Diệt trừ ốc bưu vàng như thế nào cho hiệu quả???
Để hạn chế ốc bươu vàng chúng tôi thường kết hợp việc làm cỏ, tỉa dăm lúa với việc bắt thu gom ốc khá kỹ, thế nhưng ốc vẫn phát triển nhiều. Xin cho biết có cách nào để tiêu diệt ốc một cách triệt để? Thu gom trứng ốc bưu vàng có phải là biện pháp hữu hiệu để diệt trừ ốc bưu vàng???Biện pháp nào là biện pháp hữu hiệu để diệt ốc bưu vàng??? Hàng loạt những câu hỏi xoay quanh vấn đề phòng trừ ốc bưu vàng.
* Chúng tôi xin phép trả lời như sau:
Trước hết xin khẳng định với các bạn một điều rằng không thể có một biện pháp đơn độc nào mà có thể tiêu diệt được một cách triệt để ốc bươu vàng trên diện rộng (có chăng chỉ có thể làm được ở một số ít ruộng nếu bạn dùng thuốc với liều lượng cao, nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn ốc từ nơi khác cũng sẽ lây lan tới). Ngay cả khi bạn đã áp dụng nhiều biện pháp trong quy trình quản lý dịch hại tổng hợp với ốc bươu vàng cũng chỉ hy vọng hạn chế được mật số và mức tác hại của ốc đến mức thấp nhất mà thôi, chứ làm sao hy vọng tiêu diệt chúng một cách triệt để được.
Để hạn chế tác hại của ốc các bạn có thể áp dụng kết hợp một số biện pháp sau đây:
- Thu gom ốc và ổ trứng:
Để hạn chế số lượng ốc ở đầu vụ, các bạn nên tổ chức đi thu gom ốc và ổ trứng trên đồng ruộng, xung quanh các ao hồ, kênh rạch công cộng... trước khi gieo sạ lúa.
Để hạn chế ốc bươu vàng, chúng tôi đã huy động nhân lực bắt bằng tay, nhưng hiệu quả không tương xứng với công sức bỏ ra. Nghe nói thu gom trứng sẽ tốt hơn là bắt ốc bằng tay có đúng không? Nếu đúng xin chỉ dẫn cách làm sao cho thu được kết quả cao nhất?
+ Muốn hạn chế tác hại của ốc bươu vàng (OBV), các bạn phải áp dụng nhiều biện pháp một cách hợp lý trong quy trình quản lý tổng hợp OBV chứ không thể chỉ áp dụng một biện pháp bắt ốc bằng tay hoặc thu gom trứng ốc được. Tuy nhiên trong các biện pháp thì việc thu gom trứng ốc là một biện pháp diệt ốc một cách chủ động và cho hiệu quả cao hơn là đi nhặt từng con ốc một.
+ OBV là một con vật đẻ nhiều và rất “mắn đẻ”, một con ốc cái mỗi lần có thể đẻ được đến 500 trứng, trứng lại được đẻ thành từng ổ khoảng 25 quả trở lên (thường từ 100-200 trứng/1 ổ), sau khi đẻ khoảng 1-2 tuần là trứng có thể nở thành ốc con, và sau khi nở khoảng 70-100 ngày thì những con ốc con này lại có thể đẻ trứng như mẹ của nó, mà mỗi con ốc có thể sống được khoảng 2-3 năm, vì thế từ một con ốc mẹ ban đầu lượng trứng của chúng đẻ ra sẽ rất nhiều.
+ Sau khi nở ốc con có vỏ rất mềm, rớt xuống nước và trôi nổi lập lờ trên mặt nước, khi ốc con đã rớt xuống nước thì việc thu gom chúng sẽ hết sức khó khăn và tốn nhiều công sức tiền của.
+ Mặc dù vậy nhưng có một số điều đặc biệt là dù sinh sống ở dưới nước nhưng khi đẻ bao giờ ốc mẹ cũng phải bò lên khỏi mặt nước bám vào các giá thể như thân cây lúa, cây cỏ, cây cọc, bờ tường... cách mặt nước vài tấc để đẻ trứng. trứng của ốc lại được đẻ tập trung thành từng ổ và có màu hồng đậm (sau khi đẻ) và hồng lợt (lúc sắp nở), nên rất dễ nhìn thấy bằng mắt thường. Qua các chiến dịch ra quân đi thu gom ốc và trứng ốc cho thấy việc đi tìm và thu gom một ổ trứng dễ hơn rất nhiều so với việc đi tìm và thu gom vài trăm con ốc do một ổ trứng nở ra khi chúng đã rớt xuống nước và phát tán đi khắp các ao, hồ, kênh, rạch, hay ruộng lúa. Vì thế biện pháp thu gom ổ trứng ốc thường mang lại hiệu quả phòng ngừa và hiệu quả kinh tế rất cao so với những biện pháp khác. Do vậy muốn thu được kết quả cao trong công tác phòng trừ OBV các bạn nên áp dụng triệt để biện pháp này.
