Những tiến bộ và triển vọng của ngành trồng lúa
Những tiến bộ của ngành trồng lúa
- Giống lúa: Về giống lúa trải qua hàng ngàn đời, người nông dân chọn lọc những biến dị trong tự nhiên những giống lúa đáp ứng nhu cầu lương thực ngày càng cao. Trên cơ sở nguồn gene đa dạng chứa nhiều đặc tính quý nằm trong hàng ngàn giống cổ truyền, các nhà di truyền chọn tạo giống lúa đã kế thừa và phát triển, áp dụng phương pháp lai tạo truyền thống và nhiều phương pháp hiện đại khác như đột biến, nuôi cấy tế bào, nuôi cấy túi phấn, biến đổi gen… nhằm tạo chọn được nhanh và nhiều giống lúa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao cho an ninh lương thực và an sinh xã hội. Nếu như trước kia, để có giống lúa mới dùng rộng rãi trong sản xuất phải mất hàng chục năm, thì nay chỉ cần một vài năm.
+ Giống lúa có chất lượng gạo cao: Hiện nay thị trường thế giới đang chuyển hướng về lúa gạo có chất lượng cao, đặc biệt ở các nước đã phát triển và ở Trung Đông. Tại các xứ này, người dân bắt đầu có khuynh hướng đa dạng hóa thức ăn hàng ngày, họ thích gạo hạt dài và thơm (nhưng không quá thơm). Người ta nhận thấy rằng
* Lúa gạo có chất lượng cao như Basmati 370 của Ấn Độ, Pakistan, Jassmine 85 của Mỹ và Khao dawk mali 105 của Thái Lan, … thường được ưa chuộng và có giá gấp 3 ÷ 4 lần giá bình quân gạo xuất cảng của Việt nam (Giá gạo thơm từ 500 ÷ 1000 đô la/tấn, trong khi gạo thường từ 200 ÷ 250 đôla/tấn, thời điểm năm 2000).
* Dù xuất khẩu với lượng nhỏ gạo chất lượng cao nhưng số ngoại tệ thu về vẫn bằng hoặc cao hơn hơn xuất khẩu số lượng lớn nhưng chất lượng kém.
* Vấn đề chuyên chở, chế biến, bao bì và bảo quản lúa gạo với chất lượng cao cũng ít tốn kém hơn.
Chính vậy ngành sản xuất lúa đã có những tiến bộ vượt bậc trong quá trình cải tiến giống lúa, sản xuất, tiêu thụ và dịch vụ sản phẩm lúa gạo.
Cánh đồng lúa Việt Nam - Giáo trình cây lương thực (cây lúa)
- Đổi mới trong canh tác cây lúa
+ Hiện đại hóa canh tác lúa: Hiện đại hoá nông nghiệp rất cần thiết để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng lợi tức nông thôn và đồng thời thu hẹp mức chênh lệch công bằng xã hội hiện nay giữa thành thị và nông thôn. Riêng ngành canh tác lúa tại Việt Nam vào thế kỉ 21 không thể còn tiếp tục hình thức cổ truyền, lấy nhân công làm cơ bản, “bán mặt cho đất bán lưng cho trời, con trâu đi trước cái cày theo sau”, hiệu quả sản xuất thấp, mức thu nhập kinh tế kém và tốn nhiều thời gian nghiên cứu về Nông nghiệp như của thế kỉ 20 vừa qua. Với đất hẹp người đông, nước ta cần phải cải thiện để nâng cao năng suất lao động, năng suất đất đai, hiệu quả dùng nước, bảo vệ đa dạng hình thái và bảo tồn môi trường lành mạnh để có thể khai thác lâu bền và để dành đất cho các hoạt động có hiệu quả cao. Do đó, công cuộc hiện đại hóa canh tác lúa phải được thực hiện với những mục tiêu sau:
* Tăng hiệu suất lao động, đất đai và nước.
