Hỗn loạn thị trường phân bón: Bán phân dỏm, chiết khấu cao hơn

Trong khi nông dân thường phải “ghi sổ” vì chưa đủ tiền thanh toán ngay khi mua vật tư nông nghiệp, thì ngược lại, các đại lý thường là người “nắm đằng cán” trong việc phân phối các sản phẩm này, kể cả đối với cơ sở sản xuất và người tiêu dùng.

Bán phân dỏm, chiết khấu cao hơn?

Hơn 10 năm trồng cây ăn trái và rau màu các loại nhưng với ông Nguyễn Văn Hòa (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre), việc mua bán, trao đổi các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… luôn phụ thuộc vào một cửa hàng vật tư nông nghiệp gần nhà. Ông Hòa cho rằng, do quen biết, gia đình lại không đủ tiền mặt để thanh toán mỗi lần mua hàng nên phải “ký sổ”, ghi nợ. Cũng vì vừa do quen biết lại vừa phải mua nợ nên đại lý giới thiệu sản phẩm nào, ông Hòa dùng sản phẩm ấy.

 Đạm cà mau

Nhãn mác của nhiều thương hiệu phân bón lớn và uy tín như Đạm Cà Mau rất dễ bị làm nhái. Ảnh: T.H

Có lần, ông Hòa được giới thiệu một sản phẩm phân bón lá kích thích tăng trưởng mới ra mắt của một công ty có địa chỉ ở huyện Hóc Môn (TP.HCM) để bón thúc dây ruộng dưa hấu vụ tết. Thế nhưng, sau khi phun vài ngày, ruộng dưa hấu có dấu hiệu héo lá, xoăn ngọn và chết dần. Tuy nhiên, vì ngại chỗ quen biết, lại còn mua nợ nên ông Hòa không đến trình báo cơ quan chức năng.

“Tôi sang hỏi chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp thì họ bảo do lô hàng bị lỗi, phía công ty hẹn sẽ đến nghiệm thu rồi có biện pháp xử lý. Tuy nhiên, chờ cả tuần không thấy ai nói gì thêm, vì phải xử lý ruộng để trồng lại mùa khác nên tôi không chờ nữa” - ông Hòa cho biết.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Nghĩa (xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) cho biết, ông đang giữ nửa bao phân nghi giả trong nhà. Trước đó, trong vụ mía năm 2017, ông mua 10 bao phân NPK từ một cơ sở gần nhà với giá 670.000 đồng/bao. Tuy nhiên, sau khi bón vườn mía của ông không tốt, còn khi bón cho bầu thì bị héo dây. “Lúc đó, tôi nghi là phân giả nên đem ngâm thử trong nước thì chỉ tan khoảng 50%. Mặc dù đã báo với cơ quan chức năng và phía công ty, nhưng đến nay tôi vẫn chưa nhận được giải đáp, bồi thường thoả đáng. Do tốn nhiều chi phí đi lại và hoàn cảnh cũng khó khăn nên tôi không đi khiếu nại tiếp” - ông Nghĩa nói.


Bát nháo cơ sở sản xuất công nghệ “cuốc xẻng”

Tính đến giữa năm 2017, cả nước có 570 nhà máy, cơ sở sản xuất phân bón được cấp phép hoạt động, trong đó, 451 cơ sở do Cục Hóa chất, Bộ Công Thương cấp phép và 119 cơ sở do Bộ NNPTNT cấp phép. Thế nhưng, Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, trên thực tế, có đến hàng nghìn cơ sở sản xuất phân bón đang tồn tại, trong số đó rất nhiều cơ sở với công nghệ dùng “cuốc, xẻng” để phối trộn, không có phép, sản xuất phân bón từ nguyên liệu là rác thải, phụ phẩm nông nghiệp… và cho ra sản phẩm phân bón không đạt chất lượng.


Cũng theo ông Nghĩa, khi mua phải phân bón giả, người dân rất khổ vì mùa màng thất thu, sản phẩm bán không ai mua, kéo theo hệ lụy là không có tiền để trả nợ. Cũng có nhiều người nghèo biết phân bón giả vẫn mua vì không có tiền mua hàng thật. Ông cho rằng nếu các cơ quan nhà nước quản lý chặt việc kinh doanh vật tư nông nghiệp thì sẽ không có chuyện nông dân gặp cảnh này.

Ông Vũ Xuân Hồng - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Supe Phốt phát Hóa chất Lâm Thao cũng cho biết, hệ thống các đại lý phân phối chính là những người “nắm đằng cán” trong hoạt động kinh doanh các sản phẩm phân bón, vật tư nông nghiệp kém chất lượng.  Các doanh nghiệp làm ăn gian dối thường đưa ra các mức chiết khấu rất cao, nhiều ưu đãi hấp dẫn để thu hút nhà phân phối. Từ đó, nhà phân phối sẽ ưu tiên giới thiệu các sản phẩm phân bón này. 

Theo ông Hồng, phân bón chất lượng cao thì chi phí sản xuất cũng tương đương, trong khi các sản phẩm kém chất lượng, sản phẩm nhái thì phía sản xuất lại mạnh tay chi hoa hồng cho đại lý, sẵn sàng tặng quà “khủng” đối với những đại lý có doanh số cao…

Nhái từ bao bì đến nhãn hiệu

Ông Vũ Xuân Hồng cho biết, bản thân các doanh nghiệp đang lo ngại vấn đề phân bón nhái hơn là phân bón giả. Vì hàm lượng chất dinh dưỡng trong các sản phẩm phân bón hàng nhái này rất ít, các cơ sở làm hàng “nhái” này còn nhập nhèm trong công bố hàm lượng, trong mẫu mã bao bì, lừa bịp người dân và cơ quan quản lý.

