Cây cói
Sâu bệnh hại Cây cóiTên khoa học: Cyperus malaccensic Lamk.
Thuộc họ Cói: Cyperaceae
Nguồn gốc cây cói
Trên thế giới
Trên thế giới cói có nguồn gốc từ vùng Đông Nam Á, sau đó được mở rộng ra phía tây tới I Rắc, Ấn Độ, phía bắc tới Nam Trung Quốc, phía nam tới châu Úc và Indonêsia.
Ở Việt Nam
Cách đây 5 thế kỷ nhân dân ta đã biết trồng Cói và dệt chiếu. Hiện nay, cây cói đã được trồng và canh tác tại 26 tỉnh, thành phố ven biển với diện tích 12.859ha, tập trung ở 3 vùng lớn: Vùng đồng bằng Sông Hồng, Vùng duyên hải Bắc Trung Bộ; Vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hai loài chủ yếu được trồng là cói bông trắng(Cyperus tegetiformis) và cói bông nâu (Cyperus corymbosus).
Nghề làm cói ở Thái Bình
Mô tả sơ bộ về cây cói
Cói, tên phổ biến tiếng Anh là Shichito matgrass, thực vật một lá mầm (Monocotyledones hay Liliopsida) gồm cả cây trồng và cây mọc hoang dại thuộc chi cói (Cyperus), họ cói (Cyperaceae ), bộ cói (Cyperales). Họ cói có khoảng 95 chi với 3800 loài, phân bố rộng rãi khắp nơi, đặc biệt là ở vùng ôn đới và hàn đới. Trong đó chi Cyperus có 61 loài, đa phần là các loài hoang dại. Chi cói được mô tả chung là các loài cỏ nhiều năm có thân rễ hoặc cỏ hàng năm với rễ sợi. Thân 3 cạnh hay hình trụ. Lá hình đường, đôi khi hình mũi mác. Cụm hoa dạng anten hay thu ngắn lại thành đầu gồm các bông. Hoa lưỡng tính, không có bao hoa. Nhị có 2-3. Quả 3 cạnh, đôi khi dẹp; đầu nhụy xẻ 3, đôi khi xẻ 2.
Cấu tạo của cây cói gồm 2 phần chính: Phần dưới mặt đất và phần trên mặt đất. Phần dưới mặt đất có rễ và thân ngầm. Phần trên mặt đất gồm thân khí sinh, lá, hoa, quả và hạt.
Rễ cây cói
Rễ cói mọc từ các đốt của thân ngầm. Rễ bao gồm rễ ăn sâu, rễ ăn ngang và rễ ăn nổi. Rễ ăn sâu có tác dụng hút chất khoáng ở dưới sâu, rễ ăn ngang hút chất màu ở tầng mặt đất, rễ ăn nổi hút chất dinh dưỡng hoà tan trong nước. Rễ cói có khả năng ăn sâu đến 1m, nhưng tập trung đại bộ phận ở tầng đất 10-20cm. Rễ lúc non màu trắng, khi già chuyển sang màu nâu hồng, khi chết màu đen. Thân : Thân cói được chia làm 2 phần: phần nằm dưới đất (thân ngầm) và phần trên mặt đất (thân khí sinh) là đối tượng thu hoạch. *. Nhánh hút, thân ngầm: Những mầm ăn sâu dưới đất gọi là nhánh hút, nhánh hút già đi thành thân ngầm. Nhánh hút và thân ngầm đều có đốt, mỗi đốt có vẩy (vẩy là hình thức thoái hoá của lá). Thân ngầm vừa giữ chức năng của thân vì có mắt có khả năng nảy mầm, vừa giữ chức năng tích luỹ và dự trữ. Nhánh hút và thân ngầm dùng để nhân giống vô tính.
Thân khí sinh
Thân khí sinh là loại thân cỏ mọc thành cụm. Tiết diện cắt ngang thân thường 3 cạnh, lõm hoặc phẳng, phía gốc tròn hơn phía ngọn, màu xanh và xốp. Thân khí sinh lúc non màu xanh đậm bóng, lúc già màu vàng nhạt. Lá: Lá có bẹ ôm lấy thân mọc ra từ gốc, 2 mép của bẹ thường dính nhau thành ống: lá xếp thành 3 dãy theo thân. Lá gồm lá vẩy (vẩy) lá bẹ và lá mác. Lá vẩy hình thành sớm nhất có tác dụng bảo vệ thân ngầm. Lá bẹ có từ 2-4 cái, làm nhiệm vụ quang hợp và bảo vệ phần non ở gốc thân. Lá mác vừa làm nhiệm vụ quang hợp vừa bảo vệ hoa. Hoa : Hoa cói là loại hoa lưỡng tính, cấu tạo hoa rất đơn giản và kích thước nhỏ, theo hướng thích nghi với thụ phấn nhờ gió. Hoa chỉ có 3 nhị, bao phấn đính gốc và nhụy có đầu xẻ 3. Bộ nhụy gồm ba lá noãn hợp thành bầu trên, một ô chỉ chứa một noãn, một vòi và ba đầu nhụy dài. Quả và hạt: Quả cói thuộc dạng quả hạch khô có 1 hạt, thường hình bầu dục hiếm khi hình trứng ngược hay thuôn. Hạt cói rất bé, có nội nhũ bột bao quanh phôi, gieo có thể mọc thành cây.