* Áp dụng quản lý mùa màng và kỹ thuật chính xác
* Tăng chất lượng sản phẩm và tay nghề
* Bảo vệ môi trường lành mạnh
Để đạt đến các mục tiêu nêu trên, ngành trồng lúa phải thực hiện cơ giới hoá, áp dụng quản lý tổng hợp mùa màng, áp dụng các kỹ thuật tiên tiến, phát triển công nghệ chế biến và bảo quản, công nghệ sinh học, đa dạng hoá nông nghiệp, mở rộng mạng lưới thông tin, củng cố ruộng đất, tăng mức độ bền vững trong canh tác lúa và khuyến khích tính chất đa năng của ngành trồng lúa.
+ Công nghiệp hóa ngành trồng lúa: Công nghiệp hóa là một tiến trình sản xuất mà trong đó đa số hoạt động được thay thế bằng máy móc để làm tăng năng suất lao động trên một đơn vị đất đai và thu được hiệu quả cao.
Việc sử dụng máy kéo trong nông nghiệp ở Việt Nam tăng khá nhanh, từ 2.500 máy trong năm 1961 lên 2.800 trong 1970, 25.086 trong 1990 và 122.958 trong 1998 (FAO, 2000). Đến nay các loại máy gieo hạt, máy cấy, máy gặt đã và đang phát triển mạnh trong sản xuất lúa.
Vì vậy, công nghiệp hóa nông nghiệp nói chung và ngành trồng lúa nói riêng còn tùy thuộc vào tình hình kinh tế tại nông thôn và cần phải phát triển kinh tế đồng bộ cả nước.
+ Quản lý tổng hợp mùa màng trên ruộng lúa
Quản lý tổng hợp mùa màng là một phương pháp được đúc kết thành một quy trình kỹ thuật gồm có các yếu tố kỹ thuật cần thiết đã có sẵn như: Quản lý tổng hợp dịch hại; Quản lý tổng hợp dinh dưỡng cây trồng; Quản lý tổng hợp nước; Quản lý tổng hợp diệt cỏ và các phương pháp canh tác cải thiện khác thích ứng cho mỗi vùng, mỗi địa phương để đạt được năng suất mong muốn. Tổng hợp các yếu tố kỹ thuật đó còn gọi là phương pháp "Quản lý mùa màng tổng hợp", phương pháp này là một kết quả tổng hợp từ kinh nghiệm của các nông dân tiên tiến, chuyên viên khuyến nông và các kết quả thí nghiệm từ các Viện, Trung tâm nghiên cứu và cũng là mô hình gồm có một số yếu tố kỹ thuật quan trọng quyết định năng suất tối ưu của một vụ lúa tại một địa phương. Nếu trong mô hình kỹ thuật này thiếu đi một yếu tố thiết yếu nào đó sẽ làm năng suất sụt giảm theo lối liên hoàn.
+ Áp dụng các kỹ thuật tiên tiến
* Dùng bảng so màu lá lúa: Dùng bảng so màu lá lúa để áp dụng bón phân đạm cho lúa có tác dụng lớn đến năng suất lúa và kinh tế của người trồng. Bảng so màu lá lúa có 6 bậc thang màu xanh lá cây: màu sắc thay đổi từ màu xanh lá vàng nhạt (số 1) cho đến màu xanh đậm (số 6). Bảng này giúp đo cường độ của màu lá liên hệ trực tiếp đến diệp lục tố của lá và tình trạng chất đạm trong lá (IRRI, 1998). Bởi vậy, có thể hướng dẫn người trồng lúa cách sử dụng bảng so màu lá lúa để áp dụng bón phân đạm trong canh tác lúa một cách hữu hiệu.
* Trồng lúa lai: Mặc dù Việt Nam là một nước xuất khẩu nhiều gạo, lúa lai vẫn chiếm một vị trí quan trọng về kỹ thuật làm tăng năng suất lúa để dành đất đai cho các loại hoa màu khác có giá trị nhiều hơn.
