Một số tính chất của đất trồng có khả năng trồng ngô ở Việt Nam
1. Nhóm đất cát
Có 3 loại đất cát phổ biến ở Việt Nam: Đất cồn cát trắng và vàng (Cc); đất cồn cát đỏ (Cđ) và đất cát biển (C); hiện nay đất cát biển được sử dụng trồng ngô nhiều nhất. Đất cát biển có lớp mặt màu trắng hoặc trắng xám, nếu ở nơi cao thường có một tầng màu vàng hoặc loang lổ đỏ vàng, nhiều nơi có kết von, đất có thành phần cấp hạt thô, hàm lượng sét ít, nghèo dinh dưỡng, khả năng giữ nước và các chất dinh dưỡng thấp, hiện tượng rữa trôi và bốc hơi mạnh. Tuy vậy nhờ có mạch nước ngầm ở nông mà khả năng cung nước cho cây trồng khá bởi thế nên biết bố trí cây trồng hợp lý có thể cho năng suất cây trồng cao và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
2. Nhóm đất phù sa
Đất phù sa được hình thành do sản phẩm bồi đắp của các hệ thống sông, là nhóm đất chủ lực cho sản xuất lương thực và cây ngắn ngày khác, Nhóm đất phù sa được chia ra:
Đất phù sa hệ thống sông Hồng, đất phù sa hệ thống sông Cửu Long và đất phù sa hệ thống sông khác.
-
Đất phù sa hệ thống sông Hồng
Đất có màu nâu tươi, màu mỡ, thành phần cơ giới trung bình, pH từ trung tính đến hơi kiềm, độ no bazơ cao, hàm lượng N, P, K tổng số cũng như dễ tiêu cao, so với đất phù sa các hệ thống sông khác. Vì vậy, đây là loại đất lý tưởng cho nhiều loại cây trồng.
-
Đất phù sa hệ thống sông MêKông
Đất điển hình có màu nâu (gần giống màu phù sa sông Hồng), thành phần cơ giới từ trung bình đến nặng (thịt sét) và sự ửu Long (biến đổi theo chiều sâu phẫu diện cũng như trên toàn khu vực không rõ nét. Đất thường hơi chua, hàm lượng mùn đạm trung bình, lượng kali cao. Đây là loại đất phì nhiêu và rất thích hợp với nhiều loại cây trồng, đặc biệt là lúa và ngô.
-
Đất phù sa hệ thống sông khác
Bao gồm đất phù sa của các hệ thống sông khác như: Đất phù sa hệ thống sông Thái Bình, sông Mã, sông Chu, sông Lam, sông La, sông Kiến Giang, sông Hương, sông Vệ, sông Ba, sông Đồng Nai….Trừ đất phù sa sông Thái Bình và sông Ba, đất phù sa các sông khác có thành phần cơ giới nhẹ hơn so với phù sa hệ thống sông Hồng, đất phù sa hệ thống sông Cửu Long. Hàm lượng mùn, đạm, lân, kali tổng số cũng thấp hơn hai loại trên. Tuy nhiên, đất phù sa hệ thống sông khác đều thích hợp cho việc trồng cây lương thực.
3. Nhóm đất xám bạc màu
Đất bạc màu thường phân bố ở địa hình cao, thành phần cơ giới nhẹ rất thuận lợi cho quá trình rửa trôi và khoáng hóa. Do bị rửa trôi đất có hàm lượng mùn rất ít, nên đất có màu trắng, trắng xám, chua và nghèo các chất dinh dưỡng. Nhóm đất xám bạc màu có các loại: Đất xám bạc màu trên phù sa cổ, đất xám bạc màu glây trên phù sa cổ và đất xám bạc màu phát triển trên sản phẩm phong hóa của đá macma axit và đá cát.
-
Đất xám bạc màu trên phù sa cổ:
Được phân bố ở những thềm phù sa cũ cao chừng 15-20 m, địa hình bằng phẳng hoặc bậc thang, quanh năm không nghập nước. Thành phần cơ giới từ trên mặt xuống sâu đều nhẹ, thịt nhẹ, cát pha đến cát. Đất có độ phì tự nhiên không cao: hàm lượng các nguyên tố dinh dưỡng trong đất thấp đặc biệt là nguyên tố kali, chất hữu cơ đã nghèo lại có tốc độ khoáng hóa nhanh, dung tích hấp thu thấp, độ bão hòa bazơ thường nhỏ hơn 50% dẫn đến khả năng điều hòa dinh dưỡng rất hạn chế. Tuy đất có độ phì tự nhiên thấp, nhưng lại có độ phì nhiêu thực tế cao nếu biết áp dụng các tiến bộ kỹ thuật. Đất xám bạc màu có nhiều nhược điểm nhưng đất xám bạc màu vẫn là loại đất quý vì: có địa hình bằng phẳng không bị úng, đất thoát nước tốt, đở tốn công làm đất, có nguồn nước ngầm tốt lại ở nông nên có thể khai thác để tưới. Đất bạc màu rất thích hợp với hoa màu trồng cạn nhiều cây công nghiệp quý, cây ăn quả và đặc biệt là ngô.