Một ví dụ cụ thể là sản phẩm phân bón NPK, hiện có rất nhiều doanh nghiệp làm nhái với hàm lượng chất dinh dưỡng thấp. Đến khi cơ quan chức năng phát hiện thì họ cho rằng NPK chỉ là tên nhãn hiệu họ đăng ký chứ không có nghĩa đây là sản phẩm phân bón N - P - K.

Chưa hết, dù chi hoa hồng rất cao cho các đại lý nhưng do bán được nhiều sản phẩm ra thị trường, các doanh nghiệp này vẫn đạt mức lợi nhuận rất cao và cạnh tranh giá với các doanh nghiệp chân chính do giá thành sản xuất của họ không đáng bao nhiêu.

Hay như tại Công ty Lâm Thao, doanh nghiệp này đăng ký bảo hộ sản phẩm đối với nhãn hiệu ba nhành lá cọ xanh, các lá cọ có răng cưa với màu sắc đặc trưng. Thế nhưng, khi bán ra thị trường, sản phẩm của Lâm Thao nhanh chóng bị làm nhái với nhãn hiệu ba nhành... lá khoai.

“Thoạt nhìn hai nhãn hiệu trông rất giống nhau nên nông dân thường không phân biệt được đâu là hàng giả, đâu là hàng thật. Đại lý bán hàng lại “mồi” thêm đây là sản phẩm chất lượng cao, sản phẩm mới, chất lượng tốt… Thậm chí, có những đại lý không nhập phân bón thật mà chỉ nhập hàng nhái, hàng giả về bán” - ông Hồng phân tích.

Ông Trần Quốc Tuấn - Giám đốc Sở Công Thương Trà Vinh cũng thừa nhận, nạn phân bón giả, vật tư nông nghiệp kém chất lượng là thực trạng nhức nhối, nan giải trong nhiều năm qua. Hễ cứ kiểm tra 10 mẫu phân bón thì có đến 4 mẫu không đạt tiêu chuẩn. Điều này gây thiệt hại không thể đo lường được trong sản xuất nông nghiệp.

Cơ quan chức năng loay hoay xử lý

Theo thông tin từ Bộ NNPTNT, mỗi năm, lực lượng quản lý thị trường  phát hiện và xử lý gần 3.000 vụ liên quan đến phân bón giả, phân bón kém chất lượng, tập trung nhiều tại An Giang, Long An, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bến Tre, Đăk Lăk, Đồng Nai…

 Dân thăm ruộng mía

Người dân xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang thăm ruộng mía.
Ảnh: Huỳnh Xây

Ông Trần Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đánh giá, thực trạng phân bón giả, kém chất lượng tràn lan xảy ra từ nhiều năm nhưng vẫn chưa giải quyết được triệt để, gây hại cho hàng chục triệu nông dân, hệ lụy vô cùng nặng nề. Chỉ tính riêng thiệt hại do phân bón giả và phân bón kém chất lượng, mỗi năm Việt Nam đã mất đi từ 2 - 2,6 tỷ USD.

“Đây mới chỉ tính thiệt hại do mất lượng tiền không cân xứng với lượng chất dinh dưỡng trong phân bón. Nếu tính đến những thiệt hại và hậu quả chưa đo đếm được như: Phân bón giả làm cho đất suy kiệt và ngộ độc, dẫn đến cây trồng không đạt năng suất; cây yếu sẽ bị sâu bệnh tấn công nhiều hơn khiến chi phí cho việc phòng, trị sâu bệnh tăng lên; chi phí sản xuất tăng mà thu nhập thì giảm đi khiến cho lợi nhuận của vụ mùa giảm sút... thì hệ lụy của tình trạng này vô cùng nặng nề” - ông Hùng phân tích.

Thực tế, theo các chuyên gia về nông nghiệp, lực lượng quản lý thị trường tại các tỉnh thành, chúng ta cũng đang nhập nhèm giữa xử lý hành chính hay hình sự với sản xuất phân bón giả, dẫn đến tình trạng các đối tượng sản xuất phân bón giả... “lờn thuốc”. Về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Hùng - Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Chống hàng giả Việt Nam cho biết, với những thủ đoạn tinh vi, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng kẽ hở trong quy định của pháp luật về tổng chất dinh dưỡng để sản xuất phân bón giả, kém chất lượng.

“Chúng ta cũng đang nhập nhèm giữa xử lý hành chính hay hình sự với sản xuất phân bón giả. Đây là kẽ hở để các nhóm lợi ích bảo kê các nhóm sản xuất hàng giả. Ví dụ vụ phân bón giả Thuận Phong, sau khi vi phạm, đơn vị này chỉ bị xử phạt hành chính. Do đó, đề nghị Chính phủ có quy định rõ sản xuất hàng giả phải xử lý hình sự, không xử lý hành chính thì mới có tính răn đe với các đối tượng, doanh nghiệp sản xuất phân bón giả” - ông Hùng khẳng định.

Quốc Hải - Huỳnh Xây
Nguồn: báo Dân Việt
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status