Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây đào cảnh

Cây trồng liên quan: Cây đào

KỸ THUẬT TRỒNG CÂY ĐÀO CẢNH

1. Chuẩn bị đất trồng đào cảnh

1.1. Chọn và dọn mặt bằng

Nhìn chung cây đào có thể chịu được đất xấu, đất dốc có độ cao 700-900m, mọc tốt ở đất Feralit đỏ vàng, hơi chua, đất sét, đất thịt nặng, đất cát, sỏi nhiều, đất tơi xốp nhiều mùn. Đất có pH 5,5-6 là thích hợp.

Do đào không chịu úng nên phải chọn đất trồng đào ở những nơi cao ráo, quang đãng, phải lên luống cao. Vườn trồng đào nên bố trí cạnh hoặc gần nguồn nước, chủ động nước tưới trong điều kiện khô hạn, có rãnh thoát nước chống úng trong mùa mưa lũ.

Trước khi trồng khoảng một tháng đất phải được phay đập nhỏ, vơ sạch cỏ. Lên luống rộng 1m, chiều cao luống từ 25-30cm, chiều rộng rãnh 30cm theo hướng đông tây.

1.2. Đào hố, bón phân lót cho cây đào cảnh

- Đào hố trồng cây: Kích cỡ hố 0,4x0,4m tùy thuộc vào tính chất của từng loại đất và địa hình. Nếu tầng đất dưới rắn chắc (đất sét, đất đá ong...) nên đào hố rộng hơn thay vì đào sâu, đất xấu, nghèo dinh dưỡng cần đào hố to hơn. Khi đào hố trồng cây, cần lưu ý đổ riêng lớp đất mầu phía trên mặt về một bên, lớp đất phía dưới về một bên.

- Bón phân lót và lấp hố: Trước khi trồng từ 7-10 ngày, bón lót phân nhằm cung cấp lượng dinh dưỡng cho cây gồm bón phân hữu cơ có chứa các loại nguyên tố đa lượng (N, P, K), vi lượng (Cu, Zn, Mn, Mg...) cho đất trước khi trồng cây để cây sinh trưởng tốt, khi đào hố xong phần đất màu của mỗi hố được trộn đều với phân theo tỉ lệ 3 phần đất 1 phần phân. Lượng bón lót khi trồng gồm 5kg phân chuồng hoai mục (hoặc phân hữu cơ) + 0,1kg phân lân + 0,1kg phân kali. Khi lấp hố cần cho 1 lớp đất đáy xuống trước, sau đó mới cho hỗn hợp đất phân xuống sau (nếu lượng phân chuồng và lớp đất mầu nhiều, không cần cho lớp đất đáy xuống), vun thành vồng cao hơn mặt đất vườn 15-20cm để khi đất lún cây không bị trũng, không bị úng nước, dễ chăm sóc, tránh được nấm bệnh Phytophthora.

Bán Para-Nitrophenolate 99% (bón gốc, kích thích hấp thụ phân bón)

Xem thêm > Para-Nitrophenolate

2. Lựa chọn cây giống

2.1. Lựa chọn giống trồng

Căn cứ vào nhu cầu thị trường, phong tục tập quán của từng địa phương từng vùng mà lựa chọn giống đào cho phù hợp. Những năm vừa qua người dân Hà Nội thích chơi giống đào Bích, nhưng người dân Hải Phòng lại chuộng đào Phai, vùng Thái Bình, Hưng Yên thích chơi đào có dáng hình tháp, to nhưng người dân Quảng Ninh thích chơi đào bonsai dáng nhỏ.

Khi trồng đào nên bố trí một loại giống chủ lực và một số giống phụ trợ đồng thời bổ xung thêm cả các giống hoa đào mới vừa đảm bảo tính đa dạng, vừa đáp ứng thị hiếu của nhiều người đồng thời mang tính an toàn, bền vững cho người trồng đào.

2.2. Tiêu chuẩn cây giống

Cây ghép phải đúng giống, trồng trong túi bầu nilon, bầu không bị dập, vỡ. Cây ghép sinh trưởng tốt, thân mập, lá không có vết sâu bệnh, thân cây không bị chảy nhựa, thông thường cây có chiều cao 60-80cm đường kính gốc 2-3cm trồng là thích hợp nhất.

3. Xác định thời vụ trồng cây đào cảnh

Do cây đào có 4 giai đoạn sinh trưởng: vào mùa đông ngủ nghỉ, mùa xuân đâm chồi nảy lộc nên ta trồng vào đầu vụ xuân (tháng 1-2 âm lịch) là thích hợp nhất. Trong trường hợp không chuẩn bị kịp đất có thể trồng vào tháng 3-4 nhưng trồng càng muộn, tốc độ sinh trưởng của cây càng kém và năm đó sẽ không thu được cây hoa đẹp.

4. Khoảng cách mật độ trồng đào cảnh

Có thể trồng đào trong chậu hay trồng lên luống nhưng thông thường trồng trên luống cây sinh trưởng phát triển tốt hơn, đỡ công tưới nước, bón phân.