Sự sinh trưởng và phát triển của cây cói
Thời gian sinh trưởng của cây cói (từ thân khí sinh phát triển đến khi ra hoa, xuống bộ, lụi chết) vòng đời chỉ trong phạm vi 34 tháng, song tuổi thọ phần thân ngầm của cả bụi cói lại kéo dài tới hàng chục năm hoặc hơn tuỳ theo điều kiện đất đai và kỹ thuật chăm sóc. Một chu kỳ sinh trưởng của cây cói từ nẩy mầm của thân ngầm đến thu hoạch được chia thành 4 giai đoạn chính: nẩy mầm của thân ngầm, đâm tiêm và đẻ nhánh, vươn cao, ra hoa và chín. Các thời kỳ sinh trưởng phát triển này chịu ảnh hưởng trực tiếp của các yếu tố ngoại cảnh và có mối liên quan chặt chẽ với các yếu tố cấu thành năng suất.
Thời kỳ 1: Thời kỳ nẩy mầm của thân ngầm
Thời kỳ nẩy mầm bắt đầu sau khi cấy mống cói (thân ngầm có mang 1 đoạn thân) xuống ruộng. Trong điều kiện thuận lợi, các mầm nằm ở các đốt phía trên thân ngầm sẽ nẩy mầm phát triển thành nhánh mới. Mỗi thân ngầm thường có 4 mầm trong đó mầm 1 và 2 luôn luôn ở trạng thái hoạt động, mầm 3 và 4 ở trạng thái ngủ được lá bẹ và lá vảy bảo vệ.
Khi gặp hoàn cảnh bất lợi như ngập nước, nồng độ muối cao thì mầm 1 và 2 bị ngập và có thể chết còn mầm 3 và 4 thì an toàn, khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ tiếp tục phát triển.
Thời kỳ 2: Thời kỳ đâm tiêm và đẻ nhánh
Đâm tiêm là giai đoạn đầu của đẻ nhánh. Từ mầm 1 ở thân ngầm sẽ mọc ra 2 nhánh, hai nhánh mọc ra từ một thân mầm sẽ tạo thành hai ngọn, khi các nhánh đó nhô lên khỏi mặt đất từ 5-20cm các lá mác vẫn chưa xoè ra được gọi là cói đâm tiêm. Sau khi tiêm mọc 5-7 ngày lá mác xòe ra gọi là đẻ nhánh. Thời kỳ đâm tiêm của cói chiếm một thời gian dài trong quá trình sinh trưởng và phát triển. Số lượng và chất lượng tiêm cói quyết định năng suất và phẩm chất cói.
Thời kỳ 3: Thời kỳ vươn cao
Sau khi nhánh đã có lá mác vượt quá 10cm khỏi lá bẹ, thân cói bắt đầu vươn cao. Thời gian vươn cao kể từ khi nhánh xuất hiện đến khi thân ngừng sinh trưởng kéo dài khoảng 30-45 ngày. Nhiệt độ có ảnh hưởng đáng kể đến thời kỳ vươn cao, ở nhiệt độ 25-270C cói sinh trưởng mạnh. Nhiệt độ thấp hạn chế vươn cao, làm cho cây cói nhỏ, thấp, chóng lụi. Nhiệt độ cao kèm theo mưa có tác dụng thúc đẩy cói vươn cao.
Thời kỳ 4: Thời kỳ ra hoa và chín
Hoa cói
Cói chỉ ra hoa trong điều kiện ngày ngắn. Mầm hoa hình thành ở kẽ lá mác phía đầu thân khí sinh. Đối với vụ cói chiêm ở miền Bắc, cói ra hoa rộ từ tháng 5, đến trung tuần tháng 6 thì lụi dần. Còn vụ cói mùa thì ra hoa rộ vào tháng 8, đến trung tuần tháng 9 thì bắt đầu lụi. Hoa phơi màu và chín từ dưới lên trên. Hoa đầu tiên và hoa cuối cùng trên bông thường ra cách nhau 9-10 ngày.
Đặc điểm sinh lý cây cói Cyperus malaccensic Lamk.
Cói là cây chịu mặn và cần có độ mặn thích hợp để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Để đạt năng suất cao phẩm chất cói tốt, ngoài yếu tố đất thịt nhiều màu, đất cần có độ mặn từ 0,1-0,2% là tốt nhất.
Yêu cầu về sinh thái của cây cói Cyperus malaccensic Lamk.
