Hướng dẫn trồng, chăm sóc và bón phân cho quất cảnh trồng tại nhà

Cây trồng liên quan: Cây quất cảnh (tắc)

Xử lý ra hoa cho cây quất (tắc) cảnh

Sau Tết Nguyên Đán, bạn có thể trồng và chăm sóc cây quất (tắc) cảnh tại nhà cho năm sau để cây phát triển và ra quả theo ý muốn, tiết kiệm tiền mua cây cũng giữ được cây quất bạn yêu thích.

Chăm sóc quất trong những ngày tết: Sử dụng bình xịt nhỏ 0,5 -  1,5 lít mỗi ngày, hoặc phun 1 - 2 lần với nước, giữ ẩm rễ, đảm bảo lá vẫn tươi và hạn chế rụng lá sau Tết.

Trồng và chăm sóc quất cảnh sau Tết nguyên đán

  • Trồng lại quất ra vườn (áp dụng cho gia đình có vườn thoáng, có ánh sáng, đất thị nhẹ hoặc thịt trung bình và thoát nước tốt)

- Sau khi chơi quất sau tết nguyên đán: Vặt bớt 1/2 đến 2/3 lá trên cây và đem trồng lại ra vườn, tưới nước có hòa chế phẩm kích thích ra rễ α-NAA với nồng độ 100 - 200ppm (1 - 2gram/10 lít nước, pha vào nước nóng cho tan hết trước khi pha loãng với nước lạnh) hoặc các chế phẩm siêu ra rễ bán trên thị trường để làm ẩm gốc và kích thích ra rễ mới, duy trì độ ẩm liên tục cho cây quất. Quất nên được trồng trên đất thịt nhẹ, đất thịt trung bình để bầu được gắn kết tốt, không bị hỏng.

  • Giữ lại và chăm sóc quất trong chậu cảnh (Áp dụng cho gia đình không có vườn)

Chăm sóc quất trong chậu cảnh khó hơn chăm sóc quất ngoài vườn rất nhiều: Cây quất trồng trong chậu cảnh phải được trồng bằng đất thịt nhẹ, tơi xốp, đường kính chậu nên bằng hoặc lớn hơn đường kính tán cây. Cây quất sau khi được chơi trong Tết Nguyên đán phải được chuyển ra ngoài ánh sáng càng sớm càng tốt, luôn luôn duy trì độ ẩm cho gốc cây. Nếu cây chơi tết chỉ nén gốc tạm thời bằng cát cần phải được trồng lại trong chậu bằng đất thịt và tưới dung dịch kích thích ra rễ α-NAA (hoặc các chế phẩm kích ra rễ bán trên thị trường).

  • Chăm sóc và bón phân cho cây quất trồng tại nhà, trồng trong chậu cảnh

Khoảng 7 - 10 ngày sau khi trồng (hoặc sau chơi tết), khi cây đã ra rễ mới và hồi phục hoàn toàn, người trồng cần xới đất quanh gốc (30 cm từ gốc) để đất tơi xốp, tiện cho việc tưới tiêu hoặc và bón phân. Bón phân chuyên dùng cho cây cảnh nuôi quả, lượng bón mỗi gốc từ 50 - 300gam (tùy vào độ to nhỏ của gốc quất cảnh) hoặc theo hướng dẫn của nhà sản xuất trên bao bì sản phẩm. Định kỳ 20 - 25 ngày bón 1 lần: Bón đều đặn sẽ làm cho cây quất khỏe mạnh chống chịu được sâu bệnh, phát triển khỏe mạnh, cân đối. Cây quất khỏe mạnh là cây có lá dày, xanh, quả to, chín, màu sắc đẹp.

  • Tạo tán cho cây quất trồng tại nhà, trồng trong chậu cảnh

Chúng ta có thể tạo tán mới cho cây hoặc duy trì tán cũ của cây theo ý thích, tuy nhiên khi tạo tán chúng ta cần phải nắm bắt kỹ các dáng thế cơ bản của cây để tạo hình cho phù hợp và đẹp mắt.

Khi cắt tỉa, chúng ta nên dùng các loại dao hoặc kéo cắt cành chuyên dụng, thực hiện việc cắt tỉa trong những ngày nắng ráo, tránh những ngày mưa ẩm ướt cây dễ bị nhiễm các loại nấm bệnh, việc tạo tán cần được thực hiện 7 - 10 ngày 1 lần.

