Doanh nghiệp phân bón kêu thua lỗ vì giá than tăng

TKV lý giải, việc khai thác than ngày một khó, chi phí nhân công và công nghệ tăng nên giá bán tăng

TKV lý giải, việc khai thác than ngày một khó, chi phí nhân công và công nghệ tăng nên giá bán tăng

Cuối năm 2016, TKV điều chỉnh giá bán cho 8 loại than cám theo hướng cao hơn giá bán trước đây. Giá than cám 4a1 là 2.055.000 đồng/tấn, tăng 195.000 đồng/tấn (khoảng 10%); giá than cám 5a1 là 1.700.000 đồng/tấn, tăng 50.000 đồng/tấn (khoảng 3%).

Điều này khiến nhiều doanh nghiệp (DN) phân bón và nhiệt điện cho rằng,  bất hợp lí bởi thị trường thế giới chứng kiến xu hướng giảm giá xăng dầu và than đá. Việc TKV tăng giá bán than buộc DN sản xuất phân bón tăng giá bán sản phẩm. Điều này ngay lập tức ảnh hưởng đến bà con nông dân khi vụ sản xuất mới chuẩn bị bước vào mùa.

Theo ông Nguyễn Gia Tường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem), một trong những nguyên nhân khiến ngành phân bón của Tập đoàn này thua lỗ do là TKV “tự ý” tăng giá bán? Theo đó, ông Tường cho rằng, giá than nguyên liệu do TKV bán cho Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc để sản xuất phân đạm theo lộ trình tăng giá do TKV xây dựng thì đến năm 2015 giá than cám 4a là 978.000 đồng/tấn, than cám 5 là 801.000 đồng/tấn; tới năm 2030 giá than cám 4a là 2.111.000 đồng/tấn, than cám 5 là 1.729.000 đồng/tấn. Nhưng thực tế năm 2015, giá than cám 4a là 2.151.282 đồng/tấn, tăng 2,2 lần và than cám 5 là 1.677.622 đồng/tấn, tăng gấp 2,1 lần so với dự kiến giá năm 2015.

Cũng theo vị này, TKV đã điều chỉnh tiêu chuẩn than cám 4, cám 5 về độ tro bình quân tăng 1%, độ ẩm tăng 0,5%, làm tăng định mức tiêu hao nguyên liệu, từ đó khiến DN sản xuất phân bón tăng chi phí sản xuất. 

Tổng Giám đốc Vinachem cũng cho rằng, do than TKV là nguyên liệu chính sản xuất phân u rê tăng giá bán nhanh, không điều chỉnh giảm theo giá thị trường nên giá thành sản phẩm của Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc không cạnh tranh nổi với các nhà máy phân khác được làm từ nguyên liệu khí có giá thành thấp, từ đó dẫn đến phân không bán được, một phần nguyên nhân khiến hai nhà máy trên thua lỗ.

Nhằm tháo gỡ những khó khăn trên, Vinachem đã gửi hồ sơ tới Bộ Tài chính để thực hiện hiệp thương giá than với TKV. 

Hôm 14/2, trả lời PLVN, ông Bùi Thế Chuyên - Phó Tổng Giám đốc Vinachem cho hay, Vinachem và TKV vừa có cuộc gặp để trao đổi tháo gỡ những khó khăn trong giá bán than. Theo vị này, do Bộ Tài chính là đơn vị chủ trì hiệp thương giá bán than cho các đơn vị sản xuất phân bón của Tập đoàn trong khi Bộ này chưa có kết luận hiệp thương nên việc giá than liệu có giảm hay không đến nay vẫn chưa biết. “Chúng tôi vẫn đang chờ kết luận của Bộ Tài chính”, Phó tổng Giám đốc Vinachem nói.

Ông cho biết thêm, việc giá than tăng cao ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các đơn vị sản xuất phân bón trong Tập đoàn. Nguyện vọng của Vinachem là mong muốn hiệp thương giảm giá than được thực hiện thành công, tạo thuận lợi để DN phân bón kinh doanh, sản xuất.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón và nhiệt điện gần đây “kêu trời” vì giá than trong nước tăng cao, trong khi đại diện Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho rằng, việc tăng giá bán than tuân theo quy luật thị trường

Nhằm làm rõ hơn thông tin trên, PLVN đã trao đổi với ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch HĐTV TKV. Ông này cho biết, việc hiệp thương giá bán than được Bộ Tài chính chủ trì, do còn một số vướng mắc nên chưa có kết luận hiệp thương. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Biên - Phó Tổng Giám đốc TKV lại quả quyết, việc tăng giá than của TKV là tuân theo lộ trình và quy luật thị trường. 

Ông cho biết thêm, việc khai thác than ngày một khó khăn do lượng than lộ thiên không còn, phải đào sâu xuống lòng đất, tốn nhiều chi phí công nghệ và nhân công. Do đó, việc tăng giá than vừa tuân theo quy luật thị trường vừa đảm bảo việc kinh doanh than có lãi, đảm bảo cuộc sống lao động ngành than.

Cuối năm 2016, trong kiến nghị với Chính phủ và Bộ Công Thương, nhằm tháo gỡ những khó khăn cho ngành than, ông Lê Minh Chuẩn đã đề nghị có chính sách ưu tiên các DN trong nước sử dụng than sản xuất trong nước. Thế nhưng, việc than nhập ngoại rẻ hơn than trong nước khiến nhiều DN sử dụng than quay lưng lại với sản phẩm của TKV. Đây cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến năm 2016 ngành than tồn đọng khoảng 12 triệu tấn than; đẩy tập đoàn “vàng đen” vào tình thế khó khăn.

Dư luận đang chờ đợi một giải pháp tốt đẹp để cả ngành than và các DN sử dụng sản phẩm than như phân bón, nhiệt điện, giấy... cùng phát triển.

Minh Hữu

Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam điện tử
Bài liên quan
  • TKV sẽ hiệp thương giá bán than cho sản xuất phân bón TKV sẽ hiệp thương giá bán than cho sản xuất phân bón
    Căn cứ kết quả hiệp thương giữa hai bên, trường hợp có thay đổi về giá than và thời điểm áp dụng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam sẽ thống nhất với các Công ty ký kết Phụ lục hợp đồng điều chỉnh để thực hiện.
DMCA.com Protection Status