Cây dâu tây

Sâu bệnh hại Cây dâu tây
Cây dâu tây là cây thân thảo, cây lâu năm, thân ngắn với nhiều lá mọc rất gần nhau. Chồi nách được mọc từ nách lá, tùy vào điều kiện môi trường và đặc tính ra hoa của từng giống...
Tên tiếng anh/Tên khoa học: Fragaria vesca L.

Cây dâu tây

1. Đặc điểm thực vật học cây dâu tây

1.1. Thân

- Cây dâu tây là cây thân thảo, cây lâu năm, thân ngắn với nhiều lá mọc rất gần nhau. Chồi nách được mọc từ nách lá, tùy vào điều kiện môi trường và đặc tính ra hoa của từng giống, các chồi nách có thể phát triển thành thân nhánh, thân bò hoặc phát hoa. Thân bò thường có 2 đốt, tại các đốt tạo thành các cây mới.

1.2. Lá

cây dâu tây

- Lá có hình dạng, cấu trúc, độ dày và lượng lông thay đổi tùy theo giống. Cây dâu tây có nhiều lá bao quanh thân. Hầu hết các giống dâu tây đều có cuống dài, cuống lá thường có màu trắng khi lá còn non và chuyển sang màu đỏ của đất khi lá già, lá kép với 3 lá chét, mép lá có răng cưa, một số giống có lá kép với 4 hoặc 5 lá chét. Mỗi lá tồn tại từ 1 đến 3 tháng tùy vào điều kiện thời tiết.

1.3. Rễ

- Hệ thống rễ chùm, rễ phát triển ở độ sâu cách mặt đất khoảng 30 cm. Rễ cây dâu tây phát triển tốt nhất trong điều kiện nhiệt độ 25°C. Rễ giúp cây hút nước và các chất dinh dưỡng, giúp cố định cây. Rễ có chu kỳ sống từ vài ngày đến vài tuần tùy vào điều kiện.

1.4. Hoa

- Phân chia thành nhiều nhánh, mỗi nhánh có một hoa. Hoa có 5 cánh mỏng, màu trắng, hơi tròn. Hoa dâu tây là hoa lưỡng tính nên dâu tây là cây tự thụ, có 25 - 30 nhị màu vàng và 50 - 500 nhụy, đế hoa hình nón.

1.5. Quả

Cây dâu tây

 

- Quả dâu tây là quả giả do đế hoa phình to, quả thật nằm ở bên ngoài quả giả, là quả bế thường được gọi là hạt. Số lượng quả bế nhiều và nhỏ bao phủ bề mặt quả.

- Quả dâu tây phát triển sau khi hoa nở, quả non có màu xanh lục, khi quả chín, quả có màu đỏ, quả dâu chin sau 20 - 30 ngày tùy điều kiện. Dâu tây thường ra quả theo chùm xếp hình xim. Quả đầu có kích thước lớn nhất.

- Quả dâu tây mọng nước có mùi thơm, vị ngọt lẫn vị chua.

2. Yêu cầu điều kiện ngoại cảnh cây dâu tây

- Nhiệt độ: nhiệt độ thích hợp cho cây dâu tây sinh trưởng và phát triển là 18 - 22°C. Biên độ nhiệt ngày và đêm cao sẽ tạo điều kiện để tăng năng suất và chất lượng quả dâu tây. Thời kỳ cây phân hóa chồi non và ra hoa cần nhiệt độ từ 15 - 24°C, thời kỳ hình thành trái cần biên độ nhiệt ngày đêm cao sẽ cho quả nhiều, nhiệt độ ngày từ 20 - 25°C, nhiệt độ ban đêm 10 - 15°C cây sẽ cho nhiều trái.

- Ánh sáng: Ánh sáng cần thiết cho cây dâu tây sinh trưởng và phát triển, cường độ ánh sáng mạnh thì mới sinh trưởng mạnh, thiếu ánh sáng thường ảnh hưởng đến khả năng ra hoa kết quả.

- Độ ẩm và nước: Độ ẩm đất cần thiết cho sự phát triển của cây dâu tây là trên 84%, độ ẩm không khí cao và mưa kéo dài dễ gây bệnh cho cây dâu tây.

- Đất đai: Đất trồng cây dâu tây phải được cung cấp đầy đủ các yếu tố đa lượng và vi lượng, cây dâu tây thích hợp đất trung tính pH 6 - 7, thích hợp với loại đất thịt nhẹ, hàm lượng chất hữu cơ cao, đất giữ ẩm nhưng thoát nước tốt. Đất có hàm lượng chất hữu cơ cao sẽ giúp cho cây dâu tây phát triển tốt, đạt năng suất cao và kéo dài thời gian thu hoạch quả.

3. Giá trị dinh dưỡng dâu tây

Ngoài việc tiêu thụ tươi, dâu tây có thể được bảo quản đông lạnh, cũng như sấy khô và được sử dụng trong các loại thực phẩm chế biến sẵn. Dâu tây và hương liệu dâu tây còn được sủ dụng trong các sản phẩm từ sữa như sữa vị dâu, kem dâu tây, sữa chua dâu tây,…

- Dâu tây là loại quả rất tốt cho sức khỏe của con người, do dâu tây chứa hàm lượng vitamin cao. Trong phần thịt của quả dâu tây có các loại vitamin A, B1, B2 và đặc biệt là lượng vitamin C và đường fructose khá cao trong đó hàm lượng chất khoáng như K, Na, Fe, Ca, P, Mg, Mn... phong phú hơn cả cam, dưa hấu, ngoài ra, dâu tây có chứa các chất dinh dưỡng thiết yếu sau đây: Kali, folate, Omega-3, vitamin K, Magiê, đồng…

- Ăn nhiều dâu tây giúp làm đẹp da, thúc đẩy chuyển hóa các chất trong cơ thể, làm máu huyết lưu thông, đồng thời có tác dụng trấn tĩnh an thần, giúp tăng sức đề kháng chống nhiễm trùng, nhiễm độc, cảm cúm và chống stress, lão hóa.

- Các chất dinh dưỡng như kali, magiê và vitamin đóng vai trò quan trọng với sức khỏe xương khớp. Ăn dâu tây sẽ thúc đẩy phát triển xương ở trẻ em và duy trì xương chắc khỏe ở người lớn.

- Chữa táo bón 100 gram dâu tây có chứa 2g chất xơ hỗ trợ hệ thống tiêu hóa hoạt động tốt, điều hòa nhu động ruột và ngăn ngừa táo bón.

- Trong dâu tây rất giàu vitamin C là chất có khả năng tăng cường miễn dịch đồng thời còn là một chất chống oxy hóa mạnh mẽ.

- Dâu tây chứa rất nhiều chất chống oxy hóa rất tốt cho tim.

- Dâu tây cũng có công dụng về mặt y học theo đông y, dâu tây có vị ngọt, chua, có tính mát, tác dụng bổ phổi, điều hòa chức năng của tiêu hóa, bồi bổ cơ thể, giải độc, tiêu đờm, bổ hư bổ huyết, bổ dạ dày, giảm mỡ, nhuận tràng,.... Lá dâu tây có thể sử dụng chế nước uống như nước trà, dùng để chữa trị các bệnh đi tiêu chảy, viêm gan, thận hay bàng quang. Rễ dâu tây sắc cho sôi có thể dùng chữa bệnh viêm bàng quang và tất cả trường hợp bị viêm đường tiểu.

Nguồn: Admin tổng hợp
Xem thêm chủ đề: Cây dâu tây
DMCA.com Protection Status