Để xác định khoảng cách trồng cần căn cứ vào mục đích trồng: đào thế, đào dáng hay đào bonssai, chơi cả cây hay cắt cành; theo chiều rộng của tán mà quyết định khoảng cách mật độ trồng, nếu trồng đào để chơi cả cây, thu hoạch hàng năm hoặc trồng đào bonsai thì khoảng cách trồng là 1,5 x 1,2m/cây (hàng cách hàng 1,5m, cây cách cây 1,2m) với khoảng cách này thì mật độ sẽ đạt tới 5.000 cây/ha hay 180 cây/sào Bắc Bộ. Nếu trồng đào thế, đào dáng hoặc trồng để 2 - 3 năm thu hoạch một lần thì khoảng cách sẽ thưa hơn (khoảng 2,0 x 2,0m/cây).

5. Thao tác trồng

Dùng dao, kéo hoặc tay xé bỏ túi bầu ra nhưng không được để vỡ bầu. Trên cơ sở đã đào hố lấp đất trước, lúc trồng chỉ cần tạo ra một hố lớn hơn bầu cây một chút ở giữa vồng đất, đặt thẳng cây xuống (sau khi đã bỏ túi bầu ra) rồi lấy ngay phần đất vừa đào lên lấp lại cho kín và nén nhẹ. Chú ý đào cảnh cần trồng nông vừa bằng cổ rễ, năng xới xáo để đất luôn tơi xốp, đề phòng bệnh nghẹt rễ (đây là bệnh mà đào hay mắc phải vào mùa mưa). Các cây trên 2 luống kề nhau nên trồng so le với nhau để tận dụng tốt nhất ánh sáng mặt trời. Nếu cây cao và ở vùng có gió thì phải cắm cọc buộc giữ để cây không bị lay gốc.

Cây đào mới được trồng và phát triển sau một thời gian chăm sóc

KỸ THUẬT CHĂM SÓC VÀ BÓN PHÂN THÚC CHO ĐÀO CẢNH

1. Bón thúc cho cây đào cảnh

Nguyên tắc bón: Ngay sau khi trồng đến 15 tháng 7 âm lịch phải thường xuyên bón thúc cho cây sinh trưởng phát triển tốt nhất, sau đó chuyển sang giai đoạn bón khác.

Lượng đạm sẽ giảm dần từ lần bón đầu tiên đến lần bón cuối.

Cứ khoảng 15 - 20 ngày bón thúc một lần, có 3 cách bón:

Cách 1: Rạch lớp lớp cách gốc 20 - 25cm rắc phân đều xung quanh và lấp đất.

Cách 2: Hòa phân vào nước tưới vào gốc.

Cách 3: Phun phân qua lá.

Nên áp dụng xen kẽ cả 3 cách bón trên. Mỗi lần bón thúc với liều lượng 18 - 27kg/1 sào Bắc Bộ (tức 0,1 - 0,15kg/1 cây tùy theo tuổi cây).

Phân qua lá sử dụng tốt cho đào là Atonik, Đầu trâu 501, Đầu trâu 502...

Nếu có điều kiện ngâm ủ phân chuồng, bã đậu tương, phân cá cho hoai mục, hòa loãng và bổ xung NPK vào nước phân đó để tưới cho cây (chú ý nếu áp dụng biện pháp này không nên tưới đậm đặc mà tưới làm nhiều lần, tưới khi đất khô, không tưới vào ngày mưa hoặc trời mới bị mưa).

2. Tưới nước

Cây sau khi trồng xong phải được tưới nước ngay (ngay cả trong mùa mưa), độ ẩm đất thường xuyên phải đạt 70% trong 15 ngày đầu để cây không bị chết, bộ rễ nhanh chóng tiếp xúc với đất, lượng nước tưới 3 - 5 lít/cây/ngày. Những ngày sau tùy thuộc vào độ ẩm đất, thời tiết có thể cách 3 - 5 ngày tưới một lần. Trước khi tưới nên chọc hai lỗ ở hai bên gốc cây để nước ngấm xuống dễ dàng, có thể tưới rãnh hoặc tưới nhỏ giọt đảm bảo cho cây ẩm mà không làm thân cây thường xuyên bị nước dễ gây bệnh chảy gôm cho cây.

Bán Axit Fulvic 90% (Fulvic Acid) tan trong nước

Xem thêm > Fulvic Acid 90%

3. Làm cỏ và tủ gốc

- Làm cỏ: Thường xuyên làm sạch cỏ, cỏ và các loại cây trồng khác sẽ cạnh tranh dinh dưỡng và nước với cây hoa đào, do vậy để cỏ phát triển mạnh, rất có hại cho cây. Có thể ngăn ngừa cỏ dại bằng thường xuyên xới xáo, dùng màng che phủ, hoặc dùng thuốc trừ cỏ phun vào đất. Khi xới chỉ nên xới nông không nên xới sâu tránh để tổn thương tới rễ.

