Quy trình kỹ thuật thâm canh cây cói

Cây trồng liên quan: Cây cói

1. Chuẩn bị giống cói

Sử dụng ruộng cói đúng giống, lưu gốc từ 3-5 năm để nhổ tỉa lấy mống (tách mống cói). Chọn mầm cói khi tách có chiều cao từ 15 -30 cm, đường kính từ 3 – 5 mm, là tốt nhất. Nếu sử dụng cây cói đã trưởng thành để nhân giống, nên cắt ngắn còn 30 cm. Tách mống để trồng, 2 - 3 mầm/khóm. Sau khi tách mầm cói nên trồng ngay.

Chuẩn bị giống trồng cói

Chuẩn bị giống trồng cói

Trong điều kiện chưa kịp chuẩn bị đất, có thể bảo quản trong bóng mát, giữ ẩm gốc từ 3 – 5 ngày. Tỉa mống từ 1 sào có thể cung cấp giống trồng cho 8 sào.

* Làm đất trồng cói

Chọn ruộng đất thịt, phù sa tốt ở ven biển, ven sông nước lợ có độ mặn từ 0,1-0,2%; độ pH từ 6-7; độ sâu tầng đất trên 50cm, có độ sâu bùn 30-40cm, lớp cuối cùng không có cát trắng. Chọn chân ruộng có nước vào ra, lên xuống dễ dàng.

Làm đất trồng cói

Làm đất trồng cói

Làm đất tơi nhuyễn kết hợp diệt cỏ dại theo các bước sau:

Lần đầu cày sâu 18-20cm, tiếp tục bừa vỡ rồi cho nước vào xăm xắp vài hôm để cỏ mọc, sau đó bừa nhuyễn rồi cho nước ngập 20-25cm ngâm 7-10 ngày.

Tiếp tục cày lật ở độ sâu 13-15cm, bừa vỡ lại cho nhừ cỏ, tiếp tục cho nước ngập 10-15cm trong 7-10 ngày sau đó rút nước bừa lại cho phẳng mặt ruộng

Dược để cấy cói: Bừa dược lần cuối phải tạo mặt ruộng thành hình mu rùa để thoát nước, ráo chân.

Đối với những ruộng cói cũ, sau một thời gian trồng cói nhất định phải tiến hành đảo cói do năng suất lúc này giảm thấp. Thời gian tiến hành đảo cói thường từ 4 - 6 năm hoặc lâu hơn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: mức độ thâm canh, mật độ và khoảng cách cấy mống ... Tuỳ theo điều kiện mà người dân có thể tiến hành các biện pháp làm đất cho phù hợp như sau:

+ Lộn trở đất hay còn gọi là đảo cói:

Hoạt động này được thực hiện bởi hai người. Người thứ nhất sử dụng một dụng cụ bằng tay gọi là mong để đào đất thành từng tảng có kích thước 20 x 20cm và sâu 25 - 30cm. Sau đó, người thứ hai lật ngửa tảng đất lên và cói được lật úp xuống phía dưới. Vì biện pháp này tiến hành thủ công nên tốn rất nhiều công lao động. Hơn nữa, mặt ruộng sau khi tiến hành đảo cói xong không được bằng phẳng gây đọng nước ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây cói sau này.

+ Lật nghiêng nền đất trên ruộng cói:

Tiến hành làm sạch mặt ruộng cói cũ, để nguyên gốc cói và tiến hành đào đất như trường hợp đảo cói. Sau đó, lật nghiêng tảng đất 900 theo cùng chiều và đảm bảo các mặt nghiêng có phần gốc cói tạo thành hàng tương tự trồng cói. Trong biện pháp làm đất này, từ gốc cây cói cũ sẽ mọc lên những chồi non và mọc thành cây mới. So với phương pháp đảo cói, phương pháp này không tốn công chọn giống và trồng cói.

+ Đào đất chuyển đi nơi khác để hạ thấp mặt bằng rồi mới trồng cói:

Đây là biện pháp thường áp dụng đối với những vùng đất cói có chân ruộng cao hơn so với mực nước biển, không thuận lợi cho việc tưới nước. Kỹ thuật hạ thấp mặt ruộng cói bằng cách đào đất giống như đảo cói, rồi tiến hành chuyển đất đi nơi khác, sau đó mới tiến hành làm sạch ruộng để trồng cói.

