Xây dựng vườn ươm giảo cổ lam

1. Khái niệm, ý nghĩa của vườn ươm

1.1. Vườn ươm là gì? 

- Vườn ươm là nơi sản xuất và bồi dưỡng cây con nhằm tạo cây giống có chất lượng tốt đáp ứng kế hoạch trồng cây và yêu cầu của thị trường.

1.2. Ý nghĩa của vườn ươm

- Là nơi cây con sinh trưởng đầu tiên và có tính chất quyết định đến chất lượng cây giống, do đó ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng cây trồng sau này.

- Cây giống thời gian đầu cây nhỏ yếu, nên gieo ươm ở vườn ươm để có điều kiện chăm sóc cây con sinh trưởng tốt, khi trồng sẽ có tỷ lệ sống cao, tiết kiệm được lao động, thời gian chăm sóc.

- Đối với cây có bộ rễ phát triển mạnh sẽ kích thích các rễ phụ phát triển nhiều hơn để tăng khả năng hút nước và hút chất dinh dưỡng trong đất, giúp cây sinh trưởng tốt.

2. Các loại vườn ươm cho cây giảo cổ lam

Căn cứ vào tính chất sản xuất, thời gian sử dụng, qui mô to nhỏ, nền đặt bầu, vườn ươm được phân loại như sau.

2.1. Căn cứ vào tính chất sản xuất chia ra

- Vườn ươm chuyên nghiệp là vườn ươm chỉ sản xuất một loài cây, phục vụ cho một mục đích kinh doanh.

Vườn ươm tổng hợp là vườn ươm sản xuất nhiều loại cây, đáp ứng được những mục đích trồng các loài cây khác nhau.

2.2. Căn cứ vào thời gian sử dụng

- Vườn ươm tạm thời còn gọi là vườn ươm di động, chỉ sử dụng trong một thời gian ngắn (thường từ 3 - 5 năm), nhằm phục vụ cho một khu vực, khi nhiệm vụ hoàn thành thì vườn ươm ngừng sản xuất.

Vườn ươm cố định còn gọi là vườn ươm lâu dài : thời gian sử dụng có thể hàng chục năm hoặc lâu hơn nữa. Mục đích để sản xuất cây con phục vụ cho những vùng rộng lớn.

2.3. Căn cứ vào quy mô sản xuất

- Vườn ươm loại nhỏ có diện tích dưới 3ha

- Vườn ươm loại trung bình có diện tích từ 3 - 20 ha

- Vườn ươm loại lớn có diện tích trên 20ha.

- Nước ta chưa có quy định cụ thể về diện tích của các loại vườn ươm. Phần lớn các loại vườn ươm lớn, cố định có thể đầu tư trang thiết bị tốt phục vụ cho việc tạo cây con chất lượng và sản lượng cao.

- Vườn ươm lớn chỉ thích hợp ở những vùng có địa hình bằng phẳng, giao thông thuận tiện. Ở những vùng đồi núi do địa hình thay đổi dẫn đến tiểu khí hậu đất đai khác nhau và giao thông cũng không thuận lợi thì vườn ươm nhỏ, tạm thời, gieo ươm tại chỗ là thích hợp nhất.

2.4. Căn cứ vào nền đặt bầu

- Vườn ươm nền cứng là nơi ươm cây trên nền xi măng, gạch xây thành bể và tưới thấm. Việc làm đất vườn ươm được thực hiện qua việc làm bầu rồi xếp bầu trên bể ươm cây. Hiện nay, khái niệm vườn ươm nền cứng được mở rộng, xếp bầu trên nền đất (không cày bừa) và tưới phun trên lá.

- Vườn ươm nền mềm là nơi ươm cây trên nền đất đã được làm đất kỹ rồi gieo hạt, ươm cây.

3. Loại vườn ươm thường được sử dụng trong các hộ gia đình hiện nay

3.1. Diện tích vườn

- Sử dụng vườn ươm loại nhỏ, có tính chất thời vụ, diện tích dưới 1ha.