Ruộng lúa tại California - Giáo trình cây lương thực (cây lúa)
* Trồng siêu lúa (Super rice): Tiềm năng của lúa ở vùng ôn đới đến 13 tấn/ha vì khí hậu thuận lợi bởi lúa của vùng này chỉ trồng vào mùa hè có ngày dài, nhiều ánh sáng, ít mây và nhiệt độ ban đêm thấp. Năng suất bình quân của California là 9,8 tấn/ha, Úc châu 8,4 tấn/ha và Ai Cập 8,5 tấn/ha. Vì vậy các chuyên gia lúa gạo trên thế giới đang nghiên cứu đưa tiềm năng năng suất lúa lên 15 ÷ 17 tấn/ha.
Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế tại Los Banos, Philippin đã bắt đầu nghiên cứu về phương diện sinh lý cây lúa để tạo thành loại lúa siêu đẳng từ năm 1985 và lai giống lúa siêu đẳng đầu tiên từ năm 1989. Họ dùng chiến lược hai bậc: trước hết tạo giống lúa giữa Indica và Japonia nhiệt đới để có 12,5 tấn/ha và sau đó dùng phương pháp lúa ưu thế lai để tăng từ 12,5 lên 15 tấn/ha. Họ hi vọng có được giống lúa siêu đẳng này để nông dân trồng vào năm 2005. Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế đã tạo được các dòng có năng suất từ 11 ÷ 12 tấn/ha, nhưng có ba vấn đề cần phải giải quyết: chất lượng kém, dễ bị sâu bệnh nhất là rầy nâu và nhiều hạt lép.
Cánh đồng lúa Philippin - Giáo trình cây lương thực (cây lúa)
Để hoàn thành mục tiêu trên, lúa siêu đẳng cần hội đủ các tiêu chuẩn của cây lúa như sau: 3 ÷ 4 chồi trên mỗi bụi lúa, 200 ÷ 250 hạt trên mỗi bông, 90 ÷ 100cm chiều cao, thân cứng, lá dầy, xanh đậm và thẳng đứng, hệ thống rễ mạnh, 100 ÷ 130 ngày, kháng những sâu bệnh quan trọng và chất lượng cao. Lúa siêu đẳng đã thành công ở các nước trồng lúa ôn đới vì khí hậu các nơi này thuận lợi hơn trong đó thời gian ngậm sữa kéo dài hơn từ 40 ÷ 50 ngày nhờ nhiệt độ thấp vào cuối mùa.
- Phát triển công nghệ chế biến
+ Công nghệ chế biến nông sản: Ngành công nghệ chế biến nông sản gồm cả lúa gạo rất quan trọng vì làm tăng giá trị nông sản, làm bớt khó khăn trong vấn đề bảo quản và thị trường tiêu thụ, tạo công việc làm và đồng thời giúp cải tiến nền nông nghiệp cổ truyền. Một khi nền kinh tế nước nhà phát triển mạnh và đời sống của người dân cao, nhu cầu về các thực phẩm gạo chế biến có thể sử dụng nhanh chóng (nếu được ưa chuộng) sẽ gia tăng.
+ Phơi sấy: Ngày nay đã áp dụng việc sấy lúa cả trong mùa khô và tất nhiên mùa mưa sẽ giảm thất thoát do phơi sấy.
- Áp dụng công nghệ sinh học của ngành trồng lúa
Thế kỉ 21 sẽ là kỉ nguyên của công nghệ sinh học và tin học. Công nghệ sinh học đã và đang được ứng dụng cho ngành sản xuất lúa như cấy mô, cứu phôi, đột biến, chẩn đoán nguyên nhân bệnh. Đồng thời với sự ứng dụng công nghệ sinh học cho ngành trồng lúa thì tin tức công nghệ sinh học, luật lệ an toàn sinh học và chuẩn bị đào tạo thêm chất xám để tiến lên trình độ cao cho tương lai cũng được quan tâm, tiến hành song song và phương pháp biến đổi gen cũng đã được chú trọng đến trong những trường hợp có khả năng ứng dụng.