* Làm cỏ chuẩn bị ruộng cấy:

- Xử lý thuốc trừ cỏ trước khi tiến hành cấy cói từ 3 - 5 ngày. Làm cỏ bằng tay, vơ sạch cỏ dại lên bờ(không vùi lấp xuống bùn).

- Xử lý thuốc diệt cỏ tiền nảy mầm:

Sử dụng thuốc Butanic hoặc Heco với lượng 40 - 50ml/10l nước phun đều cho 1 sào. Sau khi phun nên giữ nước ở mức 3 - 5cm trong 4 - 5 ngày, tránh để mất nước làm nứt nẻ mặt dược(mặt ruộng), giảm hiệu quả của thuốc.

* Làm rãnh tưới và nhong:

Trên mặt ruộng, vét một rãnh nhỏ rộng 30cm, sâu 10 - 15cm. Ngoài ra, xung quanh ruộng cũng làm nhong để thuận cho tưới tiêu và hạn chế cỏ dại lây lan vào ruộng.

Trong điều kiện sản xuất với qui mô lớn phải trồng cói thành vùng tập trung, gồm nhiều khu nhỏ có hệ thống đê, cống, kênh và mương để chủ động tưới tiêu.

2. Thời vụ trồng cói

Căn cứ vào đặc điểm sinh trưởng của giống cói và điều kiện cụ thể của từng vùng sinh thái để chọn thời vụ thích hợp nhất.

Tại các tỉnh đồng bằng Bắc bộ có thể tiến hành trồng vào 2 thời vụ: Vụ chiêm, trồng vào các tháng 3-4 đến tháng 9-10 thu hoạch vụ đầu. Vụ mùa, trồng vào tháng 7-8 đến tháng 5-6 năm sau cho thu hoạch. Tại các tỉnh Bắc Trung bộ, thường cấy vào cuối mùa mưa( tháng Chạp, tháng Giêng ). Nếu trồng muộn thường gặp hạn, mặt ruộng bị chua mặn bốc lên làm cói dễ bị chết.

3. Phân bón cho cây cói

Cây cói cần được bón nhiều phân nhất là phân đạm, cân đối với các nguyên tố dinh dưỡng mới sinh trưởng tốt, cho năng suất và chất lượng cao, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh. Muốn bón phân cho cói có hiệu quả cần căn cứ vào tính chất đất, tình hình sinh trưởng của cây và sản lượng thu hoạch hàng năm.

3.1 Phương pháp bón phân viên nén

So với các biện pháp bón phân truyền thống khác, phương pháp bón phân viên nén có rất nhiều ưu điểm: viên phân với thành phần có đầy đủ các nguyên tố dinh dưỡng N, P, K và các nguyên tố dinh dưỡng khác cần thiết cho cây được bón sâu xuống tầng

đất canh tác nên phân không bị rửa trôi, bay hơi, tăng hiệu quả sử dụng phân bón, giúp cây cói sinh trưởng, phát triển tốt, tăng năng suất và chất lượng cói. Các bước tiến hành như sau:

- Chuẩn bị ruộng:

Ruộng trước khi bón cần phải được vệ sinh sạch sẽ, làm sạch cỏ và bổi cói; phát éo ở độ cao 30 - 50cm.

- Kỹ thuật bón phân viên cho cói:

+ Thời điểm bón: Bón vào đầu vụ cói: vụ xuân 15-25/3, vụ mùa 15-25/7 dương lịch.

+ Mực nước: Điều tiết mực nước trên ruộng lúc dúi phân 1-2cm.