3.2. Vị trí vườn

- Vườn ươm chỉ sử dụng trong một thời gian ngắn nhằm phục vụ nhu cầu cây giống cho gia đình hoặc một khu vực, khi nhiệm vụ và nhu cầu không còn thì vườn ươm ngừng sản xuất. Thường đặt vườn ươm trong vườn nhà, có thể tận dụng nền nhà chưa xây dựng…

Vườn ươm loại nhỏ hộ gia đình

Hình 1: Vườn ươm loại nhỏ hộ gia đình

3.3. Nền vườn ươm

- Sử dụng vườn ươm nền mềm, cây con hoặc bầu được ươm trực tiếp trên nền đất.

Vườn ươm nền mềm

Hình 2: Vườn ươm nền mềm

4. Chọn địa điểm lập vườn ươm thích hợp nhất

4.1. Điều kiện khí hậu

- Vườn ươm phải đặt ở nơi có điều kiện khí hậu phù hợp với yêu cầu sinh thái của các chủng loại cây cần nhân giống, tránh được các yếu tố thời tiết bất thuận như: giá rét, sương muối hoặc nhiệt độ quá cao.

4.2. Điều kiện đất đai thích hợp để ươm giảo cổ lam

- Khu đất xây dựng vườn ươm phải bằng phẳng, có độ dốc nhỏ hơn 50 và thoát nước tốt, đất nhẹ, tơi xốp, có hàm lượng dinh dưỡng cao.

- Chọn đất làm bầu ươm cây giống: Thành phần hỗn hợp ruột bầu thường có tỷ lệ: 70% đất phù sa + 30% phân chuồng hoai mục hoặc trấu hun + đất mặt phân chuồng tỷ lệ 1:1:1.

4.3. Nguồn nước tưới

- Có nguồn cung cấp đủ nước tưới tất cả các tháng trong năm, bảo đảm yêu cầu về chất lượng.

4.4. Vị trí vườn ươm giảo cổ lam

- Vườn ươm phải đặt ở nơi có vị trí thuận lợi về giao thông, thuận lợi cho việc vận chuyển và giới thiệu cây giống với người nông dân, gần nơi trồng đại trà để đỡ tốn công vận chuyển và hạn chế dập nát do vận chuyển và giảm tỷ lệ sâu bệnh hại.

Vị trí và địa điểm xây dựng vườn ươm tạm thời

Hình 3. Vị trí và địa điểm xây dựng vườn ươm tạm thời

5. Quy hoạch và xây dựng vườn ươm

5.1. Quy hoạch vườn ươm

- Quy hoạch vườn ươm là phân chia đất vườn ươm thành nhiều khu vực và đề xuất phương án sử dụng một cách hợp lý nhằm lợi dụng triệt để diện tích đất và các điều kiện khác của vườn.

- Đối với đất tại chỗ dùng để sản xuất cây con thì phải ưu tiên khu đất tốt để phân chia các khu gieo ươm.

- Khu gieo ươm được bố trí theo hình chữ nhật hoặc hình vuông để tạo luống cân đối, sản xuất thuận tiện.

Hệ thống luống ươm cây

Hình 4: Hệ thống luống ươm cây

5.2. Xây dựng vườn ươm giảo cổ lam

- Sau khi ta đã có được những quy hoạch tổng thể cho vườn ươm, công việc tiếp theo là ta bắt tay vào việc xây dựng vườn ươm. Nội dung của công việc xây dựng vườn ươm bao gồm:

5.2.1. Xây dựng hàng rào bảo vệ

- Công việc đầu tiên khi ta bắt tay vào xây dựng vườn ươm là việc làm hàng rào bảo vệ, tùy thuộc vào quy mô cũng như là mục đích sử dụng và điều kiện kinh tế mà ta có thể chọn lựa vật liệu làm hàng rào vườn ươm khác nhau: Đối với các vườn ươm chuyên dụng lớn người ta thường làm hàng rào bảo vệ bằng dây thép gai kiên cố, tuy nhiên đối với các vườn ươm thời vụ, vườn ươm cấp hộ gia đình thì ta có thể tận dụng các nguồn vật liệu có sẵn trong vùng như là tre, nứa...

- Để đảm bảo chắc chắn và lâu dài cho hàng rào bảo vệ tốt nhất ta trồng bổ sung các loài cây gai xung quanh hàng rào, làm “hàng rào xanh” như: cây mây, cọ, cọ dầu, găng,..

