2 tỷ đồng cho một khảo nghiệm phân bón: Một sự thụt lùi thảm hại?
(Dân Việt) Phân bón NPK mà phải đem khảo nghiệm là một điều vô lý, lãng phí. Theo tính toán, 1 khảo nghiệm phân bón tốn kém đến 2 tỷ đồng, tất cả chi phí này cuối cùng nông dân phải gánh chịu.
Đại biểu Lê Xuân Đính phát biểu tại Hội thảo, sáng 23.8. Ảnh: H.Q
Sáng nay 23.8, tại TP.HCM, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Bộ NNPTNT - Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Trồng trọt, đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật Trồng trọt sau khi đã tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, vào tháng 5.2018.
Các tham luận đặc biệt quan tâm đến vấn đề khảo nghiệm phân bón. Theo các chuyên gia trong ngành phân bón, việc khảo nghiệm phân bón theo kiểu tiền kiểm như Dự thảo là không cần thiết, lãng phí, dễ phát sinh tiêu cực.
Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Lê Xuân Đính, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phân bón, Công ty CP Phân bón Miền Nam cho rằng, cần phải loại bỏ hoàn toàn khảo nghiệm phân bón. "Đây là một sự thụt lùi thảm hại của công tác quản lý phân bón, hiện nay trên thế giới không ai còn làm như vậy cả, tai sao thực phẩm, thuốc cho người uống cho công bố chất lượng theo tiêu chuẩn thì phân bón lại phải khảo nghiệm?", ông Đính bức xúc nói.
Cũng theo Tiến sĩ Đính, những loại phân bón nào đã nằm trong quy chuẩn thì cho sản xuất, kinh doanh. Nên tập trung vào khâu quản lý chặt khâu hậu kiểm. Thực tế, việc chứng nhận 1 sản phẩm phân bón mới ra đời là không có ý nghĩa, dễ phát sinh nhiều tiêu cực trong công tác khảo nghiệm, số liệu báo cáo khảo nghiệm không đáng tin cậy. Qua nhiều năm nghiên cứu về phân bón, tham gia nhiều hội đồng nghiệm thu kết quả khảo nghiệm phân bón, ông Đính cho rằng không có nhiều giá trị về khoa học.
Nếu bắt buộc khảo nghiệm, số tiền các doanh nghiệp sản xuất phân bón phải bỏ ra có thể lên tới vài triệu đô la. Ảnh: TL
Cùng quan điểm trên, ông Trần Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP phân bón Hà Lan, gay gắt hơn: “Tôi phản đối khảo nghiệm phân bón. Vì hiện nay Nghị định 108/NĐ-CP ra đời để quản lý phân bón, nảy sinh quá nhiều bất cập, nhiều doanh nghiệp phản đối, nay lại đưa những nội dung này vào Dự thảo là không ổn".
Ông Anh nêu ví dụ, công thức phân bón NPK 16-16-8 vốn đã rất phổ biến, nhưng phải khảo nghiệm là quá vô lý. Theo ước tính, nếu bắt buộc khảo nghiệm như vậy, số tiền các doanh nghiệp phải bỏ ra khảo nghiệm có thể lên tới 2-3 triệu đô la, con số khủng khiếp. Nông dân sẽ lại gánh chịu chi phí này.
Bốc dỡ phân bón NPK Phú Mỹ tại cảng Qui Nhơn, Bình Định. Ảnh: TL
Góp ý thêm cho Dự thảo, ông Anh cho rằng nếu phải khảo nghiệm thì nên khảo nghiệm song song chứ không làm diện hẹp trước rộng sau. "Khảo nghiêm hiện nay đang như kiểu kiểm tra lại xem cơm, bánh mì... người ta có ăn được hay không?" - ông Trần Anh ví von.
Ông Lê Quốc Phong, Chủ tịch HĐQT Công ty CP phân bón Bình Điền 2 cho biết: “Tôi rất mong muốn và ủng hộ việc cần có luật để hoạt động sản xuất, kinh doanh tốt hơn. Phải bảo vệ quyền lợi nông dân, nhà sản xuất, nhưng đừng quá khắt khe, thách đố doanh nghiệp. Cần quản lý chặt nhãn mác bao bì, hiện nay trên thị trường bao bì đang rất lộn xộn, đánh lừa người dân”.
- Áp thuế VAT 5% cho phân bón: Lợi ích và thách thức cho nông dân và ngành phân bón trong nước
- Việt Nam xuất khẩu gạo có nhiều triển vọng trong năm 2020
- Cơn sốt hồ tiêu trong ngắn hạn
- Tình hình sản xuất cây đậu xanh ở Việt Nam
- Giải pháp thị trường tiêu thụ trong sản xuất rau màu
- Thực trạng sử dụng phân bón, thuốc BVTV và giải pháp cho vùng rau