nổi hết, dễ bị khô đầu cành, ra hoa kém.

  • Sau 2–3 vụ, nên quay lại cắt về cấp 3, tỉa bớt cành già, cành yếu, cành xa thân chính để nuôi ít mà chất.

Kinh nghiệm thực tế

“Trái nho muốn ngọt không phải do giống, mà là do cách bón phân và chăm cây. Quan trọng nhất vẫn là kali lúc cuối trái, và phải dưỡng cây từ gốc rễ – thân – chồi ngay từ đầu.”

Nguồn: Admin
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status