Bệnh thối ướt hành tây
1. Triệu chứng
Trong vườn ươm: bệnh xâm nhập qua rễ cây hành con sau khi gieo khoảng 10 - 15 ngày, hoặc xâm nhập qua vết thương ở cổ rễ, gốc. Vết bệnh đầu tiên trên rễ có dạng dầu trong, kéo dài theo rễ, thân giả làm cho cây con bị úa vàng, nếu nhổ cây con có hiện non bị chóc vỏ.
Cây bị héo, bóp nhẹ trên thân cây mềm nhũn có thể xuất hiện dịch nhầy vi khuẩn và có mùi. Cùng với các bệnh khác như thối cổ rễ do nấm Fusarium , và chết róc do ngập nước, bệnh thối củ gây ra hiện tượng chết rạp rất phổ biến trong vườn ươm vào đầu tháng 9 hàng năm, nhất là những năm có nhiều mưa bão.
Trên ruộng sản xuất và trên giàn bảo quản: bệnh xuất hiện khi cây hành bắt đầu hình thành củ sau trồng 45 - 50 ngày, vi khuẩn xâm nhập chủ yếu từ rễ lên củ và từ ngọn củ do các vết cắn phá của sâu khoang trên ruộng hoặc do gián, chuột gặm nhấm trên giàn bảo quản.
Vết bệnh ban đầu có dạng giọt dầu nằm trong mô củ hành, sau đó dài ra ăn sâu vào thịt củ và bẹ lá. Nếu bị sớm cây hành, lá hành vàng úa giống như ngập nước, cây còi cọc. Nếu cắt ngang củ sẽ thấy các vết thâm đen có đường đồng tâm theo thân giả, bóp nhẹ sẽ thấy các giọt dịch vi khuẩn màu kem. Nếu cắt dọc củ sẽ thấy vết bệnh xâm nhập vào nõn tạo ra các đường màu thâm đen chạy dọc mô củ. Mô củ thối rữa, mềm nhũn, lá héo, rễ thâm đen, nếu trời ẩm chỉ cần lay nhẹ cây có thể bị đổ gục và có mùi thối.
Hình ảnh: Cây hành tây bị bệnh thối ướt
2. Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh thối củ hành tây do vi khuẩn E.carotovora gây ra. Vi khuẩn hình gậy, có nhiều lông roi bao quanh, gram âm, háo khí, có khả năng phân giải gelatin, tạo NH3, không tạo bào tử. Vi khuẩn phát triển tốt trên môi trường PPSA.
Khuẩn lạc có màu trắng kem, rìa nhẵn. Vi khuẩn thuộc nhóm đa thực, phá hoại trên 50 loại cây trồng khoai tây, cải bắp, súp lơ, dưa, cà rốt, cà chua...
Các loài cây trong họ Alliaceae mức độ nhiễm bệnh rất khác nhau, nặng nhất là hành tây và hành củ, các giống khác như tỏi ta, kiệu, hành ta nhiễm nhẹ hơn, có thể do hàm lượng nước thấp hơn và hàm lượng fitonxit của nhóm này nhiều hơn.
Vi khuẩn phát triển được trong khoảng nhiệt độ 5 - 40°C.
3. Đặc điểm phát sinh phát triển bệnh
Nhiệt độ tối thích 22 - 28°C. Thời kỳ tiềm dục của bệnh từ 4 - 6 ngày.
Nguồn bệnh tồn tại chủ yếu trong củ và tàn dư lá bệnh, trong đất. Trong điều kiện khô hạn vi khuẩn có thể tồn tại đến 24 tháng.
Vi khuẩn E. carotovora rất mẫn cảm với lượng đạm tự do trong thân, củ hành tây. Vì vậy giai đoạn phát sinh chủ yếu của bệnh tập trung vào giai đoạn cây hành tây xuống dọc hình thành củ.
Trong điều kiện nóng ẩm, hành tây còn non bón nhiều đạm, khi thu hoạch và bảo quản củ vào tháng 4, 5, 6 và 7 thì bệnh phát sinh và phá hại nặng nề, gây tổn thất nghiêm trọng.
4. Biện pháp phòng trừ
- Trong giai đoạn vườn ươm: Cần gieo hạt đúng thời vụ, đất thoát nước, bón chủ yếu là phân chuồng hoai mục, hạn chế dùng phân đạm urê, sunfat. Bón vôi khử trùng đất với lượng 15- 20 kg/sào. Cần dùng cót hoặc vải trắng để che ánh nắng trực xạ trong vụ sớm và cắt rơm rạ nhỏ để tủ xuống.
-Trong giai đoạn ruộng sản xuất:
Chọn cây con khoẻ, không bị nhiễm bệnh, trồng đúng mật độ, khoảng cách là 10 - 15 x 25 -30 cm, chọn đúng tuổi cây : 30 - 45 ngày tuổi.
Bón phân để hạn chế bệnh là yếu tố quyết định để phòng chống, vì vậy nên bón theo công thức: 2,5 tấn phân chuồng + 600 kg lân + 60 kg kali + 150 kg urê/ha. Cách bón theo phương châm "nặng đầu nhẹ cuối". Bón lót tất cả phân chuồng, phân lân, phân kali và 3/4 lượng đạm urê. Lượng urê còn lại nên bón thúc lần 1 sau khi trồng 20 - 30 ngày.
Kịp thời phát hiện nhổ bỏ và dùng vôi bột xử lý những cây bị bệnh để tránh lây lan.
- Bệnh gỉ sắt trên cây sâm ngọc linh: Nguyên nhân, triệu chứng và giải pháp phòng ngừa (Puccinia)
- Bệnh gỉ sắt hại cây cà phê (Hemileia vastatrix Berk et Br)
- Bệnh rỉ sắt trên cây rau má (Puccinia parasitica)
- Bệnh đốm vòng hại hành lá (Alternaria porri)
- Biện pháp phòng trừ bệnh sương mai cho cây khoai môn
- Quản lý bệnh nứt thân xì mủ trên cây sầu riêng