+ Lượng phân viên nén: 17 kg/sào 360m2

+ Phương pháp bón bón: Bón vãi đều trên mặt ruộng vào hai thời

điểm: lần 1 vào đầu vụ chăm sóc với lượng bón 30 lượng phân viên nén + 13 kg supe lân; lần 2 bón với lượng 70% lượng phân viên nén sau lần bón thứ nhất 30 ngày; lần 3: bón thúc 3 kg đạm urê trước khi thu hoạch 25 ngày

3.2 Phương pháp bón phân truyền thống (bón vãi)

+ Lượng phân bón: 25kg đạm urê + 15kg supe lân/sào 360m2

+ Kỹ thuật bón được áp dụng theo phương thức nhẹ đầu nặng cuối, đợt 1 chiếm 9%, đợt 4 và 5 chiếm 56,2% lượng phân bón cho cả vụ.

- Chế độ bón phân cho cói trồng mới:

Sau khi cấy 20 - 25ngày, bón thúc lần 1 bằng đạm urê với lượng 100 - 150 kg/ha.

Các lần bón thúc sau cách nhau 15 - 20ngày. Sử dụng phân urê để bón với lượng từ 80 - 100kg/ha.

Bón thúc đợt cuối trước khi thu hoạch 10 – 15 ngày (dùng đạm để bón thúc để tăng chiều dài cói).

- Chế độ bón phân cho ruộng cói cựu (cói trên 2 năm tuổi):

+ Đối với vụ mùa:

Sau khi thu hoạch cói cần tiến hành vệ sinh đồng ruộng, làm cỏ, vệ sinh thủy lợi tưới tiêu. Bón phân urê với lượng 4 - 5kg/sào.

Sau 10 – 15 ngày bón 300kg supe lân/ha(15kg/sào). Nếu không có supe lân dùng phân tổng hợp NPK 25 - 30kg/sào.

Các lần bón sau cách nhau 10 - 15ngày. Sử dụng phân urê để bón với lượng từ 3 - 4kg/sào.

Kết thúc bón đợt cuối trước khi thu hoạch 10 - 15ngày.

+ Đối với vụ chiêm:

Sau khi cắt cói vụ mùa, phun thuốc trừ sâu, làm cỏ dại, tưới giữ ẩm qua đông, cắt éo vào tháng 2 cách gốc 30 - 40cm.

Bón phân: bắt đầu từ tháng 2 dương lịch, loại phân và các lượng phân bón tương tự như đối với bón cho vụ mùa. Riêng phân đạm bón cao hơn so với vụ mùa từ 3 - 5kg/sào. Khi bón các loại phân, ruộng phải đủ nước, thời tiết ấm, không mưa to. Tùy theo thời tiết mưa nhiều hay ít, cói tốt hay xấu để điều chỉnh lượng phân bón phù hợp.

4. Mật độ trồng cói

Cấy mật độ 250.000 khóm/ha với khoảng cách 20 x 20 cm ở độ sâu 3 - 5 cm mỗi khóm cấy từ 2-3 dảnh. Hàng cấy so le để mầm phát triển nhanh, phủ kín đều mặt ruộng.

5. Chăm sóc cói

5.1 Trừ cỏ

Ruộng cói mới trồng, sau cấy 20-30 ngày làm cỏ lần đầu, sau đó tùy theo cỏ nhiều hay ít mà làm cỏ ngay khi có thể( trung bình 1thangs làm 1 lần). Dùng trấu che phủ sau khi làm cỏ sạch có tác dụng hạn chế cỏ mọc. Ruộng cói sau khi thu hoạch, phải dọn sạch rác bổi và làm cỏ ngay.

5.2 Quản lý nước

Thời kỳ đâm tiêm, đẻ nhánh, ruộng cói cần được giữ ẩm thường xuyên, đảm bảo cói đẻ nhánh khỏe, gốc trắng, phẩm chất tốt. Mực nước ở ruộng cói thời kỳ này nên để từ 4 - 5cm.

Thời kỳ vươn cao: Mực nước cần được duy trì ở mức 2 - 3cm. Mặt khác, trong thời kỳ này, cây cói chịu mặn yếu. Do vậy, nguồn nước tưới cho cói trong thời kỳ này yêu cầu độ mặn từ 0,08 – 0,25% thì cói sinh trưởng tốt.

Thời kỳ thu hoạch: Nước cần được rút ra khỏi ruộng trước 10 - 15ngày. Thời kỳ cói chín cần giữ ẩm để tránh bị cói xuống bộ Nếu chưa thu hoạch nên để mực nước 3 - 5cm.

