Cần ổn định thị trường phân bón
Chi phí phân bón luôn chiếm tỷ trọng lớn, tới gần nửa giá vật tư đầu vào, trong trồng trọt, canh tác của bà con nông dân. Ở thời điểm thị trường khó khăn và biến đổi khí hậu (BĐKH) nặng nề như hiện nay, nông dân đang rất cần nguồn cung phân bón ổn định để canh tác hiệu quả. Bất cứ động thái tăng giá nào của các loại phân bón đều gây hiệu ứng mạnh lên nền nông nghiệp Việt Nam.
Thị trường trong nước hiện có nhu cầu khoảng hơn 2,6 triệu tấn phân bón/năm. Ảnh: NG.HẢI
Thị trường trong nước hiện có nhu cầu khoảng hơn 2,6 triệu tấn phân bón/năm, tính riêng công suất của bốn nhà máy lớn nhất cả nước là: Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau ở phía nam, Đạm Hà Bắc và Đạm Ninh Bình ở phía bắc đã xấp xỉ 2,8 triệu tấn. Phân đạm là loại phân bón có thể chủ động sản xuất được từ hai nguồn nguyên liệu than và khí. Song hiện chỉ có hai nhà máy thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau dùng khí làm nguyên liệu đầu vào còn duy trì hoạt động ổn định với tổng công suất 1,6 triệu tấn và có lợi nhuận. Còn hai nhà máy thuộc Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đang là “con nợ nghìn tỷ” nằm trong danh sách các “đại dự án thua lỗ” của ngành công thương. Một nguyên nhân chính là hai nhà máy phía bắc chạy bằng than, có chi phí đầu vào đắt đỏ, kém hiệu quả, giá thành sản xuất thường cao hơn giá bán trên thị trường 3.000-4.000 đồng/kg nên càng chạy càng lỗ. Thậm chí Nhà máy Đạm Ninh Bình có nhiều thời điểm đã đóng cửa ngừng sản xuất, sau đó hoạt động phập phù và liên tục kêu cứu lên Chính phủ xin giải pháp cứu trợ.
Trong khi đó, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2017, cả nước nhập khẩu (NK) hơn 600.000 tấn ure, với kim ngạch gần 70 triệu USD, chủ yếu từ Nga và Trung Quốc. Nghịch lý nảy sinh từ đây, dù công suất các nhà máy đang dư thừa nhưng do giá thành cao nên hai nhà máy phía bắc hoạt động èo uột. Phân bón NK, nhiều nhất là từ Trung Quốc, lại đang ào ạt tràn về.
Thực tế, với sự tham gia tích cực của hai nhà máy đạm chạy bằng khí thuộc PVN, đặc biệt là Đạm Cà Mau với công suất nhà máy đạt hơn 800.000 tấn/năm, thế cân bằng trên thị trường vẫn được giữ vững, giá bán phân bón đến tay người nông dân ổn định góp phần vào sự bền vững của nền nông nghiệp. Từ khi có Đạm Cà Mau, thị trường phân bón khá ổn định, mỗi khi vụ mùa đến nông dân không còn nỗi lo sốt giá phân bón, giảm đáng kể tình trạng sử dụng phân bón giả, kém chất lượng. Thực tế, từ khi chính thức vận hành năm 2011 đến nay, Đạm Cà Mau đã cung ứng ra thị trường hơn 5 triệu tấn sản phẩm Ure Cà Mau và hàng trăm nghìn tấn các sản phẩm phân bón cao cấp khác, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu thị trường trong nước.
Từ đầu năm 2018 đến nay, hai nhà máy đạm “tỷ đô” phía bắc tiếp tục hoạt động cầm chừng và thua lỗ, cả nước vẫn phải chi ra không ít ngoại tệ để NK phân đạm. Thậm chí, lượng và kim ngạch còn tăng hai con số. Theo Bộ Công thương, nguồn cung phân bón trên thế giới bị ảnh hưởng bởi ngành phân bón Trung Quốc đang lâm vào khủng hoảng. Điều này xuất phát từ chiến dịch sưởi ấm bằng khí đốt trong mùa đông năm 2018 tại quốc gia này. Giảm nguồn cung nguyên liệu đồng nghĩa làm giảm nguồn cung phân bón, do vậy Trung Quốc sẽ hạn chế xuất khẩu để đáp ứng thị trường nội địa và đẩy giá phân bón tăng mạnh trên thị trường quốc tế.
