Kỹ thuật nhân giống cây sả bằng phương pháp tách chồi
1. Ưu, nhược điểm của phương pháp tách chồi.
1.1. Ưu điểm.
- Không yêu cầu kỹ thuật cao, do đó bà con nông dân có thể tự nhân giống được mà không cần phải mua giống.
- Không yêu cầu đầu tư lớn cho sản xuất giống so với phương pháp hiện đại hơn (ví dụ phương pháp nuôi cấy mô).
1.2. Nhược điểm.
- Dễ lây bệnh từ nguồn cây mẹ sang cây con.
- Tốn diện tích để nhân giống.
- Mất thời gian, công sức để nuôi cây mẹ.
2. Xây dựng vườn cung cấp giống.
2.1. Chọn địa điểm và xác định diện tích đất làm vườn cung cấp giống
Địa điểm làm vườn cung cấp giống nên thỏa mãn các điều kiện sau:
- Gần nguồn nước tưới.
- Gần khu vực trồng sả thương phẩm.
- Đất dễ thoát nước, không bị ngập nước và đất bồi trong mùa mưa.
- Đất bằng phẳng.
- Đất tốt, tơi xốp, có hàm lượng mùn cao.
Trong thực tế sản xuất, rất khó khi chọn địa điểm làm vườn ươm có thể thỏa mãn tất cả các điều kiện trên. Vì vậy tùy theo điều kiện cụ thể từng nơi mà chọn những điều kiện thích hợp nhất để bố trí cho phù hợp.
2.2. Chọn giống:
Ở nước ta có tới 9 loài sả khác nhau, nhưng hiện nay chỉ có một số giống thuộc một số loài được đưa vào sản xuất.
a. Giống sả chanh (cỏ sả).
- Đặc điểm hình thái: Cao khoảng 1,5m, sống lâu năm, mọc thành bụi, phân nhánh nhiều. Thân rễ trắng hoặc hơi tía. Lá dài tới 1m, hẹp, mép hơi ráp, bẹ trắng, rộng. Khi bóc vỏ có mùi hương của chanh.
Giống cỏ chanh (cỏ sả)
- Hàm lượng và chất lượng tinh dầu:
+ Năng suất tinh dầu: Năm đầu có thể đạt 75kg/ha, những năm sau tăng dần và có thể đạt 200kg/ha.
+ Sả chanh có hàm lượng tinh dầu 0,25 - 0,30%, kém hơn nhiều loại sả khác đang trồng ở Việt Nam như sả Java (hay sả xòe, sả đỏ), sả hồng (hay sả rộng). Tinh dầu sả bao gồm hai thành phần chủ yếu là citral (65 - 85%) và geraniol.
b. Giống sả Java (sả đỏ, sả xoè).
- Đặc điểm hình thái: Cây thân thảo sống dai, mọc thành bụi, có thân mọc thẳng, cao 0,8 - 1,5m. Lá phẳng, hình dải, rất dài, có mép sắc. Chuỳ hoa gồm nhiều chùm mọc đứng.
- Năng suất, hàm lượng và chất lượng tinh dầu:
+ Năng suất năm đầu là là 100kg tinh dầu trên 1 hecta, năm thứ 2, thứ 3 cao hơn.
+ Hàm lượng tinh dầu trong lá tươi thay đổi theo mùa vụ và và chế độ chăm sóc. Vào mùa khô là 0,6 - 1,2 %, mùa mưa là 0,3 - 0,5%, thậm chí có thể đạt đến 1,8%, vào mùa khô và 0,75% vào mùa mưa.
Giống Sả Java (Sả đỏ, sả xòe)
+ Tinh dầu sả Java là chất lỏng màu vàng nhạt, có mùi thơm, thành phần chính là 40 - 60% citronellal và 20 - 40% geraniol - hai thành phần quan trọng dùng để sản xuất nhiều loại thảo dược và mỹ phẩm.
- Khu vực phân bố: Đa số các tài liệu nghiên cứu đều khẳng định rằng, giống sả Java (còn có tên sả xoè, sả đỏ), có nguồn ở Nam Ấn độ và Sri Lanka, đã được nhập vào Indonesia và trồng ở Java trên diện tích lớn từ cuối thế kỷ XIX. Ở Việt Nam, Sả Java được nhập vào trồng từ những năm 1960 - 1963 ở các huyện Chiêm Hoá, Hàm Yên (Tuyên Quang), Đồng Giao (Ninh Bình), Thạch Hà (Hà Tĩnh). Từ sau năm 1975, Sả Java còn được trồng nhiều ở một số địa phương thuộc Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ.
Tiêu chí lựa chọn giống sả để thu hoạch lấy tinh dầu là phải có năng suất và tỷ lệ tinh dầu trong lá cao. Đây là một tiêu chí rất quan trọng. Vì vậy, khi chọn giống sả để làm vườn cung cấp giống cần đặc biệt chú ý tới vấn đề này.
2.3. Trồng, chăm sóc vườn sả giống:
Quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc tương tự như trồng sả thương phẩm (xem bài 2, bài 3). Tuy nhiên cần chú ý một số vấn đề sau:
- Ruộng giống cần chọn đất tốt, cày bừa kỹ hơn.
- Tăng lượng phân thêm 25% so với ruộng sả thương phẩm.
- Chuẩn bị diện tích giống phù hợp và kịp thời để đón thời vụ trồng: Một hecta sả giống có thể đủ cung cấp cho 7 - 8 hecta.
