Phòng trị bệnh đốm vằn như thế nào cho có hiệu quả?
Lúa ở vùng tôi mấy năm gần đây bị bệnh đốm vằn gây hại khá nhiều, có ruộng bệnh gây thất thu đến vài chục phần trăm năng suất. Để phòng trị bệnh này chúng tôi đã dùng nhiều loại thuốc để phun xịt, nhưng kết quả cũng không cao. Xin cho biết để diệt trừ bệnh nên dùng biện pháp nào thì có hiệu quả hơn?
Vũ Văn Toàn và một vài bà con ở Trảng Bàng (Tây Ninh)
Trả lời: Cùng với đạo ôn, đốm vằn được coi là một trong vài bệnh nguy hiểm cho cây lúa ở các tỉnh phía Nam. Bệnh thường phát sinh, phát triển và gây hại nặng cho những ruộng lúa gieo sạ dầy, bón quá nhiều phân đạm... làm cho lúa tốt lốp, ruộng lúa bít bùng, tạo ẩm độ không khí trong ruộng cao, mặt khác cũng làm cho ây lúa yếu ớt, sức chống đỡ với bệnh kém làm cho bệnh phát sinh, phát triển mạnh hơn.
Bệnh đốm vằn hại lúa
Để hạn chế tác hại của bệnh, cần phải áp dụng nhiều biện pháp một cách hợp lý trong quy trình quản lý dịch hại tổng hợp ngay từ đầu vụ, chứ không thể áp dụng đơn lẻ một biện pháp nào được, đặc biệt là nếu cứ để đến khi bệnh phát sinh phát triển và gây hại nặng rồi mới đem thuốc ra xịt thì hiệu quả sẽ không cao, đấy là chưa kể có thể các bạn còn dùng sai loại thuốc thì tình trạng có khi còn tồi tệ hơn. Sau đây là một số biện pháp chính:
1. Vệ sinh đồng ruộng: Bệnh đốm vằn truyền lan từ vụ trước sang vụ sau thông qua nguồn bệnh nằm sẵn trong tàn dư của cây lúa bị bệnh ở vụ trước, trên những loại cây cỏ kí chủ phụ của bệnh ở trên ruộng và xung quanh bờ, từ những hạch nấm nằm sẵn trong đất uộng. Vì thế cần phải cắt đứt cầu nối của bệnh từ vụ trước truyền qua vụ sau bằng cách phải vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ, thu gom tàn dư rơm rạ, lúa chét của vụ trước, cỏ dại trên ruộng và xung quanh bờ ra khỏi ruộng hoặc chất đống đốt. Cày bừa kỹ để chôn vùi bớt hạch nấm trên ruộng.
2. Mật độ sạ cấy: Thực tế đồng ruộng cho thấy những ruộng gieo sạ quá dầy (nhất là lại được bón nhiều phân đạm) làm cho lúa tốt bít bùng thường là những ruộng bị bệnh gây hại nặng nhất. Vì thế để hạn chế bệnh các bạn nên gieo sạ với mật độ vừa phải, tùy theo tình hình đất đai, mùa vụ.... nên gieo sạ khoảng 100-150kg lúa giống cho một héc ta là vừa, nếu dùng máy sạ hàng thì lượng giống chỉ cần khoảng 70-80kg.
3. Phân bón: Không nên bón quá nhiều phân đạm, phải bón cân đối giữa đạm, lân và kali. Nên dựa vào kinh nghiệm thực tế hoặc dựa vào bảng so màu lá lúa mà bón cho phù hợp. Cố gắng tránh để cho cây lúa bị tốt lốp. Không được tập trung nhiều phân đạm để bón thúc đòng vào giai đoạn cuối đẻ nhánh tạo cho cây lúa tốt lốp vào giai đoạn sau đó dễ làm cho bệnh phát triển gây hại mạnh.
4. Điều tiết mực nước ruộng: sao cho phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa, đảm bảo cho cây lúa khỏe, có sức chống đỡ với bệnh. Nếu bệnh đang có chiều hướng phát triển thì phải rút cạn nước ruộng và phun thuốc phòng trừ bệnh kịp thời.
5. Dùng thuốc hóa học: Khi bệnh đã phát sinh và đang có chiều hướng phát triển mạnh thì phải dùng thuốc phun xịt ngay. Hiện nay thuốc hóa học để trừ bệnh cây có rất nhiều loại, nhưng không phải loại thuốc nào cũng có thể phòng trị được bệnh đốm vằn, vì thế nếu các bạn chưa biết một cách chắc chắn thì tốt nhất là trước khi mua nên tham khảo ý kiến của cán bộ bảo vệ thực vật, cán bộ khuyến nông ở địa phương hoặc người trực tiếp bán thuốc. Nếu không hỏi được các bạn có thể sử dụng một trong những loại thuốc như: Superin 20EC/40EC/80EC/50WP, Validacin 5SC, Vivadamy 3DD, Anvil 5SC, Tilt 250ND, Bonanza 100DD... về liều lượng và cách sử dụng các bạn có thể đọc hướng dẫn của nhà sản xuất có in trên nhãn thuốc. Khi xịt các bạn nhớ đưa vòi xịt xuống phần dưới của cây lúa để thuốc tiếp xúc với bệnh được tốt hơn.
- Hướng dẫn xử lý tuyến trùng trên cây ổi bằng phương pháp sinh học
- Kỹ thuật chăm sóc cây sầu riêng ra hoa đậu trái đạt hiệu quả cao
- Biện pháp khắc phục, hồi sinh cây cà phê bị ngộ độc phân bón
- Hướng dẫn ủ rác thải nhà bếp làm phân bón đơn giản tại nhà
- Giải pháp kích thích trái to và nâng cao năng suất trước khi bao trái xoài
- Hướng dẫn chăm sóc, bón phân và sử dụng hormone sinh trưởng cho cây hồ tiêu trong mùa khô