Dữ liệu của Công ty Agromonitor cho thấy, trong tháng 8-2018, giá ure hạt đục tại Trung Quốc và các thị trường thế giới đã tăng hơn 30 USD/tấn. Hơn thế, trong thời gian tới, Trung Quốc, quốc gia sở hữu lượng than đá lớn trên thế giới, có kế hoạch cắt giảm cả lượng cung và cầu than đá bằng cách đóng cửa một số mỏ than và nhà máy nhiệt điện sử dụng than, cung cầu than đá còn nhiều biến động nên diễn biến giá than khó dự báo.
Việt Nam đang phải NK than rất nhiều để đáp ứng nhu cầu trong nước. Lượng NK đến năm 2025 lớn hơn hai lần nhu cầu tiêu thụ hiện nay. Giá nguyên liệu nếu ở mức cao, hai nhà máy đạm phía bắc chắc chắn sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Còn với hai nhà máy đạm ở phía nam, biến động giá khí cũng khá phức tạp. Ngoài việc giá tăng, rủi ro về nguồn cung nguyên liệu đầu vào và đặc biệt rủi ro tỷ giá dưới tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ là những nhân tố ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất của các doanh nghiệp (DN) phân bón.
Riêng với Đạm Cà Mau, thời điểm này câu chuyện giá khí và nguồn cung càng trở nên nóng bỏng khi chỉ còn ba tháng nữa chính sách điều tiết giá khí bảo đảm ROE đạt 12% theo cam kết của PVN khi DN cổ phần hóa kết thúc. Kể từ năm 2014 đến nay, với chính sách giá này, Đạm Cà Mau phát triển ổn định, duy trì giá bán phân đạm cạnh tranh, ổn định cho bà con nông dân, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động… Nhưng nay, theo dự thảo phương án mới, giá khí đang được trình Chính phủ xem xét lại cao hơn rất nhiều so khi lập phương án nghiên cứu khả thi dự án.
Theo phân tích của các chuyên gia, với giá khí cao gấp 2,5 lần mức giá giả định trong phương án, tương đương gấp hơn hai lần so giá khí bình quân của các nhà máy sản xuất phân đạm hạt đục trong khu vực và trên thế giới, Đạm Cà Mau không thể duy trì giá bán phân bón như hiện tại, đồng thời đối mặt nguy cơ thua lỗ.
Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam Nguyễn Hạc Thúy nhận định, Đạm Cà Mau nắm 40% thị phần phân đạm trong nước. Nếu mức giá khí mới được phê duyệt sẽ ngay lập tức ảnh hưởng lớn tới thị trường phân bón, đẩy chi phí sản xuất của bà con nông dân tăng cao và tác động đến giá cả các mặt hàng thiết yếu trong rổ hàng hóa tính chỉ số CPI… Ở thời điểm thị trường khó khăn và BĐKH nặng nề như hiện nay, nông dân đang rất cần nguồn cung phân bón ổn định để canh tác hiệu quả. Giá khí hợp lý và nguồn cung khí ổn định cho các nhà máy chính là những yếu tố bảo đảm duy trì ổn định thị trường phân bón trước những diễn biến phức tạp hiện nay.
-
Lập lại thị trường phân bón - Bài 1: Nhiễu loạn vì hàng giả
Cục Quản lý thị trường đã phát hiện và xử lý 1.522 vụ vi phạm, xử phạt hành chính hơn 61 tỷ đồng và tịch thu 20 tấn phân đạm nhập lậu, tiêu hủy 12,5 tấn phân bón NPK giả công hiệu sử dụng…
-
Chật vật kinh doanh phân bón, không dễ ăn như nhiều người nghĩ
Từ ngày Cục Hóa chất cấp giấy phép, hàng loạt công ty phân bón ra đời, tưởng kinh doanh nghề này dễ ăn, hóa ra khi nhảy vào rồi bây giờ mới thấy... nuốt không trôi!
-
Thị trường chứng khoán: Cổ phiếu phân bón có cơ phục hồi?
Trong bối cảnh thị trường phân bón gặp nhiều khó khăn, câu chuyện cổ phiếu ngành phân bón đang gắn liền với kỳ vọng thay đổi chính sách thuế giá trị gia tăng...
- Áp thuế VAT 5% cho phân bón: Lợi ích và thách thức cho nông dân và ngành phân bón trong nước
- Việt Nam xuất khẩu gạo có nhiều triển vọng trong năm 2020
- Cơn sốt hồ tiêu trong ngắn hạn
- Tình hình sản xuất cây đậu xanh ở Việt Nam
- Giải pháp thị trường tiêu thụ trong sản xuất rau màu
- Thực trạng sử dụng phân bón, thuốc BVTV và giải pháp cho vùng rau