Kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa hồng (phần 3)

2.2. Bón phân cho hoa hồng

- Cách đây khoảng nửa thế kỉ, ông bà mình trồng hoa hồng bằng phân chuồng và phân rác, vì thời bấy giờ chưa có phân hóa học. Được biết thời trước ông bà mình trồng hoa hồng bằng phân ngựa, nếu thiếu mới dùng đến phân bò, kế đến là phân trâu. Họ tin rằng phân của các giống gia súc này tốt nhất. Càng về sau do nhu cầu đòi hỏi, tất cả phân gia súc gia cầm ủ hoai như phân heo, phân gà vịt, phân chim, phân dơi... đều được tận dụng hết. Ngoài phân chuồng phân rác ra, ngày xưa người mình còn tưới bón cho hồng phân cá, phân bánh dầu nữa.

- Phân hóa học: Phân hóa học hiệu nghiệm nhanh, tác động nhanh đến sự sinh trưởng của cây cối nói chung và hoa hồng nói riêng. Nếu dùng thêm phân hóa học để bón thúc, cây hồng sẽ phát triển nhanh, nở hoa to hơn, đẹp hơn.

+ Cây hồng thích hợp với phân NPK và cả DAP các loại phân có hàm lượng lân cao. Có hai cách để bón: một là rải quanh gốc hồng nhưng phải cách xa gốc hồng khoảng 10cm, chừng một muỗng cà phê phân cho một gốc là vừa. Và độ vài tháng mới rải phân một lần như vậy. Cách thứ hai là dùng một muỗng canh phân DAP hoặc NPK ngâm trong 10 lít nước lã rồi tưới cho cây, mỗi lần tưới chỉ một lượng phân ít, nên vài ba ngày nên tưới một lần, và tưới chừng vài tuần liên tiếp mới cho kết quả tốt.

+ Điều cần làm là trước khi tưới phân cho cây, ta nên nhổ sạch hết cỏ dại mọc chung quanh gốc hồng, đồng thời dùng mũi dao cùn xới xáo lớp đất mỏng trên mặt chậu được tơi ra.

- Phân bánh dầu: Cây hồng cũng rất hợp với phân bánh dầu: một là ngâm vào nước để tưới, hai là bẻ ra từng miếng nhỏ nhét sâu xuống đất để phân này tan dần trong đất nuôi cây. Phân bánh dầu rất hấp dẫn côn trùng, nhất là kiến, vì vậy cần phải rải thuốc trừ kiến để tránh cho cây bị giống này phá hại.

Tóm lại trồng hồng phân hữu cơ được sử dụng như loại phân làm nền. Tuyệt đối không nên bón phân tươi mà là phân thật hoai. Phân hữu cơ t hật tốt thì cây càng mau tốt. Mỗi năm vài ba lần, theo định kỳ, ta nên bón thúc phân hữu cơ cho cây. Thế nhưng, như quý vị đã biết hàm lượng dinh dưỡng của phân hữu cơ không cao, mặc dầu vẫn đủ chất cần thiết để nuôi cây. Vì vậy thỉnh thoảng ta cần phải bón một lượng phân hóa học nào đó để tạo cân đối dinh dưỡng cho cây. Có làm được như vậy vườn hoa hồng mới luôn luôn tươi tốt và sai hoa..

2.3. Tỉa cành, lá:

cắt tỉa hoa hồng

Cây hoa hồng khi đã bén rễ thì phát triển nhanh. Muốn có bộ tán lá gọn đẹp thì phải thường xuyên cắt bỏ bớt những cành mọc rườm rà, hoặc những cành quá yếu ớt. Những cành bị sâu, bị khô héo thì nên cắt bỏ hẳn phần khô héo đó và giữ lại phần cành còn tươi. Nên dùng dao sắc hoặc kéo bén để cắt cho ngọt, tránh để vết cắt bị dập, vì ở đó sẽ đâm tược non.

- Cây hồng có khuynh hướng ngả về phía có ánh sáng nhiều (quang hướng động thuận), như cây trồng trên lan can lầu, những cành nào tiếp giáp ngoài nắng thì không những phát triển nhanh mà còn ra hoa nhiều. Ngược lại các cành nằm trong tối thì phát triển chậm. Vì vậy muốn cho cây hồng này có bộ tán đẹp thì vài tuần một lần ta nên xoay chậu nửa vòng, sao cho những cành phát triển chậm sẽ hướng ra ngoài...

- Việc tỉa cành nên làm thường xuyên, và những cành xét thấy cần cắt bỏ thì nên dứt khoát cắt bỏ hẳn, không nên ... thương tiếc! Có điều khi cắt cành xong, ta nên dùng chút vôi bôi lên chỗ cắt để phòng ngừa nấm dại xâm nhập làm hư thối vết cắt.

- Cây hoa hồng cũng có hiện tượng vàng lá, thường xảy ra trong mùa mưa. Đây là những lá già hoặc bị sâu bệnh phá hại, cần phải lặt bỏ hết. Cách lặt lá hồng cũng như cách lặt lá mai; một tay cầm chặt cành hồng, tay kia cầm chiếc lá vàng đẩy ngược ra sau, như vậy lá sẽ rời cành dễ dàng mà phẩn vỏ cành không bị xước, chỗ lá rụng sau này sẽ mọc lên chồi mới, phát triển nhanh.

