Cây xạ đen
1. Đặc điểm thực vật học của cây xạ đen
1.1. Thân, lá
- Xạ đen có tên khoa học Ehretia asperula Zoll.et Mort
- Họ Vòi voi (Borraginaceae).
- Là cây thân gỗ mọc leo thành bụi, dài trung bình 5 - 7m có khi tới hành chục mét, thân già vỏ nâu đốm trắng, chồi và lá non có mầu tím đỏ.
Hình 1 : Hình thái cây xạ đen
- Lá đơn mọc cách, hình trái xoan dài 10- 20cm, rộng 5- 10cm, trên mặt lá xanh đậm, mặt dưới lá xanh nhạt, mép lá có răng cưa. Gân mạng lưới hình lông chim, có một gân chính ở giữa và 10-15 gân phụ. Chiều dài cuống lá biến động trong khoảng 0.8cm đến 1.4cm.
Hình 2: Lá cây xạ đen tươi
1.2. Hoa, quả
- Xạ đen ra hoa trong khoảng thời gian từ tháng 3 tới tháng 5.
Hoa dạng hình xim, mọc cụm ở đầu cành hay ở nách lá. Tràng hoa màu trắng, dính liền nhau ở phía dưới, phân 5 cánh ở nửa phía trên, dài 5 - 10cm, đường kính 4 - 6cm, có lông mịn.
- Lá bắc hình dải đến hình ngọn giáo, dài 3 - 10mm, tồn tại. Hoa nhỏ, có cuống dài 1,5 - 3mm. Đài hoa màu nâu, cao 1,5 - 2,5mm, 5 thuỳ, có lông mịn. Tràng màu trắng, phần dưới dính liền thành hình phễu, dài 3,5 - 4mm, họng rộng 5mm, 5 thuỳ hình trứng hay tam giác, dài 2 - 2,5mm.
Hình 3: Đặc điểm hoa xạ đen
- Nhị 5, chỉ nhị dài 3,5 - 4mm, đính cách gốc tràng khoảng 1mm. Bao phấn hình mũi tên, dài khoảng 1mm. Bầu gần hình cầu. Vòi nhuỵ dài 3 - 4mm, xẻ nhánh dài khoảng 1mm.
- Cây ra quả vào khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 9. Quả chín khoảng tháng 10 tới tháng 11.
- Quả non màu xanh, khi chín chuyển sang màu vàng. Quả nang hình trứng, dài cỡ 1cm, nổ thành 3 mảnh. Khi chín màu đỏ hay màu cam, đường kính 3 - 4mm. Mỗi quả có 4 hạch, mỗi hạch chứa một hạt.
Hình 4: Hoa và quả cây xạ đen
- Xạ đen sinh trưởng quanh năm, tốc độ sinh trưởng nhanh, tái sinh tốt bằng chồi và bằng hạt, Xạ đen là cây ưa sáng có khả năng chịu bóng nhẹ nên sinh trưởng tốt trong điều kiện độ tàn che thấp, và có độ ẩm cao.
Chú ý : Nhìn hình dáng bên ngoài loài cây Xạ đen rất giống loài cây Xạ vàng chúng ta cần biết cách phân biệt nếu không sẽ rất dễ bị nhầm lẫn.
1.3. Phân biệt cây Xạ đen và cây Xạ vàng
- Hiện nay trong tự nhiên có hai loài cây cùng họ Vòi voi: Đó là Xạ đen và Xạ vàng. Hai giống cây này có hình dáng gần giống nhau. Nếu chúng ta không quan sát kỹ thì sẽ dễ bị nhầm lẫn.
- Nếu nhìn thoáng qua thì ai cũng khẳng định đây là cùng chủng loại. Tuy nhiên về mặt y học hiện nay chỉ có cây Xạ đen có tác dụng chữa bệnh còn Xạ vàng thì không. Vậy làm sao để phân biệt được hai loài này để biết cách mua và sử dụng
- Chúng tôi xin đưa ra một số đặc điểm khác nhau của 2 loài cây này như sau:
+ Sở dĩ lại có 2 cái tên Xạ đen và xạ vàng. Xạ đen nhìn bề ngoài lá có 1 màu Tím Đen, còn Xạ vàng + không có màu này mà chỉ có 1 màu xanh
+ Nếu bạn để ý kỹ sẽ thấy lá của cây xạ đen có màu đen tím, búp cây cũng màu tím. Còn hình cây Xạ vàng thì không.
+ Nếu lấy lá của 2 loại cây này vò trên bàn tay Xạ đen sẽ cho ra 1 màu nhựa đen dính vào tay còn Xạ vàng thì không hề có.
Nếu chặt thân hai loại cây này ra, thân loại cây nào sau khoảng 5 phút có chuyển sang xỉm đen thì đó mới là cây Xạ đen, còn không có màu xỉm đen thì đó là Xạ vàng
Hình 5. Cây xạ đen Hình 6. Cây xạ vàng
2. Các công dụng mang lại từ cây xạ đen
Cây xạ đen được sử dụng trong y học và có nhiều công dụng khác nhau:
- Cây xạ đen có vị đắng chát, tính hàn, có tác dụng hữu hiệu trong điều trị mụn nhọt, ung thũng, tiêu viêm, giải độc, giảm tiết dịch trong xơ gan cổ chướng và tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
- Có tác dụng thông kinh lợi niệu. Cây dùng trị kinh nguyệt không đều, bế kinh, viêm gan, bệnh lậu.
