Bệnh hại hạt

Cây trồng bị hại: Cây ngô (cây bắp)
Tên khoa học: Penicillium spp.

Trong thời gian bảo quản trên bắp và hạt ngô thường bị một số loại nấm xâm nhập và gây hại. Nấm phá hủy dinh dưỡng trên hạt, có thể làm chết phôi hạt, làm hạt mất sức nảy mầm. Các loại nấm gây hại này thường là những loại nấm gây hại cả trên hạt và cả trong giai đoạn nảy mầm của ngô.

Các bệnh trên hạt thường liên quan các loại bệnh hại trên đồng ruộng trước khi thu hoạch, chúng tồn tại trên hạt từ đồng ruộng về kho bảo quản, do vậy các yếu tố như thời gian thu hoạch, biện pháp phơi sấy trước khi đưa vào kho cũng rất quan trọng. Thu hoạch ngô (bắp) quá sớm hay quá muộn, thu trong ngày ẩm ướt và điều kiện bảo quản nhiệt độ quá cao, ẩm độ của hạt lớn cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của các bệnh trên hạt trong thời kỳ bảo quản.

* Bệnh mốc xanh hạt và mầm ngô (bắp):

Bệnh mốc xanh hạt và mầm ngô 1

Bệnh mốc xanh hại trên bắp ngô

Bệnh mốc xanh hại trên cây ngô (bắp non)

Bệnh mố xanh hại trên cây ngô (cây bắp) non

Bệnh thường gây hại trong thời gian bảo quản. Trên bắp, hạt ngô xuất hiện những lớp mốc màu xanh. Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện nhiệt độ và ẩm độ cao. Mầm ngô bị bệnh do nấm Penicillium thường xuất hiện những vết chết hoại trên ngọn lá. Vết chết hoại này lan dần tạo thành những sọc hay vùng chết hoại rộng trên lá. Mầm ngô bị nhiễm nấm Penicillium thường bị chết hay còi cọc và có màu vàng.

* Bệnh mốc vàng hạt và mầm ngô:

Tên khoa học: Aspergillus spp.

Bệnh mốc vàng hại hạt ngô (bắp), các bệnh hại hạt ngô

Bệnh mốc vàng hạt và mầm ngô (bắp)

Trên vỏ hạt thường có lớp mốc màu vàng bao phù. Nấm có thể xâm nhập vào phôi hạt làm chết mầm. Mầm mọc từ hạt ngô bị nhiễm nấm Aspergillus spp thường xuất hiện những sọc trắng hẹp trên lá mầm, đặc biệt bệnh thường hại nặng trong những năm khô hạn.

* Bệnh mốc hồng hạt:

Tên khoa học: Fusarium spp.

Bệnh mốc hồng hại hạt ngô (bắp)

Bệnh mốc hồng hại hạt ngô (bắp)

Nấm Fusarium spp gây hại trên bắp ngô. Hạt ngô bị bệnh thường bị nứt, vết nứt trên hạt không có hình thù nhất định, hạt bị bệnh rải rác trên bắp. Chỗ nút có màu vàng hồng nhạt hay mầu hồng tím.

* Bệnh mốc đen hạt:

Tên khoa học: Diplodia

Bệnh mốc đen hại hạt ngô (bắp), các loại bệnh hại ngô, cách phòng trị

Bệnh mốc đen hại hạt ngô (bắp)

Nấm Diplodia gây hại trên bắp ngô và thường bắp đầu từ cuống bắp. Hạt bị bệnh có màu nâu xám hay nâu đen, trên mặt hạt có những chấm nhỏ đường kính 1 – 2mm, màu nâu tối hay nâu đen. Lõi bắp bị thối mục, màu xanh đen, bắp rất nhẹ.

Biện pháp phòng trừ các bệnh hại hạt ngô:

- Bệnh hại hạt ngô liên quan đến nguồn bệnh ngoài đồng ruộng, do vậy ngay từ khi gieo trồng đã phải chú ý, gieo trồng đúng thời vụ, chăm sóc tốt để ngô sinh trưởng đều, chín tập trung. Cần thu hoạch nhanh gọn kịp thời không để ngô chín tồn tại lâu trên đồng ruộng. Thu hoạch vào ngày nắng ráo, loại bỏ những bắp  bị bệnh ngay trong khi thu hoạch. Sau khi thu hoạch về thực hiện tốt các biện pháp bảo quản cất trữ. Bảo quản ngô bắp ở hộ gia đình.

- Sau khi thu hoạch ngô từ ruộng về không nên đổ đống vì ngô tươi có độ ẩm cao dễ bị thối mốc.  Xếp các bắp ngô đã phơi khô thành từng cũi, cuống bắp quay ra ngoài. Lộn trái một lớp bẹ ngô bên ngoài và buộc thành từng túm 10-15 bắp. Treo túm ngô lên sàn nhà, giàn bếp để bảo quản ngô gối vụ. Ngô để trên giàn bếp sẽ được hơi nóng của bếp đun hàng ngày, bắp ngô luôn khô và được khói bếp phủ một lớp muội đắng, có tác dụng hạn chế mọt, mốc phá hoại.
Cũng có thể hong bắp ngô trên giàn bếp 1-2 tháng cho bám muội, sau đó xếp cũi ngô trong các nhà chòi làm ở nơi cao ráo, thoáng đãng và có phễu ngăn chuột trên các chân cột. Nhà kho chòi này đảm bảo chống chim, chuột, sâu mọt phá hoại, hạn chế tổn thất mà các biện pháp khác không làm được.

Bảo quản ngô hạt ở hộ gia đình:

Phơi hạt ngô thât khô kiệt, đảm bảo độ ẩm dưới 14%,  có thể kiểm tra bằng cách cắn hay đập thấy vỡ vụn thành các mảnh sắc cạnh, loại bỏ sạch tạp chất và các loại hạt non, hạt lép.
Trộn lá xoan, lá cơi, lá trúc đào khô vào ngô theo tỉ lệ 1-1,5 kg lá khô cho 100kg ngô hạt. Khi sử dụng ngô, phải sàng, sảy sạch các loại lá trên sẽ không còn gây độc hại cho người và gia súc.
Đổ ngô đã trộn lá vào chum, vại sành, thùng kim loại hay thùng gỗ, san phẳng và phủ lên trên mặt một lớp tro bếp khô dày 2-4 cm. Bịt miệng bằng giấy xi măng hay tấm ni lông và đậy kín.

Bảo quản ngô hạt trong kho:

Hạt bắp phải được phơi thật khô. Loại bỏ tạp chất và những hạt sâu mọt. Vệ sinh sạch sẽ kho cất trữ, phun thuốc khử trùng, lót một lớp trấu khô, trong đống trấu thỉnh thoảng để các bọc thuốc Basudin 10H nhỏ  (khoảng 50 – 100gr/bọc).
Cũng có thể cho hạt ngô vào các bao tải (bao phải được phơi khô, sạch sẽ). Bao tải được xếp theo khối hẹp, chạy dài, chiều rộng 3 –4 bao, chiều cao không quá 10 bao. Giữa các khối có chừa lối đi để kiểm tra dễ dàng. Thường xuyên kiểm tra kho, nếu  phát hiện thấy hạt chớm phát sinh nấm bệnh thì cần đem phơi nắng ngay.

Nguồn: vaas.org.vn
DMCA.com Protection Status