Cực kỳ thận trọng khi sử dụng quả phật thủ làm thuốc

Cây trồng liên quan: Cây Phật thủ

Sau Tết, nhiều người tận dụng quả phật thủ để làm mứt, ngâm rượu, đun trà uống… tuy nhiên lại không biết quả phật thủ đã bị phun thuốc trừ sâu.

Quả phật thủ được nhiều người tận dụng sau khi trưng tết chế biến thành đồ ăn thức uống

Vào dịp Tết, phật thủ là loại quả được ưa chuộng vì hình dáng bắt mắt và quan niệm biểu trưng cho "tay Phật", mang phúc lộc cho gia đình. Ngoài thờ cúng, trưng bày, loại quả này còn được dân gian lưu truyền có nhiều tác dụng chữa bệnh nên thường được tận dụng làm mứt, ngâm rượu, đun nước uống, nấu cháo,…

Theo Đông y, phật thủ vị cay, đắng, chua, tính ấm, có tác dụng chữa các chứng ăn không tiêu, đầy bụng, đau dạ dày, đau gan, cổ họng nghẹn tắc, ngực tức đầy, mạng sườn trướng đau... Ngoài ra, các nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy, phật thủ có tác dụng giải trừ sự co thắt cơ trơn, hạ huyết áp, cắt cơn hen và tăng cường chức năng tiêu hóa… đồng thời chứa nhiều vitamin C, đường, acid hữu cơ, dầu chanh, glycozit.

Chính vì có nhiều tác dụng như vậy nên sau mỗi lần chưng thờ xong, những quả phật thủ được chị Hạ (Cầu Giấy, Hà Nội) tận dụng làm mứt và đun nước cho cả gia đình uống. Chị cho biết, uống nước nấu từ loại quả này mát và thơm như nước của vỏ bưởi. 

Nhưng tình cờ một lần chị đến nhà bạn ở Đắc Sở chơi, thấy các nhà vườn nói chuyện với nhau phải chăm sóc trái phật thủ cầu kỳ và phun thuốc hóa học để giữ quả đẹp, vàng khiến chị chột dạ. Sau lần ấy, chị Hạ không bao giờ dùng quả phật thủ để đun nước uống nữa.  

Nước uống, chè từ quả phật thủ

Nước uống, chè, mứt... từ quả phật thủ

Được một người bạn bày cách làm mứt phật thủ nên chị Phương Anh (Đống Đa, Hà Nội) rất hồ hởi, chị đem quả hạ trên ban thờ rửa sạch, thái thành từng miếng nhỏ, ngâm với đường để chuẩn bị làm mứt ăn. Kỳ công mất cả buổi chiều làm được đĩa mứt rất ưng ý, nhưng vừa đem khoe trên trang cá nhân thì cô em họ ở Hoài Đức gọi điện về, bảo phải đổ hết số mứt đó đi vì nguyên liệu làm không an toàn. 

Theo lời em họ của chị Phương Anh thì do gia đình trực tiếp trồng cây phật thủ nên chị biết rõ quả phật thủ độc đến mức nào. “Để có quả phật thủ to, đẹp, chín vàng trên ban thờ, các nhà vườn đã phải phun hàng chục lần thuốc trừ sâu bệnh hại cây phật thủ. Trung bình một quả phật thử từ khi lúc ra hoa cho đến kết trái, thu hoạch đã ngấm gần 10 lần thuốc sâu. Vì thế, việc tận dụng quả phật thủ chưng Tết làm đồ ăn, đun nước uống tuyệt đối không an toàn”, chị Phương Anh kể lại lời của cô em họ.

Sử dụng quả phật thủ bị phun thuốc sâu sẽ nguy hại tới sức khỏe

Đã có 5 năm kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây phật thủ, chế biến các sản phẩm từ quả phật thủ, anh Nguyễn Duy Thắng ở Hoài Đức, Hà Nội cho rằng về bản chất, quả phật thủ có nhiều công dụng hữu ích trong vấn đề chữa bệnh, đặc biệt bệnh đau dạ dày, tức ngực và hạ huyết áp. Tuy nhiên, loại này phải được chăm trồng hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng thuốc trừ sâu hoặc thuốc kích thích trong quá trình quả phát triển. Ngược lại, những quả trồng bán trên thị trường chỉ phục vụ mục đích cho những người mua về trưng thờ, không có tác dụng làm thuốc.  

Trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Đông y Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Hướng cũng cho rằng, việc tận dụng quả phật thủ trưng tết để chế biến thực phẩm, nước uống và làm thuốc là vô cùng nguy hại. "Bản chất của quả phật thủ là để làm cảnh, trưng tết do đó để quả đẹp và không bị sâu người trồng đã sử dụng thuốc sâu rất nhiều do vậy nếu dùng quả này để ăn, uống thì rất nguy hiểm, có thể gây ung thư".

Về công dụng của loại quả này, ông Hướng còn cho biết, trước đây người Trung Quốc đã từng sử dụng phật thủ để chữa tiểu đường, suy thận... tuy nhiên không có kết quả.

Nguồn: Thiên Minh/Vietq.vn
Bài liên quan
  • Các phương thuốc từ quả phật thủ Các phương thuốc từ quả phật thủ
    Theo Đông y, phật thủ vị cay, đắng, chua, tính ấm, có tác dụng chỉ thống, hóa đàm, dùng chữa các chứng ăn không tiêu, đầy bụng, đau dạ dày, đau gan, cổ họng nghẹn tắc, ngực tức đầy, mạng sườn trướng đau...
  • Công dụng “kỳ diệu” của quả phật thủ Công dụng “kỳ diệu” của quả phật thủ
    Theo Đông y, phật thủ vị cay, đắng, chua, tính ấm, có tác dụng chỉ thống, hóa đàm, dùng chữa các chứng ăn không tiêu, đầy bụng, đau dạ dày, đau gan, cổ họng...
DMCA.com Protection Status