Nhân giống cây có múi: Nhân giống bằng phương pháp giâm cành

1. Khái niệm giâm cành

Là phương pháp cắt rời một phần thân cây như cành, rễ hoặc lá, đặt trong môi trường thích hợp để tạo ra rễ, chồi mới, hình thành cây con sống độc lập và mang những đặc điểm giống cây mẹ.

2. Ưu khuyết điểm của phương pháp giâm cành

2.1. Ưu điểm

- Cây đồng đều, cho nhiều cây con, nhanh

- Cây không phân ly, có đặc điểm giống cây mẹ, nhanh cho trái

- Nhân được các cây không có hạt

2.2. Khuyết điểm

- Rễ ăn cạn

- Điều kiện phức tạp (Cần có nhà giâm, hệ thống phun sương...)

- Dễ lan truyền bệnh

3. Chuẩn bị vật liệu, phương tiện và giá thể để giâm cành

- Giâm cành trên cây Volkameriana khi giâm rất dễ ra rễ. Trong vườn ươm, cây phát triển tốt giống như cây gieo từ hạt. Chu kỳ sản xuất ngắn hơn cây gieo từ hạt.

- Giâm cành nhân giống trên bưởi

3.1. Chuẩn bị vật liệu

- Cành giâm:

+ Cành giâm cắt từ cây gốc ghép (cây chanh volkameriana). Chọn gốc ghép xanh tốt, khỏe mạnh, đồng đều và nhất là phải đúng giống

+ Cành giâm là các giống cây có múi phải cây đầu dòng sạch bệnh

+ Trên cây bưởi:

Chọn cây đầu dòng để nhân giống

- Cây đầu dòng sử dụng nhân giống phải khỏe mạnh, không mang mầm bệnh và côn trùng nguy hiểm. Cây đầu dòng dùng để lấy cành không nên sử dụng để khai thác trái, vì làm như vậy cây sẽ kiệt sức rất mau.

- Cành được sử dụng để giâm có thể lấy ở hai dạng cành là cành ngang (mang trái) và cành đứng (cành vượt). Cành ngang chỉ lấy từ ngọn vào bên trong khoảng 20-25 cm ở giai đoạn cây không ra hoa. Cành vượt có thể lấy từ ngọn vào trong 40-50 cm, cây con từ cành này có sức sống mạnh. Cành giâm nên được thu lúc sáng sớm, trong tình trạng trương nước. Có thể trữ cành trong các bao plastic lớn, phun nước bên trong và cột miệng bao để tránh mất nước.

- Để bao trong mát, tránh ánh sáng làm nhiệt độ bên trong bao tăng cao. Chiều dài cành giâm khoảng 15-20cm. Tỉa bớt lá dưới đáy cành, giữ lại 5-7 lá. Cắt bớt 1/2 của chiều dài lá để giảm thoát hơi nước. Vạt xéo đáy cành 1 góc 45 độ, dùng dao rạch vài đường ở đáy cành để tạo mô sẹo, kích thích sự ra rễ.

- Khay cao 20-25cm hoặc bao PE nhỏ đường kính 8cm, cao 10cm, Bầu ươm đen 3,5-4,5 lít, đườmg kính 13-14cm, cao 25-30cm,

- Dao, kéo sắc bén

- Nước Javel 12 0 chlor

- Chất kích thích ra rễ 0,1%

- Giá thể cho giâm cành: dùng loại giá thể gieo hạt nếu giâm cành trong bầu PE nhỏ, hoặc là giá thể bầu ươm nếu bầu lớn (giá thể bầu ươm gồm: mụn xơ dừa + Cát thô đường kính hạt 1-2mm + tro trấu+ trấu mục theo tỷ lệ 2:2:3:3).

3.2. Chuẩn bị phương tiện

- Nhà lưới hai cửa có che lưới giảm 50-80% ánh nắng, có hệ thống phun sương tạo ẩm. Nền phải thoát nước tốt và đã tiệt trùng.

- Nhà màng làm bằng nhựa PE loại trong, nhà có chiều cao từ 1,5-1,7m, rộng không quá 10m2. Nhà màng đặt trong nhà lưới 2 cửa

Nhà màng

Nhà màng

4. Thực hiện các bước giâm cành

  • Bước 1: Chuẩn bị sẵn các vật liệu:

- Môi trường đã xử lý

- Khay hoặc bầu nilon

  • Bước 2: Cắt cành theo đúng yêu cầu

Có 2 loại cành cành ngắn và cành dài

- Giâm cành ngắn: dài 7-8cm, đường kính khoảng 5-7mm, vỏ màu xám hoặc màu xanh đậm sắp chuyển sang xám. Lá duy nhất giữ lại nên cắt bỏ ½ chiều dài. Cắt ngang hoặc vạt xéo hai bên gốc cành nhưng không tạo thành hình nêm nhọn.

Cắt cành giâm

Cắt cành giâm

Sau giâm khoảng 2 tháng chọn giữ lại những cành giâm có 7-10 rễ ở đều 4 phía rồi cấy vào bầu lớn.