-
Đất xám bạc màu glây trên phù sa cổ
Loại đất này có nguồn gốc phát sinh giống loại trên nhưng ở địa hình thấp hơn, thường ngập nước vào mùa mưa. Chế độ canh tác điển hình là một vụ lúa - một vụ màu. Lớp đất mặt thường là thịt nhẹ, màu xanh trắng. Tầng đế cày hơi chặt và bắt đầu có glây. So với đất xám bạc màu trên phù sa cổ, đất này có hàm lượng mùn cao hơn, các dưỡng chất cũng khá hơn.
- Đất xám bạc màu phát triển trên sản phẩm phong hóa của đá macma axit và đá cát: Đất chua, nghèo dinh dưỡng và dễ bị khô hạn. Ngoại trừ một ít đất có thể dùng sản xuất nông nghiệp ở vùng thềm thấp, còn ở địa hình cao hơn nên để phát triển lâm nghiệp.
4. Nhóm đất đen nhiệt đới
Là nhóm đất hình thành ở địa hình cao; đồng thời có hai quá trình chính xảy ra; quá trình tích lũy chất hữu cơ và quá trình tích lũy kiềm. Nhóm đất đen có các loại đất sau: Đất đen cacbonat, đất đen trên sản phẩm dốc tụ bazan và đất đen trên tuff bazan. Đất thích hợp cho những loại cây: ngô, đậu đỗ, mía và các loại cây ăn quả.
5. Nhóm đất đỏ vàng (Đất Feralit)
Là nhóm đất phân bố hầu khắp các tỉnh Trung du và miền núi của cả nước. Đây là nhóm đất chiếm diện tích lớn nhất của Việt Nam và đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội…Nhóm đất này có các loại sau: Đất nâu tím trên đá macma bazơ và trung tính, đất nâu đỏ trên đá macma bazơ và trung tính, đất nâu vàng trên đá macma bazơ và trung tính, đất đỏ nâu trên đá vôi, đất đỏ vàng trên đá sét và biến chất, đất vàng đỏ trên đá macma axit, đất vàng nhạt trên đá cát và đất nâu vàng trên phù sa cổ.
-
Đất nâu tím trên đá macma bazơ và trung tính
Loại đất này thường phân bố thành các vệt nhỏ xen kẽ với các loại đất nâu đỏ, được hình thành ở chân các dãi đồi thấp của đất nâu đỏ. Các tính chất của đất tương tự như đất nâu đỏ nhưng ít chua hơn và độ phì nhiêu tự nhiên khá hơn. Đất rất thích hợp cho các loại cây trồng như: Ngô, đậu đỗ, cây công nghiệp và cây ăn quả.
-
Đất nâu đỏ trên đá macma bazơ và trung tính
Đất nâu đỏ trên đá macma bazơ và trung tính (bao gồm các loại đá như: bazan, spilit, điabazơ, anđêzit, poocphyrit…). Phần lớn đất đã được đưa vào sử dụng để trồng cây công nghiệp hoặc trồng cây lương thực. Độ dốc phổ biến từ 3-150. Đất có tầng rất dày (có nơi > 10 m), phẫu diện khá đồng nhất, thành phần cơ giới nặng. Lượng nước hút ẩm khá cao, độ ẩm cây héo đối với ngô lớn. Độ ẩm hữu hiệu khá cao, song về mùa khô nhiều trường hợp độ ẩm của tầng mặt xuống dưới độ ẩm cây héo. Đất chua, trị số pH 4-4,5, hàm lượng mùn khá, lân tổng số giàu. Đất rất thích hợp cho cây ngô, tuy nhiên cần chú trọng các biện pháp giữ ẩm cho đất.
-
Đất nâu vàng trên đá macma bazơ và trung tính
Đất nâu vàng cũng có đầy đủ tính chất tốt như đất nâu đỏ, lại thêm đặc tính ẩm hơn và nằm trong khí hậu ẩm hơn. Cũng giống như đất nâu đỏ, đất nâu vàng có thể trồng được nhiều loại: cây lương thực, cây công nghiệp, ăn quả…
-
Đất đỏ nâu trên đá vôi
Đất đỏ nâu trên đá vôi rất phổ biến ở miền Bắc Việt Nam. Đất có các chất dinh dưỡng khá, thành phần cấp hạt từ trung bình đến nặng, thích hợp với nhiều loại cây lương thực và cây công nghiệp trong đó có cây ngô. Khi sử dụng chúng ta cần chú ý nhất là giữ ẩm cho đất và chống xói mòn.
