Rầy đầu vàng
Triệu chứng gây hại và đặc điểm hình thái các pha phát dục của rầy đầu vàng Eoeurysa flavocapitata Muir.
- Đặc điểm sinh học, sinh thái: Trong năm phát sinh 6-7 lứa. Vòng đời: Trứng từ 8-15 ngày, sâu non 23-33 ngày, trưởng thành 23-38 ngày. Trứng thường được đẻ 2 bên gân lá chính.
Rầy đầu vàng Eoeurysa flavocapitata Muir.
- Triệu chứng gây hại: Rầy non mới nở bò men theo mép lá đến đọt lá và chủ yếu gây hại ở lá đọt chích hút chất dịch của lá. Phần đọt lá mía bị hại lúc đầu xuất hiện các chấm màu vàng nhỏ, sau đó chúng liên kết với nhau thành chấm lớn, trên bề mặt có 1 lớp bọt trắng, chất dịch này thường thu hút ruồi, kiến, … đến ăn. Sau một thời gian nấm muội đen bắt đầu xâm nhập phát triển trên lớp bọt trắng, biến chúng thành màu đen, phủ kín mặt lá và có mùi chua ngọt rất đặc trưng. Lá bị hại biến dạng, thun ngắn, ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng của cây mía ở giai đoạn đầu và ảnh hưởng đến năng suất chất lượng mía ở giai đoạn thu hoạch.
Rầy đầu vàng Eoeurysa flavocapitata Muir. hại mía
Biện pháp phòng trừ rầy đầu vàng Eoeurysa flavocapitata Muir.
+ Nên quy hoạch trồng mía thành từng vùng tập trung, trong đó nên phân thành 2 khu vực với 2 thời vụ trồng riêng biệt là hè thu và đông xuân. Trong từng thời vụ, nên tiến hành trồng tập trung trong cùng một thời gian nhất định, không nên kéo dài thời gian trồng trong 1 vụ quá 1 tháng, không nên trồng xen kẽ mía hè thu với mía đông xuân. Đối với vụ hè thu, nên trồng sớm trước ngày 10/6 dương lịch hàng năm. Ở những vùng nguyên liệu tập trung, có điều kiện phù hợp nên chuyển dịch cơ cấu thời vụ trồng sang trồng chủ yếu trong vụ đông xuân.
+ Các vùng thường phát dịch nên trồng các giống ít mẫn cảm với rầy đầu vàng như: K84-200, VN84-4137, K88-65,…
+ Thường xuyên thăm đồng ruộng phát hiện rầy sớm để kịp thời phòng trừ.
Khi rầy phát sinh thành dịch, có thể sử dụng 20 ml Carbosulfan (Marshal 200 SC) + 30 ml Fenobucarb (BPMC) (Bassa 50 EC) pha trong 20 lít nước. Ngay sau khi phun có thể tiêu diệt được 60-70% số lượng rầy trong đọt lá.