3. Thu hoạch sả giống.
3.1. Thời vụ thu hoạch.
Sả giống sau khi trồng phải đủ 12 tháng tuổi, không bị sâu bệnh. Ngoài ra, thời vụ thu hoạch sả giống có đặc điểm khác biệt so với thu hoạch sả thương phẩm là còn phụ thuộc vào thời vụ trồng sả thương phẩm. Vì vậy, căn cứ vào các tiêu chí trên mà người trồng sả có kế hoạch thu sả giống cho phù hợp.
3.2. Trình tự các bước thu hoạch.
a. Chuẩn bị.
- Các dụng cụ:
+ Bộ quang gánh hoặc phương tiện vận chuyển khác.
+ Dao, đòn kê, ghế....
- Bảo hộ lao động: Găng tay, giày, mũ....
Thu hoạch sả giống
b. Trình tự tiến hành.
- Bước 1: Cuốc gốc sả. Dùng cuốc để cuốc bật toàn bộ gốc sả lên khỏi mặt đất. Lưu ý, không làm xây xước gốc sả giống.
- Bước 2: Tách và chọn nhánh sả. Dùng tay nhẹ nhàng tách nhánh sả ra khỏi cụm sả. Khi tách cần lưu ý: Cầm nhánh sả sát phía dưới của gốc (gần rễ). Cầm như vậy sẽ dễ tách hơn, đồng thời không làm tổn thương đến nhánh sả. Hom sả đủ tiêu chuẩn trồng là những hom mập, cứng, đốt ngắn, tươi, không bị sâu bệnh, không bị dập nát, có chiều dài đủ tiêu chuẩn, vị trí cắt hom phù hợp Sau đó xếp các nhánh đã được chọn thành hàng để thuận tiện cho việc bóc bẹ và lá khô.
- Bước 3: Bóc bẹ và lá khô. Dùng tay bóc toàn bộ những bẹ khô, lá khô dính trên nhánh sả. Chú ý, không bóc những bẹ vẫn còn xanh vì sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng của nhánh sả khi trồng. Sau đó xếp các nhánh đã tách thành hàng.
- Bước 4: Cắt hom sả Kê nhánh sả lên đòn kê để cắt. Cách cắt hom sả:
+ Cắt gốc sả: Cắt cách gốc bẹ cuối cùng khoảng 1cm.
+ Cắt ngọn sả: Chiều dài hom sả khoảng 20 - 30cm.
Mục đích của cắt hom sả là tạo ra nhánh sả có kích thước thích hợp nhất cho quá trình trồng, sinh trưởng và phát triển của cay, đồng thời giảm bớt sự thoát hơi nước cho nhánh sả. Lưu ý, khi cắt hom không làm dập nát hom.
- Bước 5: Xếp hom sả Sau khi chặt hom xong, xếp hom thành hàng gọn gàng, các hom cùng chiều để thuận tiện cho vận chuyển và xử lý hom giống. Chú ý: Cần phải có kế hoạch trồng trước khi thu hoạch sả giống. Nếu chưa trồng hết ngay, cần xếp toàn bộ gốc sả quay xuống đất, bảo quản ở nơi thoáng mát và tưới đẫm nước.
Để đảm bảo tỷ lệ sống cao và tạo điều kiện cho nhánh sả phát triển thuận lợi trên ruộng sau khi trồng, trước khi trồng, nên hồ rễ cho nhánh sả. Cách tạo dung dịch hồ rễ: Trộn 4 phần phân chuồng hoai mục + 5 phần nước bùn + 1 phần supe lân rồi khuấy đều.
Lưu ý: Bùn phải ướt để đảm bảo dung dịch hồ bám trên tất cả các nhánh và bám đều.
Cách hồ rễ: Ngâm phần gốc sả ngập 1÷1,5 cm vào dung dịch trong 3 giờ.
Sau khi hồ rễ, có thể đem trồng ngay hoặc bảo quản bằng cách dựng đứng các hom giống thành từng hàng, dài 5 ÷ 10m trên nền đất tơi xốp và tưới đẫm nước. Sau bảo quản 5 ÷ 7 ngày, rễ bắt đầu nhú trắng thì đem trồng là tốt nhất.
-
Tìm hiểu về giá trị của cây sả
Cây sả có mùi thơm, vị the, cay. Vì vậy, từ lâu nó đã được sử dụng để làm gia vị trong các món ăn hàng ngày ở nhiều nước trên thế giới. Sả được dùng như trà ở các nước châu Phi và các nước Mỹ Latinh...
-
Tìm hiểu về đặc điểm thực vật học của cây sả
Sả là loài cây hoà thảo nhưng bộ rễ có khả năng hút nước tốt hơn một số loài hoà thảo khác. Vì vậy, cây sả có khả năng chịu hạn khá tốt...
-
Yêu cầu về điều kiện sinh thái của cây sả
Sả phát triển rất tốt ở những khu vực có ánh sáng dồi dào và độ ẩm cao (70% trở lên), nhiệt độ dao động từ 20 - 38oC, lượng mưa 2000 - 3000mm/năm...
- Bí quyết giữ hoa không rụng trong điều kiện nắng nóng
- Hướng dẫn xử lý tuyến trùng trên cây ổi bằng phương pháp sinh học
- Kỹ thuật chăm sóc cây sầu riêng ra hoa đậu trái đạt hiệu quả cao
- Biện pháp khắc phục, hồi sinh cây cà phê bị ngộ độc phân bón
- Hướng dẫn ủ rác thải nhà bếp làm phân bón đơn giản tại nhà
- Giải pháp kích thích trái to và nâng cao năng suất trước khi bao trái xoài