Màng che phủ có thể là màng hữu cơ hoặc nilon, có tác dụng ngăn ngừa cỏ và giữ độ ẩm cho đất. Nếu vườn chỉ có các loại cỏ lá rộng thân thẳng thì dùng dao phát hoặc dùng liềm để cắt. Cỏ sau khi được cắt thu gom lại đổ đi hoặc đốt. Nếu vườn có nhiều loại cỏ một lá mầm như cỏ tranh, cỏ gấu phát triển thì việc diệt trừ sẽ tốn nhiều công sức, ta có thể dùng dầm đào sâu để lây hết củ, thân ngầm của cỏ hoặc dùng thuốc trừ cỏ nội hấp phun khi cây cỏ mới mọc 5 - 10cm.

- Tủ gốc cho cây đào mới trồng: Có thể dùng rơm, rạ, cỏ khô để che phủ luống trồng đào. Lớp phủ dày 7 - 10cm có tác dụng hạn chế thoát hơi nước từ đất, làm mát gốc cây khi trời nắng nóng, hạn chế cỏ mọc đỡ tốn nhiều công sức tuy nhiên khi che gốc bằng rơm rạ, cỏ cần chú ý sâu đục thân và bệnh chảy gôm phát triển gây hại cho cây.

4. Cắt tỉa cành, kỹ thuật tạo dáng thế cho cây đào cảnh

Cắt tỉa là biện pháp kỹ thuật vừa có tác dụng điều khiển sinh trưởng, đảm bảo cho cây sinh trưởng sinh dưỡng và sinh trưởng sinh thực cân đối, vừa tạo cho cây luôn có bộ tán thông thoáng, hạn chế sâu bệnh, các cành trên cây đều nhận đủ ánh sáng, mầm hoa phân hóa đều, chất lượng hoa tốt.

Cắt tỉa còn loại bỏ một số cành thừa, cành sâu bệnh, cành quá yếu, những cành lộn xộn, giữ lại những cành khỏe, phù hợp yêu cầu tạo hình, tạo dáng thế cho cây để tạo ra những cây đào theo ý muốn.

+ Đối với cây đào dùng để chơi cành: Sau khi trồng một thời gian ngắn thì cành ghép sẽ nảy ra 2 - 4 chồi (tùy theo số lượng mắt trên đoạn cành ghép), ta sẽ chỉ giữ lại một chồi khỏe nhất. Khi chồi mầm giữ lại cao 30 - 35cm thì buộc vào cọc cứng ở cạnh gốc cành, giữ cho cây thẳng, chăm sóc cho cành này mọc cao 70 - 80cm thì bấm ngọn lần đầu. Sau đó khi cành cấp 2 dài khoảng 10 - 15cm thì bấm ngọn lần hai, cứ làm như vậy 5 - 7 lần, song song quá trình bấm ngọn điều chỉnh cho các cành mọc đều bốn phía, cành nào lệch thì dùng dây đồng nhỏ buộc gò, kéo sang những hướng khuyết cành, sao cho bốn phía tán cây thật tròn hoặc có thể bấm chỉnh ra các phía tạo thành các dáng hình: hình tháp, hình lồng bàn, hình trụ... theo ý muốn mỗi người hoặc theo thị hiếu của khách hàng. Sau mỗi lần bấm ngọn cần bón phân thúc cho cây mau lớn.

Cây đào phôi chọn tạo dáng thế

+ Đối với cây trồng dùng làm bonsai: Ngoài chủ vườn đào phải hiểu biết được hình dáng các loại thế cây cơ bản mà mình định tạo. Trong cây cảnh có 4 dáng cơ bản là dáng trực (thẳng đứng), dáng xiêu (nghiêng), dáng hoành (nằm ngang) và dáng huyền. Từ 4 dáng cơ bản này có thể tạo ra các dáng thân uốn lượn theo chủ đề mong muốn của mình như uốn cong, uốn rồng... Đối với đào cảnh, đào bonsai thường có một số thế phổ biến như thế tam đa (trên cây tạo 3 tán), thế ngũ phúc (trên cây có 5 tán), thế long giáng (có thân uốn lượn như con rồng xà xuống mặt đất)... Để tạo tán, tạo thế cần phải học hỏi nhiều từ các tài liệ và từ kinh nghiệm thực tế.

Việc tạo tán, tạo thế được tiến hành liên tục 15 - 20 ngày/lần bằng cách kết hợp uốn buộc các cành non vào với nhau hoặc một khung theo các thế đã định, cắt tỉa bỏ những cành ngoài ý muốn. Có thể kết hợp khắc vảy trên thân đào để tạo vẻ cổ kính cho cây. Thông thường thế càng phức tạp càng tốn nhiều thời gian, công sức thì giá trị cây càng cao, hiệu quả thu được càng lớn.

TS. Đặng Văn Đông; Ks. Nguyễn Thị Thu Hằng

Nguồn: Cây Hoa đào và kỹ thuật trồng
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status