- Trong xạ đen có chứa các chất chống oxy hóa có tác dụng phòng chống ung thư, tác dụng chống nhiễm khuẩn, tác dụng làm cho tế bào ung thư hóa lỏng dễ tiêu. Tài liệu nghiên cứu mới nhất của viện Quân Y 103 công nhận tác dụng chữa trị bệnh của cây xạ đen là làm hạn chế sự phát triển của các khối u trong cơ thể người bệnh. Ngày nay qua nhiều nghiên cứu cho thấy trong cây xạ đen Hòa Bình có các hoạt chất chống ung thư rất hiệu quả, các hoạt chất chống ung thư của xạ đen được coi là mạnh nhất trong các loại dược liệu có hoạt chất chống ung thư.
Ngoài ra, xạ đen Hòa Bình còn có một số tác dụng quý khác như:
- An thần (trị bệnh mất ngủ).
- Cây xạ đen trị cao huyết áp.
- Men gan cao, sơ gan, viêm gan.
- Trị các bệnh viêm nhiễm.
Phòng và hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường.
- Tiêu hạch, tiêu độc, thanh nhiệt, mát gan, hành thủy, điều hòa hoạt huyết, giảm đau, an thần, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể
- Nhiều bệnh nhân có bệnh đường tiêu hóa nói chung (viêm loét dạ dày, tá tràng; ung thư dạ dày mới phát hiện; viêm gan mạn tính; xơ gan đơn thuần hoặc ung thư gan giai đoạn đầu; sau mổ sỏi túi mật; viêm đại tràng mãn tính; rối loạn tiêu hóa, ăn chậm tiêu, táo bón…) đã uống nước sắc từ cây xạ đen và đã thấy kết quả tốt.
- Tuy nhiên, các nhà khoa học đã khuyến cáo bệnh nhân ung thư rằng cây xạ đen, chỉ có tác dụng hỗ trợ trong điều trị ung thư, hoàn toàn không phải là thuốc chữa khỏi căn bệnh này. Tất cả các báo cáo khoa học đều khẳng định, cây xạ đen chỉ có tác dụng làm tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể, ức chế tiến triển của tế bào ung thư, không phải là thuốc có thể chữa khỏi ung thư. Sự thần kỳ của cây xạ đen chính là làm hạn chế sự phát triển của các khối u trong cơ thể người bệnh.
Hình 7: Lá xạ đen phoi khô đưuọc dùng để làm thuốc
Hình 8: Thân xạ đen phơi khô dùng làm thuốc
3. Giá trị kinh tế của cây xạ đen
- Là loại cây dạng bụi leo, dễ trồng nên có thể trồng tận dụng đất hai bên đường đi, bờ rào, bờ ao, bờ kênh... và đặc biệt rất thích hợp trồng xen canh. Mô hình trồng xen xạ đen với những cây ăn quả hoặc lấy gỗ vừa tạo môi trường sống thích hợp cho cây phát triển tốt, vừa làm tăng giá trị thu hoạch cho vườn cây, trang trại.
- Ở một số vườn của tỉnh Hòa Bình đã trồng xen lẫn các loại cây bản địa với xạ đen như: cây trầm Aquilaria, cây sấu, cây trám trắng... xạ đen không đòi hỏi tốn công sức chăm bón, không yêu cầu kỹ thuật cao và nhiều diện tích đất. Việc trồng xen dưới tán cây rừng và cây ăn quả sẽ làm tăng thêm giá trị thu trên một đơn vị diện tích đất.
- Thị trường tiêu thụ sản phẩm từ cây thuốc nam xạ đen rất rộng lớn. Giá bán các sản phẩm từ thân, cành cây xạ đen khô dao động trung bình từ 120.000-150.000 đồng/kg; còn các sản phẩm từ lá phơi khô dao động từ 150.000- 170.000 đồng/kg.
4. Các yêu cầu ngoại cảnh của cây xạ đen
4.1. Khí hậu
- Xạ đen là loài cây thích hợp khí hậu nhiệt đới gió mùa, có mùa đông lạnh.
- Xạ đen thích hợp với những vùng có nhiệt độ bình quân trong năm khoảng 22 - 23oC. Nhiêt độ bình quân các tháng thấp nhất trong năm từ 12 - 15 oC. Nhiệt độ bình quân các tháng cao nhất trong năm từ 28 - 38 oC. Tuy nhiên, xạ đen vẫn có thể chịu được điều kiện nhiệt độ thấp dưới 5 oC hoặc nhiệt độ cao tối đa tới 37 - 38oC
- Những nơi lượng mưa bình quân từ 2.000- 3.000 mm/năm thích hợp cho cho cây xạ đen phát triển. Trong đó thích hợp nhất ở những nơi có lượng mưa 2.500mm/năm.
