Đốm nâu

Cây trồng bị hại: Cây lúa
Tên khoa học: Cercospora oyzae Myyake Sephaerulina oryzina Hara

Triệu chứng gây hại của bệnh đốm nâu

Vết bệnh là những chấm to nhỏ không đều nhau, xuất hiện nhiều ở cả 2 mặt của các lá - phần nửa cuối, theo từng đám khắp cả ruộng; ban đầu có màu nâu nhạt sau đó chuyển sang màu đậm hơn. Nhổ cây lúa lên quan sát thấy bộ rễ kém phát triển.

Những đám có nhiều vết bệnh và bị nặng thì cả phần lá đó sẽ bị cháy vàng, ảnh hưởng đến làm đòng - năng suất và chất lượng gạo sau này.

Cây mầm nhiễm bệnh dễ dàng quan sát thấy những vết nâu tròn, bầu dục trên lá mầm, làm biến dạng lá mầm. Bệnh còn làm cho rễ mầm biến màu và thối đen. Đa số cây mầm bị nhiễm bệnh nặng thường bị chết hoăc phát triển không bình thường.

Tác nhân gây hại của bệnh đốm nâu

Bệnh do nấm Bipolaris Oryzae, tồn tại chủ yếu từ hạt giống. Phát sinh gây hại trên giống (KM 18, Bắc thơm 7, Tám xoan Điện Biên), chân ruộng được đánh giá là xấu nghèo dinh dưỡng và không đậu nước.

Đặc điểm phát sinh, phát triển bệnh và lây lan của bệnh đốm nâu

Nguyên nhân do thời tiết có nhiều nắng nóng nhiệt cao, độ ẩm không khí cao thấp thất thường, cây lúa thường xuyên bị đói hoặc không được đáp ứng kịp thời các yếu tố dinh dưỡng và nước vì đặc điểm chân ruộng.

Biện pháp phòng trị bệnh đốm nâu

Cần thăm đồng thường xuyên để nhận diện và không nhầm lẫn với bệnh đạo ôn. Đồng thời tập trung chăm sóc và duy trì đầu tư nước tưới hợp lý từ 2 - 5cm, bón đủ và cân đối NPK theo đúng thời kỳ sinh trưởng phát triển để cây lúa khỏe mạnh và hạn chế sự phát sinh gây hại của nấm bệnh.

Khi ruộng có triệu chứng bị hại, cần phun thuốc TilSuper300EC. Một cốc TilSuper300EC pha đều trong bình 16 lít nước, phun cho 6 - 8 thước ruộng vào chiều mát không mưa. Phun 2 lần liên tục, lần 2 sau lần 1 từ 3 - 4 ngày.

Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam
DMCA.com Protection Status