Bướm phượng

Cây trồng bị hại: Cây bưởi , Cây cam , Cây quất cảnh (tắc)
Xem chủ đề liên quan: Bướm phượng, Papilio demoleus, cây có múi
Tên khoa học: Papilio demoleus

Họ Bướm phượng: Papilionidae

Bộ Cánh vẩy: Lepidoptera

Đặc điểm gây hại của bướm phượng Papilio demoleus

Sâu có tập quán là ăn hết vỏ trứng hoặc lớp da mới vừa lột ra, không để lại dấu vết. Lúc nhỏ sâu chỉ ăn lá non và chỉ gậm khuyết bìa lá, khi lớn sâu có thể ăn cả chồi hoặc thân non. Từ tuổi 4 sâu không nằm yên trên mặt lá mà thường ẩn nấp sâu vào các cành lá, khi ăn mới bò ra. Sâu hoạt động chậm chạp và có đặc tính nhả tơ trên bề mặt lá để bám. Khi lớn đủ sức sâu nhả tơ treo mình hóa nhộng trên cành cây, thường phía dưới chỗ sâu đã sinh sống, đuôi nhộng cột dính vào cành bằng một sợi tơ.

Đặc điểm hình thái của bướm phượng Papilio demoleus

- Thành trùng là loài bướm khá lớn, chiều dài thân từ 25-35 mm, sải cánh rộng từ 8 đến 12 cm. Nền cánh màu đen, có nhiều đốm màu vàng tươi, kích thước không đều nhau. Cánh sau không có đuôi, gần gốc trong có một đốm lớn hình bầu dục màu đỏ nâu, phía ngoài đốm này có một quầng màu xanh dương sẫm hay xanh lơ. Thời gian sống của bướm đực từ 3-5 ngày; trong khi đó thời gian sống của bướm cái từ 5 đến 8 ngày và một bướm cái có thể đẻ từ 75-120 trứng.

Trưởng thành bướm phượng vàng

Trưởng thành bướm phượng vàng

- Trứng hình cầu, đường kính khoảng 1 mm. Mới đẻ trứng màu trắng sữa, khi sắp nở chuyển thành màu nâu xám. Thời gian ủ trứng từ 3-7 ngày.

- Đối với Bướm Phượng Vàng, sâu vừa mới nở màu nâu sẫm, trên mình có nhiều gai thịt nổi lên xù xì, về sau trên lưng sâu xuất hiện những vệt trắng. Sau lần lột xác thứ ba mình sâu chuyển sang màu xanh vàng hoặc xanh lá cây, phía trên lưng và hai bên hông cơ thể có nhiều vệt và chấm màu nâu hoặc đen. Khi lớn đủ sức mình sâu có thể dài đến 5 cm.

- Đặc điểm chung của sâu non các loại Bướm Phượng là đốt ngực thứ nhất rất to so với các đốt còn lại. Ngoài ra, ở mặt lưng của đốt ngực thứ nhất có một đôi tuyến hôi, khi bị đụng đến có thể nhô ra ngoài dưới dạng một đôi râu thịt màu đỏ, hình chữ V; tuyến này tiết ra mùi hôi để xua đuổi kẻ thù.

bướm phượng Papilio demoleus

(A) Bướm phượng; (B) Trứng bướm phượng trên lá; (C) Sâu non phá hại lá

- Sâu có 5 tuổi phát triển từ 15-25 ngày.

- Nhộng các loài Bướm Phượng có hình dáng rất đặc biệt, phần đầu phân làm hai nhánh như hai cái sừng, phần bụng cong vòng ra phía trước, đồng thời nhô sang hai bên thành hai gốc. Mình nhộng bám chắc vào cành cây nhờ túm tơ ở mặt bụng và sợi tơ treo vòng ngang lưng. Mình nhộng có nhiều màu sắc, phần lớn màu xanh nhạt, có lúc màu xám hoặc nâu vàng. Nhộng dài từ 25-30 mm.

Nhộng của bướm phượng

Nhộng của bướm phượng

- Thời gian nhộng khoảng một tuần đến 10 ngày.

Biện pháp quản lý bướm phượng Papilio demoleus

- Thường xuyên kiểm tra vườn, nếu mật độ sâu thấp có thể bắt bằng tay, tỉa cành để các đợt chồi non ra tập trung và xử lý thuốc khi thấy thành trùng xuất hiện và đẻ trứng trên các chồi non.

- Nếu thấy mật độ cao, có thể tiến hành phun thuốc phòng trừ sâu non bằng các loại thuốc trừ sâu thông thường, như Sumicidin 50EC, Fastac 50EC, Regent 800WG nồng độ 0,1- 0,2% với lượng thuốc phun từ 600- 800 lít thuốc đã pha cho 1 ha.

Regent 800 WG

Thuốc Regent 800 WG

- Có thể xử lý các hoạt chất Emamectin, Lufenuron… hay hỗn hợp (Chlorantraniliprole + Abamectin)…

Nguồn: Giáo trình cây quất cảnh - Bộ NN&PTNT
DMCA.com Protection Status