6. Phòng trừ sâu bệnh (Xem chi tiết tại Menu mục Cây cói)

Mặc dù trên cây cói đã xác định được 17 loài sâu hại thuộc 12 họ của 6 bộ côn trùng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nổi lên 3 đối tượng sâu hại gây hại nghiêm trọng đến sản xuất cói là bọ vòi voi (bộ Coleoptera), sâu đục thân (bộ Lepidoptera) và rầy (bộ Homoptera). Bệnh đốm vàng là bệnh đặc biệt gây hại cho cói.

Phòng trừ sâu đục thân: Phun thuốc phòng 1-2 lần ở giai đoạn cói đâm tiêm và vươn cao (nhất là thời kỳ cây tăng trưởng mạnh

Hiện nay chưa có thuốc đặc hiệu cho loại sâu này, có thể sử dụng Basudin 10H để rắc trên ruộng. Lượng thuốc sử dụng 1 kg/sào có thể kết hợp với cát để rắc cho thuốc đều trên ruộng hoặc phối trộn với phân viên nén để bón trên ruộng ngay từ đầu

Phòng trừ bọ vòi voi

Bọ vòi voi có thời gian sâu non kéo dài, nằm trong củ cói. Do vậy, việc phòng trừ chúng gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều loại thuốc hoá học được thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cũng như ngoài đồng. Tuy nhiên, chỉ có thuốc dạng hạt là Vibasu 10H,

Regent 0,3G và Diaphos 10G bón vào đất trước thời gian sâu non nở rộ 7 – 12 ngày và phải duy trì mực nước 3 - 5cm trên ruộng cói với thời gian 7 – 12 ngày mới cho hiệu quả cao. Đặc biệt, Regent 800WG có hiệu quả rất cao khi trừ bọ vòi voi trưởng thành ở giai đoạn qua hè. Kết quả bước đầu trong phòng thí nghiệm cho thấy chế phẩm tuyến trùng Steinernema glaseri có hiệu quả diệt sâu non bọ vòi voi cao tới 72,2% sau xử lý 14 ngày và 88,24% sau 21 ngày.

Phòng trừ rầy nâu hại cói

Rầy nâu gây hại nặng vào thời kỳ đẻ nhánh, làm bẹ lá có màu nâu đậm đến thâm đen. Chất thải làm cho bò hóng phát triển. Rầy tập trung ở gốc khóm cói, rầy đẻ trứng vào cây hoặc mép lá, phần gốc, trứng thường đr xếp thành hàng hẹp. Rầy trưởng thành có xu tính với ánh sáng. Nên dùng cát tẩm dầu, rắc xuống ruộng, sau đó dùng dây hoặc cành che khua nhẹ. Khi mật độ cao dùng thuốc Actara 25 WG. Cách dùng dùng một gói Actara 25 g hoà với nước cho một bình 8 lít và phun đều trên ruộng

Phòng trừ bệnh đốm vàng

Vụ chiêm chú ý bệnh nấm vàng trên cói, thường xuất hiện từ tháng hai đến tháng ba, dùng thuốc Booc-do, rắc vôi bột và sử dụng các loại thuốc trị nấm khác.

7. Thu hoạch và bảo quản cói

Thu hoạch đúng lúc cói chín- lúc hoa cói chuyển sang màu nâu, ngọn cói héo dần, thân từ màu xanh chuyển sang màu vàng óng, bẹ gốc bắt đầu thối, cắt thấy rắn gốc. Thời vụ thu hoạch với cói chiêm từ tháng 5 đến 20/6, cói mùa từ tháng 9 đến 15/11.

Sau khi bón thúc 2 tháng, ruộng cói có thể cho thu hoạch. Năng suất cói bình quân năm đầu từ 200 - 250 kg/sào/vụ, từ vụ thứ hai trở đi đạt trên 300 kg/sào/vụ. Trong vụ mùa, cói tốt nên thu được khoảng 500 kg cói khô/sào 500m2; vụ chiêm cói phát triển kém hơn nên chỉ thu hoạch khoảng 400kg cói khô/sào.

