Trồng và chăm sóc vú sữa hoàng kim

Cây trồng liên quan: Cây vú sữa

Cây vú sữa hoàng kim du nhập vào nước ta khoảng vài năm trở lại đây. Nhưng đã trở thành loại cây ăn quả mang lại giá trị cao nhất hiện nay. Trồng 1 ha vú sữa hoàng kim có thể cho thu nhập từ 600-700 triệu đồng. Đây là mức thu nhập mà nhiều nhà vườn kỳ vọng. Vì vậy diện tích trồng mới vú sữa hoàng kim ngày càng được mở rộng. Tuy nhiên, là cây mới du nhập nên trồng và chăm sóc cần tuân theo những tiêu chuẩn nhất định để đảm bảo năng suất, chất lượng thì không phải nhà vườn nào cũng có đủ thông tin. Xuất phát từ nhu cầu thực tế, Cẩm nang cây trồng thực hiện bài viết nhằm cung cấp những thông tin cơ bản hỗ trợ nhà nông trong suốt quá trình canh tác cây vú sữa.

1. Vùng nào trồng được cây vú sữa hoàng kim

- Vú sữa hoàng kim có nguồn gốc từ Đài Loan. Nên cây phù hợp với khu vực có khí hậu nhiệt đới. Do vậy, vú sữa hoàng kim có thể trồng hầu hết các tỉnh ở nước ta.

- Hiện nay vú sữa hoàng kim được trồng phố biến ở các tỉnh Miền Nam như Tiền Giang, Hậu Giang, Lâm Đồng, Bình Phước, Đồng Tháp, ...

Kỹ thuật trồng cây vú sữa hoàng kim.

2. Cách chọn giống vú sữa hoàng kim

- Giống vú sữa hoàng kim chủ yếu được nhân giống từ phương pháp ghép. Cây con khi xuất vườn cần đảm bảo một số tiêu chuẩn như: Chiều cao mắt ghép từ 15-20 cm, đường kính gốc ghép đạt 1,5-2 cm, cây sinh trưởng khỏe mạnh, không nhiễm sâu bệnh hại.

- Tiêu chuẩn mắt ghép: Mắt ghép được lấy trên cành bánh tẻ, không có cành vượt, có tuổi cành từ 12-14 tháng tuổi, cành nằm ngang, da vừa hóa gỗ. Cây mẹ có năng suất, chất lượng ổn định, có độ tuổi từ 6-10 năm.

3. Thời vụ và mật độ trồng cây vú sữa hoàng kim

- Cây vú sữa hoàng kim có thể trồng quanh năm nếu đủ điều kiện nước và kỹ thuật chăm sóc. Thời vụ thích hợp nhất đối với các tỉnh phía Nam vào đầu hoặc cuối mùa mưa từ tháng 4-6 hoặc tháng 9-11 dương lịch. Các tỉnh phía Bắc trồng vào đầu mùa Xuân từ tháng 2-4 dương lịch.

- Mật độ trồng 1 ha từ 200-250 cây. Khoảng cách cây cách cây 6-8 m.

Cây vú sữa hoàng kim cho trái sau 3 năm.

4. Chuẩn bị đất trồng cây vú sữa hoàng kim

- Vườn trồng cần được thiết kế theo sơ đồ định sẵn sao cho tiện lợi trong việc chăm sóc và quản lý. Đào mương, lên liếp có chiều rộng từ 8-10 m, có thiết kế hệ thống bao, cống chủ động tưới tiêu. Giai đoạn mới trồng cần tiến hành trồng cây chắn gió trước 1 năm. Cây chắn gió cần thẳng góc hướng gió thổi để giảm tối đa tác động của gió tác động trực tiếp đến cây vú sữa hoàng kim 1-2 năm tuổi.

- Đất đắp ụ, mô cần lấy đất mặt, đất thịt, đất phù xa, được xử lý trước ít nhất 20 ngày trước khi trồng bằng vôi bột với lượng 1 kg/1 hố. Kích thước hố 60 x 60 x 60 cm.

- Phân bón lót được phối trộn với lớp đất mặt cho xuống đáy hố. Lượng phân bón lót tính trên 1 hố: 10-15 kg phân hữu cơ + 50 gram vi sinh vật đối kháng Trichoderma + 20 gram super kali + 0,3 kg super lân + 0,3 kg MAP.

5. Kỹ thuật trồng mới cây vú sữa hoàng kim

- Sau khi chuẩn bị hố trồng thì sau ít nhất 20 ngày tiến hành trồng cây. Nên tiến hành trồng vào buổi chiều, thời tiết khô ráo.