-
Đất đỏ vàng trên đá sét và biến chất
Đất đỏ vàng phân bố hầu hết ở các tỉnh Trung du và miền núi của cả ba miền đất nước. Đất được hình thành trên các loại đá sét và đá biến chất nơi có địa hình đồi thoải ít dốc, đất thường có độ dày trung bình khoảng 0,6-1,2m, phân tầng rõ, kém tơi xốp hơn đất đỏ bazan. Đất rất chua pH 4-4,5, thành phần cơ giới nặng, tỷ lệ mùn biến động lớn, tầng mùn nói chung không dày, lân tổng số và dễ tiêu đều nghèo, kali trung bình.
-
Đất vàng đỏ trên đá macma axit
Do phân bố ở địa hình dốc và nằm trên đá mẹ axit nên tầng đất mỏng, độ dày thường dưới 1m. Thành phần cơ giới nhẹ, do bị rữa trôi nên tầng mặt nhẹ hơn tầng sâu. Đất chua pH xung quanh 4, đạm rất nghèo, lân tầng mặt rất nghèo, các chất dinh dưỡng dễ tiêu cũng nghèo. Đất dễ bị thoái hóa.
-
Đất vàng nhạt trên đá cát
Đất vàng nhạt trên đá cát, dăm kết, cuội kết; thường có tầng đất mỏng < 1m do đá mẹ khó phong hóa. Thành phần cơ giới là cát pha cho đến cát. Đất rửa trôi mạnh nên chua và nghèo các chất dinh dưỡng kể cả tổng số và dễ tiêu; nghèo mùn. Đất rất khô hạn, thường bị xói mòn mạnh. Đây là loại đất rất xấu lại phân bố trên địa hình dốc, dễ bị xói mòn.
-
Đất nâu vàng trên phù sa cổ
Phân bố ở rìa đồng bằng, tại đây có những dải đất hẹp-đất phù sa cổ-mà tính chất đã thay đổi hẳn khiến cho ta phải xếp chúng vào nhóm đất đỏ vàng. Địa hình cao hơn hẳn đồng bằng (khoảng 25-30m) và dạng đồi lượn sóng. Đất này tuy nghèo dinh dưỡng, nhiều kết von đá ong, song khá thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp do: dày; tơi xốp (nếu đá ong ở sâu); khá bằng phẳng; có nguồn nước hoặc gần nguồn nước; gần đồng bằng.
Sản xuất ngô trên nhóm đất đỏ vàng cần chú ý các biện pháp chống xói mòn như: trồng băng phân xanh ngang dốc; trồng xen; trồng gối. Các kết quả nghiên cứu đã xác định các công thức trồng xen; trồng gối tốt sau đây:
- Ngô xen đậu nho nhe, đậu tương, đậu xanh.
- Đậu tương gối ngô hoặc lúa cạn gối ngô.
- Ngô gối vừng thu
- Ngô - lạc thu (Tây nguyên)
Bên cạnh đó, chúng ta còn phải sử dụng các biện pháp như: phủ gốc giữ ẩm; giữ ẩm cho cây trồng bằng các biện pháp canh tác hợp lý. Tăng cường bón: phân hữu cơ (phân xanh, phân chuồng), phân hóa học, vôi…
-
Đất mặn và ảnh hưởng của đất mặn đến sự phát triển của cây trồng
Chúng ta biết rằng, biển và đại dương chiếm khoảng 75% bề mặt hành tinh chúng ta, 25% mặt đất bị mặn, còn 1/3 đất canh tác được được tưới nước...
-
Lựa chọn đất trồng cây bông vải
Quan sát và xác định các đặc điểm cơ bản của thực vật, địa hình, nguồn nước và màu sắc trên vùng đất chuẩn bị trồng bông vải, so sánh và lựa chọn được đất thích ứng với trồng Bông vải...
-
Lựa chọn đất trồng, vệ sinh đồng ruộng, xử lý đất trồng vải, nhãn
Đánh giá lựa chọn đất trồng vải, nhãn; Khảo sát, lựa chọn đất trồng vải, nhãn; Thực hành lựa chọn đất trồng cây vải, nhãn; Vệ sinh đồng ruộng, xử lý đất trồng vải, nhãn...
- Hướng dẫn xử lý tuyến trùng trên cây ổi bằng phương pháp sinh học
- Kỹ thuật chăm sóc cây sầu riêng ra hoa đậu trái đạt hiệu quả cao
- Biện pháp khắc phục, hồi sinh cây cà phê bị ngộ độc phân bón
- Hướng dẫn ủ rác thải nhà bếp làm phân bón đơn giản tại nhà
- Giải pháp kích thích trái to và nâng cao năng suất trước khi bao trái xoài
- Hướng dẫn chăm sóc, bón phân và sử dụng hormone sinh trưởng cho cây hồ tiêu trong mùa khô