Khởi động Chương trình thiết lập mục tiêu cân bằng suy thoái đất quốc gia.

Ngày 11/4, tại Hà Nội, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) tổ chức hội thảo khởi động Chương trình thiết lập mục tiêu cân bằng suy thoái đất quốc gia.

Mỗi phút có 23 ha đất bị suy thoái

Mỗi phút có 23 ha đất bị suy thoái (hình minh họa)

Hội thảo được tổ chức nhằm giới thiệu Chương trình hành động quốc gia chống sa mạc hóa giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến 2030, giới thiệu nội dung về cân bằng suy thoái đất cũng như Chương trình thiết lập mục tiêu cân bằng suy thoái đất, kế hoạch thực hiện Khung khái niệm về cân bằng và suy thoái đất (LDN) của Việt Nam giai đoạn 2016-2017. Theo ông Nguyễn Phú Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT), hiện nay khoảng 9 triệu ha đất hoang hóa, trong đó diện tích đã và đang chịu tác động mạnh bởi sa mạc hóa là khoảng trên 7,5 triệu ha. Tác động của hạn hán, sa mạc hóa gây ảnh hưởng đến môi trường, kinh tế, xã hội, đặc biệt là đối với các khu vực Tây Bắc, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và tứ giác Long Xuyên.

Tại hội nghị các bên tham gia Công ước sa mạc hóa (UNCCD) lần thứ 12, các bên đã thống nhất thiết lập các mục tiêu tự nguyện nhằm thực hiện LDN, đồng thời tích hợp các mục tiêu này vào Chương trình hành động UNCCD cấp quốc gia. LDN bao gồm các yếu tố chính là việc duy trì vốn tự nhiên của đất và các dịch vụ hệ sinh thái gắn liền với đất, thiết lập cơ sở dựa trên các chỉ số đã thống nhất là mục tiêu tối thiểu nhằm duy trì hoặc cải thiện trạng thái này. Cùng với đó, LDN phân loại và giải thích các quyết định sử dụng đất liên quan đến cân bằng đất và thiết lập các nguyên tắc hạn chế các kết quả không mong muốn, cung cấp hướng dẫn về các cách thức nhằm đạt được trạng thái cân bằng, đồng thời cung cấp hướng dẫn đánh giá quá trình tiến tới cân bằng đất.

LDN hướng tới việc duy trì năng suất của tài nguyên đất, hỗ trợ các chức năng và dịch vụ hệ sinh thái nhằm đáp ứng các nhu cầu của thế hệ hiện tại và tương lai. LDN mang lại lợi ích đáng kể cho quá trình giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, chấm dứt và đảo ngược tình trạng suy thoái đất, giúp chuyển đổi các vùng đất là nguồn phát thải và bồn chứa khí nhà kính thành một khu vực có lợi ích bằng cách tăng trữ lượng carbon trong đất và thực bì. Ngoài ra, LDN đóng vai trò chủ chốt trong việc tăng cường khả năng thích ứng của các cộng đồng nông thôn đối với các cú sốc khí hậu thông qua việc bảo đảm cải thiện quá trình cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái thiết yếu.


Suy thoái đất là sự suy giảm hoặc mất đi năng suất sinh học và khả năng kinh tế của đất. Suy thoái đất là một hiện tượng toàn cầu thường gây tác động bất lợi trực tiếp đối với cấp địa phương. Suy thoái đất là hậu quả của các hoạt động của con người và trở nên trầm trọng hơn do tác động của các quá trình tự nhiên như biến đổi khí hậu.

Nguồn: TCLN và báo Chính phủ
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status