5.2.2.Xây dựng hệ thống đường đi lại

- Trong một vườn ươm nhất thiết cần phải có hệ thống đường đi lại đặc biệt là đối với các vườn ươm chuyên dụng. Trong vườn ươm cần có cả hệ thống đường đi chính và đường đi phụ, tùy thuộc vào quy mô vườn ươm rộng hay hẹp mà ta có thể bố trí nhiều hay ít hệ thống đường đi lại, hình dáng đường đi thẳng hay uốn lượn thì lại phụ thuộc vào địa hình cụ thể của vườn ươm.

5.2.3. Xây dựng hệ thống tưới tiêu

- Tùy thuộc vào điều kiện địa hình, quy mô vườn ươm và điều kiện kinh tế mà ta có thể xây dựng hệ thống tưới tiêu hiện đại hoặc chỉ dùng dây dẫn nước và dùng ô doa để tưới. điều kiện địa hình, quy mô vườn ươm và điều kiện kinh tế mà ta có thể xây dựng hệ thống tưới tiêu hiện đại hoặc chỉ dùng dây dẫn nước và dùng ô doa để tưới

5.2.4. Hệ thống luống gieo ươm

- Tùy thuộc vào địa hình cụ thể mà ta có thể làm luống gieo ươm theo đường thẳng hay đường cong, hoặc theo đường uốn lượn.

- Ta cần thiết kế luống gieo ươm phù hợp, nếu luống gieo ươm quá dài và quá rộng sẽ gây khó khăn trong việc gieo ươm và chăm sóc. Một luống gieo ươm dài từ 10-15m là phù hợp, rộng từ 0.8-1m.

Luống gieo ươm

Hình 5: Luống gieo ươm

- Đối với những nơi có địa hình dốc, nhất thiết chúng ta phải thiết kế hệ thống luống gieo ươm theo đương đồng mức để chống lại sự xói mòn đất cũng như tận dụng làm hệ thống tưới tiêu cho cho vườn ươm.

5.2.5. Hệ thống giàn che

- Đối với một số loài cây gieo ươm trong giai đoạn vườn ườm sẽ phải trải qua một giai đoạn cần được che bóng mới đảm bảo sinh trưởng phát triển tốt. Tùy thuộc vào loài cây kinh doanh, quy mô, điều kiên kinh tế... ta có thể thiết kế hệ thống giàn che kiên cố hay tạm thời. Đối với những vườn ươm chuyên dụng người ta thường sử dụng vật liệu che phủ bằng Polyme, còn đối với các vườn ươm hộ gia đình ta có thể tận dụng các nguồn nguyên liêu có sẵn như tre, nứa, lá cọ, lá móc...để làm giàn che.

5.2.6. Xây dựng khu giâm hom

Được chia thành các khu vực chính sau:

- Khu cây mẹ cung cấp hom càng gần khu giâm hom càng tốt

- Khu giâm hom: Lều giâm hom được xây dựng phải có hệ thống mái che mưa, điều chỉnh cường độ ánh sáng, có hệ thống lưới hoặc tường bao xung quanh, chủ động về nguồn nước tưới và có các thiết bị tưới ở dạng phun sương; trong lều giâm hom được chia thành các luống đất hoặc cát, có hệ thống đường đi lại và có hệ thống thoát nước.

- Khu huấn luyện cây hom trước khi đem trồng

5.2.7. Xây dựng khu nhân giống cây từ hạt

- Khu vườn cây giống cung cấp hạt

- Khu gieo hạt: Bố trí các luống gieo hạt

- Khu cấy cây: Luống bầu, luống đất để cấy cây. Cây giống được ươm trong túi bầu polyetylen hoặc các vật liệu làm bầu thích hợp khác. Đối với những loài cây dễ sống thì cây giống có thể được ươm trực tiếp trên các luống đất, luống cát để tạo cây con rễ trần.

- Khu ra ngôi, huấn luyện cây con: Là khu dùng để phân loại và áp dụng các biện pháp chăm sóc tối thiểu nhằm huấn luyện cho cây giống thích nghi dần với điều kiện nơi trồng để khi trồng đạt tỷ lệ sống cao.

Nguồn: Giáo trình Mô Đun trồng cây giảo cổ lam ( Bộ NN&PTNT)
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status