Bán Chlormequat clorua, Cycocel CCC 98% (Ức chế sinh trưởng, tạo dáng hoàn hảo)

Xem thêm > Cycocel CCC - Ức chế sinh trưởng

Xử lý quất ra hoa, đậu quả, quả chín và cuối năm.

  • Đối với quất cảnh trồng ngoài vườn, cần đảo gốc

Cách đảo gốc cho quất (tắc) cảnh: Trước đảo gốc, làm ẩm đất, sử dụng đầm sắt đầm quanh gốc (20-30 cm từ gốc) để đất kết dính lại, hạn chế nứt, vỡ bầu khi đào.

Bầu lớn hoặc nhỏ phụ thuộc vào cây và đường kính của tán, đường kính của chậu dự định bứng. Đầu tiên sử dụng thuổng, cuốc đào đất cách gốc 60-100 cm, đào sâu 40 cm, chiều rộng 20 cm, tỉa đất trên bầu theo đường kính bầu dự định, trong quá trình bỏ bớt đất, chúng ta chặt bớt các rễ to không quất được vào bầu còn lại các rễ dài, mềm, dài được quấn lại quanh bầu.

  • Xử lý cho quả quất chín đồng đều vào cuối năm đúng dịp Tết Nguyên đán

Nếu bạn muốn cây quất cảnh có quả chín đều vào dịp Tết Nguyên đán: Vào khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 6 dương lịch, bạn chuyển cây vừa đánh bầu vào nơi dâm mát, tránh mưa lớn làm hỏng bầu, để trong vòng 10 - 20 ngày đến khi có 80-90% lá rụng, sau đó trồng lại và chăm sóc bình thường, cây quất sẽ ra hoa và đậu quả trong tháng 7-tháng 8, chín trong dịp Tết âm lịch tháng 1 - tháng 2.

  • Xử lý cho cây quất vừa có quả chín, quả xanh vừa có hoa trong dịp Tết nguyên đán

Nếu bạn muốn cây quất vừa có quả chín, quả xanh, vừa có nụ và hoa, sau khi đảo quất chuyển bầu quất vào bóng mát 7 - 10 ngày chỉ để 1/2 số lá trên cây rụng rồi trồng lại và chăm sóc như bình thường. Sau khi ra lứa hoa thứ nhất đậu quả và tiếp tục ra lứa hoa thứ 2, chúng ta ngắt bớt 1/2 lượng quả, cắt các ngọn non, ngắt 1/2 số lá cây bánh tẻ, tiếp tục bón thúc bằng phân bón phân chuyên dùng cho cây cảnh nuôi quả. Cây quất sẽ tiếp tục ra hoa, kết quả và tiếp tục ra lộc, cuối năm sẽ được cây quất trên tán vừa có trái chín, trái xanh, hoa và nụ, lộn non như mong muốn.

  • Đối với cây quất cảnh trồng trong chậu, cần xiết nước

Tương tự như quất trồng ngoài vườn, muốn xử lý cho quất ra hoa và đậu quả chúng ta cần làm cây "sốc" để hình thành mầm hoa. Đối với cây quất cảnh trồng trong chậu chúng tạo tạo "sốc" bằng cách xiết nước (không tưới nước, che gốc khi trời mưa) trong thời gian 15-20 ngày tùy theo tuổi cây, thời tiết chi phối. Chỉ nên xiết đến khi cây vừa xào lá (lá hơi héo). Sau khi xiết nước, chúng ta lại tưới nước và chăm bón bình thường để cây ra hoa và đậu quả.

Lưu ý bón phân cho cây quất cảnh trồng tại nhà, trồng trong chậu: Cây quất phải được bón phân định kỳ 20 - 25 ngày/lần (hoặc 1 tháng 1 lần) đến khi đảo quất hoặc xiết nước thì dừng lại, tiếp tục bón khi cây đậu quả non.

Dinh dưỡng cây trồng: Cây quất giai đoạn phát triển thân lá, đâm chồi nảy lộc cần bón các loại phân bón NPK có tỷ lệ dinh dưỡng đạm cao, giai đoạn trước khi ra hoa và phân hóa mầm hoa cần bón các loại phân NPK có hàm lượng lân cao, giai đoạn sau khi đậu quả non cần bón các loại phân có hàm lượng kali cao.

Nguồn: chelate.com.vn
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status