Triển vọng của ngành trồng lúa
- Trên thế giới
Theo Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO), sản lượng lúa năm 2009 đạt 678 triệu tấn, tăng 10 triệu tấn so với dự đoán trước đây, do sản lượng tăng ở nhiều nước châu Á. Sản lượng lúa này, tương đương với 452 triệu tấn gạo, giảm 2% so với năm 2008 do thời tiết xấu ở một vài nước sản xuất, song vẫn là mức kỷ lục thứ hai về sản lượng lúa.
Hạn hán hoặc mưa quá nhiều đã làm chậm trễ việc gieo cấy vụ lúa chính ở Nam Mỹ, cộng thêm những lo ngại về hạn hán kết hợp với El Nino có thể ảnh hưởng tới mùa màng ở Inđônêxia. Sản lượng lúa Ôxtrâylia dự đoán tăng song vẫn dưới mức cao những năm đầu thập niên 2000. Triển vọng sản lượng không mấy sáng sủa ở các nước Nam Phi, khi giai đoạn lốc xoáy từ tháng 1 đến tháng 3 vừa mới bắt đầu (Agroviet - 26/01/2010).
Ruộng lúa Nhật bản - Giáo trình cây lương thực (cây lúa)
- Ở Việt Nam:
Ngày 21/8/2009, hội thảo về chiến lược an ninh lương thực quốc gia đến năm 2020 và 2030 đã được tổ chức tại TP.HCM.
Phát biểu tại hội thảo, Cục trưởng Cục trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn - Tiến sĩ Nguyễn Trí Ngọc cho rằng theo dự thảo chiến lược thì Đồng bằng sông Cửu Long sẽ giữ vai trò quan trọng đối với an ninh lương thực quốc gia.
Đồng bằng sông Cửu Long chiếm khoảng 52-55% tổng sản lượng và hơn 90% tổng xuất khẩu gạo của Việt Nam. Đây cũng được xem là vựa trái cây lớn, chiếm trên 80% sản lượng trái cây của cả nước.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Ngọc (2009) nhận định, gạo và trái cây là những mặt hàng tiềm năng nhất và có sức cạnh tranh cao so với các nước khác trong khu vực và trên thế giới.
Cũng tại hội thảo, giáo sư - tiến sĩ - nhà giáo nhân dân Võ Tòng Xuân, một nhà khoa học nổi tiếng với các công trình nghiên cứu khoa học nông nghiệp, cho rằng ban soạn thảo chiến lược cần phải đưa ra một kế hoạch tổng thể về sản xuất lúa gạo cho từng khu vực cũng như cho cả quốc gia và trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Chiến lược an ninh lương thực quốc gia đã đưa ra đề xuất duy trì 4 triệu ha trồng lúa vào năm 2010 và giảm xuống mức 3,6 triệu ha vào năm 2020. Sau năm 2020, diện tích trồng lúa sẽ giảm xuống còn 3,5 triệu ha và duy trì ở mức này cho tới năm 2050.
Mặc dù diện tích trồng lúa giảm, nhưng sản lượng lúa dự kiến sẽ tăng và đạt 36,5 triệu tấn vào năm 2010, 39,8 triệu tấn vào năm 2020 và 40,5 triệu tấn vào năm 2030.
- Nhu cầu vi lượng của cây trồng: vai trò, liều lượng và cách bổ sung hiệu quả
- Trồng Đương Quy và Ngưu Tất: Giải pháp hiệu quả cho nông dân Hưng Yên chuyển đổi cây trồng
- Hiện tượng trinh sinh quả trên cây có múi là gì?
- Kết hợp phân bón hữu cơ và phân vi sinh để quá trình canh tác đạt hiệu quả cao nhất
- Độ phì nhiêu là gì? đặc điểm độ phì nhiêu của đất
- Các nguyên tố vi lượng trong nông nghiệp (phần 2)