Kỹ thuật canh tác nhãn tiêu da bò thời kỳ xử lý ra hoa

Cây trồng liên quan: Cây nhãn
Bệnh hại liên quan: Chổi rồng hại nhãn

Cây nhãn da bò giai đoạn ra hoa

Cây nhãn tiêu da bò trong những năm gần đây bị bệnh chổi rồng tấn công và trở thành dịch bệnh nguy hiểm. Đa số các nhà vườn đốn bỏ thay thế các cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Tuy nhiên, số vườn nhãn tiêu da bò còn lại hiện nay nếu xử lý tốt đúng kỹ thuật có thể vẫn cho ra hoa với tỷ lệ từ 70 – 90%. Qua bài viết xin cung cấp một số kỹ thuật canh tác nhãn tiêu da bò trong thời kỳ xử lý ra hoa nhằm nâng cao tỷ lệ ra hoa, đậu quả, nâng cao hiệu quả kinh tế như sau:

1. Giai đoạn cây nhãn da bò trước khi xử lý ra hoa

- Khi chồi chuẩn bị để xử lý ra hoa vừa nhú khoảng 1 cm (tùy vào sự sinh trưởng của cây mà quyết định xử lý ra  ở chồi đợt 2 hoặc đợt 3): Tiến hành phun các loại thuốc phòng trừ nhện và phun kép 2 lần cách nhau 7 ngày để quản lý tốt đợt chồi, đảm bảo chồi không bị nhiễm bệnh chổi rồng.

- Song song với việc phòng trừ nhện gây bệnh chổi rồng thì cần bón phân cho cây. Bổ sung phân bón kết hợp cả phân bón qua lá và phân bón gốc, loại phân bón trong giai đoạn này lưu ý chọn các loại phân bón cho hàm lượng lân cao để tăng khả năng phân hóa mầm hoa giúp cây ra hoa mạnh hơn.

* Lưu ý kỹ thuật phun thuốc xử lý nhện

- Nên lựa chọn những loại thuốc đặc trị nhện, ít độc, thuốc sinh học và luân phiên các loại thuốc có hoạt chất khác nhau để giảm tính kháng thuốc của nhện.

- Kỹ thuật phun tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng trong phun thuốc bảo vệ thực vật.

- Nên dùng vòi phun với cần phun dài phun đều trên tán cây, đảm bảo thuốc tiếp xúc được với nhện ở hai mặt lá.

2. Kỹ thuật xử lý ra hoa trên cây nhãn tiêu da bò

- Khi chồi chuẩn bị xử lý ra hoa chuyển sang màu xanh lá lụa (lá non có màu xanh đọt chuối): Tiến hành xử lý thuốc kích thích ra hoa bằng thuốc KClO3 (Cholorat kali) với liều lượng khuyến cáo theo nhà sản xuất. Sau khi xử lý thuốc xong cần tưới nước liên tục 3 ngày để hóa chất có thể tan hoàn toàn.

Cây nhãn da bò có lá màu xanh dọt chuối chuẩn bị để xử lý ra hoa

- Khoảng 7 - 10 ngày sau khi tưới thuốc kích thích ra hoa thì tiến hành khoanh cành từ 5 – 10 mm, chú ý mỗi cây nên để lại 1 – 2 nhánh thở, kết hợp với việc siết nước.

- Sau khoảng 25 – 30 ngày sau khi khoanh cành thì hoa bắt đầu nhú.

3. Kỹ thuật chăm sóc giai đoạn cây nhãn tiêu da bò ra hoa

- Khi hoa nhãn bắt đầu nhú, cần thường xuyên thăm vườn để phát hiện thời điểm hoa nhú sớm nhất (2- 3 cm) và tiến hành việc phun thuốc ngừa nhện lông nhung, tránh tình trạng phun thuốc trừ nhện muộn khi hoa đã nhú dài, khi đó nhện đã tấn công phá hại hoa gây nên chổi rồng trên hoa. Tiến hành phun kép 2 lần hoặc 3 lần (tùy theo tình trạnh bệnh gây hại trên vườn nhãn) để đảm bảo phát hoa không bị nhện gây hại.

- Bên cạnh đó tiến hành đưa nước trở lại liên tục 3 – 5 ngày (ngày đầu tưới ít và tăng dần lên, do giai đoạn trước đang siết nước nên tưới từ từ, tránh tình trạng gây sốc nước cho cây) và bón phân cho cây bằng các loại phân có đầy đủ NPK để cung cấp dinh dưỡng cho cây khỏe, phát hoa được dài và mập hơn.

Xem thêm < Kali Hydro Photphat (MKP) Phân bón lá cao cấp >

- Quá trình phun thuốc trừ nhện có thể kết hợp với phân bón lá trung, vi lượng chứa Boron để tăng khả năng thụ phấn cho cây, đặc biệt là khi cây trổ hoa vào những tháng có mưa nhiều.

- Lưu ý khi cây bắt đầu ra hoa thì ngừng phun thuốc hóa học và bón phân vì sẽ ảnh hưởng đến khả năng thụ phấn cũng như tỷ lệ đậu quả của cây nhãn.

4. Chăm sóc cây nhãn tiêu da bò sau khi trổ hoa

- Khi đậu quả được một tháng (hoặc đường kính quả 0,3 – 0,5 cm) thì tiến hành bón phân nuôi quả và phun ngừa các loại sâu đục cuống quả. Trên cây nhãn tiêu da bò thì bệnh hại không đáng ngại, xuất hiện với tỷ lệ thấp có thể không cần phun xịt.

Phát hoa phát triển tốt sau một thời gian khoanh cành mặc dù cây nhãn có nhiễm bệnh chổi rồng

* Một số hoạt chất phun trừ nhện và sâu đục cuống quả gây hại trên cây nhãn tiêu da bò

- Trừ nhện có thể sử dụng một số hoạt chất sau: Pyridaben (Alfamite 15EC), Diafenthiuron (Pegasus), Sulfur (Kumulus), Fenpyroximate (Ortus 5SC), Propargite (Comite), Emamectin Benzoate + Matrin (Rholam Super).

- Trừ sâu đục cuống trái có thể sử dụng một số hoạt chất sau: Abamectin (Brightin 4.0 EC), Emamectin benzoate (Dylan 2EC, Tung mectin 5.0), Cartap (Padan 95SP).

Nguồn: Admin tổng hợp - NO
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status