+ Để dễ thu gom và thu được nhiều ổ trứng thì ngoài việc đi tìm và thu gom những ổ trứng được ốc đẻ trong tự nhiên ở ven các ao, hồ, kênh, rạch, bờ ruộng lúa, trên cây lúa, cây cỏ trong ruộng... các bạn có thể dùng cây, que, cọng dừa, thân cây khoai mì, thân cây bắp... cắm ở những chỗ có nhiều ốc tập trung như trong các mương vườn, quanh các ao, hồ, đìa, rãnh, những chỗ trũng trong ruộng... để làm giá thể “dụ” cho ốc mẹ leo lên đẻ trứng vào những giá thể đó, rồi định kỳ vài ngày một lần đi thu gom ổ trứng đem tiêu hủy.
+ Ở những chỗ ngập sâu không thể lội bộ xuống thu gom trứng được các bạn có thể dùng xuồng để tiếp cận. Để thu được kết quả cao thì việc thu gom trứng phải được tiến hành đồng loạt trên diện rộng và đặc biệt là phải được tiến hành thường xuyên năm, bẩy ngày một lần trước khi trứng kịp nở ra ốc con rớt xuống nước phát tán đi nơi khác. Nếu làm tốt công tác thu gom ổ trứng, kết hợp với những biện pháp khác mà các bạn vẫn thường làm như bắt ốc bằng tay, đào rãnh trên ruộng để “dụ” ốc xuống rồi bắt, dùng lưới che chắn các đường nước không cho ốc xâm nhập vào ruộng lúa, thả vịt vào ruộng để vịt ăn ốc, dùng thuốc hóa học để diệt ốc... thì chắc chắn các bạn sẽ hạn chế được đến mức thấp nhất thiệt hại OBV gây ra
- Đào rãnh thu gom ốc:
Trước khi sạ cấy, các bạn nên đào các rãnh nhỏ xung quanh ruộng và những chỗ có nhiều nước trong ruộng để khi nước rút ốc sẽ tập trung vào những đường rãnh này (ảnh 14), việc thu bắt chúng sẽ dễ dàng và đỡ tốn kém hơn.
- Dùng lưới chắn ốc:
Nên dùng lưới nilon có lỗ nhỏ che chắn kỹ những chỗ có đường nước chảy tự nhiên từ ngoài kênh vào ruộng hoặc những chỗ nhong bơm nước vào ruộng để ngăn chặn ốc từ kênh mương vào ruộng lúa.
- Thả vịt vào ruộng ăn ốc:
Trước khi xuống giống nếu có điều kiện các bạn thả vịt vào ruộng để vịt ăn những con ốc nhỏ mà trong lúc đi thu gom chúng ta đã bỏ sót. Khi cây lúa đã lớn nên thả vịt vào ruộng để vịt ăn ốc và một số loại sâu hại thường tập trung ở phần gốc của cây lúa.
- Tăng mật độ xạ cấy:
Trước khi xạ nếu ruộng có nhiều ốc thì các bạn phải tăng lượng giống gieo xạ lên từ 5-10% so với những ruộng bình thường khác để trừ hao cây ốc ăn mất sau này. Nếu ruộng cấy thì nên cấy mạ hơi già một chút và cấy nhiều tép.
- Giữ mực nước ruộng phù hợp:
Khi cây lúa còn nhỏ dễ bị ốc gây hại, các bạn chỉ nên để mực nước ruộng sâu khoảng 2-3 phân để hạn chế bớt sự di chuyển của ốc sang nơi khác.
- Thu gom ốc và trứng ốc thường xuyên:
Trong quá trình chăm sóc lúa, nếu thấy có ốc và ổ trứng thì thu gom ngay. Việc này các bạn nên làm thường xuyên để tạo thành thói quen.
- Cắm cọc nhử ốc đến đẻ trứng:
Dùng cây, que cắm ở những chỗ có nhiều ốc tập trung “dụ” cho ốc leo lên đẻ rồi thu gom trứng để tiêu hủy, kết hợp với việc thường xuyên thu gom trứng trên bờ cỏ và trên thân cây lúa (định kỳ khoảng 5-7 ngày/1 lần) trước khi trứng kịp nở ra ốc con rơi xuống nước phát tán đi.
- Dùng thuốc diệt ốc:
Những ruộng đang bị ốc gây hại nhiều, các bạn có thể sử dụng một trong những loại thuốc như: Golfatoc 150WP, Golfatoc 150G với lượng 2kg/một công ruộng (1.000m2) hoặc Deadline bullets với lượng: 1-1,2kg cho một công ruộng, trộn với cát rồi rải trên ruộng, để tiết kiệm thuốc và giảm bớt ô nhiễm môi trường các bạn chỉ nên rải thuốc vào những chỗ có nhiều ốc.
-
Dùng xơ mít gom ốc bươu vàng, xơ mít + nhựa cây trúc đào để diệt ốc
Người Malaysia đã khám phá ra cách diệt ốc bươu vàng bằng vỏ xơ mít chín tẩm bả độc... HS Việt Nam phát hiện ra phương pháp diệt ốc bằng xơ mít và nhựa cây trúc đào...
- Sử dụng phân bón và chất dưỡng trái cho cây hồ tiêu giai đoạn nuôi trái
- Hướng dẫn chi tiết cách ủ phân chuồng bằng humic hiệu quả
- Bí quyết giữ hoa không rụng trong điều kiện nắng nóng
- Hướng dẫn xử lý tuyến trùng trên cây ổi bằng phương pháp sinh học
- Kỹ thuật chăm sóc cây sầu riêng ra hoa đậu trái đạt hiệu quả cao
- Biện pháp khắc phục, hồi sinh cây cà phê bị ngộ độc phân bón