- Khi trồng tiến hành bóc bầu nilong tránh làm vỡ bầu, đứt rễ của cây giống. Giữa hố đào một hốc có kích thước tương đương bầu đất của cây giống. Đặt cây giống vào hốc rồi lấp đất bằng mặt bầu. Sau khi trồng xong tiến hành cắp cọc cố định cây con, rồi tiến hành tưới nước 1 lần/1 ngày. Tưới liên tục ít nhất 5-7 ngày sau trồng. Cây vú sữa hoàng kim có bộ rễ ăn nông nên sau khi trồng tiến hành tủ gốc giúp cây hạn chế thoát nước, bảo vệ bộ rễ. Khi cây bắt đầu ra lá mới thì chuyển sang giai đoạn bón phân thúc, chăm sóc cây giai đoạn kiến thiết cơ bản.

Xem thêm: Combo 05: Bộ nguyên liệu phối trộn sản phẩm T-FRUIT 01 (kích thích to trái) (có tặng kèm công thức).

6. Kỹ thuật chăm sóc cây vú sữa hoàng kim

- Chế độ nước tưới: Là cây ưa ẩm nhưng không chịu úng nên cần đảm bảo độ ẩm từ 60-65% trong suốt quá trình trồng. Trung bình ngày 2 ngày tưới 1 lần. Nếu thời tiết mưa không cần tưới, mưa to cần thoát nước nhanh tránh để cây bị úng nước.

- Cách bón phân định lượng 1 năm cho cây vú sữa hoàng kim:

+ Giai đoạn kiến thiết cơ bản (cây 1-5 năm tuổi): Bón định kỳ cho cây với khoảng cách là 3 tháng bón 1 lần. Lượng bón tưới gốc tính trên 1 cây: 20-30 gram amino axit +  10 gram axit fuvic + 1 kg DAP/ 20-30 lít nước.

+ Giai đoạn kinh doanh (cây trên 5 năm tuổi cho thu quả): Một năm chia 4 lần bón. Lần 1: Sau khi thu hoạch bón 10 kg vôi + 20-30 kg phân hữu cơ; Sau 5-7 ngày bón phân 1-2 kg NPK 20-20-20. Lần 2 bón khi quả bằng nút áo: 1-1,5 kg NPK 10-20-20. Lần 3 bón khi quả có đường kính 3-4 cm: 2-2,5 kg NPK 16:8:16; 20:15:20. Lần 4 bón trước khi thu quả 1 tháng: 1-2 kg NPK 15:15:15 + 1-1,5 kg Kaliclorua.  

+ Trong suốt quá trình sinh trưởng phát triển của cây có thể kết hợp phun bổ sung phân bón lá cho cây. Công thức phân bón lá tính cho 500 lít nước: 1 kg Amino axit + 500 gram bột rong biển + 50 gram Vi lượng combi 02 + 2 gram Antonik 98%.

- Kỹ thuật cắt tỉa, tạo hình: Khi cây từ 1-5 năm tuổi tiến hành cắt tả tạo tán tròn cho cây, không để cây cao quá 5 m. Cắt tỉa định kỳ 1 năm 2 lần, cắt trước khi mỗi đợt bón phân. Cắt các cành vượt, cành yếu, cành sâu bệnh bên trong tán cây nhằm tạo cho cây trồng thông thoáng, hạn chế sâu bệnh hại. Giai đoạn thu hoạch cần tiến hành cắt tỉa sau khi thu hoạch. Đối với cây hơn 10 năm tuổi có thể đốn đau trẻ hóa cây. Sau khi đốn đau cần lựa chọn các chồi mới để lại sao cho tạo tán cây tròn theo các hướng, không che khuất nhau. Các cành chồi mới sẽ cho thu hoạch sau 15-17 tháng tuổi.

Trồng vú sữa hoàng kim bao lâu thì cho trái

6. Phòng trừ sâu bệnh hại trên cây vú sữa hoàng kim

- Trong suốt quá trình canh tác luôn áp dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp. Khi các đối tượng sâu bệnh gây hại ưu tiên sử dụng các biện pháp canh tác, sinh học xử lý đầu tiên. Khi sâu bệnh hại gây hại quá 20% số lượng vườn thì tiến hành phun thuốc hóa học chứa các hoạt chất cho phép sử dụng.

- Một số đối tượng gây hại cần được lưu ý: Sâu đục quả, sâu ăn hoa, sâu đục cành, bệnh thán thư, bệnh đốm đen, bệnh bồ hóng, ...

7. Thời điểm thu hoạch, cách thu hái và bảo quản vú sữa hoàng kim

- Thời gian từ khi đậu quả đến thu hoạch kéo dài 180-200 ngày tùy vào giống và thời tiết trong năm. Cần thu hoạch khi trái chín sinh lý trên cây, tức là khi trái có kích thước và màu sắc quả theo đúng đặc trưng của giống.

- Khi thu hoạch cần cắt cả cuống và được bao trái bằng giấy xếp vào thùng, tránh bị trầy sước khi vận chuyển.

Nguồn: Admin tổng hợp - NO
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status