Trước khi thu hoạch 15-20 ngày nên rút nước phơi ruộng cho cói trắng thân, dễ cắt, phẩm chất cói chẻ tốt. Khi thu hoạch đảm bảo nguyên tắc: cắt sạch gốc, nhặt sạch bổi, giữ cói tươi để dễ chẻ. Cắt đến đâu giũ sạch bổi đến đấy. Nên thu hoạch vào lúc trời mát. Tốt nhất cắt cói vào buổi chiều, chẻ buổi tối, phơi buổi sáng.

* Cắt cói:

Dùng liềm chuyên dùng (liềm cắt cói) để cắt, cắt cách gốc 3 - 5 cm, từ vụ thứ 2 trở đi cắt sát gốc (cắt mạt).

* Phân loại cói

- Cắt xong tuỳ theo cói tốt, xấu, dài, ngắn sẽ phân loại cói. Thông thường cói sau khi cắt được phân làm 4 loại:

Loại 1: Từ 1,65m trở lên

Loại 2: Từ 1,55 – 1,60m

Loại 3: Từ 1,35 – 1,45m

Loại 4: Từ 1,25m trở xuống

- Nhặt hết xác cói chết bó thành từng bó

- Xén đầu từng bó, phát bằng gốc các bó cói để dễ chẻ

* Chẻ cói: Sử dụng máy chuyên dùng (guồng chẻ) để chẻ

- Thao tác chẻ cói: Một người cho gốc cói vào máy, một người kéo cói

- Yêu cầu: Cây cói được chẻ đôi đều từ gốc đến ngọn

- Cói sau khi chẻ xong bó thành từng bó nhỏ để dễ phơi

Lưu ý: Cói cắt đến đâu phân loại và chẻ ngay đến đó. Nếu để lâu gốc cói sẽ khô rất khó chẻ. Nếu chưa chẻ được ngay phải phủ kín tránh cói bị héo.

* Phơi cói

- Cách phơi: Rải mỏng, đều các mưởng cói. Hai đầu ngọn của các mưởng gối với nhau từ 30-40 cm, để cói khô đều. Mỗi rả cói nếu thời tiết nắng đều phải phơi từ 2-3 ngày. Sau mỗi ngày phơi, thu gom vào buổi chiều khi hết nắng, để nơi thoáng gió, có che đậy tránh sương gió. Trong khi phơi nếu gặp mưa phải thu kịp thời. Cói phơi bị mưa ướt sẽ kém phẩm chất

- Yêu cầu: Cói phải được phơi đến khô kiệt

* Gù cói

Khi cói đã khô đều (trắng ngà) tiến hành gù cói (bó cói). Khi gù cói phải lựa riêng từng loại. Mỗi bó khoảng 10-12 kg (đường kính gốc mỗi bó 20-25 cm) để tiện vận chuyển. Mỗi bó dùng 3-5 đai để gù, tạn dụng thân cói chết (bộ) xoắn lại để làm đai bó

- Khi gù cói xong phải xếp gọn các bó lại để bảo quản, nếu nhiều phải đánh đụn. Đụn cói đánh nơi cao ráo, ngoài trời

- Cách đánh đụn: Xếp 2-3 lượt cói và diềm một lượt bổi xung quanh để tránh mưa gió. Cứ làm như vậy cho đến khi hết cói. Dùng bổi cói khô lợp 1 lượt dày để bảo quản lâu dài

* Chăm sóc ruộng cói sau khi thu hoạch

Ruộng cói sau khi thu hoạch xong phải làm vệ sinh như: cào bổi, làm cỏ bờ, nạo vét rãnh, giữ đủ ẩm. Tiếp tục chăm sóc bón phân để đón tiêm mầm cho vụ sau

Thường bắt đầu chăm bón vào cuối tháng 2 đầu tháng 3 đối với vụ cói chiêm và cuối tháng 6 đầu tháng 7 đối với vụ cói mùa./.

Nguồn: Kỹ thuật thâm canh cói - VIRI
Xem thêm chủ đề: cây cói, trồng trọt, thâm canh cói
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status