- Giâm cành dài: Cành dài khoảng 35-40cm, còn lá đầy đủ và xanh tốt. Cành gâm loại này có 2 loại:

+ Cành giâm là một đoạn cành

+ Cành giâm là phần ngọn cuối của cành còn đỉnh chồi và đọt không có lá non

+ Các nhà khoa học khuyến cáo, muốn giâm càng theo phương pháp mới nên dùng loại hom có mang chồi ngọn, sau 4 tháng có thể mang cây con đi trồng

+ Chuẩn bị hom giâm: Các hom được cắt trên các cành bánh tẻ, lá đã ổn định (vào lúc sáng sớm trong tình trạng còn đang trương nước), dài 15-20 cm, đường kính 1-2cm. Vết cắt sắc, gọn, nghiêng 45 độ, không xây xước để dễ tạo mô sẹo, kích thích ra rễ. Cắt bớt 1/2 chiều dài lá để hạn chế mất nước.

  • Bước 3:

Nhúng gốc cành giâm sâu 1 cm vào dung dịch chất kích thích ra rễ. NAA pha nồng độ 1.500 ppm trong thời gian 2-3 giây.

  • Bước 4: Giâm cành

Cắm vào giá thể sâu 2-3 cm khoảng cách 15x15 cm rồi nén chặt gốc cho khỏi đổ ngã.

Đối với cành dài:

Chuẩn bị gốc cành giâm và nhúng vào dung dịch ra rễ như cành giâm ngắn, sau đó đem cành giâm trong bầu ươm lớn, sâu khoảng 3-4cm

Chú ý từ lúc cắt cành cho đến lúc đưa vào nhà màng phải giữ lá cành luôn ẩm ướt và nhà màng phải kính để ẩm độ bên trong ổn định

 Thuốc kích thích ra rễ - Giâm cành volkamer

Thuốc kích thích ra rễ - Giâm cành volkamer

5. Chăm sóc sau khi giâm Phun sương

Điều kiện ngoại cảnh ảnh hưởng nhiều đến tỷ lệ ra rễ, sức sống và tỷ lệ chết của cành giâm. Nhiệt độ trong môi trường tốt nhất khoảng 30oC. Nhiệt độ cao làm cho lá cành giâm trở nên vàng và rụng.

Sự hiện diện của lá còn trên cành ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ ra rễ của cành giâm.

Ẩm độ của nơi giâm cành phải được duy trì ở mức 85-90% trong suốt thời gian giâm cành. Ánh sáng không quá cao, nên sử dụng ánh sáng khuếch tán trong khoảng 1.000 - 2.000lux.

Tốt nhất, là để trong nhà có mái che, không có ánh sáng trực tiếp chiếu vào. Nên áp dụng chế độ phun sương theo thời gian mỗi lần phun kéo dài 10-15 giây

- Tuần đầu: các lần phun sương cách nhau 10 phút

- Tuần thứ 2:cách nhau 20 phút

- Tuẩn thứ 3: cách nhau 30 phút

Cành sẽ đâm chồi sau 15 ngày

Cành giâm sau 2 tuần

Cành giâm sau 2 tuần

- Tuần thứ 4: khử các chồi mọc ở nách lá, chỉ giữ lại một chồi ở cuối ngọn cành

- Tuần thứ 5, thứ 6 chuyển cây ra khỏi nhà màng và đưa sang nhà lưới, chăm sóc bình thường

Tưới nước:

Chỉ cần tưới đủ ẩm cho cây.

Duy trì chế độ bón phân 2 tuần một lần với lượng từ 1kg/2000 cây lúc nhỏ, tăng dần đến 1kg/200cây khi lớn. Có thể sử dụng phân bón hỗn hợp NPK 20-20-15 hoặc 20-10-10, lưu ý chọn các loại có thêm trung, vi lượng. Chú ý bón lần cuối cùng trước khi tiến hành ghép khoảng 15 ngày, lúc này cây phải có vỏ tróc thật tốt và không có đọt non. Phòng ngừa dịch bệnh, tưới đủ ẩm.

Thời gian ra rễ của cành giâm tùy vào sức sống của cành. Nếu chọn cành khỏe mạnh và đồng nhất về kiểu cành thì thời gian ra rễ khoảng 45-50 ngày và tỷ lệ ra rễ đạt khoảng 60-65%. Sử dụng cành trung bình thì thời gian ra rễ dài hơn (60- 85 ngày) và tỷ lệ ra rễ chỉ khoảng 50%. Cành giâm sau khi ra rễ được vô trong các bầu plastic có chứa thành phần đất, mụn xơ dừa và phân chuồng hoai.

Cây con vô bầu được để nơi thoáng mát và tưới nước thường xuyên.

Mỗi ngày tưới 4 lần, sáng 2 lần, chiều 2 lần. Sau 1 tuần bắt đầu tưới thêm phân DAP. Ngâm phân DAP vào thùng nước lượng 2g/1lít, tưới vào bầu đất mỗi tuần một lần cho đến khi cành giâm ra lá mới.

Nguồn: Giáo trình nghề trồng cây có múi - Bộ NN&PT NT
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status