- Nhiệt độ: Nhiệt độ thích hợp cho cói sinh trưởng phát triển là 22-280C, ở nhiệt độ thấp cói chậm phát triển, khi nhiệt độ thấp dưới 120C cói ngừng sinh trưởng, nếu cao hơn 350c ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cói đặc biệt là vào giai đoạn cuối, sinh trưởng chậm.Ở nhiệt độ cao, cói mau xuống bộ (héo dần từ ngọn xuống dưới).
- Ánh sáng: Cói là cây không phản ứng chặt với quang chu kỳ. Sự ra hoa không phụ thuộc vào thời gian chiếu sáng trong ngày. Cói là cây ưa sáng. Cói cần nhiều ánh sáng ở thời kỳ đẻ nhánh, sau khi đâm tiêm và lá mác đã xoè. Ánh sáng có ảnh hưởng trực tiếp đến quang hợp của cây và khả năng vươn dài của cói.
- Gió: Tốc độ gió vừa phải, có ảnh hưởng tốt đến việc lưu thông không khí, điều hòa độ ẩm, giảm sâu bệnh hại, cây sinh trưởng tốt. Tuy nhiên tốc độ gió lớn ảnh hưởng đến khả năng đồng hóa của cây. Gió mùa đông bắc, gió heo may ảnh hưởng làm cói mau tàn, mau xuống bộ.
- Nước: Nước cũng là một nhân tố quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến sinh trưởng và phát triển của câyc cói. Trong cây cói trồng, nước chiếm từ 80-88%, do vậy nước là nhu cầu quan trọng để cói sinh trưởng, phát triển.
- Yêu cầu về đất: Cói là cây chịu đất mặn, và cần có độ mặn thích hợp để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Song loại đất thích hợp nhất cho cây cói là đất phù sa, màu mỡ vùng ven biển, hoặc ven sông nước lợ, độ sâu tầng đất từ 40-50cm trở lên; độ chua pH từ 6-7; độ mặn từ 0,10-0,20%, thoát nước.
- Dinh dưỡng khoáng: Cây cói có khả năng hút chất dinh dưỡng rất mạnh để sinh trưởng tạo sinh khối, nghĩa là càng bón nhiều phân, cây cói càng hút nhiều.
+ Bón đủ đạm làm cho cói đâm tiêm nhanh, nhiều, chóng kín ruộng, sinh trưởng mạnh, thân cao, to, chậm ra hoa và lụi, năng suất tăng rõ rệt.
+ Bón lân có tác dụng tăng chất lượng cói rõ rệt. Bón đủ lân cây cói cứng chắc, sợi bền và trắng bóng hơn, tỷ lệ cói chẻ tăng. Ngoài ra lân còn có tác dụng làm cho cói chín sớm và hạn chế sâu bệnh.
+ Bón Kali có ảnh hưởng tích cực đến sinh trưởng và tác dụng làm tăng chất lượng cói, giúp cói cứng cây, giảm sâu bệnh và làm cho sợi cói trắng bóng hơn.
Các sản phẩm từ cây cói và tác dụng của cây cói việc trồng cói
+ Cói được dùng chủ yếu để dệt chiếu cói và sản xuất các hàng thủ công mỹ nghệ từ cói như: Túi, làn, dép, mũ cói và nhiều các mặt hàng khác được ưa chuộng. Khi dùng dệt chiếu thì sợi cói được đem chẻ mỏng, phơi khô rồi đem dệt. Sợi cói cũng có thể đem xe lại làm sợi lớn hơn thay vì dùng ở dạng sợi nguyên. Sản phẩm cói Thị trường quốc nội tiêu thụ 30% sản lượng cói. Phần còn lại được xuất cảng.
Nông dân thu hoạch và sơ chế cói thành phẩm
Dệt chiếu cói
+ Trồng cói có tác dụng bảo vệ đê điều.
+ Trồng cói có tác dụng cải tạo đất mặn.
+ Ở Việt Nam cói còn được dùng làm thuốc, bộ phận được dùng là thân rễ hay thân ngầm. Thân ngầm chứa 3,1% tanin; 0,7% flavonoid; 0,5 % tinh dầu và 0,5% alkaloid.
+ Thân lá của một số loài cói được dùng làm thức ăn gia súc.
+ Ở một số loài khác có chứa tinh dầu và dầu béo với tỷ lệ thấp có khả năng cải tạo môi trường nước ở đất chua- mặn trở nên nhạt hơn. Một số loài cói dại có kiểu dáng và hoa làm cây cảnh cũng được một số nghệ nhân quan tâm phát triển. Bổi cói và các phế phụ phẩm từ cói được dụng làm phân bón hữu cơ.
Xem thêm Video clip: Kinh nghiệm làm cói theo cách cổ truyền | VTC
Admin tổng hợp từ: Wikipedia, kỹ thuật thâm canh cói - VIRI