- Cắt bỏ nụ hoa: Cây hồng nẩy nở nhiều hoa chỉ trong trường hợp cây ấy đang trong thời kì phát mạnh, tán lá xum xuê. Với những cây còn non yếu hay mới ra hoa đợt đầu, ta nên cắt bỏ hết các nụ hoa để ức chế, kích thích cho cây phát triển những chồi mới, giúp cây có tán lá đẹp hơn.

- Muốn cây trổ hoa một lượt cho đẹp thì tất cả những cành đã phát triển đúng mức của cây (trừ tược còn non) ta ngắt bỏ đọt hết. Một thời gian sau số tược non sẽ xuất hiện cùng lúc để trổ hoa chung một lần. Thời gian chờ đợi đó khoảng ba bốn tuần, có khi lâu hơn, tùy vào mỗi giống hoa.

2.4. Sâu bệnh:

- Trồng hoa hồng, ta nên tập thói quen là mỗi lần tưới nước cho cây thì nên quan sát xem cây có bị sâu bệnh gì không. Nếu ngày nào ta cũng quan tâm đến vấn đề này thì hi vọng cây hồng quí của ta sẽ không bao giờ bị các loài sâu bệnh phá hại. Vì hễ phát giác có sâu bệnh ở lá, ở hoa là ta đã tìm cách diệt ngay rồi. Cả một vườn hồng mà được quan tâm chăm sóc thường xuyên như vậy thì chắc chắn vườn hoa đó sẽ được tươi tốt quanh năm.

- Cây hoa hồng tuy cành lá không bao nhiêu nhưng lại lắm thứ sâu bệnh phá hại. Cây đã bị bệnh dù quí đến đâu cũng mất giá trị. Vì vậy dù trồng chậu hay trồng với diện tích lớn, ta cũng nên xịt thuốc trừ sâu rầy theo định kì mới tốt.

2.5. Trừ tuyệt cỏ dại:

Cỏ dại chẳng khác nào loại cây kí sinh đối với cây trồng, vì chúng tranh ăn chất dinh dưỡng của cây. Nếu bón phân cho nhiều mà xem nhẹ việc bài trừ cỏ dại thì cây cũng không phát triển mạnh lên được. Cỏ dại mọc quanh gốc hoa hồng nhiều nhất là “lúa ma” tức là những mộng lúa còn sót lại trong trấu chưa bị đốt cháy, hoặc trâu bò ăn rơm rạ chưa tiêu hết, những hột lúa còn sót lại vẫn còn khả năng nẩy mầm, nên lên cây con. Cần phải nhổ hết cỏ dại, nhổ thường xuyên, nhất là trước khi bón phân bổ sung cho cây.

Nguồn: Theo Việt Chương, Lâm Thị Mỹ Hương (kỹ thuật trồng, chiết, ghép, giâm cành hoa hồng).
Bài liên quan
  • Có phải hoa hồng là cây trái tính trái nết? Có phải hoa hồng là cây trái tính trái nết?
    Nhiều người cho rằng cây hoa hồng là giống cây trái tính trái nết, nó không đến nỗi “nắng không ưa mưa không chịu”, nhưng phải trồng trong điều kiện đất đai và khí hậu thích hợp thì mới phát triển tốt, hoa mới đạt yêu cầu....
  • Loại đất nào phù hợp với hoa hồng Loại đất nào phù hợp với hoa hồng
    Nói chung, với đất thì cây hồng không kén chọn lắm. Bằng chứng là nước ta, từ Nam chí Bắc nơi nào cũng trồng được hoa hồng. Giống hoa này có khả năng sống được và phát triển mạnh một cách bình thường trên nhiều loại đất có cấu tượng khác nhau như đất đồi,
  • Kỹ thuật nhân giống hoa hồng Kỹ thuật nhân giống hoa hồng
    Trồng hoa hồng có hai cách để nhân giống: nhân giống hữu tính và nhân giống vô tính. Nhân giống hữu tính là cách gieo hột để có cây con mà trồng. Còn nhân giống vô tính là cách chiết cành, ghép cành và giâm cành...
  • Kỹ thuật nhân giống hoa hồng (tiếp theo) Kỹ thuật nhân giống hoa hồng (tiếp theo)
    Trồng hồng theo phương pháp nhân giống vô tính là tạo cây hồng con bằng nhiều cách: chiết cành, ghép cành hoặc giâm cành. Phương pháp này tuy có tốn thời gian và công sức, nhưng được điều lợi là cây con mang những đặc tính tốt y như cây mẹ vậy...
  • Kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa hồng (phần 1) Kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa hồng (phần 1)
    Hồng là loại cây trồng không kén đất lắm, thích hợp ở những loại đất thịt, đất phù sa, đất cát pha,... miễn là xốp và giàu dinh dưỡng là được (yêu cầu đất: nhẹ, xốp, thoáng, giữ được ẩm, giàu dinh dưỡng).
  • Kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa hồng (phần 2) Kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa hồng (phần 2)
    Trồng bất cứ loại cây gì cũng phải lo chăm sóc chu đáo thì mới mong gặt gái được kết quả như ý được. Việc chăm sóc vườn ươm hồng nặng nhất là công tưới:
DMCA.com Protection Status