Doanh nghiệp phân bón trong nước nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng tự vệ
Bộ Công Thương cho biết, ngày 31/3/2017, Cục Quản lý Cạnh tranh đã tiếp nhận hồ sơ của một số doanh nghiệp đại diện cho ngành sản xuất trong nước yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với một số sản phẩm phân bón nhập khẩu.
Doanh nghiệp trong nước yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với một số sản phẩm phân bón nhập khẩu.
Theo Cục Quản lý Cạnh tranh, hàng hóa bị điều tra là tất cả các loại phân bón vô cơ phức hợp hoặc hỗn hợp với thành phần chính là Đạm (Ni-tơ) và Lân (P2O5) trong đó lượng Ni-tơ chiếm ít nhất 7% và lượng P2O5 chiếm ít nhất 30%.
Việc bổ sung hoặc trộn thêm các nguyên tố khác như Ma-giê (Mg), Can-xi (Ca), Lưu huỳnh (S), Ka-li (K)... hoặc các nguyên tố vi lượng khác không làm thay đổi về bản chất đặc điểm lý và hóa học cũng như mục đích và đối tượng sử dụng của sản phẩm. Việc bổ sung các chất vi lượng là để phù hợp với từng loại đất và từng nhóm cây trồng. Ngoài ra, hàng hóa nhập khẩu bị điều tra không phân biệt về màu sắc.
Để phục vụ quá trình xem xét và đánh giá vụ việc để đưa ra quyết định có khởi xướng điều tra hay không, cũng như đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, Cục Quản lý Cạnh tranh yêu cầu các doanh nghiệp trong nước sản xuất sản phẩm phân bón được mô tả như trên cung cấp các thông tin về doanh nghiệp; Công suất thiết kế và lượng sản xuất các sản phẩm phân bón trong các năm 2014, 2015 và 2016; Ý kiến của công ty về vụ việc (đồng ý, phản đối, không có ý kiến) hoặc bất kỳ tài liệu/chứng cứ nào khác mà công ty cho rằng liên quan đến vụ việc.
Trước đó, Cục Hoá chất đã có công văn đề nghị thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về một số dự án của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem), trong đó giao Cục Quản lý Cạnh tranh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu và báo cáo Bộ trưởng về việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng phân bón nhập khẩu.
Cục Quản lý Cạnh tranh đã làm việc với các công ty liên quan trong lĩnh vực phân bón như CTCP Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc, Nhà máy Đạm Phú Mỹ và CTCP DAP - Vinachem (DAP Đình Vũ), đồng thời đối chiếu các điều kiện để điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Hồi cuối tháng 2, Cục Quản lý Cạnh tranh có công văn gửi Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh về khả năng áp dụng phòng vệ thương mại đối với phân bón nhập khẩu.
Theo đó, Cục Quản lý Cạnh tranh cho biết, mặc dù nhà sản xuất trong nước đang phải chịu thiệt hại, nhưng Cục Quản lý Cạnh tranh cho rằng, để có cơ sở khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng này theo quy định WTO và pháp luật phòng vệ thương mại Việt Nam thì cần phải theo dõi và phân tích thêm lượng nhập khẩu năm 2017. Đồng thời, cần nghiên cứu thêm về khả năng tồn tại hành vi bán phá giá của các doanh nghiệp sản xuất Trung Quốc vì nguồn nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc.
Đối với mặt hàng phân ure, hiện nay Việt Nam có 4 doanh nghiệp sản xuất bao gồm Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sản xuất từ khí với công suất mỗi công ty 800.000 tấn/năm; Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc thuộc Vinachem sản xuất từ than với công suất lần lượt 480.000 tấn/năm và 560.000 tấn/năm.
Đối với mặt hàng này, Cục Quản lý Cạnh tranh đã gửi báo cáo lên Bộ Công Thương cho rằng, yêu cầu khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại là chưa có căn cứ do những vấn đề về chính sách thuế giá trị gia tăng cũng như các vấn đề về bản thân doanh nghiệp.
Đối với mặt hàng DAP, hiện tại trong nước chỉ có 2 doanh nghiệp thuộc Vinachem là DAP Đình Vũ và DAP Lào Cai với tổng công suất 660.000 tấn/năm trong khi nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này ở Việt Nam là 1 triệu tấn/năm.
Khi đánh giá về nhập khẩu thì chưa có dấu hiệu tăng đột biến một cách tuyệt đối xét về lượng nhập khẩu. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê thì lượng nhập khẩu vẫn tăng tương đối so với với lượng sản xuất trong nước đến 36,3% trong năm 2016.
Đánh giá về thiệt hại của ngành sản xuất trong nước cho thấy, từ năm 2013-2015, lượng sản xuất các công ty phân bón DAP tăng nhưng mức độ tăng đã giảm dần. Trong khi đó, lượng tồn kho tăng liên tục từ năm 2014 đến nay, lượng bán hàng năm 2016 giảm khoảng trên 40% so với năm 2015. Lợi nhuận của các công ty phân bón năm 2015 chỉ đạt hơn 27 tỷ đồng, giảm 2,8% so với năm 2014. Đến hết năm 2016, các công ty sản xuất DAP lỗ tới 460 tỷ đồng.
Phương Dung
-
Phân bón NPK đóng gói không quá 10 kg có thuế NK 6%
Phân bón NPK đóng gói với trọng lượng cả bì không quá 10 kg được phân loại vào mã số 3105.10.20 “- - Phân khoáng hoặc phân hóa học chứa hai hoặc ba nguyên tố...
-
Chính sách thuế đối với ngành phân bón: Nhiều chuyển động
Một điểm đáng lưu ý đối với thị trường phân bón trong năm 2017 là việc Bộ Công Thương và Hiệp hội phân bón đề xuất Chính phủ xem xét đưa mặt hàng phân bón về diện chịu thuế GTGT ở mức...
-
Chưa thể áp thuế phòng vệ để “cứu” 4 đơn vị của Vinachem
Cục Quản lý Cạnh tranh vừa có công văn gửi Bộ trưởng Trần Tuấn Anh về khả năng áp dụng phòng vệ thương mại đối với phân bón nhập khẩu...
- Áp thuế VAT 5% cho phân bón: Lợi ích và thách thức cho nông dân và ngành phân bón trong nước
- Việt Nam xuất khẩu gạo có nhiều triển vọng trong năm 2020
- Cơn sốt hồ tiêu trong ngắn hạn
- Tình hình sản xuất cây đậu xanh ở Việt Nam
- Giải pháp thị trường tiêu thụ trong sản xuất rau màu
- Thực trạng sử dụng phân bón, thuốc BVTV và giải pháp cho vùng rau