- Ở những nơi có độ ẩm bình quân 80%. Giao động từ 75 - 80% là cây sinh trưởng tốt.
Xạ đen có thể sống được trong môi trường chịu bóng, nó có thể mọc tự nhiên dưới tán rừng tự nhiên, hoặc được gây trồng dưới tán rừng trồng, dưới tán cây ăn quả. Ngoài ra, nó cũng có thể sinh trưởng phát triển bình thường trong điều kiện chiếu sáng hoàn toàn.
4.2. Đất đai
- Xạ đen có thể mọc được trên nhiều loại đất có nguồn gốc đá mẹ khác nhau (sa thạch, phiến thạch, trầm tích, mắc ma …).
- Xạ đen có thể sinh trưởng và phát triển trên nhiều nhóm đất như: đất dốc tụ, đất feralit, đất đen, đất bạc màu ....
- Có thể chịu được điều kiện đất nghèo dinh dưỡng nhưng yêu cầu phải thoát nước tốt.
- Xạ đen phân bố cả trên núi đá và đồi đất, thường mọc ở thung núi, các khe dưới chân núi đá nơi đất ẩm, xốp, thành phần cơ giới thịt trung bình. Đất hơi chua đến trung tính
5. Thực trạng gây trồng xạ đen ở Việt Nam
5.1. Phân bố
Trên thế giới cây xạ đen được phân bố ở nhiều nước như: Trung Quốc, Việt Nam, Myanmar, Thái Lan...
Trung Quốc, loại cây này thường mọc ở độ cao từ 1.000 - 1.500 m.
- Ở nước ta, xạ đen phân bố chủ yếu tại các tỉnh Hà Nam, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hòa Bình, Vườn Quốc gia Cúc Phương, Vườn Quốc gia Ba Vì, Thừa Thiên - Huế, Gia Lai ...
Chúng cũng có thể mọc tự nhiên trong rừng hoặc được trồng tại các vườn hộ, trang trại hoặc trồng rải rác. Cây xạ đen rất dễ trồng.
5.2. Nhu cầu về cây xạ đen trên thị trường hiện nay
Hiện nay, với rất nhiều công dụng trong điều trị các bệnh như: mụn nhọt, ung thũng, tiêu viêm, giải độc, giảm tiết dịch trong xơ gan cổ chướng, an thần, trị huyết áp cao, men gan cao... đặc biệt là giúp hạn chế sự phát triển của các tế bào ung thư. Cây xạ đen đang hứa hẹn sẽ có một thị trường tiêu thụ rất lớn.
Một số phòng khám đông y đang được nhiều bệnh nhân tìm đến, đặc biệt là các bệnh nhân mắc bệnh ung thư đến để điều trị. Mà trong đó vị thuốc hàng đầu là cây xạ đen.
Ngoài ra, cây xạ đen còn được chế biến thành nhiều loại sản phẩm khác nhau như: trà xạ đen, cao xạ đen ... có tác dụng tốt cho sức khỏe, tăng cường sức đề kháng của con người đang rất được thị trường ưa chuộng hiện nay.
Các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu bào chế các hoạt chất từ xạ đen dưới dạng viên nén. Khi thành công sẽ mở thêm ra một thị trường tiêu thụ xạ đen rất lớn.
5.3. Tình hình trồng xạ đen hiện nay
- Hiện nay, ở nhiều nơi, cây xạ đen trong tự nhiên bị chặt phá, khai thác rất bừa bãi bởi người dân tại các địa phương.
- Hầu hết xạ đen hiện nay vẫn trồng rất manh mún, nhỏ lẻ mà chưa có một sự quy hoạch rõ ràng.
- Nhiều người trồng xạ đen dưới dạng tận dụng đất đai như trồng ở bờ ao, bờ rào, bờ kênh, bên đường đi...
- Một số địa phương của tỉnh Hòa Bình đang phát triển mở rộng diện tích vườn, trang trại trồng cây xạ đen. Việc mở rộng và phát triển diện tích này không những đáp ứng nhu cầu của thị trường, cung cấp dược liệu quý mà còn giảm gánh nặng khai thác, chặt phá bừa bãi cây xạ đen trong tự nhiên, bảo tồn cây thuốc nam quý.
Một số vùng như Lạc Sơn, Lương Sơn của tỉnh Hòa Bình đã triển khai nhân giống và quy hoạch vùng trồng cây. Nhiều trang trại chuyên trồng xạ đen nhằm phục vụ nguyên liệu cho y học đã hình thành với quy mô vừa và nhỏ.
Hình 9: Lá xạ đen được trồng tại Hào Bình
- Như vậy, vấn đề trồng và quy hoạch vùng trồng cây xạ đen với mục đích kinh doanh đã bắt đầu được thực hiện. Song vẫn còn nhiều diện tích mà chúng ta có thể trồng xạ đen cần được quy hoạch để đem lại hiệu quả kinh tế, đem lại thu nhập. Xóa đói giảm nghèo cho bà con nông dân các địa phương trên.